Tuesday, September 11, 2018

CHÚNG TA ĐANG SỐNG TRONG THẾ GIỚI NÀO? (Phạm Phú Khải)




Phạm Phú Khải
11/09/2018

Sắc đẹp, phải chăng, là do cặp mắt của người nhìn, như có người từng nói!

Còn quan điểm của mỗi người về thế giới mình đang sống là từ đâu ra, tạo hóa/bản chất hay giáo hóa/dưỡng dục (nature or nurture)? Và nó được định hình bởi yếu tố nào: kinh nghiệm sống, kiến thức, niềm tin (tôn giáo hay nhân bản) v.v…?

Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Và không rõ có thể có trả lời nào thỏa đáng không!

Một ly nước nửa đầy hay một ly nước nửa vơi? Tùy theo cái nhìn lạc/bi quan, tích/tiêu cực cũng như não trạng của mỗi người. Trong cùng một người mà có khi mỗi vấn đề và mỗi thời điểm cũng có thể khác nhau.

Người lạc quan, như cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, vào năm 2016 cho rằng nếu có cơ hội được chọn thời điểm sinh ra làm người, ông sẽ chọn thời điểm này. Không phải 50 năm trước, không phải 50 năm nữa, mà ngay thời điểm này. Tuy ghi nhận có lắm thử thách lớn lao của thời đại, ông khẳng định chưa có thời đại nào trong lịch sử nhân loại được hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ nhất như bây giờ [1].

Trái ngược với Obama, ứng viên Cộng Hòa Donald Trump cũng ngay vào lúc đó chỉ nhìn thấy một Hoa Kỳ hoàn toàn thua và thiệt, vì các vấn đề về di dân, thương mại, thuế, đạo Hồi, ngoại giao v.v… Trump đổ lỗi cho những chính sách thất bại của chính quyền Obama và trước đây, làm cho nước Mỹ trở nên bi đát như vậy, do đó khẩu hiệu “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” nghe lọt lỗ tai không ít người.

Chủ đề của tạp chí Foreign Affairs số tháng 7/8 vừa qua có trình bày sáu bài, với bao quan điểm khác nhau, khi nhìn về thế giới chúng ta đang sống [2]. Thế giới hiện thực, cấp tiến, bộ lạc, Mác xít, kỹ thuật và hâm nóng nhìn vấn đề gần khác nhau hoàn toàn đưa đến cách kết luận vấn đề cũng hoàn toàn khác nhau.

Thế giới hiện thực (realist world)

Thế giới hiện thực nhìn nhận quyền lực và nhà nước quyết định tất cả.

Giáo sư lịch sử và bang giao quốc tế Stephen Kotkin cho rằng mỗi bá chủ thiên hạ (hegemon) cứ cho mình là cuối cùng, không còn ai khác nữa; nhưng thực tế thì mọi quốc gia đều trổi lên, chìm xuống, và cạnh tranh nhau mãi, và tiến trình đó đã quyết định số phận của thế giới [3]. Thời bây giờ cũng thế, chính trị cạnh tranh quyền lực ở tầm lớn sẽ tác động lên các sự kiện lớn, và kết quả cạnh tranh sẽ được quyết định bởi sức mạnh của các bên: từ nhân lực và tài lực cho đến khả năng quản trị quốc gia và hiệu quả của chính sách đối ngoại.

Theo Kotkin thì thế kỷ này phần lớn sẽ được quyết định bởi Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc quản lý nguồn lực và quan hệ của họ. Nhiều người tự thuyết phục rằng sự hội nhập toàn cầu chủ yếu là về kinh tế và các quan điểm tương đồng, và là tiến trình không thể tránh được. Chỉ có vài người, chẳng hạn như Samuel Huntington, chỉ ra rằng văn hóa là quan trọng hơn, và sự hội nhập chỉ làm nổi bật thêm sự khác biệt hơn là hòa tan nó, trong hay ngoài nước. Năm 2004, Huntington nhận xét giới tinh hoa Hoa Kỳ và công chúng có một khoảng cách khác biệt lớn về bản sắc dân tộc và vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới; phần lớn giới tinh hoa ngày càng tách xa đất nước của họ, trong khi công chúng Hoa Kỳ thì lại vỡ mộng về chính quyền của mình. Ngược giòng lịch sử, từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, không giống như các nước Âu châu và Nhật Bản, Hoa Kỳ dành rất ít thời gian để áp đặt nền cai trị thuộc địa trực tiếp đối với các nước khác. Hoa Kỳ, thay vào đó, chọn phát huy quyền lợi của mình với các đồng minh tự nguyện, các định chế đa phương và tự do thương mại. Sự chọn lựa đó đến từ ý thức tư lợi (enlightened self-interest) hơn là lòng vị tha, và được yểm trợ bởi sức mạnh quân sự áp đảo. Khác với trường phái chủ nghĩa cấp tiến, Kotkin không nhìn nhận những định chế đa phương và các tiến trình của hệ thống hậu chiến là “trật tự quốc tế cấp tiến”, cái mà ông cho là cái nhìn ảo huyền của một số người, chứ thật ra nó là cơ chế để Hoa Kỳ tổ chức và phát triển vòng ảnh hưởng lớn lao của mình.

Kotkin nhận định độc tài thì hùng mạnh nhưng lại dễ bể, trong khi dân chủ thì dễ động lòng nhưng bền vững. Trung Quốc đang vươn lên trên nhiều mặt, với nền kinh tế khổng lồ và phóng chiếu sức mạnh của mình, cứng cũng như mềm, ở mọi hướng. Vấn đề chính hiện nay là liệu sự mở rộng vòng ảnh hưởng của Trung Quốc có đưa đến sự thay đổi trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ đang lãnh đạo không? Và câu hỏi thực tế cần đặt ra là trên con đường như thế, liệu Trung Quốc sẽ dẫm nát một số quốc gia trên chặng đường đó vì nó có thể, và Hoa Kỳ phải chia sẻ lãnh đạo toàn cầu với Trung Quốc vì nó không có sự chọn lựa nào khác? Trong vị thế Hoa Kỳ, nếu chọn chiến lược chuyển tiếp từ hoạt động mạnh mẽ toàn cầu trên mọi mặt (như các chính sách trước đây) sang một số hoạt động chọn lọc chỉ để phục vụ quyền lợi quốc gia, thì sẽ được hoan nghênh trong nước, mặc dầu các chính trị gia và chuyên gia sẽ phản kháng.

Theo Kotkin, để các đấu sĩ ngày nay không bị mất đầu như các thế hệ trước của họ, bốn điều cần xảy ra trước sự biến đổi khôn lường của cuộc cách mạng công nghệ bốn. Một, các nhà làm chính sách Tây phương phải tìm ra những phương thức để đại đa số người dân của họ được hưởng lợi và ủng hộ cho một thế giới mở rộng và hội nhập. Hai, các nhà làm chính sách Trung Quốc phải bảo đảm sự trổi dậy của họ là hòa bình, bằng thỏa hiệp, hơn là cưỡng ép các quốc gia bên ngoài. Ba, Hoa Kỳ cần phải duy trì vị thế cân bằng chính xác giữa răn đe và đảm bảo mạnh mẽ đối với Trung Quốc, và tìm cách ổn định các vấn đề nội địa. Bốn, sau cùng, phép màu nhiệm cần đến đối với Đài Loan (vì theo Kotkin thì dù muốn hay không Đài Loan vẫn mang giá trị chiến lược trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc).

Thế giới cấp tiến (liberal world)

Thế giới cấp tiến nhìn nhận quy luật, tương thuộc và hợp tác quyết định tất cả.

Theo giáo sư G. John Ikenberry và Daniel Deudney thì hệ thống và trật tự quốc tế tự do sẽ tiếp tục tồn tại, mặc dầu sức mạnh tương xứng của Hoa Kỳ đã gia giảm [4]. Các thế lực đen tối, từ chủ nghĩa phi tự do, độc tài, dân tộc, bảo hộ, vòng ảnh hưởng, chủ nghĩa xét lại lãnh thổ đã không những biến mất mà còn trở lại gây ảnh hưởng. Trung Quốc và Nga đã làm tiêu tan mọi hy vọng chuyển hóa sang dân chủ, trong khi Hoa Kỳ và Anh, hai bảo hộ của trật tự quốc tế cấp tiến lại tự chọn thái độ tự huỷ. Tuy nhiên hai ông tin rằng chủ nghĩa cấp tiến trong đó nền dân chủ cấp tiến như là một hệ thống chính quyền, và nền trật tự cấp tiến như là một khung sườn định hình chính trị quốc tế, sẽ tiếp tục ngự trị. Lý do, theo hai ông, vì tính cách tương thuộc (interdependence). Khi sự tương thuộc về kinh tế, an ninh và môi trường càng gia tăng thì người dân và chính phủ khắp nơi sẽ phải làm việc với nhau để giải quyết vấn đề, nếu không tất cả sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Hai giáo sư biện luận không có gì chắc chắn để bảo đảm rằng lịch sử sẽ kết thúc với sự chiến thắng của chủ nghĩa cấp tiến, nhưng điều chắc chắn là một trật tự thế giới lương thiện sẽ mang tính cấp tiến. Một thế giới mà có nhiều quốc gia tư bản có nền dân chủ cấp tiến sẽ hòa bình, thịnh vượng và tôn trọng nhân quyền. Những người cấp tiến hay bị phê bình là có những giả định quá lạc quan, lý tưởng, ngay cả không tưởng, về tiến trình lịch sử nhân loại. Trên thực tế tinh thần lạc quan của họ có điều kiện, họ công nhận có những thỏa hiệp bi thảm (không tránh được), và họ cũng để ý đến những khả năng có thể dẫn đến thảm họa ở tầng lớn. Giống như người hiện thực, người cấp tiến cũng ghi nhận rằng bản chất con người thường muốn có quyền lực, và do đó người cấp tiến vận động cho sự ràng buộc của hiến pháp và pháp luật. Nhưng khác với người hiện thực nhìn lịch sử như là sự lập đi lập lại, người cấp tiến là kẻ kế thừa gia sản của thời đại Khai sáng, của sự sáng tạo khoa học kỹ thuật, cái mà đưa đến bao nhiêu khả năng tiến bộ cũng như thảm hoạ cho nhân loại.

Chủ nghĩa cấp tiến chủ yếu là thực dụng. Người cấp tiến hiện đại ủng hộ các chính quyền dân chủ, hệ thống kinh tế dựa trên thị trường, và các định chế quốc tế không phải vì lý tưởng mà vì sự sắp xếp như thế sẽ phục vụ tốt hơn cho nhân loại, hơn tất cả những giải pháp khác. Chủ nghĩa cấp tiến cũng có khả năng thích ứng thực dụng và có thiên hướng đưa đến những sáng tạo định chế (institutional innovations) mang tính sống còn đối với các thử thách đang hiện ra, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chiến tranh mạng và kỹ thuật di truyền.

Trên hết, chủ nghĩa cấp tiến có sức quyến rủ toàn cầu và vĩnh viễn bởi vì nó cam kết đối với nhân phẩm và tự do cá nhân. Nó soi sáng ý tưởng khoan dung, điều mà chắc chắn cần thiết trong một thế giới càng tương tác và đa dạng. Mặc dầu chủ thuyết này đến từ Tây phương, các giá trị của nó đã trở thành phổ quát, và những nhà vô địch ủng hộ nó bao gồm Mahatma Gandhi, Mikhail Gorbachev và Nelson Mandela. Mặu dầu chủ nghĩa đế quốc, nô lệ và kỳ thị chủng tộc đã làm xấu đi lịch sử Tây phương, chủ nghĩa cấp tiến đi đầu các nỗ lực, vừa hòa bình vừa chiến đấu, để cải tổ và chấm dứt các hành xử trên. Đến mức độ mà vòng cung lịch sử đã hướng đến công lý, đó là do những hoạt động và cam kết đạo đức của người cấp tiến và những liên minh của họ.

Hai giáo sư phân tích nguyên nhân đưa đến sự suy thoái của dân chủ và sự trồi dậy của chủ nghĩa dân túy trong thời gian qua. Lý do phần lớn là do sự bất bình đẳng kinh tế quá lớn, nhưng giải pháp cho các vấn đề này là sự cần thiết quay trở lại nền dân chủ cấp tiến. Chẳng hạn như áp dụng các chính sách dân chủ xã hội thể hiện trong New Deal, thông qua các luật thuế tiến bộ, và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và cơ sở hạ tầng. Nói cách khác, giải pháp cho các vấn đề của dân chủ cấp tiến là dân chủ cấp tiến nhiều hơn. Tóm lại, hai giáo sư kết luận chủ nghĩa cấp tiến, tự bản chất, có những hạt giống để cứu lấy chính nó.

Hai giáo sư cho rằng sau Thế Chiến II, các nền dân chủ cấp tiến đã hợp tác để tạo ra một trật tự mà phản ảnh quyền lợi chung của họ. Sau hơn bảy thập niên, mặt dầu có những điểm bất toàn của nó, nó đã bám rễ quá sâu, trong đó hàng trăm triệu người, nếu không phải là tỷ người, đã có những hoạt động và mong đợi nhắm vào các định chế và khuyến khích của trật tự này, cho nên không dễ gì thay đổi nó. Nếu nghĩ rằng một vài năm theo xu hướng mị dân thì quốc gia sẽ đột ngột thay đổi chủ nghĩa cấp tiến là điều không tưởng. Các xã hội tư bản dân chủ cấp tiến đã phát đạt và mở mang vì nó rất giỏi trong việc kích thích và vận dụng sáng tạo nhưng đồng thời giải quyết các ảnh hưởng quá đà của chính nó hay các yếu tố tiêu cực ngoại cuộc.

Hai giáo sư đã đi sâu phân tích các yếu tố lịch sử và hiện tại để biện minh chủ nghĩa cấp tiến sẽ trường tồn. Tính năng động của sự thay đổi liên tục và tính tương thuộc gia tăng đang ngày càng tăng tốc độ, từ vấn đề môi trường, vũ khí sinh học, chiến tranh mạng, đã làm cho mọi quốc gia phải dựa vào các quy định quốc tế để duy trì nền an ninh của mình, và chủ nghĩa tư bản toàn cầu phải dựa vào khả năng quản trị tài chánh và thương mại quốc tế. Ngay cả Trump mặc dầu có những lời nói và hành động trái ngược với xu hướng cấp tiến, trên thực tế vẫn tiếp tục nhiều chính sách của các vị tiền nhiệm; còn trong các vấn đề khác thì các quốc gia trong trật tự cấp tiến này đã nhận lãnh vai trò này, không cần đến Trump hay lãnh đạo từ Oval Office. Trong thời đại thương thuộc toàn cầu, ngay cả người hiện thực cũng phải là một người quốc tế (internationalist).

Tóm lại, nền dân chủ cấp tiến đã tồn tại và phát triển khi phải đối diện với bao thử thách lớn lao hơn, từ Đại Khủng khoảng đến Trục Quyền (Đức Ý Nhật) đến phong trào cộng sản quốc tế. Do đó có mọi lý do để tin là nó sẽ vượt qua thử thách kỳ này. Nhưng trên hết, sự lạc quan về chủ nghĩa cấp tiến dựa trên một sự thật đơn giản: các giải pháp của những vấn đề hôm nay là càng dân chủ và càng trật tự cấp tiến. Tương thuộc và hợp tác là đặc tính của nền chính trị thế giới. Qua tiến trình lịch sử, tiến hóa, khủng hoảng và thay đổi huyên náo là điều bình thường, và chủ nghĩa cấp tiến rất giỏi về mặt cưỡi trên các bão táp xáo trộn của chuyển động lịch sử. Theo hai giáo sư nhận định thì các chế độ phi tự do sẽ bị chôn vùi trong thời nguy biến trong khi chủ nghĩa cấp tiến sẽ chậm rãi tiến về phía trước.

Thế giới bộ lạc (tribal world)

Thế giới bộ lạc nhìn nhận bản sắc và chủng tộc quyết định tất cả.

Giáo sư luật Amy Chua cho rằng người Mỹ, giới phân tích cũng như các nhà làm chính sách của họ, không quan tâm hoặc không ghi nhận tầm trong trọng của chủ nghĩa bộ lạc trong chính trị quốc tế [5]. Họ chỉ chú tâm đến vai trò của ý thức hệ và kinh tế và có khuynh hướng nhìn nhà nước-quốc gia (nation-states) như là thành phần tổ chức quan trọng nhất. Làm như thế họ đánh giá không đúng về vai trò mà đặc tính của nhóm (group) đã ảnh hưởng đến cách hành xử của con người như thế nào. Họ bỏ qua dữ kiện quan trọng rằng tại nhiều nơi, bản sắc vẫn mang tầm quan trọng nhất - nơi mà người ta sẽ sẵn sàng sống chết vì nó - không phải là vấn đề quốc gia mà là chủng tộc, vùng, tôn giáo, giáo phái hoặc gia tộc, bộ lạc. Không nhìn thấy sức mạnh của bộ lạc sẽ ảnh hưởng không chỉ đến cách người Mỹ nhìn thế giới mà còn cách họ hiểu về chính xã hội của họ.

Chua trích dẫn cuộc nghiên cứu gần đây của đội nghiên cứu tâm lý đối với các em bé 4 tới 6 tuổi, chia thành hai đội đỏ và xanh. Các em bé nam và nữ này thể hiện một trí nhớ lệch lạc có hệ thống, chỉ nhớ những điều tích cực về nhóm của mình nhưng tiêu cực đối với nhóm khác. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự nhận thức của trẻ em đối với các bạn khác là méo mó sâu rộng chỉ vì là thành viên của một nhóm xã hội. Các cuộc nghiên cứu khác đối với trẻ em - thành phần được cho là ngây thơ, không bị nhiều thành kiến cũng như thành thật hơn - đưa đến những kết luận rằng khi thấy nhóm của mình thành tựu thì nó làm cho trung tâm tưởng thưởng (reward centres) của bộ não con người được kích thích; ngay cả khi nhóm khác bị thất bại hay đau đớn thì cũng phản ứng như thế; và sự đồng cảm với người cùng nhóm, hay sự ác cảm đối với người khác nhóm, nhất là khi các nhóm đó đã từng thù nghịch hay không thích nhau từ lâu, đã tác động lên trẻ em ngay từ nhỏ.

Chua biện luận rằng bản sắc nhiều khi mang tính quyết định hơn ý thức hệ. Trường hợp điển hình là Chiến tranh Việt Nam. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã đánh giá quá thấp về việc người Việt trong cả hai miền Nam và Bắc muốn được độc lập dân tộc, so với sự cam kết đối với ý thức hệ Mác. Trong khi đó, Hà Nội chấp nhận sự ủng hộ về kinh tế và quân sự từ Trung Quốc, là đồng minh tiện lợi lúc đó, nhưng mỗi đứa bé Việt Nam từ nhỏ đã học lịch sử rằng cha ông của họ đã chiến đấu và đã chết để giải phóng đất nước của họ từ sự đô hộ ngàn năm của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 111 trước Công nguyên. Cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979 càng chứng tỏ bản sắc quyết định hơn ý thức hệ cộng sản. Tuy nhiên lãnh đạo Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam không cân nhắc yếu tố này trong chính sách của mình.

Chua cũng đưa trường hợp của Afghanistan ra làm thí dụ cho thấy Hoa Kỳ cũng quên tầm quan trọng của bản sắc chủng tộc. Sau sự kiện 11 tháng 9, Hoa Kỳ đưa quân vào Afghanistan để tiêu diệt al Qaeda và lật để chế độ Taliban. Afghanistan là quốc gia có mối quan hệ phức tạp giữa các sắc tộc và bộ lạc. Hơn 200 năm, Pashtuns là sắc tộc lớn nhất chiếm vị thế áp đảo tại đây. Taliban không chỉ là một phong trào Hồi Giáo mà còn là phong trào chủng tộc. Pashtuns thành lập và chiếm đa số Taliban. Sau khi lật đổ Taliban năm 2001 chỉ trong vòng 75 ngày, Hoa Kỳ thành lập chính phủ đứng đầu là Hamid Karzai, người gốc Pashtuns, nhưng phần lớn các bộ chính trong chính phủ này đều là người gốc Tajiks. Người Pashtuns nghĩ họ bị gạt ra ngoài lề, cho nên mặc dầu nhiều người Pashtuns cũng thù ghét Taliban, ít ai trong họ sẵn sàng ủng hộ một chính phủ mà đặt quyền lợi của kẻ thù truyền kiếp của họ lên trên chính họ. 17 năm sau khi Hoa Kỳ xâm chiếm nước này, một cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ, Taliban vẫn chiếm một phần lớn lãnh thổ của Afghanistan. Bây giờ tuy các giới khoa bảng và các nhà làm chính sách hiểu những phức tạp về chủng tộc tại Afghanistan, sự nhận thức này hơi trễ và cũng chưa mang lại ý nghĩa nhiều đối với chính sách tại đây.

Một trường hợp khác nữa là chiến tranh Iraq. Các kiến trúc gia và những người ủng hộ cuộc chiến Iraq không cân nhắc các yếu tố đã chia rẽ sâu sắc giữa các hệ phái theo Shiites, Sunnis và Kurds tại Iraq, tầm quan trọng chính yếu về sự trung thành đối với bộ lạc và gia tộc trong xã hội Iraq. Bởi vì họ quên một điều cụ thể “sự hiện hữu của một thiểu số áp đảo thị trường (market – dominant minority)”. Sunnis đã áp đảo nền chính trị của Iraq nhiều thế kỷ, đầu tiên dưới sự cai trị của Ottoman, và đặc biệt dưới thời Saddam Hussain. Trước khi Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq, khoảng 15 phần trăm dân số Iraq là người Ả Rập Sunni thống trị nền kinh tế, chính trị và quân sự của nước này, trong khi phái Shiites chiếm đa số ở thành thị và nông thôn. Thay vì mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Iraq, nền dân chủ non trẻ đã dẫn đến chiến tranh giáo phái, đưa đến sự hình thành nên cái gọi là Nhà nước Hồi Giáo IS/ISIS, một phong trào cực đoan phái Sunni nhằm tiêu diệt phái Shiite, những người bỏ đạo và cả người Tây phương vô đạo. Nhờ chính sách thay đổi 180 độ về sự quan tâm của quân lực Hoa Kỳ kể từ năm 2007 để họ được giáo dục hơn về các động lực phức tạp về giáo phái và sắc tộc tại quốc gia này nên đã mang lại những thành công đáng kể, kể cả sự gia giảm về bạo lực giữa các giáo phái và nạn nhân của quân đội Hoa Kỳ và Iraq.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ, một quốc gia được xem là dân chủ cấp tiến và phần lớn không hiểu các suy nghĩ và hành xử kiểu hậu bộ lạc (post tribalism), nay cũng không còn miễn nhiễm nữa. Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, người Mỹ da trắng đã gần như bị mất vị thế chiếm đa số tại quốc gia này. Cuộc nghiên cứu năm 2011 cho thấy hơn một nửa người Mỹ da trắng tin rằng “người da trắng thay thế người da đen thành nạn nhân chính của sự kỳ thị”. Khi các nhóm cảm thấy bị đe doạ, họ dễ trở thành phòng thủ hơn, hẹp hòi hơn và khoác áo chủ nghĩa bộ lạc hơn (ta với địch). Nó cũng đưa đến sự căng thẳng giữa da trắng với da đen, Thiên Chúa Giáo, Da Thái và Hồi Giáo, cấp tiến và bảo thủ v.v…

Nhưng có một nguyên nhân khác dẫn đến căn bệnh chủ nghĩa bộ lạc tại Hoa Kỳ ngày nay. Lịch sử Hoa Kỳ trước đến nay không có chuyện “một thiểu số áp đảo thị trường”. Phần lớn đất nước này do đa số người da trắng tương đối thống nhất nhau ảnh hưởng một cách áp đảo về kinh tế, chính trị và văn hóa. Nhưng giờ đây, sự thịnh vượng của Hoa Kỳ tập trung vào một thiểu số nhỏ sống dọc các bờ biển, và họ chiếm phần lớn Wall Street, truyền thông và Thung lũng Silicon (Valley). Tuy họ không phụ thuộc vào bất kỳ một chủng tộc nào, họ có những nét văn hóa riêng biệt, họ chia sẻ các giá trị phổ quát như chủ nghĩa thế tục, đa văn hóa, chấp nhận đa nguyên giới tính, ủng hộ di dân và nền chính trị cấp tiến. Họ được xem là không quan tâm hay ngay cả đối nghịch với quyền lợi đất nước. Chua biện luận Trump biết sử dụng các yếu tố này, sự bất mãn của người dân nói chung và người Mỹ da trắng nói riêng, tuyên bố “phải lấy lại nước mình” hoặc “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Chua kết luận rằng một cách để thoát khỏi hoàn cảnh chia rẽ này là phải giải quyết cả hai vấn đề kinh tế lẫn văn hóa. Hàng trăm năm qua, cơ hội kinh tế đã nâng cao nấc thang xã hội giúp cho Hoa Kỳ hội nhập thành công mọi người khác thuộc mọi sắc tộc nhau hơn tất cả các quốc gia khác. Cho nên sự sụp đổ của cơ hội thăng tiến đó nên được xem là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Trên bình diện thế giới cũng như tại Hoa Kỳ, sự đoàn kết sẽ không tự nhiên đến mà phải bằng sự chăm chỉ, lãnh đạo gan đạ và ý chí tập thể.

Thế giới Mác (Marxist world)

Thế giới Mác xít nhìn nhận phân chia đồng đều và bình đẳng vật chất quyết định tất cả.

Kể từ năm 1967, thu nhập trung bình của 60 phần trăm dân số Hoa Kỳ đã trì trệ mặc dầu sự thu nhập và giàu có của những người giàu nhất đã gia tăng. Robin Varghese nhận xét rằng Mác tin tưởng cách mạng sẽ đến đối với các nền kinh tế tư bản phát triển nhất, nhưng không, nó lại đến với các quốc gia chậm phát triển hơn như Nga và Trung Quốc [6]. Giữa thế kỷ 20, các nước Tây Âu và Hoa Kỳ đã học cách quản lý sự bất ổn và bất công, đặc trưng của nền tư bản thời Mác. Tuy nhiên, hơn ai hết, Mác hiểu rõ cơ chế đã làm suy thoái chủ nghĩa tư bản, và các vấn đề đã mọc ra khi chính quyền không tích cực giải quyết nó, như đã thấy trong 40 năm qua. Do đó Varghese cho rằng chủ nghĩa Mác không quá cố mà vẫn còn cắt nghĩa được các vấn đề ngày hôm nay.

Varghese phân tích áp lực của giới thương gia là cần tích luỹ vốn liếng trong điều kiện cạnh tranh của thị trường, như sau. Một, những người công nhân luôn nhận lấy phần ít hơn về mình so với những gì họ đóng góp để tạo ra kết quả, đưa đến sự bất công và bần cùng. Hai, sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản để giảm chi, như lương công nhân, bắt buộc họ phải nghĩ đến khoa học kỹ thuật để có thể giảm bớt sức lao động. Các kỹ thuật này sẽ loại trừ một số việc, làm cho một thành phần xã hội vĩnh viễn bị mất hoàn toàn hay một phần việc làm. Ba, Mác cho rằng sự cạnh tranh gây gắt sẽ dẫn đến sự tập trung và sự lớn mạnh của một số doanh nghiệp, và các doanh nghiệp có nhiều lợi nhuận hơn sẽ loại trừ các doanh nghiệp nhỏ hơn, và càng như thế càng cạnh tranh và càng hiện đại về kỹ thuật, đưa đến nhiều thặng dư hơn. Tuy nhiên các thặng dư này cũng không được chia đồng đều, làm cho hai điều một và hai nói trên gia tăng.

Nhưng Mác đã đánh giá thấp sức mạnh của nỗ lực chung (của chế độ tư bản) để cải tổ chính trị. Và Mác cũng sai lầm về khả năng của nền kinh tế tư bản trong việc thỏa mãn nhu cầu của con người, ít nhất là về mặt vật chất.

Đối với các nước phát triển, từ năm 1948 đến 1973, lương bổng gia tăng song song với năng suất, nhưng kể từ năm 1973, năng suất gia tăng gần 75 phần trăm, trong khi mức lương thật sự chỉ tăng dưới 10 phần trăm. Đối với 60 phần trăm gia đình, lương bổng không thay đổi gì đáng kể. Và đây chính là lý do làm cho Mác hiện hữu trở lại, như đã tiên đoán được diễn tiến của chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, tuy chủ nghĩa tư bản mang lại sự giàu có và sự phát triển khoa học kỹ thuật chưa từng thấy trước đây, nó không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội.

Theo Varghese thì Mác biện luận rằng vấn đề không phải là giới hạn về vật chất mà là chính trị và xã hội: sự sản xuất được sắp xếp theo quyền lợi của giai cấp tư bản hơn là cho toàn xã hội; ngay cả khi cá nhân các nhà tư bản và công nhân suy nghĩ và hành động hợp lý, cả hệ thống lại phi lý. Khi nhu cầu sản xuất gia tăng, giới tư bản muốn đầu tư nhiều hơn vào khoa học kỹ thuật để gia tăng năng xuất, gia giảm tiền lương cho công nhân. Trong vài thập niên qua, những người dưới bằng cấp trung học chiếm tỷ lệ dưới 50 phần trăm lao động. Với kỹ nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, tất cả các việc này đều có thể bị xóa sạch trong vài thập niên tới. Theo tổ chức OECD thì có đến 14 phần trăm, tức 60 triệu, công việc trong các quốc gia này có thể được tự động hóa. Theo công ty tư vấn McKinsey thì 30 phần trăm của mọi thời gian làm việc toàn cầu có thể được tự động hóa. Những công nhân này sẽ làm gì, sẽ được phân phối trong xã hội như thế nào, thì chưa ai biết được. Theo tiến trình của 50 năm qua gợi ý thì các công nhân này sẽ không được thu nhận vào lực lượng lao động nếu số phận của họ được quyết định bởi thị trường. Thêm vào đó, tiến trình thay đổi do khoa học kỹ thuật mang lại sẽ đưa đến sự tập trung thị trường (market concentration), với những thương nghiệp ngày càng lớn mạnh sẽ áp đảo sản xuất. Mác tiên đoán một thế giới không phải độc quyền mà là độc quyền cạnh tranh, trong đó những kẻ mạnh đang hiện hữu sẽ thụ hưởng lợi nhuận, những kẻ yếu hơn sẽ vất vả để tồn tại, và những kẻ mới vào sẽ phải nỗ lực sáng tạo để chiếm dần thị trường. Các thương nghiệp lớn có lợi thế hơn, về sáng chế cũng như mạng lưới sẵn có, mua và sát nhập các thương nghiệp nhỏ, hay sa thải công nhân khi cần để gia tăng cạnh tranh v.v… Từ năm 1982 đến nay, sáu lĩnh vực chiếm 80 phần trăm nhân công tại Hoa Kỳ (tài chánh, sản xuất, dịch vụ, bán lẻ, bán sỉ, và tiện ích và giao thông) ngày càng tập trung cạnh tranh. Khi các đại thương nghiệp như Amazon, Apple, FedEx chiếm áp đảo địa hạt của mình tại các nền kinh tế Tây phương, công nhân bị thiệt thòi nhiều nhất.

Sự thách thức lớn nhất đối với quan điểm của Mác là sự hình thành và phát triển của nhà nước phúc lợi (welfare states) ở Tây phương vào giữa thế kỷ 20, phần lớn là do các đảng dân chủ xã hội đại diện giới công nhân. Kiến trúc sư trí tuệ John Maynard Keynes là nhân vật chính của các phát động này. Ông biện luận rằng hoạt động kinh tế không phải được điều khiển bởi quyết định đầu tư của giới tư bản mà chủ yếu là sự tiêu thụ của người dân thường. Ảnh hưởng của Keynes lên nền kinh tế và chính trị rất lớn, giúp cho các đảng chính trị tả lẫn hữu điều chỉnh chính sách, đạt được hiệu năng, công bằng và mọi người đều có việc (full employment), điều mà Mác không thể tưởng tượng có thể xảy ra. Tuy nhiên từ thập niên 1970 trở đi, các chính phủ này gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua các giới hạn của chủ nghĩa tư bản, một bên là công việc đầy đủ cho mọi người, nhưng lực lượng lao động đến từ nó đã dẫn đến sự giảm sút lợi nhuận. Varghese cho rằng về lâu dài, quyền lợi kinh tế của tư bản đã thắng cung cách tổ chức chính trị của người dân.

Giải pháp cho các vấn đề phức tạp và đầy thử thách trên là đầu tiên ghi nhận sự giới hạn của chính trị trong thời đại vàng son của chủ nghĩa tư bản, bao gồm sự kết hợp của các công đoàn mạnh, sự quản trị cung cầu theo chủ thuyết của Keynes, chính sách tiền tệ lỏng lẻo, và sự quản lý vốn, sẽ không thể nào dẫn đến xã hội công bằng trong chủ nghĩa tư bản mãi được. Thử thách của ngày hôm nay là tìm ra những đường nét chính của nền kinh tế hỗn hợp mà đã đem lại những kết quả đáng kể trong thời đại vàng son của chủ nghĩa tư bản như nói trên, và thêm vào đó khởi động cho sự bình đẳng về phái tính và sắc tộc. Nói cách khác, nó cần sự sắp xếp định chế mới được hỗ trợ bởi các hình thức chính trị mới.

Thế giới kỹ thuật (Tech world)

Thế giới kỹ thuật nhìn nhận cách mạng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, quyết định tất cả.

Theo Drum thì tiên đoán tương lai ra sao rất khó, thôi thì nhìn về quá khứ để tìm giải thích [7]. Thế kỷ 19 là bình minh của nền dân chủ cấp tiến. Nhưng nó cũng là thế kỷ của đế quốc và thực dân Tây phương. Nó cũng bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện. Thế lực tôn giáo đi xuống trong khi chủ nghĩa dân tộc đi lên. Và nó cũng bất đầu thời đại của bình đẳng. Phụ nữ đòi bình quyền tại Seneca Falls, New York, và Tân Tây Lan là quốc gia đầu tiên cấp quyền sử dụng lá phiếu bầu cử. Anh cấm buôn nô lệ, Hoa Kỳ giải phóng nô lệ và Nga trả tự do cho nông nô.

Dân chủ, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, chiến tranh hiện đại, chủ nghĩa dân tộc, và quyền bình đẳng đã đưa đến bao hệ quả, và lý do ra đời của hàng ngàn cuốn sách về các vấn đề này. Nhưng theo Kevin Drum thì tất cả những điều nêu trên không quan trọng. Điều quan trọng nhất của địa chính trị trong thế kỷ 19 là cuộc Cách mạng Công nghệ. Không có nó thì sẽ không có giai cấp trung lưu, như thế không có áp lực để dân chủ hóa. Sẽ không có cuộc cách mạng tư bản vì các nhà nước nông nghiệp không cần đến nó. Sẽ không có thực dân hóa ở tầm lớn bởi vì giới hạn của sự thèm muốn nguyên liệu thô đối với các quốc gia phi kỹ nghệ. Sẽ không có chiến tranh toàn diện nếu không có kỹ nghệ sản xuất thép và độ chính xác rẻ. Và nếu thế giới phần lớn vẫn ở trong trạng thái văn hóa và kinh tế chủ yếu dựa trên nền nông nghiệp sinh tồn truyền thống, rất có thể là nền nô lệ sẽ không chấm dứt và nữ quyền sẽ không bắt đầu.

Các yếu tố chính tác động ở thời đại này là động cơ hơi nước, lý thuyết vi trùng, điện và xe lửa. Vào năm 1800, không ai biết tương lai địa chính trị của thế kỷ 19 sẽ như thế nào, nhưng nó đã được chuyển động trước đó chín thập niên khi Thomas Newcomen đã chế tạo thành công động cơ sử dụng hơi nước đầu tiên. Drum cũng tin rằng các thế hệ người máy tiếp theo sẽ tác động lên tiến trình lịch sử nhân loại trong thế kỷ 21. Kết quả cuộc cạnh tranh và đối đầu giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ được định đoạt khi một bên thắng được trí tuệ nhân tạo. Để đạt đến đó, Drum cho rằng máy vi tính cần phần cứng mạnh như bộ não con người (hardware) và phần mềm có khả năng suy nghĩ (software). Hiện tại bộ óc con người có thể tính từ 10 đến 100 petaflops (bằng một triệu tỷ, tức 10 luỹ thừa 15, tính toán một giây), và sức mạnh của máy vi tính hiện nay cũng tương đương như thế. Nhưng một cái máy siêu vi tính như thế chiếm bằng một căn phòng, tốn hơn 200 triệu, và tiền điện mỗi năm tốn 5 triệu đô la. Vấn đề là làm sao máy nhỏ hơn và rẻ hơn. Nghiên cứu về máy tính lượng tử hiện nay nằm trong mục tiêu đó. Các nhà chuyên về trí tuệ nhân tạo AI cho rằng có 50 phần trăm cơ hội là AI sẽ thực hiện được tất cả các hoạt động của con người vào 2060, trong khi giới AI Á Đông thì cho rằng có thể hiện thực khoảng năm 2045.

Các nhà nghiên cứu này không nghĩ rằng các máy móc này chỉ làm được các việc thường ngày thôi, mà nó còn có thể nấu burger, viết tiểu thuyết và thực hiện giải phẫu. Nó sẽ làm nhanh hơn, không bao giờ biết mệt, sẽ cập nhật kiến thức thế giới mới nhất trong vòng tích tắc, và có sức mạnh phân tích hơn bất cứ một cá nhân nào. Hiện nay thì chưa có vẻ gì sẽ đạt được kết quả như thế, nhưng trng vòng vài thập niên tới, máy robot sẽ làm cho hàng triệu người mất việc.

Drum cho rằng mấu chốt vấn đề là liệu Trung Quốc, trong vòng 20 năm tới, đạt được kỹ nghệ AI tốt nhất không? Nếu được, họ có thể trở thành bá quyền, nếu họ muốn. Nếu không thể thì họ sẽ không được.

Còn vấn đề khủng bố thánh chiến? Nó sẽ trở thành nạn nhân của AI. Những máy bay không người lái hiện tại (drone) đã đẩy lùi các nhóm khủng bố này, nói gì đến các máy được điều khiển bởi AI trong tương lai. Không có tổ chức nào với kỹ thuật kém có thể tồn tại được. Chiến tranh trong tương lai chủ yếu là do giữa máy móc với nhau. Nhiều công việc sẽ mất vì tự động hóa, kể cả lái xe truck. Phân tích của công ty PwC vào năm 2017 cho hay có đến 38 phần trăm công việc tại Hoa Kỳ có nguy cơ bị tự động hóa vào đầu thập niên 2030. Vào thập niên 2040, các nhà nghiên cứu phỏng đoán các máy vi tính sẽ có thể tự thực hiện nghiên cứu công trình toán học mới, giải phẫu, viết tiểu thuyết bán chạy nhất và có thể làm bất cứ công việc nào đòi hỏi khả năng nhận thức như trên. Không như cuộc Cách mạng Công nghệ đầu tốn gần 100 năm để chuyển động, lần này nó chỉ mất một hai thập niên, và AI sẽ là kỹ nghệ mang lại lợi nhuận nhiều nhất so với tất cả các thứ khác.

Điều này có hệ quả gì đối với chính trị? Theo Drum thì vai trò của các chính quyền hiện tại là quản lý và kiểm soát nền kinh tế cho quyền lợi chung của toàn thể người dân. Cho nên nền chính trị trong tương lai là chính quyền có khả năng sử dụng sức mạnh của AI cho đa số dân chúng. Những người theo chủ nghĩa Mác thì đã có lời giải: để robot kiểm soát phương tiện sản xuất, rồi phân chia chiến lợi phẩm cho cho mọi người hưởng theo nhu cầu của họ. Nền dân chủ cấp tiến cũng sẽ có cơ hội nếu lãnh đạo của họ nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, tìm cách làm cho chủ nghĩa tư bản thích ứng với một thế giới mà trong đó việc sản xuất hàng hóa tách biệt với công việc (lao động). Điều đó có nghĩa kìm chế sức mạnh của tài phiệt, tái suy nghĩ khái niệm thế nào là một tập đoàn, và chấp nhận một mức độ bình đẳng nào đó về phân phối hàng hóa và dịch vụ.

Drum ghi nhận hai thử thách lớn nhất của thế kỷ 21 là nạn thất nghiệp lớn do AI mang lại, và thay đổi khí hậu do nhu cầu năng lượng. Với kỹ thuật tân tiến hiện nay, gió và năng lượng mặt trời là lời giải cho năng lượng sạch. Nhưng cần phải sản xuất ở tầm lớn. Robot rẻ và khôn, tức có AI, sẽ là lời giải. Chủ nghĩa bộ lạc không còn quan trọng nữa. Ai quan tâm đến bản sắc nếu công việc đều do máy móc làm ra? Dân chủ cấp tiến sẽ còn hiện hữu nếu nó biết cách giải quyết nạn thất nghiệp lớn so với các hình thức chính quyền khác. Tôn giáo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn với thế giới đầy máy móc như thế. Lịch sử chứng minh sự đói kém về kinh tế ở tầm lớn đem lại ít hơn những cải tổ tiến bộ sâu sắc so với các cuộc cách mạng và chiến tranh bạo động. Drum cho rằng điều quan trọng là phải hiểu và nghĩ đến cách đối phó tốt nhất đối với những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Thế giới hâm nóng (warming world)

Thế giới hâm nóng nhìn nhận thay đổi khí hậu và hợp tác toàn cầu quyết định tất cả.

Nền dân chủ toàn cầu đang xuống dốc, sự phục hồi kinh tế không làm cho lương bổng người dân Tây phương tăng lên đáng kể, và sự trổi dậy của Trung Quốc đe doạ quyền lực của Hoa Kỳ, có nguy cơ đưa đến cuộc chiến tranh khủng khiếp. Tuy thế, đối với Joshua Busby, không có đe doạ nào trong thế kỷ 21 có thể so sánh bằng hâm nóng địa đầu [8]. Tác động của khí hậu trái đất đòi hỏi sự chú tâm và nguồn lực, và sẽ có ảnh hưởng lớn lao lên nền kinh tế toàn cầu và quan hệ quốc tế hơn bất cứ một trọng lực nào khác trên thế giới hiện nay.

Hiện tại độ nóng bề mặt trái đất là trên 1.2 độ Celsius so với trước thời Cách mạng Công nghệ. Giới khoa học gia đồng thuận với nhau rằng nhiệt độ gia tăng cao nhất để tránh thay đổi khí hậu là 2 độ C. Sẽ không có khác biệt bao nhiêu giữa gia tăng 2 độ C so với 3 hay 4 độ. Khi khí hậu gia tăng, sự phân tán hiện tượng khí hậu sẽ chuyển đổi. Các trận lụt mà trước đây 100 năm xảy ra bây giờ sẽ xảy ra 50 hay 20 năm. Các trận mưa vũ bão như tại Hawaii đầu năm nay với 50 inches trong vòng 24 tiếng đồng hồ có thể diễn ra thường xuyên hơn. Các kiểu thời tiết mới này sẽ gây ra các xáo trộn xã hội và chính trị, đưa đến các ảnh hưởng lên địa chính trị. Mực nước biển dâng, các vùng đất trồng trột chết, các trận bão và lụt khổng lồ sẽ làm cho một số quốc gia không thể sống được nữa. Những thay đổi này sẽ thử nghiệm hệ thống quốc tế hiện nay những cách thức mới và khó tiên đoán.

Theo Busby, các đe doạ mang tính lịch sử toàn cầu đòi hỏi mức độ hợp tác mang tính lịch sử toàn cầu. Nếu nhân loại đối diện thành công với vấn đề này, đó là vì lãnh đạo biết pha trộn trật tự toàn cầu với ý thức về mục đích chung và ghi nhận sự thay đổi sâu sắc về vấn đề phân chia quyền lực. Trung Quốc và Hoa Kỳ phải làm việc chặt chẽ với nhau và với các tác nhân khác, các chính quyền trực thuộc các quốc gia, cũng như các công ty và các tổ chức phi chính phủ.

Trong 17 năm được ghi nhận có bằng chứng nóng nhất thì 16 năm là từ năm 2001 đến nay. Nhiều kiểu mẫu khí hậu rất lạ diễn ra khắp nơi, các khoa học gia nhận định có cái liên quan đến thay đổi khí hậu, có cái không rõ lắm. Mùa thay đổi. Hạn hán xảy ra khi các nhà khí tượng học trông đợi mưa. Thiếu mưa đưa đến nguy cơ cháy rừng, như đã thấy tại tiểu bang California năm ngoái (lẫn năm nay). Khi mưa, nó mưa ào ạt cùng lúc, như đã thấy ở Houston qua trận cuồng phong Harvey. Khi mực nước biển gia tăng và bão gia tăng mạnh mẽ hơn, các biến cố mà từng được xem là mực nước cao bình thường sẽ gây lụt cho các hạ tầng cơ sở ven biển, như đã xảy ra ở Miami trong những năm gần đây. Điều đó đưa đến nhu cầu gắn các hệ thống thiết bị bơm nước mưa với trị giá hàng trăm triệu đô la.

Đến giữa thế kỷ này, mực nước biển gia tăng cao đến độ nó có thể phá hoại vùng đất nông nghiệp và nước uống ở nhiều quốc gia hải đảo thấp so với mặt nước biển, làm cho những nơi đó không thể sống được lâu nữa trước khi nó bị ngập dưới nước. Các biến chuyển này sẽ thay đổi nền chính trị toàn cầu một cách sâu sắc. Các quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ có dân số lớn và hạ tầng cơ sở giá trị nhưng dễ bị nguy hại đối với thay đổi khí hậu. Các chính quyền này sẽ phải sử dụng đến các phương tiện quân sự để cứu người và tái xây dựng các thị trấn và thành phố bị tàn phá. Trong năm 2017, ba trận bão lớn đánh phá Hoa Kỳ liên tiếp, và các cơ quan dân vệ phòng chống thiên tai phải cần được hậu thuẫn của quân đội để ngăn ngừa tổn thất nhân mạng tầm lớn. Hàng chục ngàn vệ binh quốc gia đã được điều động để cứu người, cung cấp về tiếp tế, tái thiết các dịch vụ căn bản và pháp luật. Tổng phí đối với các cơn bão này và các trường hợp cấp cứu khác liên quan đến thiên tai trong năm 2017 thôi đã lên đến 300 tỷ đô la.

Trung Quốc cũng có các vấn đề riêng của nó. Dọc ven biển phía nam, những thành phố như Quảng Châu và Thượng Hải, dễ bị lụt lội. Ở phía bắc, trung tâm công nghiệp của quốc gia, các vùng này thường bị thiếu nước, ảnh hưởng đến 500 triệu người. Trong 25 năm qua, 28 ngàn con sông tại Trung Quốc đã biến mất. Giải quyết vấn nạn lớn như thế không rẻ. Một dự án chuyển nước từ nam lên bắc tốn ít nhất 48 tỷ đô la, và mặc dầu chưa hoàn tất, Trung Quốc cho rằng họ đã cải thiện được an ninh nước và 50 triệu người được hưởng lợi. Đối với những nơi bị lũ lụt, Trung Quốc đang nghiên cứu các thành phố hút nước nơi có thể gia tăng thoát nước tự nhiên.

Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia giàu có nên có thể chịu đựng tốn kém đối với các thiên tai này. Những quốc gia khác thì vất vả hơn, tổn thất về nhân mạng và vật chất nhiều hơn so với khả năng họ có thể gánh chịu. Từng cơn bão tuy gây thiệt hại đáng kể nhưng người ta có thể vực lại được. Còn thay đổi khí hậu thì nó gây thiệt hại lâu dài hơn. Trong khi một số quốc gia thì tràn đầy nước, những nước khác thì lại thiếu nước trầm trọng. Năm 2011 Somalia sau bao nhiêu thập niên chiến tranh lại hứng chịu hạn hán và tiếp theo nạn đói đưa đến 260 ngàn tử vong. Thay đổi khí hậu, qua gia tăng nhiệt độ và chuyển đổi kiểu mưa, làm cho nhiều vùng không đủ mưa hoặc mưa bất thường, ảnh hưởng đến mùa màn và lượng nước cần thiết cho nhu cầu con người. Đối với một số quốc gia, khi hiệu năng nông nghiệp bị giảm sút và các nguy cơ khí hậu khác sẽ làm cho người dân từ nông thôn chuyển đến thành thị hay sang qua biên giới quốc gia khác. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên nền chính trị khắp nơi. Thay đổi khí hậu sẽ trắc nghiệm các hệ thống phản ứng hiện nay về nhân đạo và thiên tai, cái đang gặp nhiều thách thức quá sức đối với các xung đột hình như không chấm dứt tại Somalia, South Sudan, Syria và Yemen.

Thay đổi khí hậu sẽ làm cho quan hệ quốc tế càng thêm căng thẳng. Sông Mekong là một thí dụ. Trong sáu quốc gia sử dụng chung con sông này, Ủy hội Sông Mekong được thành lập để giải quyết các tranh chấp nhưng Trung Quốc không muốn trở thành một thành viên dù là quốc gia lớn nhất và xây các đập ảnh hưởng nặng nề nhất ở thượng nguồn đối với các quốc gia ở hạ nguồn. Sự tranh chấp về lượng chảy của con sông này trở nên tệ hơn khi mà hạn hán trong vùng trở nên thường xuyên hơn. Khi hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến mùa màng, giá cả lúa mì hay ẩm thực có nguy cơ gia tăng toàn cầu. Tại Ai Cập, khi nạn lạm phát giá cả ẩm thực hàng năm tăng lên 19 phần trăm năm 2011, nó giúp gia tăng các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống Hosni Mubarak.

Để đáp ứng với các điều kiện khí hậu thay đổi, chính phủ có thể ban hành vô số các chính sách có khả năng gây tranh cãi. Cấm không cho xuất cảng các nguyên liệu qúy, mua đất ở nước ngoài, bắt sử dụng nhiên liệu sinh học, làm luật bảo vệ rừng, và hàng ngàn sự chọn lựa khác sẽ tạo ra kẻ thắng người thua và gia tăng sự căng thẳng trong nội địa và quốc tế. Thay đổi khí hậu sẽ bao gồm chuỗi vấn đề khác nhau, từ vận chuyển, năng lượng, xây cất, nông nghiệp, và bao địa hạt khác, và các ảnh hưởng tổng hợp của nó lên thành phố, sản xuất ẩm thực, và cung cấp nước uống sẽ là những thử thách khủng khiếp cho địa cầu này. Busby cho rằng với vấn đề ở tầm lớn như thế này, nó cần sự phối hợp và hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để cùng nhau giải quyết. Còn nếu cạnh tranh chống đối nhau toàn diện thì tất cả đều bị thiệt hại. Sự hợp tác giữa các thỏa thuận quốc tế, mạng lưới tổ chức và những người dốc tâm tìm ra các giải pháp cụ thể là một cơ hội tốt nhất để tránh một thiên tai thay đổi khí hậu khủng khiếp đối với nhân loại.

Vài kết luận

Sáu quan điểm nêu trên chỉ là tiêu biểu, không phải là tất cả. Bên trong mỗi trường phái của các nhãn quan này đều có những nhận định và kết luận khác nhau, một cách sâu sắc. Ngoài sáu quan điểm này còn bao nhiêu lý thuyết và ý thức hệ khác nhau, làm cho thế giới chúng ta đang sống vừa thật sự đa nguyên vừa vô cùng phức tạp.

Càng phức tạp hơn cho những ai muốn đi tìm sự thật. Sự thật nằm ở đâu? Trong sự tổng hợp các quan sát trình bày trên hay, đơn giản và rốt cuộc vẫn là, trong cặp mắt người nhìn?

Francis Fukuyama nhận xét khá tinh tế và sâu sắc về ảnh hưởng của chủ nghĩa bộ lạc đối với nền chính trị thế giới trong bài mới nhất của ông trên Foreign Affairs [9]. Bài này tóm lược các ý chính trong cuốn sách mới nhất của ông sắp được phát hành. Fukuyama kết luận: con người sẽ không bao giờ ngừng suy nghĩ về chính họ và xã hội của họ về mặt bản sắc; nhưng bản sắc của con người không phải là cứng ngắt mà cũng không phải được cấu tạo lúc sinh thành; bản sắc có thể được sử dụng để chia rẽ mà cũng có thể để đoàn kết; sau cùng nó có thể là phương thuốc cho nền chính trị dân túy của thời hiện tại.

Khi chủ nghĩa bộ lạc vẫn còn hiện hữu, thể hiện qua chính trị về bản sắc, như Chua và Fukuyama phân tích, thì chính trị quyền lực cũng sẽ còn đó, không đi đâu cả. Như thế, về mặt chính trị và bang giao quốc tế, quyền lực và quyền lợi sẽ luôn đóng vai trò quan trọng, như Kotkin và những nhà hiện thực nhận định. Chỉ khi nào con người trở nên thánh thiện, tôn trọng và đối xử nhau một cách nhân ái, tương kính và không phân biệt, và không sử dụng bạo lực với nhau, thì quan hệ giữa con người và trên bình diện quốc tế mới thay đổi sâu sắc. Những tranh chấp về chủng tộc, tôn giáo, văn minh, phái tính, hay ý thức hệ v.v… sẽ còn với con người một thời gian dài. Do đó trong hiện tại, có lẽ chỉ có chủ nghĩa cấp tiến và nền dân chủ cấp tiến mới có khả năng giải quyết được các bài toán nhức nhối của con người, như Deudney and Ikenberry biện luận. Nền tảng tư tưởng/lý thuyết của chủ nghĩa cấp tiến là mọi người phải được đối xử bình đẳng, phải có quyền tự do cá nhân, nhân phẩm/quyền không bị chà đạp vì phái tính hay vì thuộc một nhóm xã hội nào đó (particular social group) v.v… Nhưng chủ nghĩa cấp tiến chỉ có thể là giải pháp lâu dài và vững ổn nếu các nhà lãnh đạo chính trị trong các thập niên tới có thể hoạch định những chính sách vừa phát huy tối đa hiệu năng của cuộc cách mạng công nghệ tới, vừa tái phân phối hàng hóa và dịch vụ một cách tối ưu (optimal) cho toàn xã hội, đồng thời cũng phải quan tâm đúng mức đến chính sách nhân dụng, như Drum đã biện luận. Còn không thì Mác sẽ “hiện hồn” về, chờn vờn ám ảnh và báo động những xung đột lúc ngấm ngầm lúc bùng nổ trong nền kinh tế tư bản cực đoan khi một thiểu số nắm mọi quyền lực vật chất trong tay, và đa số thì vất vả không ngừng, như Varghese trình bày. Sau cùng, khi thế giới bị hâm nóng một cách vô trách nhiệm thì môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc, như Busby đã nhắc nhở. Khi di dân/tị nạn - là nạn nhân của tranh chấp chính trị qua chủ nghĩa bộ lạc, hay là nạn nhân của thiên tai/môi trường sống - phải tìm cách lánh nạn ở tầm lớn, nhưng thế giới, nhất là các quốc gia dân chủ và phát triển, lại quảnh mặt làm ngơ, thì tuyên ngôn quốc tế nhân quyền chẳng còn giá trị gì cả ngoại trừ trên giấy tờ. Đó có thể là mốc điểm của sự suy thoái toàn diện của nền văn minh toàn cầu.

Những vấn đề này có liên hệ gì đến mỗi chúng ta? Có nhiều lắm chứ! Mỗi chúng ta, không phân biệt, bằng suy nghĩ và hành động thực tiễn, có thể góp phần làm cho chính mình, gia đình, xã hội, đất nước và thế giới, tốt hơn. Không cần làm những gì quá lớn, ngoài tầm tay. Nền văn minh nhân loại sẽ bị huỷ hoại nếu chúng ta chỉ biết sống cho chính mình và chỉ biết quan tâm trong cuộc đời mình mà không nghĩ đến người khác và các thế hệ về sau. Cho nên chỉ cần bắt đầu bằng sự tử tế, liêm chính và tinh thần trách nhiệm, thì một ngày nào đó những tinh thần và giá trị này sẽ loan tỏa sâu rộng và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Cuối cùng chúng ta có quyền lạc quan nhưng không thể tự mãn khi các thách thức của nhân loại vô cùng lớn lao trong khi số người quan tâm và đóng góp vẫn còn là thiểu số.

(Úc châu, 07/09/2018)

------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. TT Barrack Obama, “Remarks by the President at the White House Summit on Global Development”, The White House, Office of the Press Secretary, 20/07/2016.

2. Foreign Affairs, “Which world are we living in?”, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 10-55. Vì các bài viết này rất hay và sâu sắc, thay vì tóm lược vài ý chính để toàn bài ngắn gọn hơn, tôi quyết định viết ngắn gọn nhưng vẫn cố duy trì lập luận chính của tác giả này. Mục đích là để cho độc giả không chỉ biết họ biện luận gì mà còn biện luận ra sao khi họ tìm cách thuyết phục hay bảo vệ quan điểm của mình. Độc giả cũng có thể tìm đọc các nguyên tác này nếu có điều kiện.

3. Stephen Kotkin, “Realist World”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 10-15.

4. Daniel Deudney and G. John Ikenberry, “Liberal World”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 16-24.

5. Amy Chua, “Tribal World”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 25-33.

6. Robin Varghese, “Marxist World”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 34-42.

7. Kevin Drum, “Tech World”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 43-48.

8. Joshua Busby, “Warming World”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4, July/August 2018; pages 49-55.

9. Francis Fukuyama, “Against Identity Politics”, Volume 97, Number 5, September/October 2018; pages 90-114. Hoặc tìm mua sách “Bản sắc: Nhu cầu về Phẩm giá và Chính trị của Oán giận” (Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment), Profile Books, October 2018.






No comments: