Saturday, September 8, 2018

CÁN BỘ TỈNH THANH HÓA ĐI MỸ & LŨ LỤT TANG THƯƠNG Ở QUÊ NHÀ (Ánh Liên - VNTB)




9-8-2018

Cán bộ sang Mỹ học tập? Điều này hoàn toàn tốt, đặc biệt nếu đi xúc tiến thương mại nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Phụ lục kèm theo tờ trình của trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh này xin chi 1,7 tỷ đồng để đoàn cán bộ đi Hoa Kỳ.

Nhưng 3 sếp xứ Thanh Hóa đi công tác tại Mỹ (gồm có bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn; ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Sở Ngoại vụ và bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc trung tâm), với nguồn ngân sách dự chi là 1,7 tỷ đồng lại gây xôn xao dư luận bởi những khoản tiền chi cao bất thường. Cụ thể, tiền giá máy bay từ Hà Nội - Los Angeles hạng phổ thông lên đến 2,360 USD trong khi có thể ở mức 1.000 - 1.500 USD; vé LAX đi Houston bay thẳng 1 chiều tầm 144 - 198 USD, nhưng kế hoạch duyệt chi lại lên đến 520 USD/người; từ Houston đến Hawaii cũng chỉ tầm 500 - 600 USD nhưng lại vọt lên đến 1100 USD. Về tiền khách sạn ở 3 địa điểm là Los Angeles, Houston và Hawaii chừng 110 - 150 USD thuộc dạng ở được, thì cán bộ xứ Thanh chơi hẳn phòng 450-840 USD/đêm. Chưa kể, tiền phòng nghỉ sao lại chia thành 3, trong khi có thể tiết kiệm ở mức 1 phòng cho 2 nữ (bà trưởng đoàn và 1 thành viên đoàn) và 1 phòng cho nam (thành viên đoàn)?

Khá thoải mái trong chi tiêu, không hề có ý định tiết kiệm dù trong đoàn đi có hẳn bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, địa phương này đang trong tình trạng lũ lụt do áp thấp nhiệt đới, với hơn 13.000 căn nhà bị ngập, 800 ngôi nhà bị sập, và 3 cầu treo bị đổ sập, 13 người chết. Tại huyện Mường Lát, lũ lụt và bùn đất đã phá hủy nhà cửa và cuốn trôi hàng ngàn hecta lúa, hoa màu cũng như gia súc, gia cầm của người dân. Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh 'màn trời chiếu đất' khi thiếu chỗ ở, thức ăn và nước sinh hoạt hằng ngày. 

Người dân đang nhặt nhạnh những gì còn sót lại

Trong bối cảnh dân đang cảnh thiếu nguồn để tồn tại, thì cán bộ tỉnh Thanh Hóa nếu có đầy đủ lương tâm của một con người thì phần ngân sách khi lên kế hoạch phải 'kiệm từng đồng', lấy tiền đó để cứu đói cho chính dân trong tỉnh mình, chứ không phải là dựa hơi tiền ngân sách mà chơi theo kiểu 'sang chảnh' nêu trên. Đặc biệt, khi cán bộ lại đi ra từ một tỉnh nghèo trong cả nước, nơi thường xuyên phải nhận trợ cấp gạo của Chính phủ vào mỗi dịp xuân về; nơi sở hữu 6 huyện trong nhóm nghèo nhất nước.

Thứ hai, đi 'học tập' ở Việt Nam có nhiều biến dạng, một trong những biến dạng quen thuộc nhất là 'học tập kết hợp du lịch', trong đó du lịch là chính. Hầu như trong các chuyến đi tham quan và học tập tại các nước phương Tây, đội ngũ cán bộ Việt Nam sắp về hưu luôn được ưu ái, coi như một 'phần thưởng' cho một thời gian cống hiến lâu dài cho Đảng và Nhà nước.

Trở lại với đoàn của các 'sếp' Thanh Hóa, nếu thuần túy là xúc tiến thương mại thì nên là những người có chuyên môn đi và làm trưởng đoàn, thay vào đó lại là bà Lê Thị Thìn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Chưa kể bà Phó Chủ tịch đã ở ngưỡng 53 tuổi (sinh năm 1965), bà không thuộc diện quy định tuổi cao hơn so với cán bộ, công chức tại Nghị định số 53/2015, vậy bà sẽ về hưu sau 2 năm nữa theo Điều 187 Bộ Luật Lao động, vậy bà xúc tiến du lịch để làm gì?

Chưa kể, trong danh sách 'xúc tiến thương mại' còn có cả địa danh Hawaii, nhưng tiểu bang này thế mạnh nằm ở du lịch hơn là thương mại hàng hoá, việc các sếp Thanh Hóa lựa chọn địa điểm này trong mùa hè cũng khiến cho dư luận xã hội thấy nghi ngờ về mục đích thật của chuyến đi.  

Trong khi đó, bản thân UBND tỉnh Thanh Hóa lại thể hiện tính bất nhất, khi ‘báo giá’ là 1 tỷ 7, nhưng khi báo chí vào cuộc thì rút lại 688 triệu. Đoàn có bà Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng người phát ngôn UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết chưa nhận được tờ trình thẩm định và chưa duyệt chi?.

Cuối cùng, tại sao cứ phải duyệt chi các tỉnh đi xúc tiến thương mại theo 'đoàn', trong khi ở tại Mỹ có hẳn Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam? 

Tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng là tỉnh có nhiều vua, nhưng thời nay đây là tỉnh gặp vấn đề chi tiêu ngân sách quá tay theo kiểu con nhà giàu. Mới đây, khi trụ sở UBND xã Hải Lộc ở Thanh Hóa cháy do chập điện và thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, tuy nhiên trước đó xã này báo cáo huyện thiệt hại lên tới 580 triệu đồng. Truyền thống ‘kê khống’ không chỉ diễn ra ở xã, mà nằm ngay trong bộ máy chỉ đạo của tỉnh, điều này lý giải vì sao cấp dưới (xã huyện) luôn làm loạn tiền ngân sách và đặt hàng tá thứ thuế phí mà bản thân tỉnh không hề nắm được.   

Và như một trò đùa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ.






No comments: