Tuesday, September 4, 2018

BẢN TIN NGÀY 4/9/2018 (Báo Tiếng Dân)




04/09/2018

Nhân quyền ở Việt Nam

Như chúng tôi đã đưa tin, một không khí khủng bố bao trùm dịp lễ Quốc Khánh năm nay. Facebooker Thanh Sang bị bắt hôm 2/9 khi đang ngồi một mình ở một quán cafe, hiện vẫn đang bị giữ ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Facebooker Tung Le cũng bị bắt trong ngày lễ này tại nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn, hiện đã về nhà an toàn.

Ông Nguyễn Văn Diệu Linh bị công an TPHCM và công an quận Thủ Đức bắt đưa đi làm việc sáng 2/9, sau đó đưa thẳng vào bệnh viện, không rõ vì lý do gì. Lúc 20h tối 3/9, Facebooker Võ Hồng Ly đưa tin, ông Linh hiện “đang điều trị tại một bệnh viện ở Thủ Đức trong sự canh giữ cẩn mật của an ninh“.

Facebooker Nguyễn Thanh Loan bị câu lưu tối 3/9 khi đang trên đường ra siêu thị mua đồ ăn và đã được thả gần hai tiếng sau đó. Cô Thanh Loan viết: “Suốt ngày trong nhà giữa bốn bức tường, đầu óc tù túng, bí bách. Tôi xách xe ra siêu thị mua ít đồ ăn. Có hai anh an ninh vẫn canh trước cửa nhà đi theo và bắt dừng xe lại trao đổi. Thiết nghĩ, tôi là một công dân bình thường, không vi phạm pháp luật, sao lại phải dừng xe nói chuyện, trả lời câu hỏi với những người xa lạ?


“Khủng bố” bị bắt?

Facebooker Sharma Rachana, có lẽ là một dư luận viên, đưa tin về chuyện bắt bớ hôm 2/9: “Đúng như dự đoán, sau hoàng loạt những lời xúi giục, kích động bạo loạn của những tên khủng bố mang quốc tịch Mỹ, sống trên đất Mỹ đưa ra thì sáng nay đám tay chân, thuộc hạ trong nước bắt đầu giở trò chống phá, âm mưu thực hiện hành vi bạo động, khủng bố nhằm phá hoại hòa bình, gây tiếng vang nhân dịp Quốc khánh hòng có cớ cầu viện ngoại bang can thiệp. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và giúp đỡ quý báo từ tai mắt Nhân dân, những tên cầm đầu lần lượt sa lưới“.

Đăng kèm thông tin nói trên là 27 tấm ảnh của những người được cho là bị bắt. Một số người trong ảnh mặc quân phục lính VNCH, cùng một số “vũ khí” như nạng giàn thun, đạn bi, pháo nổ và lương thực gồm vài bao gạo… Ông Đàm Ngọc Tuyên nhận diện được một người quen trong các bức hình là ông Đỗ Thế Hoá. Những người còn lại, không ai biết họ là ai, thuộc tổ chức nào và bị bắt vì lý do gì.

Ông Đỗ Thế Hóa. Nguồn: Sharma Rachana

Không rõ vụ bắt bớ đó có liên quan gì tới bản tin từ VOV ngày 2/9: Thêm 7 người trong tổ chức khủng bố trụ sở công an tại TP HCM bị bắt. Bảy người này thuộc tổ chức Triều Đại Việt, đã bị Cục An ninh nội địa, Bộ Công An, bắt hôm 30/8 vì bị cáo buộc tổ chức đánh bom tại trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, Sài Gòn. Trước đó, hồi đầu tháng 7 cũng đã có 7 người khác thuộc tổ chức nói trên bị bắt giữ với cùng tội danh.


Nhân sự ở Bộ Công an

Một số tướng lĩnh đã được Bộ Công an bổ nhiệm nắm chức lãnh đạo tại các cục và các địa phương. Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Bộ Công an bổ nhiệm một loạt tướng lĩnh cấp cao. Công an TP Hà Nội sẽ có thêm ba phó giám đốc mới, Công an TPHCM cũng sẽ có thêm bốn phó giám đốc mới.

Tại Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thay Đại tá Lê Văn Tam làm giám đốc công an TP này. Đại tá Lê Văn Tam là người mà cư dân mạng cho là ông ta được Vũ “nhôm” tặng căn biệt thự trị giá hơn 100 tỷ đồng tại Làng biệt thự Euro Village. Ngoài các lãnh đạo mới được bổ nhiệm ở ba TP nói trên, rất nhiều tướng, tá được bổ nhiệm làm cục trưởng, phó cục trưởng các cục, thuộc Bộ Công an.

Một mặt, Bộ Công an bổ nhiệm nhân sự mới, mặt khác, Bộ Công an lại tinh giản biên chế. Báo VietNamNet đưa tin: Bộ Công an tinh gọn được, nơi khác chẳng có cớ nói không. Từ năm 2011-2017, số tổng cục ở Bộ Công an tăng gấp đôi, từ 21 thành 42 tổng cục. Mỗi tổng cục gia tăng, bộ này phải tốn thêm rất nhiều tiền để thuê thêm người, thêm phòng ốc và dĩ nhiên phải chi thêm ngân sách.

Bộ Công an sẽ bỏ cấp tổng cục, sắp xếp lại bộ máy, sẽ giúp giảm phòng ốc, giảm lương, giảm xe… Ông Nguyễn Đức Hà, cựu Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, BTC TƯ cho biết: “Giờ Bộ Công an bỏ 6 tổng cục, giảm trên dưới 60 cục, giảm khoảng 300 phòng và gần như 20 Sở PCCC hợp nhất vào Công an tỉnh. Từ đó liên quan đến biên chế giảm nhiều như thế nào“.

LS Trần Đình Triển vs Tướng công an Hữu Ước

Đầu tháng 8, LS Trần Đình Triển có bài viết về “chốn lưu ẩn” của trung tướng công an Hữu Ước. Báo VietNamNet đưa tin, giữa tháng 8, trung tướng Hữu Ước gửi đơn tố bị LS Trần Đình Triển dồn dập vu khống. Theo VietNamNet, đơn kiến nghị này được Trung tướng Hữu Ước gửi Công an TP Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội.

Khó hiểu ở chỗ, tướng Hữu Ước không kiện LS Trần Đình Triển ra tòa về tội vu khống, theo điều 156, BLHS năm 2015, mà chỉ viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Tướng Hữu Ước nói: “Việc tôi tố cáo ông Triển vu khống tôi, cơ quan điều tra Công an Hà Nội sẽ làm. Tất nhiên là tôi phải đưa ra các căn cứ, bằng chứng để chứng minh ông Triển vu khống. Tôi yêu cầu ông Triển đưa các bằng chứng tố cáo tôi mà ông Triển đã nêu”.


Quảng Ngãi: CSCĐ đàn áp người dân phản đối nhà máy rác

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 4h sáng ngày 3/9, người dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục mang quan tài ra chặn quốc lộ 1A để phản đối nhà máy rác tại xã Đức Phổ, huyện Đức Phổ, gây ô nhiễm môi trường. Người dân tập trung căng băng rôn tại nhà máy có nội dung: “Nhân dân Sa Huỳnh chúng tôi yêu cầu di dời nhà máy xử lý rác thải”. Cũng như bao lần trước, người dân bị đông đảo lực lượng CSCĐ đàn áp.

Facebook Heo Ngoc dẫn nguồn từ BH và PN, đăng tải clip cho thấy lực lượng CSCĐ đụng độ với người dân ở đây. Thông tin từ clip cho biết, xuất phát từ việc nhóm CSCĐ đánh bị thương một người già và một phụ nữ đang mang thai, khiến người dân tức giận đánh trả lại. Kết quả là nhiều người dân bị công an đánh trọng thương:

Mâu thuẫn giữa người dân tại một số địa phương tỉnh Quảng Ngãi kéo dài nhiều tháng qua. Lãnh đạo tỉnh này cũng đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với dân, nhưng không thành công vì người đứng đầu tỉnh cho rằng, người dân bị lôi kéo, kích động và đòi xử lý dân, thay vì giải quyết khiếu nại của dân.


Cựu cán bộ tư pháp bị bắt vì tội giết người

Liên quan đến vụ sát hại hai vợ chồng ở phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, báo Giao Thông có bài: Kẻ giết hai vợ chồng ở Hưng Yên từng là cán bộ tư phápNghi phạm là Đinh Công Tráng, cựu cán bộ tư pháp, đã có tiền án tội hiếp dâm, từng làm việc ở TP Hưng Yên.

Nghi phạm Đinh Công Tráng bị bắt, bị khởi tố tội giết người. Ảnh: Báo DT


Cầu gãy do … mưa lớn!

Báo Thanh Niên có bài: Mưa lớn, nước xoáy lở mố, Cầu Đôi ‘gãy đôi’. Ông Nguyễn Văn Húy, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận lý giải nguyên nhân Cầu Đôi bị gãy là do mưa lớn.

Những cây cầu chưa làm đã hỏng, những con đường trăm tỉ chưa thông xe đã ổ voi, ổ gà, dầm cầu đường cao tốc chưa nghiệm thu đã gãy… là cách mà quan chức VN đỗ lỗi cho thiên tai, thời tiết, để phủi bỏ trách nhiệm. Thực tế cho thấy, các công trình xây dựng luôn bị rút ruột, chia chác giữa nhà thầu với lãnh đạo, cho nên chuyện Cầu Đôi vừa gặp trận mưa lớn đã gãy, cũng không có gì khó hiểu.

Lại chuyện lạm thu trong giáo dục

Báo Việt Nam Mới có bài: Người dân Lai Châu kêu trời vì những khoản thu đầu năm học. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, phải đóng nhiều khoản thu sai quy định.

Chị H.T có con học lớp 4 cho biết: “Tôi vừa đi nộp 995.000 đồng, gồm tiền đồng phục, quỹ phụ huynh, quỹ xã hội hóa, quỹ lớp… Nộp như thế với điều kiện như chúng tôi là quá nhiều vì nông dân chúng tôi nghèo lắm không có tiền. Nhưng cũng không còn cách nào, họ nộp cả thì mình cũng phải theo thôi, phải cố gắng làm thuê, làm mướn để nộp cho con chứ biết làm sao được”.

Bà Vương Đào Tiên, Trưởng PGD huyện Phong Thổ, khẳng định: “Làm gì mà dám thu, chị khẳng định một điều như vậy. Chị không bao che, vì chị không chỉ là quản lý mà chị cũng là phụ huynh nên làm gì chị không biết”!








No comments: