Sunday, February 11, 2018

VIỆT KHANG : NGƯỜI GIEO HẠT NHÂN! (Nam Lộc) | PHỎNG VẤN VIỆT KHANG (RFA)




11/02/2018

Có hai người đàn ông trẻ đang gieo những hạt nhân xuống thế gian. Một là ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đang mang những hạt nhân nguyên tử ra để dọa dẫm thế giới, làm điên đầu các nhà lãnh đạo ở Hoa Kỳ. Còn người kia là nhạc sĩ Việt Khang, người chỉ gieo những hạt nhân từ, nhân hậu, nhân nghĩa, nhân bản cũng như nhân quyền. Ấy thế mà cũng làm điên đảo nhà cầm quyền Việt Nam ở trong nước, khiến họ đã phải giam giữ anh suốt 4 năm tù cộng 2 năm “quan chế”! Và cuối cùng đành phải thả anh đi ra nước ngoài dưới áp lực của chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là sự can thiệp mạnh mẽ của Thượng Nghị Sĩ John McCain.

Tôi chỉ được trao đổi với nhạc sĩ Việt Khang (VK) có đôi lần. Một lần anh vừa text, vừa email cho tôi khi mới ra tù để gời lời chúc Tết, và cảm ơn những điều mà tôi đã giới thiệu về anh trên các chương trình video của trung tâm Asia cùng những phát biểu khác. Còn lần thứ hai thì anh em chúng tôi nói chuyện qua điện thoại, anh tâm sự về hoàn cảnh gia đình của mình! Và lúc ấy tôi chỉ nhận xét được, anh là một người nhạc sĩ trẻ, với trái tim nhân hậu và tranh đấu cho nhân quyền qua những ca khúc làm rung động trái tim của hàng triệu người trên thế giới!

Tuy nhiên cho đến khi tiếp xúc và gặp gỡ trực tiếp VK, tôi lại càng ngưỡng mộ và khám phá thêm ở anh những khía cạnh khác của một con người đầy lòng nhân bản. VK tên thật là Võ Minh Trí, là một người miền Nam, ăn nói thật giản dị, thành thật và từ tốn. Nhưng khi quan sát VK trả lời những câu hỏi rất tò mò và phức tạp của các phóng viên báo chí, truyền hình trực tiếp ngay tại phi trường sau hơn 30 giờ không ngủ, vừa bay, vừa đợi chờ ở phi cảng, trong một hoàn cảnh thật tế nhị, đầy xúc động, tôi mới biết anh là một người thật sâu sắc, cẩn thận và kỹ lưỡng. VK không từ chối bất cứ một câu hỏi nào và quan trọng hơn cả là không hề phát biểu một điều gì thừa thãi hay vấp váp hoặc “đụng chạm”! Từ chuyện gia đình, tù tội, chính trị, đến hận thù và nhân nghĩa, không thiếu bất cứ một câu hỏi nào mà người ta không đặt ra cho VK tại phi trường Los Angeles, ngay khi vừa xuống máy với nét mặt còn xanh xao, mệt mỏi.

VK đang trả lời phỏng vấn

Bước ra khỏi phi trường và đi cùng với những người nghệ sĩ đồng chí hướng, đã chia sẻ cùng một lý tưởng và phổ biến những ca khúc yêu nước của anh trên khắp thế giới như Trúc Hồ, Quốc Khanh, Nguyên Khang, Mai Thanh Sơn... Nhìn VK tươi cười và huyên thuyên nói chuyện, tôi có cảm tưởng như một cánh chim, đã vừa tìm được tổ ấm mới ở hải ngoại. Vì thật sự khi sinh hoạt chung, tôi biết các anh chị em nghệ sĩ vừa kể, cộng với Diễm Liên, Đoàn Phi, Y Phương, v..v.. vẫn thường âm thầm trao đổi và nói chuyện qua điện thoại với VK, có khi hàng ngày. Qua các buổi trình diễn nhạc VK, những lúc tinh thần khán giả lên cao độ, tôi còn thấy họ lén lút “livestream” cho VK cùng chứng kiến. Họ chia sẻ, giúp đỡ và bảo bọc người nhạc sĩ yêu nước này như chính người thân trong gia đình của mình. Chả thế mà họ đã, đang và sẽ khắng khít với nhau. Họ đã kiên nhẫn, bỏ ngoai tai những lời đồn đãi nhảm nhí để sống với nhau một cách chân thành và tình nghĩa của những con người có tư cách và trái tim yêu nước.

VK cùng thân hữu và cô phụ tá TNS McCain

Lúc đoàn người đông đảo đang ồn ào và sôi nổi vây quanh VK ở phi trường, nào là hội ngộ, thăm hỏi, phỏng vấn trong một cảnh tượng vô cùng náo nhiệt, thì ở một góc xa tôi nhìn thấy có một thiếu nữ đang đứng khóc, và vội chùi nước mắt khi tôi bước đến hỏi thăm, thì ra đó chính là cô luật sư người Mỹ gốc Việt, phụ tá của TNS John McCain và cũng là người chính thức được ông McCain giao phó trọng trách đảm nhiệm hoàn toàn việc thương thảo, sắp đặt và can thiệp cho VK được ra khỏi VN, cô xin được dấu tên. Tìm hiểu sâu hơn nữa tôi còn biết thêm cô chính là một người “đàn em” của NS Trúc Hồ. Vì cảm phục tấm lòng son sắt với quê hương, đất nước của TH và VK cho nên cô đã cam kết với NS Trúc Hồ là sẽ cáng đáng công tác đầy thử thách này và cô đã âm thầm hoạt động một cách thật kín đáo và gian truân trong suốt hơn hai năm trời, trước những đòi hỏi phức tạp của “phía bên kia”. Cô nói, đã nhiều lần tưởng VK được đi nhưng lai bị hủy bỏ, thậm chí VK đã cầm vé để chuẩn bị lên mày bay một tuần trước đó, nhưng rồi cũng bị “làm khó”, khiến cô bé lại vất vả, ngược xuôi! Chả trách cô đang khóc trong hạnh phúc khi nhìn thấy VK đang tươi cười gặp gỡ đồng bào, cùng những người bạn đồng chí hướng với mình trên đất khách. Biết đâu cũng có thể cô khóc vì chợt nghĩ, đến khi nào thì cảnh này sẽ diễn ra ngay trên đất nước VN yêu dấu mà “giặc Tầu đang ngang tàng trên quê hương của chúng ta”?

Tôi ngưỡng mộ và mang ơn cô, vì thì theo tôi một nhân tài yêu nước như nhạc sĩ Việt Khang, cần phải đến một nơi để được tự do sáng tác, để tiếp tục nói dùm những người không được nói và hát thay cho những người không được hát. Chỉ với 2 ca khúc “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Đâu” đầy tình yêu nước mà anh đã trả giá bằng 6 năm tù tội, chính vì thế mà 2 bản nhạc mà anh lén lút sáng tác sau đó là “Trả Lại Cho Dân” và “Con Đường Việt Nam”, trung tâm Asia đã phải dùng tên khác để tôi giới thiệu tác giả!

Tôi gọi anh là “người gieo hạt nhân”, là vì:
Đối với những người bách hại anh, VK dùng những lời lẽ nhân từ để nói về họ: “anh là ai, tại sao lại đánh tôi...”?
Đối với đồng bào ở trong nước, anh can đảm đứng lên để đòi hỏi nhân quyền cho họ, và chỉ xin “quyền được nhìn, được nghe, và được nói...”!
Đối với những bạn tù, anh giữ trọn nhân nghĩa khi viết: “anh Trần Huỳnh Duy Thức vẫn dấn thân dẫu ngục tù đọa đầy...”!
Đối với những người nhạc sĩ cùng chí hướng mà anh luôn kính phục như NS Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng hoặc cùng hoạt động như Việt Dzũng, dù đã khuất nhưng với tấm nhân tình, anh xin được đến viếng thăm và cầu nguyện cho họ ngay khi xe vừa rời khỏi phi trường.

Việt Khang đứng trước mộ Việt Dzũng

Và tôi tin chắc rằng một con người nhân văn, với tấm lòng nhân hâu như anh, lại được sống trong môi trường tự do, VK sẽ cùng những người đồng chí hướng tiếp tục sáng tác, tiếp tục tranh đấu cho quê hương VN tránh khỏi “bị ngoại xâm và hiểm họa diệt vong”, và cùng đưa đất nước Việt Nam vào con đường nhân bản!

Nam Lộc
(tặng Việt Khang, những ngày cuối năm Dậu)

----------------------------------

RFA
2018-02-10

RFA: Chào Việt Khang. Trước tiên chúng tôi xin gửi lời chúc mừng anh đã đến nơi mà người ta hay gọi đó là bến bờ tự do. Xin được hỏi vào những giây phút anh bước ra khỏi chiếc phi cơ và đặt chân vào nước Mỹ, người đầu tiên và điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?

Việt Khang: Người đầu tiên mà Việt Khang muốn gặp nhất là anh Trúc Hồ. Anh Trúc Hồ đã mất rất nhiều thời gian và công sức để vận động cho Việt Khang suốt thời gian qua, từ khi Việt Khang còn trong tù lận. Cái sự cảm nhận của Việt Khang đối với anh Trúc Hồ là tình nghệ sĩ với nhau. Anh Trúc Hồ cảm nhận được Việt Khang, và Việt Khang cũng cảm nhận được anh Trúc Hồ. Tất cả những chuyện anh Trúc Hồ làm vì Việt Khang, Việt Khang cảm nhận được tấm chân tình. Cho đến khi Việt Khang qua đến được Hoa Kỳ thì người đầu tiên Việt Khang muốn gặp, muốn ôm để thoả cái tình cảm biết ơn của mình, là anh Trúc Hồ.

Bên cạnh đó là những anh em nghệ sĩ của Asia trước đây, cũng là những anh em đã hát những bài hát của Việt Khang trong những lần trình diễn để cho đồng bào luôn nhớ đến Việt Khang.  Bên cạnh đó là cô Thục Minh, là luật sư làm việc cho ông Thượng Nghị sĩ John Mc Cain, đã bỏ nhiều công sức giúp cho Việt Khang qua được bên đây.

Cái điều mà Việt Khang nghĩ đầu tiên là mình được tự do, bình an ở 1 xứ sở chưa bao giờ mình nghĩ đến nó là gì, hình dung được nó là gì, không thể nào tưởng tượng được cái đất nước Hoa Kỳ nó rộng lớn, rất là đẹp như thế này.
Nhưng đó là những cảm xúc bên ngoài.

Còn trong nội tâm của Việt Khang khi bước chân xuống Hoa Kỳ là vừa vui vừa buồn.
Buồn, lo lắng khi nghĩ đến anh em khi còn trong trại tù cũng như những anh em mới vừa ra toà. Mình thì được như vầy, còn những anh em đó thì chịu những bản án quá nặng. Cảm xúc nó như vậy đó.


RFA: Một câu hỏi có thể là cũ với một số người, nhưng sẽ luôn mới với 1 số người trong những hoàn cảnh khác nhau. Xin được hỏi anh nghĩ thế nào khi có người cho rằng “ra đi cũng có nghĩa là ngừng đấu tranh”?
Việt Khang: Đối với Việt Khang đơn giản lắm. Thượng đế ban cho, đấng tạo hoá ban cho mỗi người 1 tài năng, 1 khả năng, 1 cái lập trường hay 1 cái sở trường khác nhau hoàn toàn. Có nghĩa là ở môi trường nào thích hợp cho người đó thì người đó mới có thể phát huy được. Thì đối với Việt Khang đơn giản mỗi người có khả năng khác nhau, thì tuỳ họ biết được vai trò của mình, trách nhiệm của mình. Ở đâu cũng được cả, miễn sao mình phát huy được khả năng của mình, để mình làm 1 điều gì đó cho cái nguyện vọng của mình. Còn cao lớn hơn nữa, to tát hơn nữa Việt Khang không dám nói. Chỉ biết là mình làm được cái gì thì mình nên làm, chứ không có những cái tuyên bố hoặc những cái hứa hẹn trong lúc mà mình chưa ổn định được.

Cuộc sống chưa ổn định được, mọi thứ nó sẽ diễn ra trong tương lai. Việt Khang luôn luôn là 1 người nghệ sĩ. Những hoài bão còn đó. Những dự tính còn đó. Những ước mơ còn đó, ước nguyện còn đó thì Việt Khang sẽ thực hiện nó tốt nhất có thể.


RFA: Như anh vừa nói, mỗi người được thượng đế, tạo hoá ban cho 1 sở trường khác nhau. Điều này đã chứng minh qua những ca khúc của anh đã đi vào trái tim của triệu triệu người Việt Nam. Quan điểm của riêng anh về vai trò của âm nhạc trong con đường đấu tranh như thế nào?
Việt Khang: Âm nhạc là tiếng nói thổn thức của lương tâm. Ví dụ những câu chuyện bình thường người ta nghe qua, đọc qua, thoáng qua thôi, nhưng âm nhạc thì nó đọng lại, đọng lại trong tâm tư của mỗi con người. Nó đọng lại và dần dần người ta cảm nhận nó 1 cách toàn diện hơn. Nó thấm từ từ để người ta hiểu được nó toàn diện hơn. Có những bài hát mấy mươi năm rồi, nhạc miền Nam Việt Nam, đến giờ này người ta hát mà tuổi Việt Khang nghe cũng hiểu được phần nào không gian thời gian thời điểm đó.
Là 1 người nghệ sĩ, ca hát, sáng tác, Việt Khang hiểu được là âm nhạc có linh hồn. Nó có 1 cái gì đó làm cho người ta thổn thức.


RFA: Hai năm trước, khi anh vừa mãn án 2 năm tù giam, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn anh về hoàn cảnh ra đời của 3 ca khúc Việt Nam tôi đâu; Anh là ai và Trả lại cho dân. Tất cả những sáng tác đó đều là những sáng tác có thể gọi là  “đối diện trực tiếp” với hiện tình của đất nước. Bây giờ rời quê hương, anh có nghĩ rằng những ca từ trong sáng tác của mình vẫn sẽ đủ sức mạnh chuyển tải thông điệp như thế?
Việt Khang: Theo Việt Khang, mỗi 1 bài hát được ra đời nó có cái duyên của nó, bắt buộc nó phải có mặt. Nói về cảm nhận của 1 người sáng tác, không phải là tự nhiên nó ra đâu, mà nó có 1 điều gì rất thiêng liêng, nó thổn thức được người tác giả và bắt buộc nó phải ra đời bằng tình cảm rất đặc biệt.
Sau này cũng vậy. Việt Khang không còn ở Việt Nam, nếu ơn trên soi sáng thì Việt Khang nghĩ Việt Khang cũng sẽ làm được.
Mình làm gì cũng vậy, nếu có ơn trên soi sáng, dìu dắt là mình làm được tất cả.  Nếu không hội tụ được những điều đó thì không thể làm được. Với đức tin của Việt Khang là như vậy. Chứ Việt Khang cũng bao nhiêu người khác thôi, tại sao là có những ca khúc làm cho đồng bào thương mình đến như vậy. Việt Khang rất bất ngờ vì điều đó.


RFA: Việt Khang có thể chia sẻ câu chuyện về ca khúc Việt Nam tôi đâu của anh được 1 nhạc sĩ Nauy thực hiện trong album Unsongs gồm 12 ca khúc bị cấm hát ở 12 quốc gia?
Việt Khang:
Có 1 anh nhạc sĩ tên là Pal Moddi Knutsen người Na Uy, ảnh thực hiện 1 CD gồm 12 ca khúc của 12 quốc gia khác nhau, toàn là những ca khúc bị cấm, chủ đề là Unsongs.
Ảnh được 1 đồng hương người Việt Nam ở Na Uy giới thiệu ảnh nghe bài Việt Nam tôi đâu. Ảnh vừa nghe xong thì muốn thực hiện ca khúc này trong album đó. Anh có sang Việt Nam, gặp Việt Khang tại nhà của Việt Khang để trò chuyện và làm 1 cái video. Hiện có trên Youtube cuộc phỏng vấn của ảnh với Việt Khang.
Ảnh có nhã ý lấy ca khúc đó, dịch ra tiếng Anh và hoà âm lại theo phong cách Châu Âu, đánh với lại 1 dàn nhạc rất lớn của NaUy.  Ảnh lấy những ca khúc đó đi diễn 1 vòng Châu Âu và được sự đón nhận của nhiều khán thính giả khắp nơi.
Đây là 1 thông tin mà Việt Khang cũng xin chia sẻ với khán thính giả. Vừa rồi, lúc mà Việt Khang chuẩn bị đi sang Hoa Kỳ là bên đó có 1 người, thay mặt cho anh nhạc sĩ này gọi cho Việt Khang, mời Việt Khang đi lưu diễn ở Nauy vào mùa hè năm nay, cùng hát với anh nhạc sĩ này và dàn nhạc ở NaUy vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2018 này. Việt Khang cảm thấy mình vinh dự và hạnh phúc lắm. Ai cũng vậy, đặt trường hợp ai trong hoàn cảnh của Việt Khang lúc này cũng thấy vinh dự, rất hạnh phúc. Điều đó càng cho Việt Khang cảm thấy mình cảm ơn ơn trên đã cho mình 1 đặc ân rất lớn.


RFA: Xin cảm ơn Việt Khang. Một lần nữa chúng tôi xin chúc mừng anh và chúc cho mọi chuyện luôn tốt đẹp ở phía trước.








No comments: