Sunday, February 25, 2018

SỰ CẨU THẢ CỦA VIETNAM AIRLINES ĐANG ĐE DỌA AN NINH HÀNG KHÔNG (Vũ Phương - GDVN)




Vũ Phương -  GDVN
06:00 23/02/18

(GDVN) - Chuyên gia Trần Đình Bá cho rằng, sự lỏng lẻo, cẩu thả từ mặt đất lên đến máy bay sẽ đe dọa an ninh hàng không.


Ngày 20/2 (tức ngày mùng 5 Tết) đã xảy ra chuyện khó tin tại Hãng hàng không Việt Nam Airlines. Một hành khách nước ngoài đi Myanmar lên nhầm máy bay Vietnam Airlines đến Singapore.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đang xác minh làm rõ nguyên nhân sự cố trên. Cho đến ngày 23/2, tức là sau 3 ngày xảy ra sự cố nguy hiểm trên thì cơ quan chức năng ngành giao thông chưa công bố thông tin chính thức về vụ việc cũng như xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan.

Đánh giá về sự cố trên, không ít chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, khó chấp nhận sự cẩu thả, lỏng lẻo, vô trách nhiệm từ mặt đất lên đến máy bay của một ga hàng không quốc tế như ở Tân Sơn Nhất, và lại là sự cẩu thả của hãng hàng không lớn là Việt Nam Airlines.

Lúc này, việc mà ngành hàng không cần phải làm ngay là kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình từ tiếp đón hành khách vào làm thủ tục đến khi lên máy bay, làm sao đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, an toàn và đặc biệt vấn đề an ninh hàng không bắt buộc phải đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Trần Đình Bá (Hội viên Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Sự cố trên cho thấy sự lỏng lẻo từ khâu làm thủ tục Check in và từ đó kéo theo các sơ hở, cẩu thả khác thành dây chuyền dẫn đến hành khách lên nhầm máy bay.
Ở tình huống đó, nhà ga hàng không quốc tế không khác gì một nhà ga xe buýt, hỗn loạn, mất trật tự và có thể nói là mất kiểm soát”.

Trong ngành hàng không việc kiểm tra hành khách từ mặt đất lên may bay được biết đến rất chặt chẽ, kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và qua nhiều cửa, qua sự cố trên không ít người cho rằng quy trình trên có vấn đề.

Về việc này, chuyên gia Trần Đình Bá chỉ ra: “Việc kiểm soát vé, nhận dạng khuôn mặt hành khách trên hộ chiếu theo danh sách gần như rất lỏng lẻo.
Điều này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng không, gây hỗn loạn trong khoang máy bay và làm mất thời gian lập lại trật tự trên máy bay.
Vấn đề an ninh rất nghiêm trọng cho thấy nhận thức, giác ngộ của nhân viên, lãnh đạo ngành hàng không quá yếu kém và có thể nói là điếc không sợ súng”.

Chuyên gia Trần Đình Bá nhấn mạnh: “Đây là vấn đề an ninh quốc gia, an ninh hàng không bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu có khủng bố cướp máy bay như vụ 11/9 ở Mỹ, hậu quả sẽ khôn lường.
Nếu không phải khủng bố mà buôn lậu ma túy, mang theo vũ khí cũng đã là nghiêm trọng rồi.
Qua vụ việc trên nếu không chấn chỉnh, xử lý nghiêm thì ngành hàng không ngày càng hỗn loạn”.

Cũng theo vị chuyên gia này, thời gian qua ngành hàng không cũng xảy ra không ít sự cố như máy bay hạ cánh nhầm sân bay, hạ nhầm đường băng, mất điện sân bay cả tiếng đồng hồ, nhân viên không lưu đánh nhau khi điều hành bay…

Do vậy cần phải xem xét năng lực quản lý, lãnh đạo yếu kém trong lĩnh vực hàng không nước nhà.  

“Những sự cố trên đã đánh mất hình ảnh hàng không nước nhà và chúng ta đang thua xa các nước trong khu vực”, ông Bá nói.

Trong khi đó, Giảng viên Nguyễn Chí Trung (Bộ môn Kỹ thuật an toàn giao thông – Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: “Trước tiên việc để hành khách đi nhầm lên máy bay đã gây phiền phức, chậm chuyến bay làm ảnh hưởng đến những hành khách khác trên chuyến bay đó.
Tiếp đó, sự cố cho thấy là vấn đề an toàn hàng không, an ninh hàng không bị đe dọa. Ga hàng không khác với ga xe buýt, bến xe khách đòi hỏi tính chính xác, an ninh tuyệt đối.
Bởi vậy cần phải xem lại quy trình soát vé, kiểm tra an ninh hành khách trước khi lên máy bay tại các ga hàng không. Điều này để đảm bảo chuyến bay an toàn, đúng thời gian, lịch trình”.

Trước đó vào khoảng 9h5 ngày 20/2 khi máy bay mang số hiệu VN 651 của Vietnam Airlines dự kiến khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Singapore đang chuẩn bị lăn bánh ra đường băng cất cánh đã bất ngờ có một vị khách được xác định là đi nhầm chuyến bay.

Các tiếp viên đã thông báo đến hành khách rằng chuyến bay sẽ bị chậm hơn dự kiến vì có sự xuất hiện của vị khách lạ.

Sau thời gian kiểm tra cẩn thận để đảm bảo không còn hành lý của vị khách bị nhầm trên máy bay, cửa máy bay được mở ra, vị khách nước ngoài đã được đưa trở lại vào nhà ga. Đến 10h cùng ngày chuyến bay vẫn chưa thể cất cánh.

Được biết, theo kế hoạch, chuyến bay mang số hiệu VN 943 từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Yangon (Myanma) của Hãng hàng không Vietnam Airlines có giờ bay dự kiến là 9h25, trong khi chuyến bay VN 651 sang Singapore có giờ khởi hành là 9h10.

Cũng theo kế hoạch ban đầu hành khách của chuyến bay VN 651 sang Singapore làm thủ tục lên máy bay ở cửa số 17 trong nhà ga T2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhưng sau đó đổi lại sang cửa số 27 (khu chờ cuối cùng).

Theo quy định, hành khách trước khi lên máy bay đều phải qua nhiều bước kiểm tra khắt khe. Trước khi lên máy bay, hành khách sẽ được nhân viên làm thủ tục mặt đất kiểm tra thẻ lên máy bay một lần cuối bằng thiết bị quét mã vạch.

Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây là vị khách nước ngoài nói trên làm sao có thể lên nhầm máy bay mà qua từng ấy khâu kiểm tra, đối chiếu vẫn không hề phát hiện.

Vũ Phương







No comments: