Monday, February 12, 2018

ÔNG NGUYỄN ĐẮC XUÂN : NÊN TƯỞNG NIỆM TẤT CẢ NẠN NHÂN HUẾ (BBC Tiếng Việt)




12 tháng 2 2018

Trong trận Tết Mậu Thân, Huế là nơi duy nhất đã vừa "tấn công" vừa "nổi dậy", và chiến trường này chính là lý do chủ chốt dẫn tới việc kết thúc Chiến tranh Việt Nam sau đó bảy năm, sử gia Nguyễn Đắc Xuân nói với BBC.

Ông Nguyễn Đắc Xuân là Ủy viên Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, hoạt động trên địa bàn từ Cửa Đông Ba tới Cửa Thượng Tứ thuộc Thành Nội trong thời gian xảy ra cuộc chiến Tết Mậu Thân tại Huế

Tuy nhiên, đây cũng sự kiện đẩy lực lượng Việt Cộng vào tình thế khốn cùng nhất, khó khăn nhất trong suốt hai cuộc chiến ở Việt Nam, cựu ủy viên Mặt trận Liên minh của phe Cộng sản trong cuộc tấn công vào Huế, thừa nhận.

Yếu tố bất ngờ

Đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, pháo binh Bắc Việt đồng loạt công phá thành phố, mở màn cho cuộc tấn công vào Huế.
Phe cộng sản nhanh chóng kiểm soát được hầu hết thành phố.

---------------------------------------------------------------
--------------------------------------------------------------

Tình hình ở khu vực phía bắc thành phố Huế sớm trở nên êm ả trong những ngày đầu, ông Nguyễn Đắc Xuân nhớ lại.

Một lính thủy quân lục chiến Mỹ trong giao tranh giành lại Huế. GETTY IMAGES

"Ngày 31/1/1968, tôi về Huế. Ba bốn ngày đầu không thấy bom đạn gì cả. Tôi ngỡ Mỹ và Mặt trận Giải phóng đã thương thuyết với nhau nên không có chiến đấu gì trong mấy ngày đó."
"Đó là dịp Tết, hưu chiến. Chỉ có một số điểm quân sự, như ở mấy cửa thành, thì có đội giữ cửa thành."
"Nhưng Mặt trận Giải phóng đã có nội tuyến ở trong thành. Tới giờ G, toàn bộ các chốt ở những cửa thành đó, đặc biệt là cửa hữu và cửa phía tây, bị thanh toán ngay. Đội quân đi vào rất dễ dàng."
"Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ. Dân chúng Huế cũng vậy. Dân chúng Huế tới sáng mai ngủ dậy thấy chúng tôi đi đầy trong thành phố, chỗ nào cũng có mặt."
Tuy nhiên, vẫn có một số địa điểm quan trọng mà phía Cộng sản không kiểm soát được, như Đồn Mang Cá, sân bay Tây Lộc ở phía bắc thành phố, hay khu phái bộ cố vấn Mỹ.
Cuộc chiến thực sự ở khu vực phía bắc thành phố, nơi có khu di tích Cố đô, chỉ "nổ ra sau đó chừng 5, 6 ngày", ông Nguyễn Đắc Xuân kể lại.
Ở phía nam thành phố, bên bờ nam Sông Hương, cuộc giao tranh nổ ra sớm hơn, bởi có "sân bay Phú Bài và những cơ quan quân sự đóng ở đó."

Phản kích khốc liệt

Lính thủy quân lục chiến Mỹ tại Huế, 23/2/1968.  GETTY IMAGES

Trong thời gian giao tranh kéo dài tới cuối tháng 2/1968, đã có lúc phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa như phải đối diện với một đối thủ vô hình.
Lúc ban đầu, phía Việt Cộng áp dụng chiến thuật lẫn vào trong dân, khiến "Mỹ không biết lực lượng là bao nhiêu".
"Mặt trận Giải phóng không dàn quân. Đánh là đánh bí mật, giấu quân chứ không đứng hàng ngang tiến lên," ông Xuân nói.

-------------------------------------------------------------------
----------------------------------------------------------------------

Tuy nhiên, sau khi bị lộ diện, quân Cộng sản đã bị hỏa lực đối phương tấn công dữ dội.
"Tàu chiến từ dưới Sông Hương bắn lên, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào. 80% Thành phố Huế tan nát do bom đạn từ xa dội xuống," ông Xuân nói.
"Mặt trận Giải phóng không thể đỡ nổi. Thiệt hại vô cùng lớn."
"Họ xả súng, thả bom nhiều lần. Lúc chúng tôi từ dưới hầm đi lên, cảm giác như mình đứng giữa cung trăng, tan nát hết."
"Có những tiểu đoàn phải tăng quân ba, bốn lần, mỗi lần 400 người. Vậy mà cuối cùng, khi rút ra chỉ còn có 7, 8 người hoặc vài chục người thôi."
"Sự phản kích của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đẩy lực lượng giải phóng, đẩy chúng tôi vào chỗ khó khăn nhất trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam."
Thời điểm khốc liệt nhất cho lực lượng Cộng sản trong cuộc chiến tại Huế là "khi rút ra khỏi thành phố", theo ông Nguyễn Đắc Xuân. Tuy nhiên, sự khó khăn tiếp tục kéo dài sau đó, "suốt năm 1968".
"Lên trên rừng hết sức khó khăn. Gạo, cơm không có. Không có thức ăn, phải ăn rau rừng. Nhà cửa lúc xưa tưởng là về rồi, nên có những chỗ đốt trại, bây giờ phải lên xây dựng lại."
"Đôi khi phải chạy qua biên giới Lào, đường 559, để xin gạo từ ngoài Bắc chở vào trên đường 559. Cuộc chiến tranh chưa bao giờ khó khăn đến thế."
"Đau ốm, chết người. Nếu không được dân chúng bao bọc, không được dân chúng dẫn đường, che chở, thì lực lượng Giải phóng đã chết hết."

"Tấn công" và "Nổi dậy" ở Huế

VIDEO : Huế: 26 ngày đêm trong Thành Nội dịpTết Mậu Thân

Bắc Việt quyết định mở chiến dịch trên toàn bộ Nam Việt Nam vào thời điểm Tết Mậu Thân 1968, với mục tiêu đánh một đòn chí tử cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
"'Tấn công' là lực lượng quân đội từ bên ngoài vào. 'Nổi dậy' là quần chúng nổi dậy để giúp đỡ cho Mặt trận," ông Nguyễn Đắc Xuân giải thích.
"Nếu chỉ có quân đội tấn công vô một thành phố thì không thể thành công được. Muốn làm việc đó là phải có sự ủng hộ của dân chúng."

-------------------------------------------------------------------
----------------------------------------------------------------------

Nhìn lại cuộc chiến tại Huế, ông Xuân nói rằng Huế là nơi duy nhất đã đạt được cả hai mục tiêu "tấn công" và "nổi dậy".
"Sở dĩ Huế giữ được hai mấy ngày đó là nhờ sự đóng góp của dân chúng. Ở những chỗ khác, nếu không được dân chúng ủng hộ thì thiệt hại 100%."
"Tinh thần tấn công và nổi dậy là ở toàn quốc, nhưng tổ chức nổi dậy có được hay là không, thì chỉ có Huế thôi. Các nơi khác không nơi nào kéo dài được quá vài ngày, kể cả ở Sài Gòn."
"Ở Huế, dù cho thiệt hại rất nặng, nhưng cuộc chiến tạo một bước để cho Mỹ phải thay đổi chiến lược, từ bỏ ý định giải quyết chiến tranh bằng quân đội, bằng chiến tranh, và trở lại với con đường hòa bình, thương lượng, và để Mỹ ra đi."
"Nhờ đó mà có chuyện ngưng thả bom miền Bắc, rồi đàm phán Hiệp định Paris, từ đó rồi Mỹ rút quân, sau đó mới có kết quả năm 1975."

Thảm sát ở Huế?

Phía cộng sản trong thời gian kiểm soát Huế cũng đã lập chính quyền cách mạng tại thành phố, "với tinh thần là chiếm thành phố Huế luôn," ông Nguyễn Đắc Xuân nói.
Sau khi họ rút đi, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nói đã phát hiện được nhiều mồ chôn tập thể tại Huế.
"Chính quyền cách mạng" bị cáo buộc đã tổ chức, thực hiện những vụ thảm sát.
Đây là vấn đề đã được các nhân chứng từ phía VNCH nêu ra ngay sau trận Mậu Thân, và sử gia nước ngoài đã viết sau cuộc chiến Việt Nam.

-------------------------------------------------------------------
------------------------------------------------------------------------

Ông Nguyễn Đắc Xuân nay phản bác lại cáo buộc này:
"Sau khi chúng tôi rút chạy sang bên Lào, lực lượng của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đào bới lên tất cả những xác chết, những hầm chôn người. Họ nói là mấy ngàn người, một con số lớn. Họ nói rằng đó là những đồng bào Huế bị Mặt trận Giải phóng giết."
"Nhưng mà khi tôi đi thực tế và theo tôi hiểu, thì chôn tập thể là bởi khi đó việc chôn một người đã là khó rồi. Cho nên có những hố bom đào lên, hay có cái gì đó có thể chôn được thì tất cả những người chết được cho xuống đó hết."
"Ít nhất 5, 6 ngàn người lính Giải phóng chết tại Huế, có người nào được đem xác ra ngoài đâu?"
"Có người nào được đem xác ra ngoài đâu?' ông Xuân lặp lại. "Chôn tại chỗ hết."
"Việc cho rằng đó là những người do Mặt trận Giải phóng giết là không công bằng."

"Phạm nhiều sai lầm"

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Xuân thừa nhận đã có "nhiều sai lầm" xảy ra trong cuộc chiến, và trên thực tế việc giết lầm là có thật.
"Bởi thông tin, bởi trình độ, nên có nhiều người bị oan."
"Trong cuộc chiến tranh đó, lực lượng hai bên có phạm nhiều sai lầm."
"Trình độ những người lính Giải phóng phần lớn là những người nông dân mới ngoài 20 tuổi, đi vô trong một thành phố như thế này, họ đâu hiểu hết thành phố đó như thế nào."
Những người bị giết oan tại Huế không chỉ gồm người Việt, mà còn cả người nước ngoài, ông Xuân xác nhận.

Huế ngày 13/3/1968. GETTY IMAGES

"Những người lính đâu có phân biệt được giữa người Mỹ với người Pháp hay người Đức?"
"Họ thấy người phương Tây là cho rằng là người Mỹ hết. Và bởi trong chiến tranh, nên khi cho là Mỹ là họ bắn thôi."
"Đã xảy ra việc các giáo sư người Đức, người đã làm nên Đại học Y khoa hiện nay... bị những người lính Giải phóng tưởng là người Mỹ, nên bắn chết hết."
Quan điểm trên cũng được một cựu chỉ huy Cộng sản nêu ra.
Cách đây 30 năm, tư lệnh chiến dịch Mậu Thân tại Huế, Lê Minh từng nói "trong chiến tranh, không thể nào không sai lầm", ông Nguyễn Đắc Xuân nhớ lại.
"Năm 1988, tôi giúp Thành Ủy Huế làm một quyển sách về Huế Mậu Thân 1968. Khi đó, ông Lê Minh, người chỉ huy hồi 1968 đó đã yêu cầu những người cách mạng bây giờ là phải tổ chức minh oan cho những người đã chết. Rất tiếc, đến giờ này, chưa ai làm việc minh oan này cả."
"Việc đã 50 năm rồi, phải làm phần trách nhiệm đó. Có được chiến thắng rồi, thì trách nhiệm của những người đang lãnh đạo chính quyền là phải tổ chức minh oan cho những người đó."
"Nhiều người bị oan, không phải của một phía, những người của hai ba phía chứ không phải một phía."
"Cũng phải giải tỏa. Hàng năm cần lấy ngày Tết Mậu Thân để tưởng nhớ đến những người đã chết, giống như ngày 23/5, là ngày thất thủ kinh đô hồi 90 năm trước, năm 1885, khi Vua Hàm Nghi xuất bôn."
"Huế cần kỷ niệm ngày 23/5, là ngày thất thủ kinh đô, và ngày Tết Mậu Thân, vốn đã đưa đến chiến thắng chấm dứt chiến tranh Việt Nam."
"Tôi thấy rằng phải làm tượng đài. Người dân Huế dù cho họ thuộc Việt Nam Cộng hòa hay theo cách mạng, hay không theo bên nào, nếu họ đã chết cho cuộc chiến thắng này thì phải tưởng niệm họ."
"Phải có trai đàn chẩn tế để thanh minh, giải oan cho những người bị uất ức, những người đã làm nên chiến thắng này."

*
Ông Nguyễn Đắc Xuân là Ủy viên Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, hoạt động trên địa bàn từ Cửa Đông Ba tới Cửa Thượng Tứ thuộc Thành Nội trong thời gian xảy ra cuộc chiến Tết Mậu Thân tại Huế. Cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện 1/2018.
Bài phỏng vấn với ông Nguyễn Đắc Xuân sẽ được phát cả trong chương trình Witness của BBC News tại Anh về chủ đề trận Tết Mậu Thân 1968.

*
Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        









No comments: