Thursday, February 15, 2018

GIỰT NỢ MÁU XƯƠNG (Trân Văn)




16/02/2018 

Tết đã đến nhưng năm nay, bà Ngô Thị Phái, ngụ ở thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và thân nhân vẫn chưa an lòng vì họ vẫn chưa tìm thấy hài cốt ông Ngô Văn Phiếu. Ông Phiếu – anh ruột bà Phái – sinh năm 1946, từng được Quân đội nhân dân Việt Nam động viên vào lính để “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Theo lời một đồng đội của ông Phiếu thì khi vào Nam, ông được chỉ định phục vụ trong Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Sau đó Tiểu đoàn 16 được đặt dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội Long An để thực hiện cuộc “Tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968”.

Đêm 30 tháng Chạp Âm lịch Xuân Mậu Thân 1968, ông Phiếu là một trong hàng ngàn người lính tấn công phi trường Tân Sơn Nhất và mất mạng…

Hồi tháng 7 năm ngoái, nghe tin hệ thống công quyền Việt Nam đang tìm kiếm các ngôi mộ tập thể - chôn cất những người lính tham gia công cuộc “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” – hồi Xuân Mậu Thân 1968, trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), bà Phái đã đi tìm người đưa tin để hỏi thăm thêm.

Phóng viên của VOV kể rằng, gia đình bà Phái đã tự đi tìm hài cốt ông Phiếu nhiều lần trong nhiều năm nhưng không thành công. Thông tin về việc tìm kiếm những ngôi mộ tập thể ở phi trường Tân Sơn Nhất lại làm dấy lên hi vọng trong lòng bà Phái và thân nhân. 50 năm đã qua và đất nước thống nhất đã hơn bốn thập niên, hài cốt ông Phiếu có thể đã rã thành bùn đất, nên bà Phái chỉ hy vọng ai đó tìm đúng nơi ông Phiếu được chôn cất để xin ghi tên ông vào tấm bia được dựng ở đó rồi xin một nắm đất đắp lên mô đất thay cho nấm mộ của ông Phiếu ở quê nhà.

Cuộc tìm kiếm những ngôi mộ tập thể trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất được thực hiện hồi năm ngoái, bao gồm hai đợt, một đợt hồi tháng 6, một đợt hồi tháng 10 và đã kết thúc hồi cuối tháng 11 mà không đem lại kết quả nào.

Tác phẩm mới nhất về chiến trường Huế 1968.

***

Trong một vài tài liệu được xuất bản chính thức, chẳng hạn như “Tết Mậu Thân 68 - Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, tác giả Hồ Khang dựa vào các thống kê của hệ thống công quyền Việt Nam, cho biết (trang 362), cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” đã đẩy khoảng 50.000 người lính thuộc “Quân Giải phóng miền Nam” đến chỗ chết và mất tích (44.824 chết, 4.511 mất tích), chưa kể 61.267 người lính bị thương, thêm vài ngàn người bị bắt làm tù binh, đi lạc, đầu hàng,… Bất kể tổng thiệt hại về quân số, nhân lực ít nhất cũng khoảng 113.000 người, một số cá nhân là người trong cuộc như Thiếu tướng Huỳnh Công Thân, Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, Tỉnh đội trưởng Long An, Tư lệnh Phân khu 3 khi diễn ra cuộc “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968” thuật lại trong “Ở chiến trường Long An” của Thiếu tướng Huỳnh Công Thân (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1994) rằng chủ trương thực hiện “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968” vừa điên rồ, vừa phi nhân (xua hàng trăm ngàn người lính thuộc “Quân Giải phóng miền Nam” vào chỗ chết), trước nay, cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” vẫn được ca ngợi là “bằng chứng sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam”.

Khoan bàn đến yếu tố nhân văn của cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” (tuyên bố ngưng bắn nhân dịp Tết rồi tổ chức tấn công đồng loạt trên khắp miền Nam, thảm sát thường dân - trong đó có khoảng 6.000 người ở Huế, biến hàng triệu người thành vô gia cư, trắng tay vì nhà cửa, tài sản bị phá hủy,…), chỉ xét cách hệ thống công quyền Việt Nam đối xử với những người lính được điều động tham gia cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” rồi chẳng may mất mạng thì cũng đủ để thấy đó là vô đạo.

Sau 43 năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, đâu chỉ có ông Phiếu vẫn còn mất xác! Năm ngoái – 42 năm sau khi đã làm chủ hoàn toàn Việt Nam – hệ thống công quyền Việt Nam mới tổ chức thêm một số đợt tìm kiếm những người lính trở thành liệt sĩ khi tham gia cuộc tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968 ở phi trường Biên Hòa và phi trường Tân Sơn Nhất.

Những đợt tìm kiếm vừa kể khởi đầu bằng nỗ lực của một Kiến trúc sư tên là Nguyễn Xuân Thắng và bạn bè. Từ việc có cậu ruột là liệt sĩ đến nay vẫn còn mất xác, ông Thắng và một số người cùng hoàn cảnh, cùng chí hướng đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức thu thập thông tin, hình ảnh liên quan đến các ngôi mổ tập thể - chôn cất những người lính thuộc “Quân Giải phóng miền Nam” và mất mạng khi tấn công vào phi trường Biên Hòa và phi trường Tân Sơn Nhất. Qua Internet, ông Thắng tìm thấy một số cựu chiến binh Mỹ hoặc tận mắt mục kích, hoặc tham gia chôn cất các liệt sĩ Việt Cộng hồi Tết Mậu Thân 1968 ở phi trường Biên Hòa. Ngoài việc gửi thêm thông tin, dữ liệu, một đại tá và một trung sĩ cựu chiến binh Mỹ còn sắp xếp để quay lại Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm.

Nhiệt tình của những Nguyễn Xuân Thắng, Bob Connor, Martin Strones,… thúc đẩy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai phải nhập cuộc và cuối cùng đã tìm thấy - cải táng hài cốt 150 liệt sĩ.

Ông Thắng cũng đã chuyển những thông tin, dữ liệu tương tự cho Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM. Tuy ông Thắng ước lượng quanh khu vực vốn là rìa phi trường Tân Sơn Nhất có từ 600 đến 700 liệt sĩ Việt Cộng chưa được cải táng nhưng một số cá nhân như ông Vũ Chí Thành – từng tham gia tấn công phi trường Tân Sơn Nhất hồi Tết Mậu Thân 1968 – khẳng định, con số này phải đến hàng ngàn.

Sau 43 năm tính từ tháng 4 năm 1975, phần đất trống bọc quanh phi trường Tân Sơn Nhất giờ đã trở thành khu dân cư, đường sá, nơi một số doanh nghiệp xây dựng các cơ sở kinh doanh thành ra hai đợt tìm kiếm được thực hiện hồi giữa và cuối năm ngoái không mang lại kết quả nào.

Dữ liệu với rất nhiều hình ảnh mà các cựu chiến binh Mỹ trao cho ông Thắng để ông chuyển cho Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM và cung cấp cho báo giới có một chi tiết ít người để ý: Đó là khi chôn cất những liệt sĩ Việt Cộng, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã dựng bảng ghi rõ, đó là “Nơi an nghỉ của những chiến sĩ lầm đường đêm Mùng 1 Tết Mậu Thân. Linh thiêng xin các bạn hãy giúp cho xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta mau thái bình”những tấm bảng ấy chỉ bị triệt hạ sau tháng 4 năm 1975. Ngoài việc bứng bỏ những tấm bảng ấy, phe ta đã không làm gì cho những người đã đổ máu, xương để giúp phe ta giành chiến thắng. Phớt lờ và “chia năm, xẻ bảy” là nguyên nhân chính khiến những thân nhân liệt sĩ như bà Phái, ông Thắng ngậm ngùi. Nhiều người cha, người mẹ chết không nhắm mắt. Trách nhiệm tìm kiếm thân nhân đã hi sinh cho công cuộc “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” được chuyển từ đời cha, sang đời con, với một số gia đình, trách nhiệm đó đã được chuyển cho thế hệ… cháu!

Đợt cải táng những liệt sĩ Việt Cộng mất mạng hồi Tết Mậu Thân 1968 khi tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất diễn ra vào năm 1995 – hai mươi năm sau khi “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” và do một doanh nghiệp nhà nước thực hiện khi cải tạo phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhất.

Tình nghĩa của những người cộng sản vốn chỉ như thế nên chẳng có gì là lạ khi năm ngoái, trong quá trình thực hiện hai đợt tìm kiếm – cải táng hài cốt liệt sĩ Việt Cộng ở phi trường Tân Sơn Nhất, giải thích về những khúc xương, di vật (áo, thắt lưng, ví da,…), Thiếu tướng Trần Hữu Tài - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 – giải thích gọn lỏn, nhẹ tênh, không một chút áy náy, xấu hổ: Đó là những thứ còn… sót lại từ… đợt cải táng năm 1995!

Tình nghĩa của những người cộng sản vốn chỉ như thế nên chỉ ở Việt Nam mới có những chuyện chẻ xương, cắt sọ liệt sĩ, chia một bộ hài cốt thành hai, ba để tham nhũng chi phí cải táng như đã từng xảy ra hồi giữa thập niên 1990 khi Đồng Nai quyết định di dời một nghĩa trang liệt sĩ để lấy đất làm… chuyện khác!

***

Bà Phái, ông Thắng và những người đồng cảnh ngộ cứ tiếp tục khắc khoải về chuyện an nghỉ của người thân, từng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc, cuộc chiến chống chế độ diệt chủng của Polpot ở Campuchia. Tổng Bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng từ thời này sang tời khác cứ tiếp tục tổ chức kỷ niệm những “buổi lễ cấp quốc gia” kiểu như “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” mới diễn ra ở Sài Gòn.

Những “buổi lễ cấp quốc gia” kiểu đó không phải nhằm tri ân mồ hôi, nước mắt, máu xương của nhiều cá nhân, nhiều gia đình, chúng chỉ nhằm tô vẽ cho sự lãnh đạo “tài tình, sáng suốt” của Đảng CSVN và những “thắng lợi rực rỡ” trong quá khứ được sử dụng như bằng chứng, chứng minh, tổ chức chính trị này xứng đáng trong việc tiếp tục duy trì độc quyền lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” ở Việt Nam.

Đừng vội tính nợ nần mà hệ thống công quyền Việt Nam phải gánh đối với “ngụy quyền”, “ngụy quân”, “ngụy dân”, nợ xương máu mà hệ thống công quyền Việt Nam đã vay của các liệt sĩ và thân nhân của họ cũng được xếp vào loại khó đòi.

Hồi tháng 11 năm ngoái, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, bảo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang.

Tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ ấy đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang.

Lý do chính khiến cha mẹ nhiều liệt sĩ chờ cho tới chết vẫn chưa nhận được hài cốt của con là vì… hệ thống công quyền Việt Nam chưa cấp tiền để tìm kiếm, mang hài cốt của các liệt sĩ về nhà. Vào thời điểm ấy, tướng Cò khẳng định với các đồng viện rằng chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽ đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương.

Không thấy báo chí Việt Nam tường thuật chủ trương của giới lãnh đạo Đảng CSVN cũng như Quốc hội, chính phủ quyết định thế nào về đề nghị của tướng Cò. Người ta chỉ thấy sau khi Ban Bí thư công bố chủ trương, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và ráo riết thực hiện kế hoạch xây dựng một nghĩa trang diện tích 120 héc ta, trị giá 1.400 tỉ để lãnh đạo cao cấp của Đảng “yên giấc ngàn thu”.









No comments: