Wednesday, February 14, 2018

BẢN TIN TỐI 14/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Thông báo: Đây là bản tin cuối cùng trong năm Đinh Dậu của trang Tiếng Dân. Chúng tôi sẽ ngưng điểm tin cho đến đầu tháng tới. Chỉ riêng mục Điểm Tin tạm ngưng, tất cả các mục khác của Tiếng Dân vẫn mở và bài vở vẫn được đăng đều đặn mỗi ngày trong dịp Tết.
BBT Tiếng Dân kính chúc quý độc giả, ủng hộ viên, cộng tác viên, biên tập viên, cùng tất cả quý thân hữu, đón xuân Mậu Tuất bình an, hạnh phúc, mọi sự như ý.

Cầu chúc cho người dân Việt sớm có được tự do, được hưởng yên vui, thái bình như những người dân ở các nước trên thế giới. Riêng lãnh đạo CSVN sớm nhận ra những mong mỏi của người dân trên khắp mọi miền đất nước, mà thay đổi theo mong muốn của dân.
____


Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
TS Trần Công Trục nhận định: Mỹ “chấm” Indonesia – Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc lộ bài ứng phó. Về chuyện Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, TS Trục cho rằng: “Để nhanh chóng đạt được mục tiêu chiến lược trong cuộc tranh về chấp địa – chính trị với Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ này trong năm 2018”. Theo TS Trục, Bắc Kinh vẫn đang giữ thế thượng phong ở Biển Đông.

Trong Chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ, Việt Nam, Indonesia sẽ trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc xung quanh vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis lựa chọn Indonesia và Việt Nam “làm điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á ngay sau khi công bố chiến lược quốc phòng mới”.

Báo Người Lao Động dẫn lời báo Trung Quốc: Hải quân Anh “cần hành xử nhã nhặn” ở biển Đông. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson khẳng định nước này sẽ đưa một tàu chiến đến Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải, tờ Hoàn Cầu thời báo đã có bài xã luận song ngữ Anh – Hoa với lời nhận xét:
“Nếu không phải là khiêu khích, Hải quân Hoàng gia Anh nên hành xử một cách ‘nhã nhặn’ khi đi qua biển Đông. Bằng các hành động cứng rắn chống lại Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Anh đang cố gắng thu hút sự chú ý”.


Nhân quyền cho Việt Nam
BBC có bài phỏng vấn nhà hoạt động Cấn Thị Thêu: Từ nông dân thành nhà bất đồng chính kiến. Bà Thêu chia sẻ về chuyện đấu tranh trong tù: “Trong hai lần ngồi tù tổng cộng 35 tháng, tôi đã tuyệt thực nhiều lần… Lần đi tù thứ hai tôi tuyệt thực liên tục 13 ngày đến mức tiểu ra máu”. Bà Thêu khẳng định bà là người nông dân bị chính quyền đẩy vào thế bắt buộc phải đấu tranh.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bình luận: “Chị Thêu ra tù đúng ngày hết hạn tù chứ không phải được thả tự do. Ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm nào được thả trước thời hạn”.

Vụ chính quyền Việt Nam chuyển blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến trại giam số 5 Thanh Hóa mà không báo cho người thân bà Quỳnh, Facebooker Phạm Quang Tuấn viết: Chính quyền VN ngồi xổm trên chữ ký của mình. Theo đó, trong Công Ước Liên Hiệp Quốc Chống Tra Tấn mà lãnh đạo Việt Nam chấp nhận ký kết năm 2015 có đoạn định nghĩa “tra tấn” là:
“Bất kỳ hành vi nào cố tình gây đau đớn nghiêm trọng, dù là về thể xác hay tinh thần, cho một người để lấy thông tin hay lời thú tội từ người đó hoặc người khác”. Từ định nghĩa này, tác giả cho rằng: Chính quyền Việt Nam đã có hành vi tra tấn về mặt tinh thần đối với ba Quỳnh và người thân của bà.

Tòa án “nhân dân”
Tâm sự của người tù oan nửa thế kỷ: “Chỉ mong nhận được bồi thường trước khi mất”, theo VOV. Ông Trần Văn Thêm, người bị kết án oan trong gần nửa thế kỷ vì bị nghi giết em họ, chia sẻ: “Sức khỏe tôi năm nay đã yếu quá rồi. Không biết có chờ đến ngày nhận tiền bồi thường nữa không? Đời tôi ở tuổi này chỉ mong sớm nhận được bồi thường oan sai trước khi nhắm mắt”. TAND tối cao và TAND TP Hà Nội không thể giải quyết bồi thường cho ông Thêm nhanh như cách ông bị kết án.

Ông Thêm được xin lỗi công khai ngày 11/8/2016, đến nay hệ thống tòa án “nhân dân” vẫn chưa thương lượng xong tiền bồi thường. LS Nguyễn Văn Hòa cho rằng số tiền 6,7 tỷ mà TAND tối cao đề nghị không thể bù đắp những tổn thất tinh thần mà ông Thêm phải chịu.

Cụ ông Trần Văn Thêm, người 2 lần bị kết án oan, ngày ngày chờ tiền bồi thường. Ảnh: VOV


Chuyện chống tham nhũng
Báo Dân Trí dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bàn về kế hoạch công tác năm 2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự: “Nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng”. Bài báo cho biết thêm: Trong năm 2018, ông Long yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự tập trung thi hành án các vụ có liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Hình minh họa. Nguồn: TT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước phải “đặc biệt chống tham nhũng, lợi ích nhóm”, theo The Leader. Nhiệm vụ khác của “siêu” Ủy ban là: “Đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp cụ thể để phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý”.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Thêm bao nhiêu quan chức Việt đón Tết 2018 trong tù? Bài viết điểm lại một số gương mặt tiêu biểu nhất đã bị xét xử trong chiến dịch “đốt lò”: Ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh Mạnh Thắng, ông Nguyễn Anh Minh, ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Hà Văn Thắm.


Vấn đề đất đai
Báo Dân Trí có bài: Những ai đã “băm nát” quy hoạch. Theo đó, hiện tượng một số khu đô thị bị quy hoạch bất thường đến mức “dị dạng” là dấu hiệu thể hiện sự chi phối của các nhóm lợi ích trong vấn đề đất đai và quy hoạch. Tuy nhiên, chưa có ai “băm nát” quy hoạch bị kỷ luật.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định về tình hình quy hoạch thủ đô: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch ‘băm nát’ Hà Nội. Vừa qua, có những khu đất 5 – 7ha cũng băm ra cho 2 – 3 chủ đầu tư”.

Một trường hợp quy hoạch “dị dạng”: 12 tòa cao ốc 40 tầng đã “mọc” lên quỹ đất công cộng 4 ha ở đầu bán đảo Linh Đàm. Ảnh: DT

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình Sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của bộ Công an, theo báo Người Đưa Tin. Dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản số 107/TTg-CN ngày 12/12/2017, Bộ Công an phải có phương án “sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước” ở TP Hà Nội.  

Nhân dịp Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu: “Việc muốn xây 5 sân hay 10 sân golf là do địa phương quyết định”. Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Địa phương tự quyết, bất động sản có đội lốt sân golf? TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam thừa nhận: “Có tới 80% diện tích sân golf hiện nay lấn vào đất nông nghiệp, 2/3 diện tích trung bình các dự án được dùng để xây xây biệt thự, theo tôi, đây thực chất là kinh doanh bất động sản”.

Báo Đảng CSVN đưa tin: Yên Thành (Nghệ An): Nhiều cán bộ bị cách chức do sai phạm trong quản lý đất đai. Theo đó, UBND huyện Yên Thành đã tiến hành cách chức Chủ tịch UBND xã Phúc Thành đối với ông Đinh Văn Dương và cách chức Phó Chủ tịch xã đối với ông Nguyễn Văn Quyết, “vì những sai phạm trong việc giao đất và thu tiền trái quy định tại địa phương giai đoạn 2012 – 2016”.


Từ tranh đến ảnh “Mừng đảng, mừng xuân”
BBC có bài: Ảnh cổ động Mừng Đảng Mừng Xuân hiện đại gây tranh cãi. Theo đó, bộ ảnh cổ động tái hiện ý tưởng từ tranh tuyên truyền trong phong cách hiện đại, được nhóm thiết kế ở Hà Nội công bố trước dịp Tết Nguyên Đán 2018, đã “gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội”.

Nhà báo Mạnh Hà phân tích: “Các nhân vật trong bộ ảnh dùng biểu cảm ‘mặt lạnh’ của thời trang, không hợp với tranh cổ động. Tư thế và trang phục của nhiều nhân vật khá buồn cười, không gợi tinh thần của tranh cổ động”. Từ đó, ông Hà cho rằng bộ ảnh này có yếu tố giễu nhại, chứ không truyền đạt hết được “tinh thần” của tranh tuyên truyền, cổ động.

Hiện tượng “lạm phát” giáo sư, phó giáo sư
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Làm gì để ứng viên được xét duyệt đàng hoàng chức danh giáo sư? Về ý kiến đề xuất tăng số bài ISI/SCOPUS cần có để được công nhận chức danh GS, TS Kinh tế Nguyễn Kiều Dung cho rằng: “Khi thay đổi luật theo hướng tăng số bài ISI/SCOPUS lên thì cũng sẽ có một bộ phận không nhỏ tìm đủ mọi cách không hay ho gì để theo luật mới. Thị trường mua bán bài vở ISI/SCOPUS sẽ nhộn nhịp hơn”.

Diễn tiến “lạm phát” GS, PGS từ năm 2009 đến năm 2016. Ảnh: VNN

Trang Tiền Phong bàn về 41 nhà nghiên cứu KHXHNV có nhiều bài ISI, Scopus nhất Việt Nam. Bài viết lưu ý: “Trong số này có nhiều người chưa hề được phong giáo sư, phó giáo sư như TS.Nguyễn Việt Cường, TS. Trần Quang Tuyến, TS.Vũ Văn Hưởng…”

Giáo dục Việt Nam: Loay hoay “cải cách”
Thầy giáo Nguyễn Cao đặt câu hỏi: Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu? Theo bài viết, cuộc sống của một bộ phận giáo viên hiện nay “nhiều khi cũng lắt lay giữa thời kinh tế thị trường”. Những năm gần đây, “tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, nhiều giáo viên đang dạy lại thêm nỗi lo sẽ bị cắt hợp đồng đột ngột”.

Theo số liệu gần đây của Bộ GD-ĐT, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, “số giáo viên dư thừa của các cấp học sẽ là 40.264 người. Trong đó, cấp trung học cơ sở sẽ thừa giáo viên nhiều nhất”. Chương trình “cải cách” chưa đem lại điều gì tốt đẹp cho nền giáo dục, thì đã tạo ra nguy cơ khiến hàng vạn giáo viên thất nghiệp.


Người dân đón Tết Mậu Tuất
VOA có clip nói về chuyện phát quà cho người nghèo ở nhiều vùng quê miền tây Nam bộ trong những ngày giáp tết Mậu Tuất. “Giá trị của từng phần quà, bên cạnh giỏ bánh trái, gia vị bếp núc, còn đi kèm là phần tiền mặt từ 500 đến 800 ngàn đồng… So với nhiều chương trình từ thiện thường được đẩy mạnh việc truyền thông để quảng bá thương hiệu nhà tài trợ, thì việc trao tặng quà tết cho người nghèo diễn ra âm thầm, chất chứa nghĩa tình san sẻ“. Mời xem clip:  Quà Tết cho người nghèo 
                            https://www.youtube.com/watch?v=wSj55REdpT4






Tin thế giới

Tin nước Mỹ
Truyền thông Mỹ đưa tin, luật sư của ông Trump, Michael Cohen xác nhận: ông đã trả cho bà Stephanie Clifford, ngôi sao phim người lớn, số tiền $130.000 Mỹ kim, nhưng không nói rõ là trả tiền cho vụ gì. Vẫn chưa nghe ông Trump lên tiếng về chuyện này.

Tháng trước, báo Wall Street Journal đưa tin, ông Cohen đã trả cho bà Stephanie Clifford số tiền $130.000 Mỹ kim hồi năm 2016, để mua sự im lặng của bà, khi Trump ra tranh cử tổng thống. Báo này cũng đưa tin, ông Trump đã có quan hệ tình ái với bà Clifford vào năm 2006, trong lúc ông lấy bà Melania được một năm.

Giám đốc FBI đối đầu với TT Trump khi nói rằng FBI đã cảnh báo tòa Bạch Ốc về vụ Rob Porter. Tại buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm nay, ông Chris Wray nói, FBI đã hoàn thành việc điều tra nhân thân ông Porter, của cựu thư ký tòa Bạch Ốc hồi năm ngoái, trong khi phía Nhà Trắng nói sự việc vẫn còn đang điều tra.

Ông Wray là người được Trump đề cử vào chức vụ Giám đốc FBI hồi tháng 8/2017, thay thế ông James Comey, là người đã bị Trump sa thải hồi tháng 5/2017. Ông Wray đã không còn lựa chọn nào khác khi phải nói lên sự thật, trái ngược với những tuyên bố mà ông Trump và phía Nhà Trắng đưa ra.


***

***

***









No comments: