Tuesday, February 13, 2018

BẢN TIN SÁNG 13/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Tham vấn song phương về Biển Đông Philippines-TQ lần Hai. Theo tin từ Philippines, quan chức ngoại giao Philippines và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp gỡ ở Manila ngày 13/2/2018 “để nối lại cuộc đối thoại về vụ tranh chấp trên Biển Đông”.

RFA có bài tổng hợp: Trung Quốc đưa chiến đấu cơ và máy bay tàng hình ra Biển Đông. GS Vương Minh Chí thuộc Học viện không quân, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã, rằng Bắc Kinh sẽ thường xuyên tuần tra không phận Biển Đông, nhằm duy trì “an ninh bầu trời” ở những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Lợi ích cốt lõi của Việt Nam là gì? Và khi cần lựa chọn, các lợi ích nào sẽ được Việt Nam ưu tiên? Mời đọc bài nghiên cứu của TS Alexander L. Vuving, đã được trang Dự án Đại sự ký Biển Đông phổ biến: ASEAN và An Ninh của Việt Nam.


Nhân quyền cho Việt Nam
Bà Nguyễn Tuyết Lan cho biết: 27 Tết đi thăm, nhận được tin con đã bị chuyển trại xa. Sáng 27 Tết, bà Lan đi thăm con theo lịch thăm nuôi ở trại giam tỉnh Khánh Hòa. Khi đến nơi, bà nhận được tin con gái đã bị đày ra tận trại 5, Thanh Hoá, mà phía trại giam không hề báo tin cho bà biết trước.

Facebooker Phạm Lê Vương Các phân tích: Chuyện di chuyển tù nhân đến nơi giam giữ cách xa chỗ thường trú của họ vì mục đích ngăn cản hoặc làm khó dễ “cho việc thăm nom của thân nhân là cấu thành hành vi đối xử tàn ác hoặc vô nhân đạo”.

Anh Hoàng Đức Nguyên, em trai Hoàng Đức Bình viết về hành trình máu 14/2. Một năm trước, giáo dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đã tuần hành ôn hòa tới TAND huyện Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa và bị an ninh đàn áp, hành hung. Sau đó, anh Bình bị an ninh bắt cóc vì đã hỗ trợ người dân trong hành trình kiện Formosa ra tòa.

RFA viết về chuyện bày tỏ chính kiến trên mạng và đường đến lao tù. Từ vụ ông Nguyễn Văn Trường, là người thường làm video phê phán chính quyền tỉnh Thái Nguyên, bị bắt vì điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, LS Hà Huy Sơn nói với RFA: “Theo tôi thì trong khi pháp luật chưa rõ ràng, mọi người bày tỏ quan điểm nên đưa ra các chứng cứ dựa trên quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để bày tỏ quan điểm”.

Dân oan Đoàn Thanh Giang đưa tin“10 giờ 30 phút 12/2/2018 (27 Tết), dân oan Trương Thị Quý (Đồng Nai), bị quan tham nhũng chính quyền địa phương cướp sạch sành sanh đất đai và đập phá tanh bành nhà cửa, tiếp tục kêu oan và tố cáo quan tham nhũng. Kêu oan từ phố Quốc Tử Giám đến Phủ chủ tịch nước Trần Đại Quang”.

Ông Đoàn Thanh Giang có 2 video clip ghi lại cảnh bà Trương Thị Quý, vợ ông, biểu tình:

Nhà văn Mỹ Thomas Bass nói: ‘Có một sự kiểm duyệt kỳ dị ở Việt Nam’. Theo ông Bass, những điều tướng Giáp và ông Ẩn chỉ trích Đảng Cộng Sản đã bị biến mất khỏi tác phẩm của ông, khi nó được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam với cái tựa: “Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ”. (Tựa tiếng Anh: “The Spy Who Loved Us” – Người Điệp Viên Yêu Chúng Ta) .

Ông Bass cho biết: “Tướng Giáp gần như biến mất (khỏi cuốn sách). Ông ấy không được sủng ái vì có thể ông ấy được cho là quá thân phương Tây và có quan điểm chống lại khai thác bauxite của Trung Quốc và bởi vì ông ấy chỉ trích Đảng Cộng Sản… Phạm Xuân Ẩn chỉ trích nặng nề Trung Quốc và vai trò của họ trong nền văn hóa Việt Nam. Tất cả những cái đó biến mất khỏi cuốn sách. Và tất nhiên bất cứ chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản đều bị kiểm duyệt trực tiếp“.


Vụ Hoàng Phủ Ngọc Tường kêu oan
Nhân dịp ông Tường kêu oan, tiếp tục bị dư luận lên tiếng, nhà văn Nguyễn Viện viết: 50 năm từ Tết Mậu Thân đến Mậu Tuất. Về bản chất sự việc, tác giả cho rằng: Thói háo danh của ông Tường đã biến ông thành “vật tế thần” cho âm mưu tuyên truyền của quân CS Bắc Việt. Kẻ chủ mưu lấy xác dân thường làm “chiến công” không phải ông Tường, mà là lãnh đạo CSVN.

Người dân Huế trở về nhà sau giao tranh tháng 1, 2 năm 1968. Ảnh: Terry Fincher/BBC

Facebooker Khu Chiến gọi ông Tường là người nói láo hai lần. Ông Tường kêu oan vì áp lực dư luận và vì lo sợ cho người con gái đang ở xứ “tư bản giãy chết”. Tuy nhiên, ông Tường vẫn khẳng định rằng người dân bị thảm sát vì “quân nổi dậy”, mà không dám thừa nhận rằng đó là quân CS Bắc Việt, những kẻ đã xả súng bắn vào dân thường.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh bàn về nghệ thuật chôn sống của lính CS Bắc Việt. Những nạn nhân ở Huế đã bị chôn sống năm 1968, “có dây kẽm đâm xuyên qua chuỗi các lòng bàn tay để tránh chuyện ai đó có thể chạy thoát”. Và 50 năm sau, những nạn nhân này tiếp tục bị “âm mưu đen tối nào đó muốn chôn sống một lần nữa, sau nửa thế kỷ bị che đậy, bị nói ngược, bị điêu ngoa xảo trá” qua bức thư xin lỗi của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Năm 1981, ông Tường đã bị “quân cách mạng” đẩy ra phát ngôn trước ống kính quốc tế và ông đã bị họ chôn sống lần đầu. 39 năm sau, ông Tường đã phải tự minh oan cho mình bằng bức thư, nhưng không có bất kỳ người nào trong chế độ lên tiếng minh oan giúp cho ông Tường. Kể cả người em của ông, Hoàng Phủ Ngọc Phan, cũng im lặng, không hề bênh vực cho người anh của mình.

Tác giả kết luận: “Chôn sống có thể chỉ một lần để giết chết. Nhưng vẫn có những loại nghệ thuật chôn sống, mà khi nhìn lại đời, mới biết mình lịm dần vì đã tin vào những kẻ đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi“.

Báo chí “lề dân” tiếp tục viết về những nạn nhân chết oan trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân, còn một số tờ báo “lề đảng” gọi đồng bào chết oan là “địch”. Báo Vĩnh Long có bài: Đòn đánh đau, đánh hiểm vào tận sào huyệt của địch. Quả thật, dù lúc ấy 2 miền Nam – Bắc xung đột tư tưởng, người dân Việt Nam Cộng Hòa không nghĩ rằng quân CS Bắc Việt có thể “đánh đau”, “đánh hiểm” như vậy vào đồng bào.

Báo Pháp Luật TP HCM viết về công trình Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn. Theo đó, các quan chức TPHCM vừa dựng tượng cho một nhóm biệt động đã từng lập “chiến công” nhờ đánh phá một cơ quan dân sự dịp Tết Mậu Thân ở Sài Gòn.


Công tác đảng và chuyện chống tham nhũng
Nhân dịp báo Lao Động dẫn lời ĐBQH Phạm Văn Hòa: Người đứng đầu trong cơ quan phải gương mẫu để nhân viên noi theo, báo Zing “hưởng ứng” bằng bài viết: ‘Còn tình trạng sân sau, gia đình, dòng tộc ở doanh nghiệp Nhà nước’.

Ông Phạm Văn Hòa bàn về sự liêm chính, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo để làm gương chống tham nhũng. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại thừa nhận tình trạng “gia đình trị” và lợi ích nhóm vẫn còn đầy trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

TB Kinh Tế Sài Gòn bàn về chống rửa tiền ở thời đại “đầu tư”. Bài viết đặt câu hỏi về khả năng “truy đến cùng tài sản tham nhũng” trong thời buổi quan tham nhũng có thể dễ dàng“từ bỏ quốc tịch để đi đầu tư nước ngoài”. Hiện tượng thanh niên du học rồi không về nước mà tìm cách định cư ở nước ngoài chỉ là “con sóng lăn tăn” hồi thập niên 1990, giờ đã trở thành cơn “hồng thủy”.

Trang Đại Đoàn Kết dẫn lời ông Phạm Thế Duyệt: Muốn mạnh thì phải sạch. Theo đó, cựu Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng: “Khi nào ý Đảng hợp với lòng Dân thì tạo ra đồng thuận xã hội. Nên Đảng muốn mạnh thì phải trong sạch, phải quyết tâm mạnh mẽ, phải đưa ra các chủ trương đúng đắn”. Đảng đang cố gắng thực hiện chiến dịch “đốt lò”, với hy vọng duy trì được “niềm tin” của người dân.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Về Hải Phòng xem các bô lão thề không tham nhũng. Các bô lão không quyền chức, làm gì có cơ hội để mà tham nhũng? Nên chăng tới ngày này, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần đưa tất cả những người có chức, có quyền, có cơ hội tham nhũng, về đây để thề trước bàn thờ thần linh?

Trích: “14 năm trôi qua kể từ khi hội thề được khôi phục đến nay, vị ‘quan chức’ cao nhất tham gia thề cũng chỉ có trưởng thôn, song trên thực tế trưởng thôn ngày nay không phải là cán bộ công chức nhà nước và càng không có quyền hành để có thể nắm giữ ‘của công’ mà tư túi được”. Theo một lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy, huyện này vẫn đang tìm cách mời quan chức đến “thề” không tham nhũng, nhưng chưa thấy ai hưởng ứng.


Môi trường và dự án
RFA cảnh báo: Hai dự án bô-xit Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nguy cơ môi trường. Đó là các dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ, không những chậm tiến độ 2 năm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm và sự cố môi trường, theo tin từ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, công bố ngày 12/2/2018.

Bài báo cho biết thêm: “Trong báo cáo còn nêu ra dự án Tân Rai sau 3 năm đi vào hoạt động đã lỗ 3.696 tỷ đồng”. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ TNMT chưa có ý định dừng 2 dự án thiếu lợi ích, nhiều tác hại này.

Nhà máy Alumin Tân Rai. Nguồn: www.boxitvn.net

Về cách làm dự án bất chấp hậu quả môi trường ở Việt Nam, trang Môi Trường có bài: Kêu gọi ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức CHANGE và các tổ chức vì môi trường khác đã công bố thư ngỏ kêu gọi các ngân hàng Singapore ngừng đầu tư cho những dự án nhiệt điện than gây ô nhiễm ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Hồi năm 2016, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Kim Yong Jim phát biểu: “Nếu Việt Nam tiếp tục sản xuất 40GW điện từ nhiên liệu hoá thạch, nếu toàn bộ khu vực Đông Á tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển nhiệt điện than như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta ‘xong đời’.”


Hiện tượng “lạm phát” giáo sư
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra lại các tân GS, PGS, VOA có bài: Mất hàm giáo sư sau yêu cầu rà soát của thủ tướng? Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ GD Phùng Xuân Nhạ, có “không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một ‘đợt vét’ trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư”.

GS Đặng Hùng Võ nhận định với VOA rằng, chuyện rà soát sẽ khiến một số người mất danh GS. Tuy nhiên, ông Võ dự đoán lượng GS trong năm 2018 vẫn sẽ tăng, chỉ là không tăng đột biến như năm 2017.

                     https://www.youtube.com/watch?v=ubQXjLnt14Y

Giữ gìn văn hóa Việt trên đất Mỹ
VOA có clip: Kho đồ dân tộc của bà lão Việt Kiều không muốn bị “teo tim”. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, cựu giáo viên nhạc trường Gia Long, Sài Gòn, dù đã ngoài 82 tuổi, nhưng bà vẫn luôn hết mình giữ gìn văn hoá Việt trên đất Mỹ. Sau gần 40 năm sống trên đất Mỹ, bà đã “tích góp, sưu tầm được một kho đồ truyền thống, để cứ đến dịp lại đem cho cộng đồng mượn, phục vụ các dịp hội hè lễ tết“.

Video clip của VOA nói về bà giáo Kim Oanh:

***


Tin thế giới

Bán đảo Triều Tiên
RFI có bài phân tích: Quan hệ liên Triều sưởi ấm ngoạn mục nhưng mong manh. Cộng đồng quốc tế ngạc nhiên về những bước tiến trong quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc trên bán đảo Triều Tiên, nhưng các nhà quan sát cho rằng, những gì đang diễn ra có vẻ mong manh.

Sự kiện em gái nhà lãnh đạo Bắc Hàn đến Nam Hàn, chuyển thư của người anh trai, cùng các cử chỉ thân thiện, thể hiện thiện chí đối với Nam Hàn. Nhưng giới quan sát cho rằng, “thiện chí đó của Bình Nhưỡng đẩy Seoul vào thế tiến thoái lưỡng nạn. Nhận lời mời của Bắc Triều Tiên, nắm bắt lấy bàn tay thân thiện của Kim Jong Un, thì coi như như phần nào tách rời khỏi Washington. Ngược lại, từ chối viếng thăm Bình Nhưỡng, thì có nghĩa là chôn vùi giấc mơ đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.


Tin Philippines
Về mặt lịch sử, nước Mỹ đã phát triển nhờ các làn sóng người ngoại quốc đến định cư và làm việc tại đây.

Tổng thống Philippines: Nên bắn vào chim phụ nữ, không nên giết. Đó là lệnh mới nhất của TT Philippines Rodrigo Duterte, nói với các binh sĩ trong Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) hôm 7/2 vừa qua, rằng không nên giết các nữ phiến quân nổi loạn, mà hãy bắn vào chim của họ.

Ông Duterte nói với các binh sĩ như sau: “Nói với những người lính rằng ‘có lệnh mới từ thị trưởng. Chúng tôi không giết các bạn. Chúng tôi chỉ bắn vào chim của các bạn. Nếu [các bạn] không có chim, thì quả là vô dụng“. Ông Duterte nói như thể ông vẫn đang làm thị trưởng ở TP Davao, không phải là tổng thống Philippines, khi ông xưng “thị trưởng”.

Ông Duterte có nhiều phát biểu gây sốc và đã bị các tổ chức nhân quyền lên án, nhất là qua những lời tuyên bố xúc phạm và hạ thấp phẩm giá phụ nữ mà ông đã đưa ra trong thời gian gần đây. Trước đó, khi bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người, Tổng thống Duterte nhắn gửi Tòa Hình sự Quốc tế: Bắn tôi đi, đừng bỏ tù.


Khủng hoảng Rohingya
BBC: ‘Suu Kyi chắc chẳng hiểu nỗi đau của Rohingya’. Quân đội Miến Điện đã bị Liên Hiệp quốc cáo buộc thực hiện chiến dịch thanh lọc sắc tộc, tôn giáo, gây ra các vụ thảm sát thường dân Rohingya. Thế nhưng, chính quyền Myanmar vẫn phủ nhận cuộc cuộc khủng hoảng, đã khiến khoảng 700.000 người Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh suốt 6 tháng qua.

Mới đây, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson viếng thăm một ngôi làng bị đốt cháy ở biên giới Bangladesh trước khi gặp bà Aung San Suu Kyi. Khi được hỏi, ông có tin nhà chức trách ở Myanmar không, Ngoại trưởng Johnson nói rằng, “nói chuyện với các chính trị gia ở thủ đô, và nghe Daw Suu [Aung San Suu Kyi], tôi không nghĩ rằng bà ấy đã thấu hiểu được toàn bộ mức độ kinh dị đã xảy ra, sự tàn phá tuyệt đối“.

Ông nói thêm: “Tôi chưa từng thấy điều gì kinh khủng như thế trong suốt đời mình. Hàng trăm ngôi làng bị đốt cháy. Sự tàn phá khốc liệt, và tôi nghĩ rằng ngay lúc này chúng ta cần một lãnh đạo làm việc với các cơ quan Liên Hiệp Quốc để đưa những người này trở về nhà“.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson gặp những người tị nạn Rohingya. Ảnh: AFP/ Getty


***

***













No comments: