6 tháng 1 2018
Nhà
hoạt động môi trường hàng đầu của Nga là một trong số hơn một triệu người -đa
phần còn trẻ và có trình độ học vấn cao- đã đóng gói hành lý và rời khỏi đất nước
trong những năm gần đây, phóng viên Lucy Ash của BBC cho biết. Nga thậm chí còn
dành hẳn một từ để miêu tả hiện tượng này "povaralism".
"Tôi có cảm thấy
nhớ nhà không ư?", Evgenia Chirikova nói. "Không hẳn. Rất nhiều người ở đây nói
cùng ngôn ngữ với tôi. Họ rất thân thiện, tràn đầy nhiệt huyết và rất lịch sự.
Tôi đang sống ở nước Nga trong mơ!"
Bà đang nói về Estonia, quê hương của bà trong hai
năm rưỡi qua- nơi bà ẩn náu để tránh bị truy tố vì là nhà vận động môi trường
và người chỉ trích thẳng thắn tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chirikova trong
một cuộc biểu tình Khimki năm 2011
Sự nghiệp của Chirikova như một nhà hoạt động xã hội
đã bắt đầu cách đây 11 năm, khi bà và gia đình đi bộ xuyên qua khu rừng Khimki-
khu săn bắn trước đây của Nga hoàng đầy những cây sồi già, heo rừng và những
con bướm hiếm gặp.
"Tôi đang mang
thai, đang mong đến bữa picnic với con gái lớn và chồng thì tôi thấy có điều gì
bất thường", bà kể.
"Có những kí
hiệu thập tự đỏ được sơn trên một vài cây sồi và cây bạch dương. Tôi tự hỏi tại
sao những cây khoẻ mạnh này cần phải chặt."
Khimki là một khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, là
lá phổi xanh của Moscow. Chirikova và chồng bà, ông Mikhail, đã chuyển đến khu
này từ trung tâm thành phố luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông, để được ở
gần khu rừng.
Khi trở về từ buổi dã ngoại, Chrikova bật điện thoại
và cảnh báo các nhà chức trách về những gì bà đã thấy. Bà cho rằng một công ty
"lừa đảo" đã cố gắng lách luật, do vậy bà cực kì ngạc nhiên khi phát
hiện ra có một dự án đường cao tốc trị giá 6.7 tỷ USD đã được duyệt chính thức
xuyên qua khu rừng đang được bảo vệ này, mặc dù có những tuyến đường thay thế
khác ít gây hại cho môi trường hơn.
Các quan chức của bộ Tài Nguyên và Uỷ ban Bảo vệ
Thiên nhiên Nhà nước trấn an bà rằng quyết định này đã được chính tổng thống
phê chuẩn và sau đó, ông Vladimir Putin, với tư cách là thủ tướng khi đó, cũng
đã kí một sắc lệnh thay đổi tình trạng được bảo vệ của khu rừng để cho phép xây
dựng các công trình cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông.
Chirikova nghi ngờ lý do thực sự phía sau việc cho
phép con đường cao tốc đi qua khu rừng là để cho phép các công ty bất động sản
tiếp cận khu đất gần thủ đô.
Bà đã bỏ việc trong ngành cơ khí của mình để tổ chức
biểu tình.
Cuộc biểu tình đầu tiên của nhóm bà, "Cứu lấy rừng
Khimki", đã có 5000 người xuống đường - một trong những cuộc biểu tình về
môi trường lớn nhất trong lịch sử Nga- và thu được hơn 50.000 chữ kí.
Nỗ lực vận động của bà đã thuyết phục được Ngân hàng
Tái thiết và Phát triển Châu Âu và Ngân hàng đầu tư Châu Âu, các nhà tài trợ
chính của dự án đường cao tốc, ngừng cấp vốn cho dự án này.
Vận động trong rừng
Khimki
Nhưng thành công có cái giá của nó. Chirikova đã bị
bắt nhiều lần; các nhà hoạt động cùng các nhà báo khác thì bị tấn công bởi những
kẻ vô danh. Khi tổng biên tập tờ báo của Khimki, ông Mikhail Beketov,
nêu ra nghi vấn rằng các quan chức địa phương đang thu lợi từ dự án đường cao tốc,
con chó của ông đã bị giết chết, chiếc xe của ông bị đốt và cuối cùng ông bị tấn
công tàn bạo đến mức bị tổn thương não nghiêm trọng và không bao giờ nói lại được
nữa.
Chirikova nhớ lại lần vài thăm ông tại phòng hồi sức
cấp cứu. Ông bị mất đi nhiều ngón tay, bị cắt bỏ chân và mất một phần hộp sọ
sau khi bị đánh bằng thanh sắt.
"Chân tôi run
lên đến nỗi tôi ngồi phệt xuống sàn bệnh viện," cô nói. "Lần đầu tiên trong đời,
tôi thực sự cảm thấy sợ hãi. Bất cứ kẻ nào có thể làm những điều đó với người
khác là không có đạo đức và tôi hiểu rằng một chế độ cướp phá đang nắm quyền ở
đất nước tôi."
Beketov qua đời vì
đau tim vài năm sau khi ông bị tấn công
Chính Chirikova cũng bị nhắm đến qua một cách khác -
thông qua "điểm yếu" của bà là những đứa con.
"Giới chức
tung tin nhảm về tôi khi, rằng tôi đã đánh đập con mình và không cho chúng
ăn," bà nói. "
Một người tới từ cơ quan an ninh đến căn hộ chung cư của chúng tôi và yêu cầu
người hàng xóm của tôi kí một văn bản nói rằng tôi là một người mẹ tồi tệ."
Con gái lớn của bà rất sợ khi nhìn thấy những người
đàn ông trong những chiếc xe không dán biển theo dõi gia đình, sợ đến nỗi cô bé
không dám đi học. Khi những kẻ lạ mặt gõ cửa, con gái bà trốn dưới gầm giường.
Cuối cùng, gia đình bà phải chuyển đến một khu dân cư mới gần trung tâm Moscow
nhưng sự quấy rối vẫn tiếp tục, hiện tại thì dưới hình thức những cú điện thoại
đe dọa.
Chirikova cho biết phải mất ba năm trị liệu các con
bà mới hồi phục. Tuy nhiên, nỗi bất an của bà vẫn tiếp tục, đặc biệt khi Dịch vụ
Bảo vệ Trẻ em gợi ý rằng họ có thể đưa những đứa con bị "lạm dụng"ra
khỏi tay bà.
"Tôi thao thức
suốt đêm, tự hỏi tôi sẽ làm gì nếu tôi bị đưa đến nhà tù và con gái phải vào trại
trẻ mồ côi", bà nói. "Cuối
cùng, đó là lý do tại sao tôi quyết định rời khỏi nước Nga."
Mặc dù đã giành được giải thưởng quốc tế uy tín cho
chiến dịch vận động, Chirikova cũng không thể ngăn được tuyến đường cao tốc nối
Moscow tới St Petersburg. Nhưng bà tin rằng kế hoạch ban đầu đã được sửa đổi và
kết quả là chỉ một phần diện tích rừng nhỏ hơn bị phá huỷ.
"Quan trọng
hơn, phong trào của chúng tôi cho những người Nga khác thấy họ có thể đấu tranh
chống lại bất công, phơi bày ra sự tham nhũng và bắt các quan chức chịu trách
nhiệm."
Chirikova gần nhà
bà ở Tallinn
Từ Estonia, bà tiếp tục hỗ trợ các nhà hoạt động môi
trường ở Nga thông qua website, activatica.org. Trang web này đăng tin bài về
chiến dịch cứu một công viên ở Nga, về sương khói độc hại hoặc nguy cơ đối với
hồ Baikal từ các nhà máy thuỷ điện mới.
"Tôi cảm thấy
như một người nước ngoài sống ở Estonia, chứ không phải là người lưu
vong," bà Chirikova nói, "và nó đủ gần để tôi có thể tới Nga bất cứ khi nào tôi cần."
Theo bà Alina
Polyakova, giám đốc nghiên cứu về Châu Âu và Á-Âu tại hội đồng Atlantic ở
Washington, từ năm 2000 đến năm 2014, khoảng 1,8 triệu người Nga rời khỏi đất
nước này.
Đầu năm nay, bà cảnh báo xu hướng này đang tăng lên
và gọi việc di dân ra nước ngoài của những thanh niên có học thức là "mối
đe dọa an ninh quốc gia đáng kể đối với Liên bang Nga".
Việc tính toán số người đã rời khỏi Nga là phức tạp
bởi hầu hết họ vẫn giữ hộ chiếu Nga ngay cả khi có được hộ chiếu hoặc giấy phép
cư trú ở các nước khác. Số liệu của Cục Thống kê Nhà nước ước tính được có khoảng
350.000 người di cư vào năm 2015 - gấp 10 lần so với năm 2010.
Tại tầng cao nhất của một trung tâm mua sắm tại
Berlin, tôi gặp một người nhập cư mới, cô Asya Parfenova, 33 tuổi. Cô từng là
nhà báo ở Moscow và tham gia phong trào giám sát bầu cử vào các năm 2002 và
2003, đưa tin các cử tri được chở đi nhiều điểm bỏ phiếu- họ bỏ phiếu nhiều lần
và các hộp phiếu đầy một cách đáng ngờ.
"Tôi có lẽ là
người duy nhất trong số những người bạn quan sát viên của tôi không bị vào
tù," cô nói.
Asya Parfenova
Asya lập một công ty, và nhờ đó có được thị thực
làm việc tại Đức.
Công ty của cô quản lý "Escape Room" - một
trò chơi đồng đội, trong đó người chơi bị khóa và phải tìm cách giải quyết các
câu đố phức tạp, trong thời gian có hạn, để giành được sự tự do.
"Tôi thích những
luật lệ rõ ràng và chúng tôi không có những quy tắc này tại Nga", cô nói. "Chính phủ luôn thúc
đẩy mạnh ý tưởng về sự ổn định nhưng Nga thực sự là nơi ít ổn định nhất hiện
nay, vì không ai có thể dự đoán được điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai, pháp luật
sẽ được giải thích như thế nào - và điều này lại cực kì nguy hiểm cho hoạt động
kinh doanh."
Bà Parfenova cho biết thêm nhiều doanh nhân thành
công ở Nga đang cố gắng để có được một chỗ đứng tại thị trường nước ngoài. "Họ đang cố gắng để chuẩn bị, như chúng
tôi đã nói, một 'sân bay phụ', một nơi an toàn để đáp xuống trong trường hợp
không còn khả năng hạ cánh xuống Nga nữa."
Một từ lóng mới đã được đưa vào tiếng Nga, ông
Artemy Troitskym, nhà phê bình âm nhạc hàng đầu của Nga nói. Đó là
"poravalism", hoặc "chủ nghĩa đã đến lúc ra khỏi đây thời gian để
thoát ra khỏi đây". Bản thân ông là một người poravalist, Troitsky hiện
đang sống ở Estonia, giống như bà Chirikova.
Vào năm 2011, ông và một số trí thức nổi tiếng và
các nhà chống đối đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận. Tất
cả đều đeo băng trắng biểu tượng, và ông Vladimir Putin chế giễu họ là
"trông giống như những chiếc bao cao su". Với tinh thần đầy khí thế,
Troisky bước lên sân khấu trong chiếc áo choàng trắng dài.
Ông Artemy Troitsky
Cuối năm đó, ông phải đối đầu các vụ kiện cáo bôi
nhọ - nhưng không phải vì thế mà ông dứt áo ra đi.
Đối với Troitsky, thời điểm quyết định đến sau cuộc
sát nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc chiến tranh tiếp theo ở đông Ukraine, khi
ông phẫn nộ trước cái mà ông gọi là "một lễ hội ghê tởm về chủ nghĩa quốc
gia, chủ nghĩa quân phiệt và chính thống" ở Nga.
Giống như Chirikova, ông nói mối lo ngại đối với con
cái là yếu tố quyết định khiến ông rời bỏ đất nước.
"Nó làm tôi
phát ghê khi tôi nghe những điều các con tôi nghe được ở trường hay nhà trẻ.
Con gái nhỏ của tôi, Lydia, bắt đầu nói với tôi về những người theo chủ nghĩa
phát xít muốn xâm chiếm đất nước chúng tôi, rằng chúng tôi phải tự bảo vệ mình,
rằng Putin là một người tuyệt vời và rất nhiều điều nữa. "
Tuy nhiên, Troitsky vẫn nhớ nhà và vẫn còn say mê nền
văn hoá Nga. Mặc dù vẫn về thăm nước Nga, ông hy vọng một ngày nào đó được về hẳn.
Ông không chắc thế hệ trẻ sau này sẽ gắn bó với đất
nước như vậy. Ông nói chỉ có một phần tư con của những người bạn bè của ông
trong độ tuổi 20 chọn để ở lại Nga - phần còn lại đang học, làm việc và xây dựng
cuộc sống mới ở nước ngoài.
Người
lưu vong trên mạng
Mikhail
Khodorkovsky phát biểu trước các nhà báo ở Moscow qua đường dẫn video (2015)
London là một điểm đến ưa thích khác của những người
di cư Nga. Một trong những người nổi tiếng nhất ở London hiện nay dành phần lớn
cuộc đời của mình trên mạng, cố gắng thay đổi đất nước của mình từ bên ngoài.
Mikhail Khodorkovsky điều hành công ty dầu Yukos trước
khi bị tống giam vào năm 2003 vì những tội được nhiều người cho là có động cơ
chính trị. Sau 10 năm ngồi sau song sắt, ông gửi thư cho Putin yêu cầu được thả
để có thể nói lời tạm biệt với người mẹ đang hấp hối của mình.
"Tôi được đưa
ra máy bay như một tù nhân trong một đoàn xe áp tải. Và khi người trong giới
chính trị điện Kremlin bắt đầu thảo luận về việc liệu tôi có thể được trở lại
hay không, tôi nói,"OK, tôi sẽ vui nếu được trở lại Nga. Chỉ cần cho tôi
biết, có điều kiện gì không," ông nói.
Ông ngả người ra ghế với một nụ cười gượng gạo.
"Thực sự trong vòng một tháng, thông
báo được đưa ra rằng tôi sẽ phải đối mặt với một án hình sự mới, vì vậy cách
duy nhất tôi có thể quay lại Nga là vào thẳng nhà tù."
Giống như Chirikova, Khodorkovsky coi internet là
"chiến trường" của mình.
"Họ có thể
nghĩ rằng những người như tôi không sát với thực tế hàng ngày tại Nga", vị thủ lĩnh có uy tín nói trong văn phòng tường ốp gỗ của tổ chức
"Nga Mở rộng" nói. "Và tôi
cần phải thuyết phục họ là không phải thế - vâng, bạn có thể nói rằng tôi sống
trong một thế giới ảo. Đó là sự lựa chọn mà tôi đã thực hiện."
Một
nhà vận động ở lại Nga
Khi được hỏi cô ấy yêu điều gì ở Nga, Nadya
Tolokonnikova, trả lời: "Nó giống
như câu hỏi, "Bạn yêu điểm gì ở mẹ bạn vậy?". Nước Nga cũng như mẹ tôi và tôi không thể tưởng
tượng bản thân mình mà không có nước Nga."
Cô Nadya
Tolokonnikova, cựu thành viên nhóm Pussy Riot
Cô đạt tới đỉnh danh vọng ở độ tuổi 22 khi cô và hai
người khác trong nhóm punk Pussy Riot bị bắt vì hát "Đức mẹ Đồng trinh Mary, Mẹ của Chúa, Hãy xóa sổ Putin!" trong
một nhà thờ lớn ở Moscow.
Tolokonnikova bị giam gần hai năm và phải may trang
phục của cảnh sát trong 16 giờ một ngày. Vậy tại sao cô ấy vẫn hết lòng muốn sống
ở Nga?
"Trước hết là
ngôn ngữ, vì bây giờ tôi cảm thấy mình như một gã ngốc khi cố gắng diễn tả suy
nghĩ của mình bằng một ngôn ngữ khác. Bạn không thể sử dụng các chi tiết, ngữ
điệu, giai điệu của một thứ ngôn ngữ khác như tiếng của mình. Và đó là điều vô
giá. Văn hoá, biểu tượng, tôn giáo, điện ảnh, văn học và những người Nga dữ dội,
nguy hiểm, sáng tạo và cực kì dũng cảm.
"Tôi thực sự
thích ở bên trong cộng đồng can đảm này, những người đang mạo hiểm tính mạng của
họ để cố gắng thay đổi đất nước. Nó mang lại ý nghĩa choi cuộc sống của
tôi."
Sau khi được thả, cô thành lập MediaZona, một trang
web tin tức độc lập, tập trung vào hệ thống pháp luật và Zona Prava (Zone of
Justice), một tổ chức vận động cho những điều kiện đối xử tốt hơn cho tù
nhân. Khi đang bị giam sau song sắt ở Mordovia, miền bắc nước Nga, cô thấy kinh
hoàng khi chứng kiến các tù nhân bị ốm nặng nhưng bị từ chối điều trị.
"Và ngay bây
giờ chúng tôi có một vài chục trường hợp mà chúng tôi đã giành được chiến thắng
tại Toà án Nhân quyền châu Âu. Nó thực sự giúp ích, không chỉ giúp cho các cá
nhân mà hy vọng nó còn khiến cả hệ thống trại giam phải ngại những nhà vận
động nhân quyền và NGO (Tổ chức phi chính phủ) vì không ai muốn bị phơi ra ánh
sáng."
Tolokonnikova cho biết phần lớn độc giả của
MediaZona dưới 35 tuổi, họ thích học hỏi và ngày càng thiếu kiên nhẫn cho sự
thay đổi.
Cô tin rằng khát khao được phiêu lưu, hành động ý
nghĩa và niềm tự hào về nước Nga - không nên lẫn với chủ nghĩa dân tộc - có thể
ngăn một số người ra nước ngoài, và đưa một số người khác quay lại Nga. Những
người trẻ tuổi tham gia biểu tình chống tham nhũng ở nhiều thành phố hồi đầu
năm cũng mang lại hy vọng cho cô.
"Họ là những
người yêu nước thực sự. Họ không phải là những người theo chủ nghĩa yêu nước kiểu
Putin, những người thích sống ở nước ngoài, nhưng lấy tiền từ ngành công nghiệp
dầu khí. Những người hiện giờ đang phản đối chống lại Vladimir Putin, họ muốn
làm cho cuộc sống tốt hơn ở ngay nước mình. Họ muốn phát triển kinh tế, nghệ
thuật, truyền thông. Họ muốn có những kênh truyền hình tốt hơn, không chỉ là cỗ
máy tuyên truyền như hiện tại".
No comments:
Post a Comment