Tuesday, January 9, 2018

SỰ PHỤC HỒI ĐẦY NGUY HIỂM CỦA NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU (Joseph E. Stiglitz - Project Syndicate)



Joseph E. Stiglitz  -  Project Syndicate
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
08/01/2018    10:45:00

Một năm trước đây, tôi đã dự đoán là khía cạnh đặc biệt nhất của năm 2017 sẽ là tình trạng bất trắc, nó được thúc đẩy bởi cuộc bầu cử của Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ và việc bỏ phiếu của Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hai trong số những việc khác. Dường như sự đoan chắc duy nhất là tình trạng bất định - và tương lai có thể trở thành một hoàn cảnh hỗn loạn.

Như chúng ta mong đợi trong suốt năm 2017, ông Trump đã chứng tỏ là khoác lác phô trương và thất thường. Bất cứ ai quan tâm chỉ đến những tweet liên tục của ông có thể nghĩ rằng Hoa Kỳ đang bấp bênh giữa một cuộc chiến thương mại và hạt nhân. Ngày trước ông Trump thoá mạ Thụy Điển, ngày sau là Úc và rồi đến Liên minh châu Âu - và sau đó ông hỗ trợ cho trào lưu Phát Xít mới ở trong nước. Và các thành viên trong nội các thuộc giới tài phiệt của ông đang tranh nhau về những mâu thuẫn lợi ích, sự thiếu năng lực và các chuyện nghiêm trọng khác.

Đã có một số rắc rối đáng lo ngại về luật lệ, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ môi trường, chưa kể đến nhiều gây hận thù mà do cố chấp của ông Trump có thể dể tạo nên. Tuy nhiên, cho đến nay, sự kết hợp giữa các thể chế của Mỹ và sự kém cỏi của chính quyền Trump đã tạo khoảng cách giữa các lời lẽ hùng biện phản cảm lúc tranh cử và những gì ông thực sự đạt được (một chuyện may mắn).

Đối với nền kinh tế toàn cầu, điều quan trọng nhất là không có chiến tranh thương mại. Khi sử dụng tỷ giá hối đoái giữa Mêhicô và Mỹ làm thước đo, thì mối lo ngại về tương lai của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ đã giảm đáng kể, ngay cả khi đàm phán thương mại đã bị đình trệ. Tuy nhiên, tính khí thất thường của ông Trump không bao giờ kết thúc: 2018 có thể là năm mà lựu đạn cầm tay của ông Trump đã ném vào trong nền trật tự kinh tế toàn cầu cuối cùng sẽ bùng nổ.

Một số điểm đạt đến mức kỷ lục cao của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ là bằng chứng của một số phép lạ kinh tế của ông Trump. Tôi lấy nó một phần là bằng chứng cho thấy sự phục hồi kéo dài một thập niên từ cuộc Đại Suy trầm, cuối cùng nó đã được phục hồi. Mỗi cuộc suy trầm - thậm chí khi bị xuống tận cùng - cuối cùng cũng kết thúc; và ông Trump đã may mắn được vào Toà Bạch Ốc để hưởng lợi từ công việc của người tiền nhiệm của ông đã dàn dựng cho cảnh trí này

Họ xem thường những nguy cơ của việc suy giảm toàn cầu hoá do chủ trương bảo hộ của ông Trump đề ra. Và họ không thấy rằng nếu cắt giảm thuế được tài trợ bằng nợ của ông Trump được ban hành, Ngân hàng Trung Ương Mỹ sẽ tăng lãi suất, có thể là sẽ gây ra việc điều chỉnh trong thị trường.

Nói một cách khác, lại một lần nữa, thị trường cho thấy là có xu hướng thiên về các tư duy ngắn hạn và chỉ biết có lòng tham. Không có điều nào là báo hiệu tốt cho thành tựu kinh tế dài hạn của Mỹ; và nó cho thấy rằng trong khi năm 2018 có thể là một năm tốt hơn năm 2017, nhưng cũng có những rủi ro lớn lao trong tương lai.

Đó là một hình ảnh tương tự ở châu Âu. Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh không có hiệu ứng kinh tế đột ngột mà giới phản đối dự đoán, mà chủ yếu là do sự mất giá của đồng bảng Anh. Nhưng ngày càng rõ ràng rằng chính phủ của Thủ tướng Theresa May không có quan điểm rõ ràng về cách xử lý việc ra đi của nước Anh hay về mối quan hệ của nước Anh với Liên Âu sau khi ra đi.

Có hai mối nguy tiềm ẩn nữa đối với châu Âu. Một chuyện rủi ro là các quốc gia lâm nợ nặng nề, thí dụ như Ý, sẽ khó tránh được cảnh khủng hoảng một khi lãi suất quay trở lại mức bình thường hơn như họ muốn. Sau cùng, khu vực sử dụng đồng euro liệu thực sự có thể duy trì được mức tỷ lệ thấp kỷ lục trong tương lai gần không, ngay cả khi mà các mức tỷ lệ lãi suất của Mỹ tăng?

Hungary và Ba Lan là mối đe dọa sinh tồn hơn đối với châu Âu. Liên minh châu Âu không chỉ là một sự sắp xếp kinh tế theo cách thuận tiện. Nó tiêu biểu cho sự kết hợp của các quốc gia với cam kết về các giá trị dân chủ cơ bản - những giá trị mà các chính phủ Hungary và Ba Lan hiện đang coi thường.

Liên minh châu Âu đang bị thử thách và có những nỗi sợ hãi với lý do chính đáng mà người ta sẽ chứng minh là nó không hữu hiệu. Đối với các hiệu quả kinh tế trong năm tới thì ảnh hưởng của các thử thách chính trị này có thể là nhỏ, nhưng các rủi ro dài hạn là rõ ràng và gây nản lòng.

Ở nơi khác của thế giới, Sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ của Tập Cẩn Bình, Chủ tịch Trung Quốc, đang thay đổi địa lý kinh tế của Á-Âu, đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm tạo ra một khích lệ quan trọng cho sự tăng trưởng toàn khu vực. Nhưng Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức khi trải qua một chuyển đổi phức tạp từ tăng trưởng do xuất khẩu làm chủ đạo đến tăng trưởng do tăng nhu cầu nội địa là chính, từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dựa trên dịch vụ và từ nông thôn chuyển sang đô thị. Dân số đang già đi nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế đã giảm đáng kể. Trong một số trường hợp, tình trạng bất bình đẳng gần như là nghiêm trọng như ở Mỹ. Và sự suy thoái về môi trường đang đe dọa ngày càng tăng đến sức khoẻ và phúc lợi của con người.

Thành công kinh tế chưa từng có của Trung Quốc trong bốn thập niên qua phần nào dựa trên một hệ thống, mà sự hình thành của việc tham vấn rộng rãi và đồng thuận là trong nội bộ Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc để củng cố cho một loạt cải cách. Liệu việc tập trung quyền lực của Tập sẽ vận hành tốt trong một nền kinh tế phát triển về quy mô và sự phức tạp không? Một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tập trung không  thích hợp với một thị trường tài chính lớn và phức tạp như thị trường Trung Quốc; đồng thời, chúng ta biết là khi mà các thị trường tài chính chưa được điều tiết đầy đủ thì nó có thể sẽ dẫn nền kinh tế đi đến đâu.

Nhưng chuyện rủi ro này đều chủ yếu là trong dài hạn. Đối với năm 2018, việc đặt cược an toàn là Trung Quốc sẽ quản lý theo phương cách của mình, mặc dù mức tăng trưởng chậm hơn.

Nói tóm lại, khi tình trạng suy vi kinh tế sau năm 2008 của các nền kinh tế tiên tiến mờ dần vào quá khứ xa xôi, triển vọng toàn cầu cho năm 2018 sẽ tốt hơn một chút so với năm 2017. Sự thay đổi từ các biện pháp khắc khổ tài chính chuyển sang lập trường cho khích lệ hơn ở châu Âu và Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu cho các chính sách tiền tệ cực đoan, hầu như chắc chắn là các chính sách này đã có những tác động biến dạng không chỉ trên các thị trường tài chính mà cho nền kinh tế thực.

Nhưng sự tập trung quyền lực ở Trung Quốc, sự thất bại của khu vực sử dụng đồng euro trong việc cải cách cơ cấu sai lầm cho đến nay và điều quan trọng nhất là sự xem thường tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế của ông Trump, việc ông bác bỏ sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ và những thiệt hại mà ông gây ra cho vị thế của nền dân chủ, tất cả làm cho các rủi ro càng sâu đậm hơn. Thật vậy, tất cả đe dọa không chỉ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu mà còn làm chậm lại những gì mà cho đến gần đây dường như là một bước tiến không thể tránh khỏi đối với nền dân chủ trên toàn thế giới. Chúng ta không nên để các thành công trong đoản kỳ ru ngủ trong tự mãn.

***

Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel kinh tế; ông là Giáo sư Đại học Columbia và Nhà kinh tế trưởng tại Học Viện Roosevelt. Cuốn sách mới nhất của ông là  Globalization and Its Discontents Revisited: Anti-Globalization in the Era of Trump.

Nguyên tác: 
Dec 20, 2017 JOSEPH E. STIGLITZ









No comments: