Posted on 07/01/2018
Cuốn sách “Fire and Fury” (Lửa và Cuồng Nộ) do nhà
báo người Mỹ Michael Wolff viết tường thuật lại chi tiết nội tình Nhà Trắng
trong năm đầu tiên làm tổng thống của ông Donald Trump.
Tác giả Wolff cho biết, ông này được Tổng thống Trump cho ra vào
Nhà Trắng và tiếp cận, phỏng vấn các thành viên nội các ông Trump cho cuốn sách
này. Để nghiên cứu cho cuốn sách, Wolff đã dành ra 18 tháng quan sát các hoạt động
của ông Trump và có hơn 200 cuộc phỏng vấn với ông Trump và các nhân viên cấp
cao của ông.
Cuốn sách vừa được xuất bản tại Mỹ ngày 05/01 vừa rồi
sau khi gây ra một loạt tranh cãi kịch liệt trên báo chí và trong công luận Mỹ.
Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã không hề cho phép nhà báo
Wolff được ra vào Nhà Trắng để nghiên cứu cho “cuốn sách giả dối đó”. Phát ngôn
viên Nhà Trắng thì nói rằng cuốn sách “đầy những chi tiết giả và gây hiểu nhầm”.
Trong một nỗ lực ngăn cản việc xuất bản cuốn sách,
luật sư của ông Trump đã gửi thư dọa kiện tác giả về tội phỉ báng (libel). Đáp
lại, nhà xuất bản bèn quyết định ra mắt cuốn sách sớm hơn dự định vài ngày.
Mục Café Luật Khoa hàng tuần chuyên cung cấp các
trích đoạn sách hấp dẫn xin được trở lại với bạn đọc trong năm mới 2018 bằng một
trích đoạn từ cuốn sách đang gây bão mạng toàn cầu này.
Trích đoạn sau đây tường thuật lại các diễn biến bên
trong Nhà Trắng ngay trước khi Tổng thống Trump gửi quyết định sa thải giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ông
James Comey ngày 09/5 năm ngoái.
Việc sa thải này làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump
đang tìm cách ngăn chặn FBI điều tra các cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc
bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và các dính líu của ông Trump với phía Nga. Hành
vi này có thể bị xem là “cản trở công lý” (obstruction of justice) – một hành
vi phạm tội có thể dẫn đến việc luận tội phế truất một vị tổng thống.
Tổng thống Donald Trump tiếp Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI)
James Comey vào tháng 1/2017 tại Nhà Trắng. Ảnh: Andrew Harrer/Getty Images.
***
Trump
đã sa thải Giám đốc FBI như thế nào
Trích đoạn “Fire and Fury” (Michael
Wolff – Henry Holt & Company 2018) – Trích từ bản sách điện tử Kindle –
Chương 16 – Vị trí 3552 đến 3742)
“…Trong tuần đầu tiên của tháng Năm, ngài Tổng thống
có một cuộc họp to tiếng với Sessions [Jeff Sessions – Tổng Chưởng lý đứng đầu
Bộ Tư pháp Mỹ – ND] và cấp phó của ông ta là Rod Rosenstein. Đó là một cuộc họp
đầy xấu hổ cho cả hai ông Sessions và Rosenstein, khi mà ông Trump nhấn mạnh việc
cả hai ông này đã không thể làm gì để điều khiển người của chính họ. Đồng thời,
ông Trump ép họ phải tìm ra lý do để sa thải ông Comey – thực tế thì ông Trump
đã lên tiếng buộc tội Sessions và Rosenstein vì đã không tìm ra một lý do từ
vài tháng trước đó. (Ông Trump ngụ ý rằng vì lỗi Sessions và Rosenstein mà
Comey đã không thể bị sa thải ngay từ đầu.)
Cũng trong tuần đó, có một cuộc họp có mặt ngài Tổng
thống, Jared và Ivanka [Jared Kushner – con rể ông Trump, và Ivanka Trump – con
gái ông Trump – ND], Bannon, Priebus [Steve Bannon – chiến lược gia chính của
ông Trump khi đó, và Reince Priebus – Chánh văn phòng Nhà Trắng – ND], và luật
sư tư vấn riêng của Nhà Trắng Don McGahn. Đó là một cuộc họp kín – nhưng rất được
chú ý trong Nhà Trắng vì cửa phòng Bầu Dục rất hiếm khi được đóng kín lại như
thế.
Cả đám đảng Dân chủ ghét ông Comey, ngài Tổng thống
nói, thể hiện quan điểm chắc chắn đầy sự tự biện hộ của ông ta. Tất cả đám nhân
viên FBI cũng ghét Comey – 75% tổng số nhân viên FBI không thể chịu được Comey
(đó là một con số mà Kushner đã bằng cách nào đó kiếm được, và Trump tận dụng
nó). Sa thải ông Comey sẽ tạo ra một lợi thế lớn trong việc gây quỹ hoạt động
chính trị, ngài Tổng thống tuyên bố, cho dù ông ta trước đó gần như không bao
giờ nói gì về các hoạt động gây quỹ chính trị.
McGahn cố gắng giải thích rằng thực tế là bản thân
ông Comey không hề điều hành việc điều tra các lùm xùm liên quan đến Nga, và rằng
ngay cả khi không có ông Comey thì cuộc điều tra này sẽ vẫn tiếp diễn. McGahn,
một luật sư có bổn phạn đưa ra các cảnh báo cho tổng thống, đã luôn phải gánh
chịu các cơn thịnh nộ của ông Trump.
Thông thường phản ứng của ông Trump sẽ bắt đầu theo
một kiểu phản ứng thái quá hay mang tính “diễn xuất” và sau đó nó sẽ biến thành
thật: một cơn tam bành không thể kiểm soát, với khuôn mặt xấu xí và những mạch
máu nổi hằn lên trên da. Một cơn giận dữ đầy tính nguyên sơ bản năng. Bây giờ
các lời buộc tội của ngài Tổng thống được dồn hết trong một cơn giận dữ hiểm ác
nhắm vào ông McGahn và những cảnh bảo của ông này về ông Comey.
“Comey là một kẻ phản thùng”, ông Trump nhắc đi nhắc
lại. Những kẻ phản thùng đang ở khắp nơi và phải tiêu diệt chúng. John Dean,
John Dean [luật sư Nhà Trắng của Tổng thống Richard Nixon – đóng vai trò quan
trọng trong việc đưa ra bằng chứng chống lại Nixon trong vụ bê bối Watergate –
ND], ông Trump nhắc đi nhắc lại cái tên này. “Ông có biết John Dean đã làm gì với
Nixon không?”
Ông Trump là người nhìn lịch sử thông qua các nhân vật
nổi tiếng – chia làm người ông ta thích hay người ông ta ghét. Ông ta rất cuồng
nhân vật John Dean. Trump đã nổi điên khi nhìn thấy ông Dean, bây giờ là một
người tóc bạc tuổi cao, xuất hiện trên các chương trình truyền hình và bình phẩm
so sánh cuộc điều tra Trump-Nga với bê bối Watergate.
Những lần xuất hiện như thế thường ngay lập tức được
ông Trump chú ý và y như rằng sẽ khiến ông ta phải sổ một tràng độc thoại trước
màn hình vô tuyến về lòng trung thành và về những thứ con người có thể làm để
giành lấy sự chú ý của truyền thông đại chúng. Những tràng độc thoại như thế
cũng thường là về các thuyết âm mưu của riêng ông Trump về vụ Watergate và về
việc Nixon đã bị người ta gài tội như thế nào. Và luôn luôn có những kẻ phản
thùng. Một kẻ phản thùng là một kẻ sẽ kéo bạn xuống vì lợi thế của riêng hắn
ta. Nếu bạn có một kẻ phản thùng, bạn phải giết nó. Và luôn có những kẻ phản
thùng xung quanh đây.
(Sau này, chính ông Bannon đã kéo riêng ngài Tổng thống
ra một chỗ và bảo ông ta rằng John Dean chính là luật sư Nhà Trắng trong nội các
Nixon, vậy nên ngài Tổng thống có thể làm ơn đừng tỏ ra quá trớn với ông
McGahn.)
Chánh văn phòng Reince Priebus và Cố vấn trưởng Steve Bannon (đứng). Ảnh:
CNN.
Cuộc họp tiếp diễn. Ông Bannon, lúc đó đang ở trong
thế bị đẩy ra rìa, và bây giờ cũng có ác cảm với bộ đôi Jared và Ivanka
(Jarvanka) như ông Priebus, đã liên minh cùng ông Priebus để tranh luận một
cách sôi nổi rằng không thể tìm cách sa thải ông Comey như thế. Đó đồng thời
cũng là một nỗ lực kèn cựa lại Jared và Ivanka cùng các đồng minh của bộ đôi
này, “những kẻ thần đồng” (geniuses).
“Những kẻ thần đồng” là một trong những cụm từ xỉa
xói mà ông Trump dùng dành cho bất kỳ ai làm ông ta khó chịu hay có vẻ nghĩ rằng
họ thông minh hơn ông ta, và Bannon bây giờ chiếm đoạt cụm từ này để dùng chống
lại chính người nhà ông Trump. Bằng cách đưa ra các cảnh báo mạnh bạo và khốc
liệt, Bannon bảo với ngài Tổng thống ý rằng: “Câu chuyện Nga can thiệp chỉ là một
câu chuyện hạng ba, nhưng nếu ông mà sa thải Comey thì nó sẽ trở thành câu chuyện
lớn nhất trên toàn thế giới.”
Cho đến khi cuộc họp kết thúc, Bannon và Priebus đã
đinh ninh rằng họ giành được chiến thắng. Nhưng cuối tuần đó tại Bedminster
[sân gôn nhà ông Trump gần New York – ND] ngài Tổng thống lại quay qua lắng
nghe con gái và con rể mình với nỗi ức chế sâu đậm. Ông ta lại bắt đầu nóng mặt.
Cuối tuần đó ngoài Jared và Ivanka có cả Stephen Miller [cố vấn của ông Trump –
ND]. Thời tiết thì xấu và ngài Tổng thống thì lỡ mất trận gôn của mình. Ông ta
bèn cùng Jared day đi day lại cơn thịnh nộ về Comey của mình. Chính Jared, theo
những người trong nội bộ nhóm Jarvanka kể lại, là người đã thúc đẩy được ngài Tổng
thống đến hành động, bằng cách kích cho ông này sôi máu lên.
Theo phiên bản câu chuyện do nhóm Jarvanka kể, Jared
Kushner chính là người đưa cho Stephen Miller các ghi chép ngắn về việc tại sao
phải sa thải ngài Giám đốc FBI và đã yêu cầu Miller thảo một lá thư có thể giải
thích được cơ sở cho việc đuổi việc ngay lập tức ông Comey. Miller – không phải
là một tay soạn thảo văn bản giỏi – bèn kêu Hicks [Hope Hicks – giám đốc truyền
thông của ông Trump – ND] trợ giúp, trong khi Hicks cũng chả có khả năng soạn
thảo văn bản. (Sau này Bannon đã khiển trách Miller vì ông này để cho bản thân
dính líu, và có khả năng bị quy trách nhiệm pháp lý, trong đống bầy hầy vụ sa
thải Comey).
Lá thư được soạn thảo một cách đầy hoang mang bởi
Miller và Hicks, với chỉ dẫn từ Jared Kushner hay từ đích thân ngài Tổng thống,
là một mớ bòng bong đầy giận dữ bao gồm các điểm chính như sau: việc Comey xử
lý cuộc điều tra Hillary Clinton; cáo buộc (từ Kushner) rằng nhân viên FBI
không còn tin cậy Comey; và nỗi ám ảnh chính của ngài Tổng thống: việc ông
Comey đã không chịu công khai xác nhận rằng ngài Tổng thống đang không bị điều
tra. Các ý đó là lý do cho việc gia đình ông Trump muốn sa thải ông Comey. Tất
cả các lý do như đã nêu, vốn không bao gồm việc cơ quan FBI của ông Comey đang
điều tra chính ngài Tổng thống.
Những người ủng hộ cá nhân ông Jared Kushner thì lại
chống trả quyết liệt trước cái ý kiến cho rằng ông Kushner là nhân vật chính
hay là chủ mưu đằng sau việc này. Theo đó, họ cho rằng lá thư được viết ở
Bedminster – cũng như quyết định sa thải Comey – hoàn toàn xuất phát từ ngài Tổng
thống trong khi Jared Kushner chỉ là nhân vật thụ động bên lề. (Quan điểm phe ủng
hộ Kushner có thể tóm tắt thế này: “Anh ấy [Kushner] có ủng hộ quyết định đó
không? Có. Anh ấy có được bảo vệ quyết định đó khi nó được đưa ra không? Có.
Anh ấy có khuyến khích quyết định đó không? Không. Anh ấy có cố gắng tìm cách
sa thải Comey suốt nhiều tuần nhiều tháng trước đó không? Không. Anh ấy có phản
đối việc sa thải không? Không. Anh ấy có nói rằng việc sa thải sẽ diễn ra theo
một cách tệ hại không? Không.)
Kinh hoàng trước lá thư vừa được soạn thảo, McGahn
phản đối việc gửi nó đi. Tuy nhiên, lá thư đã vẫn được gửi cho Sessions và
Rosenstain. Hai ông này nhanh chóng soạn thảo một phiên bản lá thư khác của
riêng mình giải thích lại những gì mà ông Jared Kushner và ngài Tổng thống rõ
ràng là mong muốn có.
“Tôi đã biết là khi ông ta quay trở lại ông ta sẽ nổ
tung bất kỳ khi nào,” Bannon nói sau khi ngài Tổng thống trở về từ Bedminster.
Ngày thứ Hai, mùng 8 tháng Năm, trong một cuộc họp tại
phòng Bầu Dục, ngài Tổng thống cho Priebus và Bannon biết quyết định của ông
ta: sa thải ông Comey.
Cả hai ông Priebus và Bannon đều đưa ra các tranh luận
nảy lửa chống lại việc sa thải này. Họ lập luận rằng ít nhất thì phải có thêm
thảo luận trước khi tiến hành sa thải. Đó là một kỹ thuật quan trọng trong việc
quản lý ngài Tổng thống: trì hoãn. Đẩy một thứ gì đó qua thường có nghĩa là một
thứ gì đó khác – một vụ lùm xùm cùng cỡ hoặc lớn hơn nữa – sẽ đến theo sau để
choán vào chỗ lùm xùm đang có trong tay. Bên cạnh đó, việc trì hoãn cũng thường
có hiệu quả nhờ vào khả năng tập trung của Trump; bất kể việc ngay trước mắt là
gì, ông ta rồi cũng sẽ chuyển sang thứ khác ngay sau đó. Khi cuộc họp kết thúc,
Priebus và Bannon nghĩ rằng họ đã tạo được không gian để cho tình huống “dễ thở”
thêm một chút.
Sau đó trong cùng ngày, bà Sally Yates [Tổng Chưởng
lý tạm quyền nắm Bộ Tư pháp, bị ông Trump sa thải ngày 30/01/2017 – ND] và cựu
Giám đốc Tình báo Quốc gia ông James Clapper điều trần trước Ủy ban Tội phạm về
Khủng bố trực thuộc Uỷ ban Tư pháp Thượng viện. Ông Trump bèn xả một tràng những
dòng giận dữ trên trang mạng xã hội Twitter.
Ở đây, ông Bannon lại quan sát thấy một vấn đề quan
trọng của ông Trump. Ông Trump cá nhân hóa tất cả mọi thứ theo một cách không
thể cứu vãn được. Ông ta nhìn thế giới qua lăng kính thương mại và doanh nghiệp:
ai đó luôn phải đang tìm cách cạnh tranh với bạn, ai đó luôn phải đang tìm cách
giằng lấy ánh đèn sân khấu. Cuộc chiến là giữa bạn và một ai đó khác đang muốn
thứ mà bạn có.
Theo ông Bannon, việc đơn giản hóa thế giới chính trị
xuống thành những cuộc đấu đá cá nhân nhỏ lẻ khiến cho vai trò lịch sử của
Trump và nội các ông ta trở nên nhỏ bé đi rất nhiều. Việc đơn giản hóa đó cũng
làm chệch hướng cuộc tranh đấu chống lại các quyền lực thực sự của nhóm ông
Trump và ông Bannon. Thay vì chống lại các thể chế thì nay ông Trump đang chống
lại con người.
Với ông Trump lúc đó thì ông ta chỉ đang phải chống
lại một người, Sally Yates, một kẻ mà ông ta đã giận dữ gọi là “một con l*n”.
[Tác giả giải thích thêm về hoàn cảnh, tại sao ông
Trump ghét bà Sally Yates. Trước khi bị sa thải, bà Yates đã từ chối áp dụng phiên
bản đầu tiên của lệnh cấm nhập cảnh do ông Trump đưa ra. Ông Trump xem bà
Yates là tiêu biểu cho các nỗ lực chống ông ta từ bên trong chính phủ Mỹ. Nay
việc bà Yates xuất hiện trở lại trước truyền thông đại chúng Mỹ dĩ nhiên khiến
ông Trump thêm tức giận.]
(…)
Vợ chồng Ivanka Trump và Jared Kushner đứng sau quyết định sa thải James
Comey của Tổng thống Trump? Ảnh: Getty Images.
Vào buổi sáng ngày thứ Ba, mùng 9 tháng Năm, ngài Tổng
thống vẫn còn đang bị ám ảnh về việc ông Comey. Đứng trước mặt Ivanka và Jared,
Priebus lại một lần nữa tranh luận ủng hộ việc trì hoãn: “Có một cách làm đúng
và một cách làm sai cho việc này,” Priebus bảo ngài Tổng thống. “Chúng ta không
muốn ông ta biết việc mình bị sa thải qua truyền hình. Tôi nói lần cuối cùng
đây này: đây không phải là cách làm đúng cho việc này. Nếu ông muốn làm việc
này, cách làm đúng là phải mời ông ta đến và có một cuộc trò chuyện. Đó là cách
làm đàng hoàng và chuyên nghiệp”. Lại một lần nữa, ngài Tổng thống trông có vẻ
dịu lại và chú tâm hơn vào quy trình cần phải có.
Nhưng đó là một động tác giả. Thực tế là, nhằm mục
đích tránh phải áp dụng các quy trình chính thống – hay nói cách khác, là để
tránh tạo ra một cảm giác rõ ràng về nguyên nhân và hệ quả của vụ việc, ngài Tổng
thống đã loại trừ mọi người ra khỏi quy trình của riêng ông ta. Phần lớn thời
gian trong ngày hôm đó, gần như không có ai biết rằng ngài Tổng thống đã quyết định
tự tay giải quyết mọi thứ. Trong các trang sử thi về tổng thống Mỹ sau này, việc
sa thải Giám đốc FBI James Comey có thể sẽ là hành vi để lại hậu quả lớn nhất
được thực hiện hoàn toàn tự tay bởi một vị tổng thống hiện đại.
Trong lúc đó, Bộ Tư pháp – Tổng Chưởng lý Sessions
và Phó Tổng Chưởng lý Rosenstein – trong thế hoàn toàn độc lập với ngài Tổng thống,
đang chuẩn bị các lý do chống lại Comey của riêng họ. Họ sẽ làm theo giống với
quyết định ngài Tổng thống đưa ra ở Bedminster và cáo buộc Comey về các sai sót
của ông ta trong việc xử lý vụ lộn xộn email của bà Clinton. Đó là một cáo buộc
có vấn đề, vì nếu thật sự lý do sa thải Comey là vì thế, thì tại sao Comey
không bị sa thải ngay khi ông Trump vừa nhậm chức? Thế nhưng, trong thực tế thì
bất kể việc Sessions và Rosenstein dùng lý do gì, ngài Tổng thống cũng đã quyết
định tự thân hành động.
Jared và Ivanka đang cổ vũ ngài Tổng thống hành động,
nhưng ngay cả họ cũng không biết là đao sẽ chém khi nào. Ngay cả Hope Hicks,
cái bóng trung thành của ông Trump, người thường biết tất cả về những gì ngài Tổng
thống đang suy nghĩ – chủ yếu là vì ông Trump hoàn toàn không kiểm soát việc
ông ta nói to ra các suy nghĩ đó – cũng không biết. Steve Bannon, người đã lo
ngại rằng ngài Tổng thống sẽ nổ tung, cũng không biết. Chánh văn phòng tổng thống
cũng không biết. Và phát ngôn viên Nhà Trắng cũng không biết. Ngài Tổng thống,
gần đến ngưỡng tuyên chiến với cơ quan FBI, Bộ Tư pháp, và nhiều thành viên Quốc
hội Mỹ, đã hoàn toàn vùng thoát khỏi hệ thống.
Vào một thời điểm nào đó trong buổi chiều, ông Trump
bảo với con gái và con rể về kế hoạch của ông ta. Họ lập tức trở thành những kẻ
đồng mưu và thẳng thừng đóng cửa trước mọi lời khuyên trái ý khác.
Theo một cách hơi rờn rợn, ngày hôm đó cả dãy phòng
phía Tây của Nhà Trắng bất ngờ hoạt động rất êm xuôi và đúng giờ. Mark
Halperin, phóng viên nội chính và người tường thuật về quá trình tranh cử, đang
ngồi đợi Hope Hicks trong sảnh tiếp tân. Cô này ra gặp ông ta ngay trước 5 giờ
chiều. Phóng viên Howard Kurtz của kênh truyền hình Fox cũng đang ở đó, chờ cuộc
hẹn của ông ta với Sean Spicer. Và trợ lý của Reince Priebus thì vừa mới ra bảo
với người hẹn gặp lúc 5 giờ chiều của ông ta rằng phải đợi thêm vài phút.
Ngay trước 5 giờ chiều, ngài Tổng thống, trong thực
tế là lúc đó vừa mới thông báo lại cho ông McGahn về ý định của ngài, đã nhấn
tay bóp cò.
Nhân viên cận vệ riêng của ông Trump, Keith
Schiller, giao lá thư cách chức cho văn phòng ông Comey tại tổng hành dinh FBI
khi vừa qua 5 giờ chiều. Dòng thứ hai của lá thư là những chữ này: “Theo đó,
ông bị đuổi việc và cách chức, quyết định có hiệu lực ngay tức thì”.
Tìm
đọc thêm:
·
Bất chấp ông Trump phản ứng, sách gây tranh cãi vẫn ra mắt –
D. Kim Thoa (Tuổi Trẻ)
·
“You Can’t Make This S— Up”: My Year Inside Trump’s Insane
White House – Michael Wolff (Hollywood Reporter)
·
Michael Wolff Did What Every Other White House Reporter Is Too
Cowardly to Do – Drew Magary (GQ)
·
Michael Wolff’s explosive book on Trump: the key revelations –
Martin Pengelly (The Guardian)
No comments:
Post a Comment