Monday, January 15, 2018

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GÂY RA MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG DI CƯ Ở VIỆT NAM (Alex Chapman và Văn Phạm Đăng Tri)



Alex Chapman và Văn Phạm Đăng Tri
Bản dịch của DCVOnline
Posted on January 12, 2018 by editor

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nông nghiệp màu mỡ nhất trên Trái Đất và có tầm quan trọng toàn cầu vì mức xuất cảng gạo, tôm và hoa quả từ đây. 18 triệu dân ở vùng đồng bằng sông ngòi thấp này cũng là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất vì sự biến đổi khí hậu trên thế giới.

Ruộng lúa ở DBSCL. Nguồn: Tonkinphotography / Shutterstock.com

Trong mười năm qua, khoảng 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi vùng đồng bằng, sông ngòi và kênh rạch trong khi chỉ có 700.000 người đã dọn đến đây sinh sống.

Mức độ di cư đến các khu vực thành thị trên toàn cầu vẫn cao như từ trước đến nay; tỷ lệ di cư từ nông thôn lên thành phố mỗi năm vào khoảng một trên 200 người. Trong bối cảnh này, rất khó phân biệt di cư với các lý do riêng của từng người; không những khó có thể tìm ra những người dân đã rời khỏi khu vực để hỏi lý do tại sao họ đã bỏ đi và còn vì bối cảnh đặc thù của mỗi địa phương. Tuy nhiên, độ di cư ra khỏi các tỉnh ĐBSCL đã tăng gấp đôi so với mức trung bình trên cả nước và thậm chí còn cao hơn ở các vùng dễ bị tổn thương nhất về khí hậu. Điều này cho thấy rằng còn có một nguyên nhân khác – có thể liên quan đến khí hậu – đang diễn ra ở đây.

Năm 2013, chúng tôi thăm xã An Thạnh Đông, tỉnh Sóc Trăng để thu thập số liệu điều tra về sản lượng nông nghiệp. Chúng tôi nhận ra rằng hầu như không có bất kỳ một nông dân nào của An Thạnh Đông có sản lượng để báo cáo. Xã đã mất toàn bộ mùa mía sau khi mực nước mặn cao đột ngột tràn ngập ruộng đất và giết chết mùa màng. Những người không có nguồn thu nhập khác phải sống trong nghèo đói. Trong những tuần tiếp theo, hàng trăm nông gia nhỏ, nhiều người là những gia đình làm nghề nông ở đồng bằng này từ nhiều thế hệ, đã cho chúng tôi biết rằng mọi thứ đang thay đổi và trong nay mai họ sẽ không còn có thể kiểm soát được nguồn sinh kế của họ nữa.

Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: Alex Chapman

Hai năm 2015-2016 thiên tai hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ đã xảy ra cho vùng ĐBSCL làm cho nước mặn tràn vào đất liền hơn 80km và phá huỷ ít nhất 160.000 ha cây trái. Tại Kiên Giang (dân số 1.7 triệu người), một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tỷ lệ mất dân vì di cư tại địa phương tăng lên, trong năm sau khoảng 1% dân số đã di cư đi nơi khác.

Một bài viết của giới khoa học Việt Nam ít được biết đến có thể cho thấy một phần quan trọng của vấn đề. Nghiên cứu của Lê Thị Kim Oanh và Trương Lê Minh của Đại học Văn Lang cho thấy biến đổi khí hậu là yếu tố chi phối trong quyết định của 14,5% người di cư rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Nếu con số này chính xác thì sự biến đổi khí hậu đã buộc hàng chục ngàn người rời khỏi khu vực này mỗi năm. Và điều đáng lưu ý là yếu tố lớn nhất trong các quyết định cá nhân rời bỏ ĐBSCL là mong muốn thoát cảnh đói nghèo. Khi biến đổi khí hậu ngày càng tăng và có mối quan hệ phức tạp với đói nghèo, thì tỉ lệ 14,5% dân số rời bỏ vùng đồng bằng này vẫn còn có thể là một đánh giá thấp.

Có một loạt cácđộng cơ liên quan đến khí hậu gây ra hiện tượng di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Một số ngôi nhà đã rơi xuống biển ở dọc bờ biển bị xói mòn ở phía Tây Nam của đồng bằng – ở một số nơi vành đai ven biển đã bị mất 100 mét trong một năm. Hàng trăm ngàn gia đình bị ảnh hưởng vì sự xâm nhập của nước mặn khi nước biển dâng lên và chỉ có một số người có thể thay đổi sinh kế bằng hàng hoá chịu nước mặn. Số khác bị ảnh hưởng vì hạn hán gia tăng. Đó là một hệ quả có thể một phần là do biến đổi khí hậu, phần khác là vì việc xây đập ở thượng nguồn sông Cửu Long.

Tỉ lệ giảm dân số ở vùng ĐBSCL Nguồn: Số liệu 2017 của  Sở thống kê Việt Nam và World Bank

Chính phủ và cộng đồng ở các nước đang phát triển trên thế giới đã bắt đầu vào việc quản lý các tác động của biến đổi khí hậu bằng cách thích ứng với hoàn cảnh. Nghiên cứu gần đây của chúng tôi ở Việt Nam đã báo hiệu việc này đang được thực hiện như thế nào. Chúng tôi cho thấy một số dân chúng bị buộc phải di cư khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long để bảo vệ họ khỏi bị ảnh hưởng vì thiên tai do biến chuyển khí hậu gây ra. Hàng ngàn dặm đường đê, cao trên bốn mét, hiện đang chằng chịt khắp vùng đồng bằng. Đắp đê phần chính là để bảo vệ dân chúng và cây trồng khỏi bị ngập lụt, nhưng chính những con đê này đã làm thay đổi hệ sinh thái cơ bản. Người nghèo và người không có ruộng đất không còn có thể đánh cá để ăn và bán, và những con đê này ngăn chận không cho chất dinh dưỡng tự do thông thấm vào ruộng lúa rong mùa nước lên.

Điều này chứng tỏ rằng sự thay đổi khí hậu đe doạ sẽ làm trầm trọng thêm khuynh hướng di cư vì kinh tế như hiện nay. Một nghiên cứu quy mô về di cư ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các yếu tố khí hậu như lũ lụt, lốc xoáy, xói mòn bờ biển và suy thoái đất đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho sinh kế dựa vào tài nguyên thiên nhiên trở nên mong manh hơn và khuyến khích người dân di cư đi nơi khác.

Đến nay, những cách cũ để tăng trưởng kinh tế không còn phục vụ được phần dân chúng dễ bị tổn thương nhất giống như đã phục vụ những người tương đối giàu có. Điều này đã được chứng minh rõ ràng nhất với sự phát giác số người thiếu dinh dưỡng trên trái đất tăng 38 triệu vào năm ngoái – một sự thay đổi mà biến đổi khí hậu chịu một phần trách nhiệm. Điều này diễn ra bất chấp tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,4%.

Với chính những thất bại này xã hội phải chuẩn bị để đi đến một giải pháp công bằng và bền vững để đối phó với sự thay đổi khí hậu và một cuộc khủng hoảng di cư đang lan rộng.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Chính phủ đã sử dụng tiền đầu tư để ứng phó với vấn đề này như thế nào? Nguồn: LE THU THI NGUYEN?World Bank.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: 
 Climate change is triggering a migrant crisis in Vietnam. Alex Chapman And Van Pham Dang Tri, The Conversation. January 9, 2018.

– Ứng phó với biến đổi khí hậu – đảm bảo tương lai cho nông dân,  LE THU THI NGUYEN, 06/16/2015, The World Bank.








No comments: