Saturday, January 13, 2018

BẢN TIN SÁNG 13/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Bắc Kinh lại phản đối Việt Nam mời Ấn Độ khai thác dầu khí Biển Đông. Về tin Việt Nam mời Ấy Độ đầu tư vào Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao TQ, ông Lục Khảng đã lên tiếng phản đối. Trung Quốc “cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực“.

Biển Đông: Các lô dầu khí tại vùng biển phía nam Việt Nam. Ảnh chụp màn hình Twitter.

Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc có gì? Dẫn nguồn từ báo Diplomat, cho biết: “Vịnh Du Lâm ở phía đảo cực nam Hải Nam, Trung Quốc, là căn cứ có vai trò chiến lược cho các tàu ngầm nước này, đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân, giúp chúng có thể luồn lách dưới biển”.

Thêm một căn cứ có thể giúp Trung Quốc thực hiện âm mưu bá quyền trong vùng tranh chấp lãnh hải, và mở rộng ảnh hưởng ở Tây Nam Thái Bình Dương: “Nơi này có một đường hầm làm bãi đỗ và sửa chữa tàu ngầm. Nó giúp tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng xâm nhập Biển Đông rồi từ đó qua Ấn Độ Dương (IOR), sau đó quay lại châu Á Thái Bình Dương”.

Về cái của nợ “tàu vỏ thép”
Báo Người Lao Động đưa tin: Tàu vỏ thép hỏng: Công ty Nam Triệu lại cù nhầy bồi thường. Tại cuộc họp do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu cho biết sẽ không bồi thường khoản tiền 36,6 tỷ đồng: “Trong quá trình khắc phục, sửa chữa tàu hư hỏng, Công ty Nam Triệu đã hỗ trợ ngư dân nhiều rồi. Bởi vậy, giờ chúng tôi chỉ xem xét hỗ trợ những khoản thiệt hại có tình, có lý”.

Ông Trần Đình Sơn, chủ một tàu vỏ thép, chia sẻ: “Ngoài khoản thu nhập trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, hầu hết các khoản tôi kê ra đều hợp lý và dựa trên thiệt hại có thật. Vậy mà Công ty Nam Triệu chỉ hỗ trợ lấy lệ… là không thể chấp nhận được”.

Trước đó, trong cuộc họp do UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 29/12/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phát biểu: “chậm nhất đến ngày 15-1-2018, việc thỏa thuận bồi thường giữa ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu phải xong”. Chỉ còn 3 ngày nữa là đến hạn bồi thường, Công ty Nam Triệu, một trong 2 đơn vị đóng tàu vỏ thép, lại đánh bài chuồn.

Thủ phạm chính đã gây ra nghịch cảnh cho các ngư dân có lẽ không phải là 2 công ty đóng tàu vỏ thép này, mà là cái “Nghị định 67/NĐ – CP”, đóng tàu vỏ thép giúp “ngư dân” bám biển, nhưng thật ra là đẩy ngư dân ra tuyến đầu, làm nhiệm vụ thay cho nhà nước, bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Nhà chức trách nghĩ đóng mấy cái tàu vỏ thép này là xong trách nhiệm với ngư dân, nhưng hầu hết những con tàu kia hoạt động chưa được bao lâu thì bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên hư hỏng, trang thiết bị không hoạt động. Về chuyện “bám biển”, tàu vỏ thép không thể chặn được sự hung hãn của “tàu lạ”, mà còn trở thành gánh nặng cho ngư dân, lâm vào cảnh nợ nần.


Thác Bản Giốc
Một cộng tác viên Tiếng Dân đi thăm thác Bản Giốc những ngày cuối năm 2017 và đã trò chuyện cùng những người dân địa phương. Bài tường thuật về chuyến viếng thăm này: Thác Bản Giốc những ngày cuối năm 2017.

Video clip trò chuyện cùng người dân địa phương:

Nhân quyền ở Việt Nam
LS Lê Văn Luân viết: Vỏ tư duy. “Tập thơ Bùi Chát” đã trở thành… bằng chứng buộc tội Blogger Mẹ Nấm về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước”: “bài thơ này đã ví Tổ quốc như con mèo. Câu thơ này nhắc đến tháng 4 đen là ám chỉ tháng 4/1975”.
Theo LS Luân, “nếu để dùng những kết luận giám định của những giám định viên và cách giám định cũng như việc dùng những tài liệu đó để làm chứng cứ buộc tội như trên đây thì tất cả chúng ta đều trở thành tội phạm”.
Báo Dân Việt đưa tin: Một người tử vong khi được mời lên trụ sở Công an xã làm việc. Đại tá Phạm Văn Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, nói: “Người tử vong là một đối tượng nghiệm ma túy. Đối tượng này có hành vi gây rối trật tự công cộng nên Công an xã đã mời lên làm việc. Sau đó, xảy ra vụ tử vong”.
Lý do tử vong: “Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy có dấu hiệu của việc treo cổ tự sát, còn cụ thể chính xác hơn nữa thì cơ quan điều tra sẽ có công bố sau”. Anh này không phải là người duy nhất vì quá “ăn năn” mà “tự treo cổ” trong đồn công an. Trước đó đã có nhiều vụ tương tự: Điều tra vụ một người treo cổ tại trụ sở công an phường (TN). – Thêm một người chết vì ‘tự tử’ trong đồn công an(NV). – Một phụ nữ treo cổ tự tử bất thường trong buồng tạm giam (ĐSPL).
Facebook Thanh Niên Công Giáo chia sẻ“Trong thời gian qua, có rất nhiều vụ chết tại đồn công an khi được mời làm viêc: Chết do để lại vết bầm tím, chết cho dao cứa ngang cổ, chết do dùng giây giày để tự tử”.
Chính trường Việt Nam
RFA bàn về thực trạng băng nhóm “xã hội đen” trong nền kinh tế: Làm sao xóa bỏ? Tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch TP Hà Nội thừa nhận, hiện tượng “xã hội đen” sở hữu cả quyền lực kinh tế và chính trị, nói theo cách của dư luận mạng xã hội là “mafia đỏ”. “Đó không phải là những người đi chiếm đoạt vài ba ngàn đồng ở các bến xe, mà đã chuyển hướng sang các hoạt động lấn chiếm đất đai và đất công”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, nói với RFA: “Tôi nghĩ rằng tình hình các nhóm lợi ích đã đề ra là vấn đề thực sự thời sự và cũng rất là gay gắt hiện nay. Các lợi ích nhóm đó không phải chỉ có ở tầm đầu tư hay đất đai…mà bây giờ có thể xuất hiện kể cả trong việc ảnh hưởng đến những chính sách được quyết định ở các cấp cao”.
Tác giả Tạ Dzu viết: Xây dựng tính chính danh cho chế độ. Để chống nạn tham nhũng từ gốc, “đem lại tính chính danh cho chế độ, cần phải biến tư đảng thành công đảng – công đảng hoá toàn dân… để mọi người, Cộng sản hay không Cộng sản, đều có thể tham gia chính quyền, tham gia vào việc hoạch định các chính sách”.

Sự nguy hiểm của chính trường Việt Nam: “Biết đâu 10 năm nữa tôi lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy?”. Có lẽ ông Trần Sỹ Thanh nghĩ đến “tấm gương” Đinh La Thăng, khi phát biểu: “Biết đâu 10 năm sau vào một ngày đẹp trời sẽ lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy… Không phải câu chuyện nội bộ không tin nhau nhưng mà vì giữ mình nên phải như vậy”.

Báo Giáo Dục VN có bài: Cái gì đã độc quyền như chỉ định thầu đều dễ dẫn đến sai lầm. Bà Bùi Thị An, cựu ĐBQH nói: “Các thất thoát, tham nhũng thường đến từ nhiều lý do, riêng vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng thì tôi cho rằng do hổng về quản lý“.

Về nguy cơ thất thoát, tham nhũng trong chỉ định thầu, bà An cho rằng: “Cái gì độc quyền – tương đương với chỉ định thầu thì dễ dẫn đến sai lầm… Muốn cạnh tranh bình đẳng trên thị trường thì buộc phải minh bạch tất cả các thông số kèm theo của một dự án“.

Blogger Phương Thơ bình luận“Bây giờ Tổng Trọng lên trên đỉnh cao quyền lực thì quả là chuyện khó tin, bởi những người chưa bao giờ nêm mùi trải nghiệm cuộc sống thực tế, nhưng có thể ra những quyết sách thông qua Bộ Chính trị mà khiến người khác gánh thay, mà càng gánh nặng tội cao thì Trọng lại càng được tung hô cao hơn nữa thì rất đáng lo ngại”.


Phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Ngày thứ 5
BBC đặt câu hỏi: Xử ông Thăng nhưng có ‘xử được cơ chế’? LS Đặng Đình Mạnh bình luận: “Tôi tin rằng vụ án này có sự chỉ đạo về phương diện chính trị, đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đất nước về chính trị. Do vậy nên vụ án này được sắp xếp trong một thời gian hết sức đặc biệt. Kể cả những vấn đề khác về phương diện pháp lý nữa, ví dụ như điều luật được áp dụng”.

Về bản chất của chiến dịch “đốt lò”, nhà báo Mạc Việt Hồng nói với BBC: “Tham nhũng hiện nay là cả bộ máy, cả hệ thống chính trị nhưng sao hai ông này bị ra tòa mà những ông khác, có khi tay chân cũng không sạch sẽ hơn, mà lại xét xử hai ông này. Người ta thấy sự oan ức là ở chỗ đó”.

Ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh chụp hôm 8/1/2018. Nguồn: BBC

RFA đưa tin: Luật sư: không đủ căn cứ buộc tội Trịnh Xuân Thanh. Để chứng minh “rằng bản luận tội của Viện Kiểm sát đối với hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là không đủ căn cứ”, LS Nguyễn Quốc Hùng phân tích “chứng cứ ngoại phạm”của Thanh. Đối với tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước”, có 5 cựu lãnh đạo PVC chịu trách nhiệm về hợp đồng 33, “nhưng chỉ có một mình ông Thanh bị cáo buộc tội là không đúng theo điều lệ”.

Báo Dân Trí đưa tin: Có bị cáo trong vụ Trịnh Xuân Thanh khắc phục hậu quả… 10 triệu đồng. Đó là bị cáo Lê Xuân Khánh, cựu Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch (PVC) nộp 10 triệu đồng!

Báo Đời Sống & Pháp Luật viết: Vụ án ông Đinh La Thăng: Còn ẩn khuất sau con số 13 tỷ đồng. Về chuyện các “đồng chí” của Trịnh Xuân Thanh khai: “Ông Thanh chỉ đạo lấy khoản tiền đó không chỉ để tiêu Tết mà còn phải đi đối ngoại”, tác giả bình luận: “Khi nào ông Thanh còn không nhận tội này, thì dòng tiền này ‘chảy’ đi đâu, về đâu vẫn luôn là khoảng tối. Khoảng tối này sẽ che khuất cho những đối tượng được ‘lại quả’ mà không phải chịu tội”.


Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm
Báo Pháp Luật TPHCM viết: Vụ Phạm Công Danh: Làm rõ các dòng tiền vay mượn. Về chuyện không có cơ sở thu hồi “hơn 1.700 tỉ đồng mà ông Danh đã trả BIDV”, đại diện BIDV cho biết: “Chúng tôi làm đúng quy trình, chức năng phòng ban. Tuy nhiên, sự việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì chúng tôi cũng xin rút kinh nghiệm”. Hai từ khóa “đúng quy trình” và “rút kinh nghiệm” hầu như luôn xuất hiện trong các sai phạm liên quan đến hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ không thể thu hồi.

Diễn biến mới liên quan đến một trong số các “đại gia” liên tục vắng mặt: Giai đoạn 2 đại án VNCB: Đề nghị truy tố bà Hứa Thị Phấn. Ngày 12/1/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã đề nghị “truy tố bị can Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín… cùng 27 đồng phạm trong vụ án ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ xảy ra tại TrustBank”.

Về mối liên quan giữa bà Hứa Thị Phấn với vụ án Phạm Công Danh: “Tách vụ án hình sự… liên quan đến 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ của bị can Phấn ra khỏi vụ án hình sự của HĐXX sơ thẩm giai đoạn 1 vụ án Phạm Công Danh, tạm đình chỉ điều tra vụ án chờ kết quả xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh rồi xử lý sau”.

Bà Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xử Phạm Công Danh giai đoạn 1. Ảnh: NLĐ

Trước đó, HĐXX vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê đã triệu tập bà Hứa Thị Phấn, cùng một số “đại gia” ngành ngân hàng, tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng”. Hầu hết các “đại gia” này đều… lâm bệnh nặng đúng lúc, và cho biết không thể tới dự phiên tòa xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2. LS của bà Phấn cho biết lý do“Theo giám định y khoa, sức khỏe bà Phấn hiện chỉ còn 7%”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Đại gia Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu, chi khống nghìn tỷ thế nào? Kết luận điều tra cho biết: “Bị can Phấn đã thông qua Cty riêng của mình và những người thân, quen, nhân viên dưới quyền đứng mua 26 bất động sản với tổng giá trị gần 3.590 tỷ đồng (tương đương 119% vốn điều lệ TrustBank) để rút ruột, chiếm đoạt”.

Về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”: Bà Phấn đã dùng ảnh hưởng của mình thông qua một kế toán của Công ty Phú Mỹ để “chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên NH Đại Tín… thực hiện việc thu – chi khống để hoàn thiện thủ tục, giúp bị can Phấn thu khống, sử dụng bất hợp pháp số tiền hơn 5.256 tỷ đồng”.


“Đất nước có bao giờ được thế này không?”
VOA viết: Việt Nam mất gì khi bị Mỹ ‘tố’ lên WTO? Trước đó đã có tin: Mỹ tố với WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước mà Việt Nam không khai báo. Giờ thì hậu quả đang đến: “Đây là một động thái ‘bất thường’, có thể nằm trong chuỗi phản ứng qua lại liên quan đến việc Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm nhập từ Việt Nam gần đây”.

TS Vũ Quang Việt nhận định: “Nếu Mỹ và các nước phanh phui về số lượng thực sự các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, điều này có thể gây tác động tiêu cực lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ra thị trường quốc tế”.

Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Hà Nội. PVN là một trong số 8 công ty bị Mỹ tố cáo lên WTO. Nguồn: Reuters


Đảng muốn kiểm soát Facebook
VOA có bài: Việt Nam yêu cầu gì với đại diện Facebook? Trong lúc gặp đại diện Facebook, Bộ trưởng bộ 4T đã “cám ơn Facebook đã gỡ bỏ hơn 670 tài khoản ‘phản động, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước’.” Tuy nhiên, đây chỉ là “con số rất nhỏ so với yêu cầu mà Việt Nam đã gửi tới Facebook”. Ông Trương Minh Tuấn thừa nhận: “nỗ lực của Facebook ‘còn rất nhỏ’ và ‘chưa đạt hiệu quả’ so với yêu cầu của Việt Nam”.

Thực tế, có nhiều video “nguy hại và bất hợp pháp” trong mắt Đảng và Nhà nước, tuy đã bị xóa khỏi Google, Youtube, “nhưng vẫn xuất hiện trên mạng xã hội Facebook”. Ông Tuấn nói với đại diện Facebook: “Nội dung phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động bạo lực, gây chia rẽ, bôi nhọ chế độ là những vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm”.


Quy trình “tốt khoe, xấu che”
Chiều 12/1/2018, báo VnExpress đưa tin: Hàng nghìn công nhân nghỉ việc vì bị giảm tiền thưởng Tết. Đây là vụ đình công của khoảng 5.000 công nhân của Công ty TNHH Panko Tam Thăng, và gần 600 công nhân của Công ty TNHH Moon Chang Vina, ở Quảng Nam, để phản đối chuyện “bị cắt giảm tiền thưởng cũng như thời gian nghỉ Tết ngắn”. Tuy nhiên, sáng 13/1/2018, chúng tôi phát hiện bài báo này đã bị gỡ bỏ khỏi trang VnExpress.

Một số báo khác có bài viết về sự kiện này, hiện vẫn còn trên mạng: gần 7.000 công nhân đình công vì bị ép tăng ca trước tết (TN). – Bức xúc chuyện thưởng Tết, hàng nghìn công nhân nghỉ việc.

***

Tin quốc tế

Chuyện nước Mỹ
VOA đưa tin: TT Trump bác kế hoạch nhập cư ‘Dreamer’ của các thượng nghị sĩ. Trump tiếp tục bác bỏ kế hoạch do một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đề xuất đối với những người đến Mỹ khi còn trẻ. Trump viết trên Twitter: “Cái gọi là thỏa thuận lưỡng đảng về DACA gửi đến tôi và một nhóm các thượng nghị sĩ và dân biểu Cộng hòa ngày hôm qua là một bước lùi lớn”.

Báo Wall Street Journal đưa tin: Luật sư của Trump đã từng thương lượng trả $130.000/ tháng cho cô Stephanie Clifford, là diễn viên phim khiêu dâm, để mua sự im lặng của cô ta, qua thỏa thuận không tiết lộ mối quan hệ giữa Trump và cô Clifford. Cô Stephanie Clifford gặp Trump năm 2006, trong thời gian Trump đang có người vợ xinh đẹp là Melania. Các cư tri Mỹ đã bầu cho Trump nghĩ sao về mối quan hệ của ông ta với người phụ nữ khác khi ông ta đang có vợ?

Đúng như dự đoán của nhiều người, Trump đã lên tiếng phủ nhận về những lời nói thô tục về Haiti, các nước châu Phi. TT Trump viết trên Twitter: “Ngôn ngữ mà tôi sử dụng tại cuộc họp bàn về DACA khá mạnh, nhưng đó không phải là ngôn ngữ được sử dụng. Điều thực sự khó là đề xuất quái đản được đưa ra – một trở ngại lớn cho DACA!“.

Rồi hai tiếng sau đó Trump lại viết trên Twitter: “Chưa bao giờ nói bất cứ điều gì xúc phạm về người Haiti, ngoại trừ Haiti rõ ràng là một đất nước nhiều rắc rối và nghèo nàn“. Cũng trong tweet này, Trump đổ thừa cho đảng Dân Chủ bịa chuyện Trump nói như thế. Trump cũng đề nghị, các cuộc họp sau nên thu âm lại. Trước đây, đã nhiều lần Trump nói về người Haiti là “tất cả họ đều bị bệnh AIDS“.

VOA có bài tổng hợp về phản ứng thế giới sau phát biểu hạ cấp của Trump: Thế giới phản ứng sau ngôn từ của TT Trump về Haiti, các nước châu PhiLiên Hiệp quốc, các quốc gia, nhiều tổ chức, dân biểu Mỹ, đều lên tiếng phản đối Trump mạnh mẽ. Phát ngôn viên cho Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc, ông Rupert Colville nói: “Đây là những phát biểu gây sốc và đáng hổ thẹn từ Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi xin lỗi, nhưng không thể dùng từ nào khác ngoài từ kì thị chủng tộc“.

Cựu Tổng thống Mexico Vincente Fox, phản đối Trump gay gắt: “Miệng của ông là hố phân ghê gớm nhất thế giới … sự vĩ đại của nước Mỹ được xây dựng trên sự đa dạng, hay là ông đã quên mất gốc gác di dân của ông, hả Donald?“. Liên minh châu Phi, chính phủ Nam Phi, Haiti đều đã có những hành động phản đối lời nói bẩn thỉu của Trump.

Sau khi dùng từ ngữ hạ cấp để nói về dân Haiti, châu Phi, gọi họ là “s***hole”, hôm nay Trump ký tuyên bố về ngày Martin Luther King để che giấu lời nói kỳ thị của ông ta. Qua sự kiện này, mọi người chỉ thấy Trump là một tổng thống đạo đức giả, một kẻ hypocrite không hơn không kém.



Tin Trung Quốc
Một Thế Giới có bài viết: Trung Quốc chỉ trích Mỹ về cuộc điều tra vi phạm sở hữu trí tuệTheo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và chỉ trích những cáo buộc của Mỹ, về việc nước này vi phạm sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc là một quốc gia chuyên sản xuất đồ giả, đồ nhái và là nước ăn cắp nhiều nhất về mặt sở hữu trí tuệ. Không có thứ gì mà quốc gia này không sao chép, bắt chước: Từ  thiết kế quần áo, giày dép đồ hiệu cho đến những chiếc điện thoại. Lớn hơn, quốc gia này ăn cắp các bí  mật công nghệ, sao chép, mô phỏng xe tăng, máy bay của Nga… Và sự phản đối của Trung Quốc về cáo buộc “ăn cắp chất xám” thật hài hước và cho thấy: Trung Quốc rất trơ trẽn.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Trên báo Dân Việt có bài viết: TT Putin bất ngờ khen ngợi ông Kim Jong Un.Putin dành cho “nhà độc tài trẻ con” những lời có cánh: “Ông ấy đã là một chính trị gia khôn ngoan và trưởng thành“. Nga cùng với Trung Quốc là 2 nước được biết đến với qua vai trò bảo mẫu cho chế độ độc tài Bắc Hàn.

Putin nói: “Tôi nghĩ rằng ông Kim Jong Un rõ ràng đã giành chiến thắng trong vòng này, ông ta đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của mình: ông có vũ khí hạt nhân, ông có tên lửa tầm tầm toàn cầu, lên đến 13.000 km, có thể đạt đến bất kỳ điểm nào trên toàn cầu”.

Những toan tính và lo ngại hậu đàm phán liên Triều được báo Người Đưa Tin tổng hợp qua bài viết: Đối thoại liên Triều: Diễn biến kịch tính và những thông tin đáng suy ngẫmTheo bài viết, những hành động gần đây trên bán Đảo Triều Tiên từ các bên như Bắc Hàn, Nam Hàn, Mỹ, Nga và Trung Quốc cho thấy, tình hình ở đây đã tạm thời lắng dịu.

Nhưng đó chỉ là tạm thời, những nguy cơ tiềm ẩn, có thể gây ra bất ổn cho khu vực này còn hiện hữu quá nhiều. Thứ nhất là việc Bắc Hàn yêu cầu Nam Hàn đình chỉ toàn bộ các cuộc tập trận với Mỹ; thứ hai là, sau Thế vận hội Mùa đông, liệu Bắc Hàn có thử tên lửa, thử hạt nhân nữa không?



***











No comments: