Sunday, December 27, 2015

Những sự kiện thể thao nổi bật 2015 (Thanh Phương - RFI)





Thanh Phương  -  RFI
Phát Chủ nhật, ngày 27 tháng mười hai năm 2015
.
Blatter & Platini : Vụ bê bối FIFA gây nhiều tai tiếng nhất trong năm 2015. REUTERS /Ruben Sprich/Files TPX IMAGES OF THE DAY

Năm 2015 có thể nói là một năm rất đặc biệt, bởi vì những sự kiện nổi bật nhất trong làng thể thao lại chẳng mang tính thể thao chút nào, mà đó là những vụ tai tiếng.

Đầu tiên là phải kể đến vụ tham nhũng trong Liên đoàn bóng đá quốc tế FIFA. Trong làng bóng đá Pháp, ầm ĩ nhất đó là vụ tai tiếng tình ái trong đội tuyển Pháp với hậu quả là tiền đạo số một Benzema bị loại khỏi đội này. Bộ môn điền kinh, đặc biệt là của Nga, thì bị tai tiếng về chuyện sử dụng chất kích thích doping.

Mang tính thể thao thật sự khi nhìn qua năm 2015, chúng ta có thể kể đến những sự kiện như đội tuyển rugby Nhật lần đầu tiên hạ Nam Phi tại Cúp Thế giới, Hà Lan bị loại khỏi Vòng chung kết Giải Vô địch châu Âu 2016, Pháp dự tranh quyền đăng cai Thế vận hội, trận quyền anh của thế kỷ Mayweather - Pacquiao ….

Platini : Tan tành giấc mơ FIFA

Chưa bao giờ làng bóng đá quốc tế lại bị chấn động mạnh như thế, đặc biệt với việc hai lãnh đạo hàng đầu, chủ tịch Liên đoàn bóng đá quốc tế FIFA Sepp Blatter và chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu UEFA Michel Platini bị đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến bóng đá trong 8 năm. Các quyết định kỷ luật này được đưa ra trong khuôn khổ vụ ông Blatter trả cho ông Platini 1,8 triệu euro vào hồi 02/2011, với lý do chủ tịch UEFA đã làm tư vấn cho FIFA trong vòng hai năm, từ 1999 đến 2001.

Đối với ủy ban đạo đức FIFA, hợp đồng ngày 25/08/1999 giữa hai chủ tịch FIFA và UEFA không hề có cơ sở pháp lý, trong khi đó, ông Sepp Blatter, với tư cách chủ tịch FIFA, đã dựa vào hợp đồng này để trả số tiền nói trên cho ông Michel Platini.

Với quyết định nói trên, như vậy là ông Michel Platini, năm nay 60 tuổi, hầu như không còn khả năng ra ứng cử chức chủ tịch FIFA. Chủ tịch UEFA đã cho biết ông sẽ kháng quyết lên Tòa án Trọng tài Thể thao ( TAS ), nhưng thủ tục và thời hạn kháng quyết sẽ kéo dài, trong khi đó thời hạn cuối cùng ra ứng cử là ngày 26/01/2016. Như vậy là người từng 3 lần được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới sẽ chấm dứt sự nghiệp thể thao bằng một thảm bại ê chề.

Xuất thân từ một gia đình di dân người Ý nghèo, từ nhỏ Platini đã say mê bóng đá, đến mức có thể là không thể sống nếu không có quả bóng tròn. Nổi tiếng với cú đá phạt penalty rất điệu nghệ, được coi là hiện thân của lối đá hào hoa, Michel Platini đã đạt hết thành công này đến thành công khác trong làng bóng đá Pháp cũng như quốc tế.

Trên bảng thành tích của Platini, chúng ta có thể kể Cúp nước Pháp với CLB Nancy ( 1978 ), Vô địch quốc gia Pháp với CLB Saint-Etienne ( 1981 ), Vô địch quốc gia Ý với CLB Juventus Turino ( 1984 , 1986 ). Platini cũng đã là người góp phần quan trọng đưa đội tuyển Pháp đoạt chức vô địch châu Âu năm 1984, cũng như đã hai lần cùng với các đồng đội lọt vào bán kết Cúp thế giới 1982 và 1986. Platini cũng là cầu thủ Pháp duy nhất ba lần được tặng danh hiệu Quả bóng vàng ( 1983, 1984, 1985 ).

Nghỉ thi đấu từ năm 1987, Platini sau đó đã làm huấn luyện viên đội tuyển Pháp từ 1988 đến 1992, trước khi tham gia tổ chức Cúp bóng đá thế giới tại Pháp năm 1998. Đến năm 2007, ông được bầu làm chủ tịch UEFA và tái đắc cử chức vụ này hai lần vào năm 2011 và 2015. Cho tới gần đây, Platini vẫn được coi là nhân vật có nhiều triển vọng nhất thay thế Sepp Blatter trong chiếc ghế chủ tịch FIFA. Nhưng bây giờ, giấc mơ bước lên đỉnh danh vọng của bóng đá quốc tế đã tan thành mây khói.

Cay đắng nhất đó là, vì bị đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến bóng đá, chủ tịch UEFA sẽ không thể tham dự Giải vô địch châu Âu 2016 sẽ diễn ra tại Pháp. Nếu muốn vào xem một trận đấu nào của Eur 2016 thì Platini phải bỏ tiền túi riêng mua vé như một khán giả bình thường !

Với việc Platini coi như bị loại khỏi cuộc đua, hiện nay chỉ còn 5 ứng cử viên tranh chức chủ tịch FIFA : nhân vật lãnh đạo số 2 của UEFA, Gianni Infantino ( Ý/Thụy Sĩ ), chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Cheikh Salman ( Bahrein ), ông Tokyo Sexwale ( Nam Phi ), hoàng thân Ali ( Jordani ), nguyên phó Tổng thư ký FIFA Jérôme Champagne ( Pháp ). Cuộc bầu chọn tân chủ tịch FIFA sẽ diễn ra ngày 26/02/2016.

Việc đình chỉ hoạt động bóng đá đối với hai ông Blatter và Platini diễn ra trong bối cảnh FIFA tiếp tục bị rung chuyển bởi các vụ bắt giữ những quan chức hay cựu quan chức bóng đá quốc tế bê bối tài chính. Mới nhất là vụ truy tố ông Eugenio Figueredo, người Uruguay, cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ ( CONMEBOL) và cựu Chủ tịch FIFA ngày 23/12 vừa qua.

Ông Eugenio Figueredo vừa bị Thụy Sĩ dẫn độ về nước theo yêu cầu của ngành tư pháp Uruguay. Với tội danh trốn thuế và rửa tiền, ông có thể lãnh án tù từ 2 đến 15 năm. Figueredo cũng đang bị Hoa Kỳ đòi dẫn độ trong khuôn khổ cuộc điều tra về các vụ tham nhũng trong FIFA.

Điền kinh Nga và tai tiếng doping

Ngày 13/11/2015, Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) đã ra quyết định treo thi đấu tạm thời các vận động viên điền kinh Nga vì những cáo buộc sử dụng doping « có tổ chức ». Với quyết định này, các vận động viên điền kinh Nga có nguy cơ bị loại khỏi Thế vận hội mùa hè Rio 2016.

Tất cả bắt đầu từ việc công bố bản báo cáo của một ủy ban điều tra thuộc Cơ quan chống doping thế giới (AMA) ngày 09/11/2015. Bản báo cáo của AMA đã khuyến cáo là điền kinh Nga phải bị cấm mọi cuộc thi đấu, kể cả Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, chừng nào Nga chưa cho thấy có đủ khả năng chống một cách có hiệu quả chống nạn doping.

Tuy nhiên, IAAF chưa cấm các vận động viên điền kinh Nga tham gia Thế vận hội Olympic. Án kỷ luật này chỉ là tạm thời, nhưng cũng không có thời hạn cuối cùng. Vấn đề này sẽ được hội đồng của Liên đoàn điền kinh quốc tế đưa ra tại phiên họp vào tháng 3/2016 ở Cardiff, Anh Quốc.

Giới chuyên môn thể thao đều đón nhận thông tin về vụ bê bối doping của điền kinh Nga với sự phẫn nộ đặc biệt, tuy vậy nhiều người không tỏ ra ngạc nhiên về chuyện này, vì đó chính là di sản của thời kỳ Liên xô.

Thể thao là không chỉ là chuyện của quốc gia, mà còn là vấn đề uy tín của cá nhân ông Putin. Người ta đã thấy đích thân Tổng thống Nga đã rất tích cực can dự, giám sát từ việc dự tranh quyền đăng cai, đến việc tổ chức Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014, và việc chuẩn bị cho Cúp bóng đá thế giới 2018.

Để các vận động viên điền kinh Nga không bị lỡ kỳ Thế vận hội Rio 2016, chính quyền Matxcơva trong suốt nhiều tuần qua đã nỗ lực « dọn dẹp » sân nhà để lấy điểm với quốc tế. Mới đây nhất, ngày 17/12, toàn bộ ban lãnh đạo cơ quan chống doping của Nga đã phải từ chức.

Nhưng ngay cả Liên đoàn Điền kinh Quốc tế cũng bị dính vào vụ doping ở Nga, với hậu quả là ông Nick Davies, cánh tay phải của đương kim chủ tịch Liên đoàn Sebastian Coe phải tạm rời khỏi chức vụ dưới áp lực của dư luận.

Về phần người tiền nhiệm của ông Sebastian Coe là Lamine Diack thì đang bị ngành tư pháp của Pháp truy tố vì tội tham nhũng, rửa tiền, do bị cáo buộc đã nhận tiền để nhắm mắt làm ngơ trước những vụ doping của các vận động viên điền kinh Nga.

Benzema sẽ vắng mặt ở Euro 2016 ?

Tai tiếng cũng đã đeo bám đội tuyển bóng đá Pháp trong suốt nhiều tháng qua, đó là vụ Benzema, phủ một đám mây u ám lên Giải vô địch châu Âu Euro 2016 sẽ diễn ra trên đất Pháp. Sau khi đã cố bảo vệ cho tiền đạo số một nước Pháp, cuối cùng chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Noel Le Graet ngày 10/12/2015 đã quyết định là Benzema không thể tiếp tục có mặt trong đội tuyển Pháp.

Benzema đã bị truy tố với tội danh « đồng lõa mưu toan tống tiền và quan hệ với kẻ gian », vì anh bị tình nghi là đứng trung gian trong vụ tống tiền Valbuena, đòi 150.000 euro đổi lấy một video clip quay cảnh ân ái giữa Valbuena với người bạn gái, mà họ lấy được từ điện thoại di động của tuyển thủ Pháp.

Cụ thể là Benzema bị cáo buộc đã thuyết phục đồng đội Valbuena là nên trả tiền cho những người kia nếu không muốn video clip nói trên bị lộ ra ngoài. Benzema thì đã bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định anh chỉ muốn giúp bạn thôi, chứ không có ý gì khác.

Sở dĩ chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp buộc phải loại Benzema khỏi đội tuyển vì theo lệnh của tư pháp, anh không được phép tiếp xúc với Valbuena. Như vậy là rất có thể Benzema sẽ không thể thi đấu vòng loại Giải vô địch châu Âu từ 10/06 đến 10/07/2016. Dầu sao thì đa số dân chúng Pháp, cụ thể là 82% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò cho hai đài RMC và BFMTV, cũng không muốn Benzema trở lại thi đấu trong màu cờ đội tuyển quốc gia.
Vụ Benzema đã trở thành gần như là chuyện quốc gia đại sự, nhất là kể từ khi Thủ tướng Manuel Valls lên tiếng đòi loại tiền đạo Pháp ra khỏi đội tuyển. Kẻ chống người bênh, ầm ĩ suốt năm.

Như vậy là 5 năm sau vụ « đình công » tại Cúp thế giới Nam Phi làm bẽ mặt cả làng bóng đá Pháp, các tuyển thủ áo lam một lần nữa lại rơi vào khủng hoảng thực sự, cho dù sự việc diễn tiến thế nào thì hình ảnh của đội tuyển quốc gia Pháp sẽ bị sứt mẻ và tệ hại hơn nữa nó sẽ gây một tâm lý xấu cho toàn đội khi bước vào đấu trường Euro 2016 trên sân nhà.

Hà Lan lỡ dịp Euro 2016

Năm 2015 cũng đã được đánh dấu bằng một sự kiện làm giới hâm mộ bóng đá vô cùng tiếc rẻ, đó là đội tuyển Hà Lan bị loại khỏi vòng chung kết Giải vô địch châu Âu Euro 2016 tại Pháp, một thảm họa đối với cường quốc bóng đá châu Âu này.

Trong trận cuối cùng vào ngày 13/10/2015 ngay tại sân nhà ở Amsterdam, đội tuyển Hà Lan, từng về hạng 3 trong Giải vô địch thế giới 2014, đã để thua đội tuyển Cộng hòa Sec một cách nhục nhã với tỷ số 2-3. Mà cho dù có thắng đi nữa, thì chiếc vé Euro 2016 cũng vượt khỏi tầm tay của các tuyển thủ áo da cam, vì cũng trong ngày hôm đó, đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đã thắng Iceland với tỷ số 1-0, giành được quyền tranh chung kết ở Pháp.

Thất bại này lại càng cay đắng hơn đối với các cầu thủ xứ hoa tulip bởi vì tại giải Euro lần này sẽ có đến 24 đội tham gia, tức là khả năng lọt vào vòng chung kết là thuận lợi hơn trước đây. Hà Lan vắng mặt, trong khi những nước « tí hon » về bóng đá như Albani, Iceland, hay xứ Wales thì lại nắm được chiếc vé đi Paris.

Như vậy là tính cho đến lúc đó, đội Hà Lan đã thua tổng cộng 5 trận trên 10 trận, cho thấy là các tuyển thủ áo da cam đang hụt hơi và đã đến lúc phải trẻ hóa đội ngũ để mang lại một luồng sinh khí mới.

Nhật Bản và kỳ công hạ Nam Phi

Về môn rugby, đội tuyển Nhật đã đi vào lịch sử với kỳ công hạ được Nam Phi, một trong những đội mạnh nhất hành tinh chúng ta, tại Giải vô địch rugby thế giới 2015 ở Anh Quốc. Ngày 19/09/2015, sau một trận đấu gay cấn, ngoạn mục, các tuyển thủ xứ Mặt trời mọc đã hạ đội tuyển mệnh danh Springbok với tỷ số 34-32.

Các tuyển thủ Nhật đã hạ đội tuyển Úc Springbok với tỷ số 34-32 trên sân Brighton. Reuters / Eddie Keogh Livepic

Đây được coi là kỳ công vang dội nhất trong lịch sử của Giải vô địch rugby thế giới, bởi vì Nhật Bản không phải là một đối thủ nặng ký, trong khi Nam Phi đã hai lần vô địch thế giới và một trong những đội được coi là có triển vọng đoạt chức vô địch ở Anh Quốc. Giải vô địch này đã kết thúc với chiến thắng của đội tuyển New Zealand, mệnh danh All Blacks.

100 năm sau, Thế vận hội sẽ trở lại Paris ?

Vào năm 1924, Paris đã từng đón tiếp Thế vận hội mùa hè. Đúng 100 năm sau, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này có sẽ diễn ra lần nữa ở thủ đô Pháp hay không ? Đó là điều mà Paris đang hồi hộp chờ đợi.

Paris là một trong năm thành phố ứng viên cùng với Los Angeles ( Hoa Kỳ ), Hambourg ( Đức ), Roma ( Ý ) và Budapest ( Hungary ). Đến tháng 09/2017, một trong 5 thành phố này sẽ được chọn làm nơi đón tiếp Thế vận hội mùa hè 2024.

Khi tung chiến dịch vận động cho Thế vận hội Paris 2024 vào ngày 25/09/2015, Uỷ ban Thế vận Pháp đã tổ chức một cuộc tập hợp rất « hoành tráng », quy tụ rất nhiều tên tuổi không chỉ trong giới thể thao mà của cả các giới khác. Teddy Riner, tám lần vô địch nhu đạo thế giới và danh thủ bóng rỗ nổi tiếng thế giới Tony Parker, hiện thi đấu tại Mỹ, đã đến để bày tỏ sự ủng hộ đối với Paris.

Nhưng cho tới nay, theo một đài phát thanh tư nhân, Uỷ ban Thế vận Pháp chỉ mới thu được chưa tới 700.000 euro, trên tổng số 10 triệu euro mà ủy ban này kêu gọi đóng góp để hỗ trợ cho Paris tranh quyền đăng cai Thế vận hội 2024. Điều này cho thấy là công chúng Pháp dường như không mấy mặn mà với chuyện đón tiếp Thế vận hội ở thủ đô.

Nên nhớ rằng Paris đã dự trù tới 60 triệu euro cho ngân sách tranh quyền đăng cai, trong đó 30 triệu sẽ do Nhà nước cấp, còn 30 triệu còn lại ban tổ chức Thế vận hội 2024 phải tự xoay xở, trong đó họ hy vọng người dân Pháp sẽ đóng góp 10 triệu.

Như vậy là trong tháng Giêng tới đây, ban tổ chức chiến dịch vận động cho Paris 2024 sẽ phải dốc sức kêu gào dân chúng Pháp hào phóng hơn để đúng 100 năm sau Thế vận hội sẽ trở về kinh đô ánh sáng. Cũng trong tháng Giêng, họ sẽ công bố tên những công ty đối tác sẽ tham gia tài trợ 30 triệu euro.

« Trận đấu của thế kỷ »

Về quyền anh, có thể nói sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2015 chính là « trận đấu của thế kỷ » ngày 02/05/2015, tại Las Vegas, bang Nevada, Hoa Kỳ, giữa hai võ sĩ hàng đầu thế giới Floyd Mayweather, người Mỹ và Manny Pacquiao, người Philippines, để giành các chức vô địch WBC ( Hội đồng Quyền anh Thế giới ), WBA ( Hiệp hội Quyền anh Thế giới ) và WBO ( Tổ chức Quyền anh Thế giới ).

Trận đấu đã kết thúc với chiến thắng của Mayweather, nhưng đúng theo dự đoán, đây là kết quả tính theo điểm, chứ không phải là hạ KO.

Gọi là « trận đấu của thế kỷ » quả là không ngoa, bởi vì chỉ riêng hai võ sĩ này đang nắm trong tay 20 chức vô địch thế giới và hơn 100 chiến thắng. Nhưng đã phải mất hơn 5 năm thương lượng gay go mới tổ chức được trận đấu đó, bởi lẽ hai võ sĩ này cho lúc đó vẫn coi nhau như chó với mèo, thậm chí thường xuyên lên mạng chửi bới nhau.

Hai nhà vô địch có lúc còn lôi nhau ra tòa, khi Mayweather cáo buộc Pacquiao dùng thuốc kích thích, bị Pacqiao kiện về tội vu khống. Dù bị thua, võ sĩ Philippines Pacquiao cũng đã bỏ vào túi 80 triệu đôla, còn võ sĩ Mỹ Mayweather được 100 triệu đôla, theo thỏa thuận 60/40 giữa hai bên, bất kể kết quả trận đấu.







No comments: