Những
ai quan tâm đến khoa học đều biết “sức khoẻ” của nghiên cứu khoa học ở VN không
tốt. Nhưng câu hỏi là tại sao. Đôi khi nhìn vào tình hình của nước khác cũng có
thể gợi ý vài kiến giải cho tình hình nước mình. Một thời gian dài hệ thống
khoa học Việt Nam theo mô hình của Liên Xô cũ. Do đó, có thể nhìn sang Nga xem
họ có vấn đề gì …
Nga
có một lịch sử khoa học đáng tự hào. Đó là quê hương của những nhà khoa học lừng
danh như Pavlov, Dobzhansky, Chebyshev, Kolmogorov, Smirnov, Markov, Landau,
v.v. Thế nhưng thời đại vàng son của khoa học Nga đã không còn nữa. Hiện nay,
có thể nói khoa học Nga, nhất là khoa học thực nghiệm, đang tụt hậu so với các
nước phương Tây. Năm 1998, các nhà khoa học Nga công bố được khoảng 27000 bài
báo khoa học trên các tập san quốc tế; kể từ đó, con số này hầu như không tăng
(còn kém hơn Hàn Quốc). Điều này có nghĩa là đóng góp của Nga vào tri thức khoa
học toàn cầu giảm 30%. Năm 1994, Nga có hơn 1.1 triệu người làm trong lĩnh vực
nghiên cứu và phát triển. Năm 2008, con số này giảm xuống còn 761,000 người.
Nga
hiện có 2 đại học trong danh sách “Top 500” (theo danh sách của ĐH Giao thông
Thượng Hải). Trong khi đó, Mĩ có 156 trường. Trường Moscow State University,
trường số 1 của Nga, tụt hạng từ 66 năm 2004 xuống 74 năm 2010. Xếp hạng khoa học
của Nga cũng cho thấy Nga đang tụt hơn 10 hạng tính từ năm 2007.
Tại
sao khoa học Nga lại suy thoái như thế? Tập san Nature có một bài phỏng vấn các
nhà khoa học Nga về tình hình khoa học ở Nga hiện nay. Những người được phỏng vấn
phần đông là các viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga. Trong bài này, các nhà
khoa học Nga nói rất thật tình về tình trạng yếu kém của khoa học Nga hiện nay.
Tôi thấy những vấn đề mà họ nêu cũng chính là những vấn đề mà khoa học Việt Nam
đang gặp phải. Trong bài này, tôi chỉ tạm dịch một số ý của họ dưới đây để trước
hết là làm tài liệu tham khảo cá nhân, sau là chia sẻ cái nhìn của các đồng
nghiệp Nga cùng các bạn.
Đọc qua những vấn đề
họ nêu, tôi có thể thấy những điểm chính như sau:
1. Hệ thống tài trợ
nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập. Nhưng bất cập lớn nhất là họ thiếu những
chuyên gia có tầm cỡ quốc tế để bình duyệt một cách khách quan. Bất cập thứ hai
là họ không áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá một công trình khoa học,
và do đó đã lãng phí cho những công trình khoa học dỏm.
2. Ngân quĩ cho nghiên cứu khoa học lọt vào tay “những
cây đa cây đề” không làm nghiên cứu thật. Do đó, có người cho rằng đó là một
sự phân phối ngân quĩ một cách vô trách nhiệm. Trong khi đó thì các quan chức
phụ trách quản lí khoa học, theo đánh giá của một viện sĩ, là bất tài.
3. Tham nhũng. Nhà vật lí Alexander Samokhin nói rằng
nền khoa học Nga là một phiên bản của xã hội Nga. Tình trạng tham nhũng ở Nga
cũng ảnh hưởng đến khoa học. Nhiều nhà khoa học phàn nàn rằng các nhà khoa học
được cấp kinh phí nghiên cứu phải hối lộ một số phần trăm nào đó cho các quan
chức của chính phủ.
4. Can thiệp của cơ quan an ninh. Thật khó tưởng tượng
dù Liên Xô không còn nữa mà các cơ quan an ninh vẫn còn can thiệp vào khoa học!
Ngoại
trừ vấn đề số 4, tôi nghĩ Việt Nam ta cũng đang đương đầu với vấn đề 1, 2, và
3. Nếu những vấn đề trên là di sản của thời Soviet, thì cũng có thể giải thích
những vấn đề VN đang gặp phải là di sản của một thời bao cấp. Nga đã mất gần 30
năm mà vẫn không lay chuyển được nền khoa học (do thiếu cải cách), còn Việt Nam
ta chắc cần một thời gian lâu hơn nữa.
No comments:
Post a Comment