Khủng
hoảng Liban : Khi "nhà bảo trợ" Pháp bất lực
Thu
Hằng - RFI
Đăng
ngày: 24/10/2024 - 15:23
Hai
năm nỗ lực cũng là hai năm Pháp thất bại trong vai trò trung gian giải quyết khủng
hoảng chính trị ở Liban. Quốc gia Trung Đông này hiện là chiến trường giữa
Israel và Hezbollah, một chính đảng ở Liban theo Hồi Giáo hệ phái Shia thân
Iran. Ngày 24/10/2024, Pháp tổ chức Hội nghị Quốc tế về Liban với hy vọng huy động
được 500 triệu đô la hỗ trợ người dân sơ tán. Nhưng tìm được giải pháp cho khủng
hoảng chính trị ở Liban vẫn là « nhiệm vụ bất khả thi ».
HÌNH
:
Từ
trái sang phải : Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot, thủ tướng Liban Najib
Mikati, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ngoại trưởng Liban Abdallah Bou
Habib tại Paris, Pháp, ngày 24/10/2024. via REUTERS - ALAIN JOCARD
« Liban
có nguy cơ tiêu vong và tan rã ». Đặc sứ riêng của tổng thống Emmanuel Macron
về vấn đề Liban, nguyên ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, đã không giấu vẻ
bi quan khi trả lời AFP ngày 23/10. Nạn tham nhũng ăn sâu vào tầng lớp chính trị,
còn khủng hoảng kinh tế chưa từng có đang tác động đến toàn dân. Liban « như
rắn không đầu » từ hai năm nay, sau khi ông Michel Aoun kết thúc
nhiệm kỳ vào tháng 10/2022, nhưng Beyrouth lại không thể tổ chức bầu tổng thống
mới do bất đồng nghiêm trọng giữa các chính đảng, trong đó có lực lượng
Hezbollah thân Iran.
Liban
lún vào khủng hoảng vì xung đột Hezbollah-Israel
Tổng
thống Macron đã nhiều lần kêu gọi các nhà lãnh đạo Liban «
làm tròn trọng trách » để tìm ra « cân bằng quyền lực
giữa tổng thống, chính phủ » tại đất nước mà Paris có mối quan hệ
lịch sử và có khoảng 23.000 người Pháp sinh sống. Đặc phái viên của tổng thống
Pháp đã 6 lần đến Liban, nhưng nhiệm vụ bất thành. Nỗ lực của Paris càng vô vọng
vì các cuộc oanh kích của Israel vào các căn cứ ở Liban của Hezbollah thân
Iran, trong khi quân đội chính quy Liban bất lực.
Phong
trào Hồi Giáo được cho là bị suy yếu sau khi hàng loạt thủ lĩnh bị sát hại,
nhưng chưa đủ để tìm ra được hướng giải tỏa bế tắc chính trị. Karim Bitar, chủ
tịch Kullina Irada, một tổ chức dân sự ủng hộ cải cách chính trị ở Liban, nhận
định với AFP : « Hezbollah và các chính đảng khác có thể sẽ
chờ xem sự cân bằng mới trỗi dậy giữa các lực lượng trong vùng và ở
Liban ». Và điều này càng trì hoãn việc tổ chức bầu cử tổng thống.
Pháp
ủng hộ áp dụng nghị quyết 1701 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc năm 2006,
theo đó chỉ có lực lượng Lính mũ xanh và quân đội Liban được triển khai ở miền
nam Liban giáp với Israel. Vấn đề tăng cường cho quân đội Liban, năng lực yếu
kém, sẽ được đưa ra thảo luận trong hội nghị ở Paris, như tổng thống
Pháp vẫn kêu gọi từ nhiều năm nay, đó là « phải trao thêm
phương tiện cho lực lượng này », theo bà Agnès Levallois, Viện Nghiên
cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông. Tuy nhiên, việc áp dụng nghị quyết đồng nghĩa
với việc ngừng bắn, trong khi tình hình chiến sự không có dấu hiệu lắng dịu. Chỉ
trong một tháng giao tranh đã có 1.470 người thiệt mạng, gần 700.000 người phải
sơ tán ở Liban, theo thống kê giữa tháng 10 của Liên Hiệp Quốc.
Pháp
cạnh tranh vai trò với Mỹ
Một
yếu tố khác có thể gây khó khăn cho nhiệm vụ của đặc sứ Jean-Yves Le Drian: ông
bị coi là « chen chân » vào công việc của bộ Ngoại
Giao Pháp, gây hiểu nhầm về năng lực của cơ quan này, theo nhận định của nhà
nghiên cứu Agnès Levallois. Đối với những người bảo vệ đặc sứ của tổng thống
Pháp, ông Jean-Yves Le Drian góp phần làm giảm cạnh tranh giữa Paris và
Washington trong vùng. Giới chính trị gia Liban thừa nhận ngành ngoại giao Mỹ
ngày càng được lắng nghe hơn ở Beyrouth. Ngoại trưởng Mỹ cũng không đến Paris dự
Hội nghị mà đến Luân Đôn để họp riêng với lãnh đạo các nước Ả Rập nhằm tìm giải
pháp tránh xung đột lan rộng ở Trung Đông.
Ông
Le Drian cũng bị coi có « xung đột lợi ích » khi vừa
làm đặc sứ về Liban vừa đứng đầu Cơ quan Pháp Phát triển Al-Ula, quảng bá du lịch
cho Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thế giới
Ả Rập và Địa Trung Hải ở Geneve, Thụy Sĩ, lại nhìn theo hướng tích cực, cho rằng « mối
quan hệ tốt giữa Jean-Yves Le Drian và chính quyền Riyad tạo thuận lợi cho nhiệm
vụ của ông để đạt được nhân nhượng của Ả Rập Xê Út, một tác nhân chủ đạo trong
cuộc khủng hoảng Liban ». Từ vài năm nay, Riyad không quan tâm đến
chính trị ở Liban, cho rằng chính tầng lớp lãnh đạo đã khiến đất nước phá sản.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở trong vùng có thể sẽ khiến họ « hiểu
ra » rằng phải tìm ra được một tiến trình để giải quyết khủng hoảng
ở Liban.
Dù
không trông đợi vào một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Liban,
nhưng chí ít tổng thống Pháp cho thấy « ông không bỏ rơi
Liban », theo bà Agnès Levallois. Còn nhà nghiên cứu Hasni Abidi cho rằng
Hội nghị về Liban « xứng đáng tồn tại », vì « kể
từ khi Pháp và Mỹ đưa ra sáng kiến tiên phong này, đây là hoạt động ngoại giao
năng động duy nhất còn tiếp diễn ».
No comments:
Post a Comment