Bán
đảo Triều Tiên: Liên minh quân sự Nga - Triều đe dọa an ninh Hàn Quốc ?
Minh Anh - RFI
Đăng
ngày: 24/10/2024 - 16:07
Ngày
23/10/2024, lần đầu tiên, Hoa Kỳ và NATO đưa ra các bằng chứng khẳng định sự hiện
diện của « nhiều ngàn » binh sĩ Bắc Triều Tiên tại Nga, có thể đóng một
vai trò trong cuộc chiến tại Ukraina. Quyết định của Bình Nhưỡng gởi quân
đến mặt trận Ukraina đã củng cố hơn nữa liên minh quân sự với Matxcơva. Điều
này có nguy cơ làm thay đổi cán cân an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
HÌNH
:
Tổng
thống Nga V. Putin (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sau khi ký Hiệp ước
an ninh ngày 19/06/2024 tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. AP
Theo
Washington, Bình Nhưỡng đã cho di chuyển « ít nhất 3.000 quân đến phía
đông nước Nga trong khoảng thời gian đầu tháng 10 đến trung tuần tháng 10/2024 ».
Tuyên bố này của Mỹ và NATO xác nhận các cáo buộc của Ukraina và Hàn Quốc vài
ngày trước đó, cho rằng Bắc Triều Tiên đã gởi hơn 10 ngàn binh sĩ, trong đó có
khoảng 1.500 thành viên lực lượng đặc nhiệm đang được huấn luyện ở miền đông nước
Nga để chiến đấu tại Ukraina.
Nga
– Triều: Mối thâm giao lịch sử
Theo
nhận định của nhà sử học Pierre Rigoulot, chuyên gia về Bắc Triều Tiên và các
chế độ Cộng sản, với kênh truyền hình Pháp LCI (22/10/2024), quyết định gởi hơn
một chục ngàn quân đến Nga là điều khả dĩ, hoàn toàn nằm trong lô-gic và khả
năng của Bình Nhưỡng: « Quân đội Bắc Triều Tiên có quân số đông thứ tư trên
thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Và do vậy, Bắc Triều Tiên có thể
cung cấp 12 ngàn quân đến chiến đấu bên cạnh quân đội Nga mà không gặp rắc rối
gì. »
Nhà
sử học người Pháp này còn lưu ý thêm tuy Bắc Triều Tiên vẫn có đến 40% dân số
trong tình trạng đói kém, theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc
FAO, nhưng về mặt chất lượng, các binh sĩ Bắc Triều Tiên được đào tạo rất bài bản.
« Bắc Triều Tiên có một hệ thống đào tạo, phục vụ quân đội là 8 năm đối
với phụ nữ và 10 năm đối với nam giới. Do vậy, họ không những có quân số đông,
mà còn có cả những quân nhân được đào tạo một cách cuồng nhiệt »
Đây
không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng gởi quân ra nước ngoài. Trong quá khứ, Bắc
Triều Tiên từng gởi các « cố vấn » quân sự đến nhiều nước châu Phi để
huấn luyện binh sĩ chiến đấu. Nhìn chung đó chỉ là các chuyên viên đào tạo, hiếm
khi tham gia chiến đấu. Riêng một ngoại lệ là Bắc Triều Tiên đã gởi phi công đến
hỗ trợ không quân Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.
Theo
nhiều nhà quan sát, quyết định lần này gởi hơn một chục ngàn quân đến hỗ trợ cuộc
chiến xâm lược Ukraina của Nga là một điều chưa từng có. Dù vậy, nhà địa lý học
Valérie Gelézeau, Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, tại Paris, trên
đài truyền hình Thụy Sĩ RTS trước hết nhắc lại Nga và Bắc Triều Tiên đã có mối
thâm giao lịch sử :
« Đầu
tiên, nếu chúng ta xem xét sự việc trong trung và dài hạn, mối quan hệ này là
lâu đời, một phần truyền thống của Bắc Triều Tiên. Liên Xô từng là một nước anh
em, góp phần vào việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên thông
qua việc hỗ trợ quân sự và chuyên viên. Liên Xô cũng từng là một nền tảng cho
mô hình nhà nước Bắc Triều Tiên.
Hơn
nữa, Liên Xô là quốc gia anh em trao đổi cho mối quan hệ kinh tế trong một thời
gian dài cho đến tận những năm đầu thập niên 1990. Điều thứ hai là việc nối lại
quan hệ với Nga còn là một phần trong chiến lược rất đặc trưng của Bắc Triều
Tiên, trong mối bang giao với hai nước láng giềng bạn bè khổng lồ. Bình Nhưỡng
thực hiện chiến lược này rất tốt bằng cách xích lại gần với Matxcơva khi mối
quan hệ với Bắc Kinh hơi bị lạnh nhạt hay ngược lại. »
Đổi
nhân lực lấy kỹ nghệ vũ khí
Sau
gần 32 tháng giao tranh khốc liệt và chưa cho thấy một triển vọng hòa bình,
nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga và Ukraina gia tăng thêm một nấc vào lúc
Nghị Viện Nga ngày 24/10/2024 đã nhất trí phê chuẩn « Hiệp ước Đối tác Chiến
lược Toàn diện » đã được ký kết với Bắc Triều Tiên vào ngày 19/06/2024,
thúc đẩy thắt chặt liên minh quân sự giữa hai nước.
Điều
khoản 4 của hiệp ước này dự trù một sự « hỗ trợ quân sự ngay lập tức ».
Theo nhà nghiên cứu Hong Min, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, được AFP trích
dẫn, « thỏa thuận thiết lập một cơ cấu trong đó, sự can thiệp hoặc hỗ
trợ quân sự từ Nga sẽ tự động được thực hiện nếu Bắc Triều Tiên bị tấn công hoặc
nếu nước này gặp khủng hoảng ».
Giới
chức Hàn Quốc lo rằng, đổi lấy sự hậu thuẫn về nhân lực, Nga có thể sẽ cung cấp
cho Bắc Triều Tiên các công nghệ vũ khí tinh vi giúp phát triển các chương
trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trên kênh truyền hình LCI, nhà sử học Pierre
Rigoulot nhận định đây là những lý do gây lo lắng, « bởi vì chính phủ Bắc
Triều Tiên rõ ràng có được một lợi thế về mặt công nghệ. Gần đây, Nga đã cung cấp
một số dữ liệu công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân liên quan đến kỹ thuật thu nhỏ
đầu đạn, rồi trong lĩnh vực tên lửa, cũng như một cách cơ bản trong lĩnh vực
lương thực ».
AFP
ngày 19/10/2024 nhắc lại, về mặt kỹ thuật, hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vẫn còn
trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) chỉ dẫn đến
một hiệp định đình chiến mà chưa có Hiệp ước Hòa bình. Trong khi lãnh đạo Bắc
Triều Tiên tăng tốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, Seoul lại không có vũ khí
nguyên tử, và Hàn Quốc vẫn được đặt dưới « ô hạt nhân » của Mỹ.
Việc
Washington và Seoul thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn
đã khiến Bình Nhưỡng có những phản ứng mạnh mẽ. Bằng cách gởi quân đến Nga,
lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hy vọng tăng cường hơn nữa năng lực răn đe
quân sự và củng cố liên minh với Nga, tạo một thế đối trọng với thỏa thuận quốc
phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo ông Hong Min, điều này có nguy cơ dẫn đến một
« sự thay đổi đáng kể » cho an ninh bán đảo Triều Tiên.
Liên
minh Nga – Trung – Triều
Theo
trang South China Morning Post (22/10/2024), điều khiến chính quyền Hàn Quốc thực
sự quan tâm, đó là liên minh an ninh ngày càng chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc và
Bắc Triều Tiên, bên cạnh mối quan hệ đối tác « vô bờ bến » giữa Bắc
Kinh và Matxcơva. Ông Jaewoo Choo, giáo sư ngành Trung Quốc học, trường đại học
Kyung Hee, cho biết, « cùng với việc tái lập mối quan hệ đồng minh truyền
thống trong năm nay giữa Bắc Triều Tiên và Nga, các mối liên kết đồng minh giữa
ba nước này đã gián tiếp được kết nối ».
Cũng
theo giáo sư Choo, sẽ là « bất cẩn » khi cho rằng quan hệ Trung – Triều
đang lạnh giá. Trên thực tế, Bắc Kinh do phải tập trung bình ổn quan hệ với
Washington vào lúc tăng trưởng kinh tế bị suy yếu, « âm thầm hài lòng về
việc Nga, bằng cách vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống Bắc
Triều Tiên, đã thay thế Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho nước này, bởi một lẽ đơn
giản là Bắc Kinh đang bị Washington giám sát chặt chẽ. » Ông Choo cho
rằng, quan hệ Trung – Triều rồi sẽ lại được thắt chặt, một khi bầu cử Mỹ kết
thúc.
Nhưng
giới quan sát cũng đánh giá rằng Bắc Kinh – nguồn hậu thuẫn ngoại giao chính và
là chiếc phao kinh tế cho Bình Nhưỡng – rất có thể cũng sẽ không hưởng được lợi
gì nhiều trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ. Tại
Trung Quốc, một số nhà quan sát lo ngại bán đảo Triều Tiên có nguy cơ trở thành
một « ngòi nổ nguy hiểm nhất » cho quan hệ Mỹ - Trung.
Với
kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Bình Nhưỡng, nhiều đồn thổi về tình trạng
sức khỏe suy yếu của Kim Jong Un và bí ẩn xung quanh tiến trình kế thừa quyền lực,
cùng với những thất vọng trong việc không có được sự nới lỏng các biện pháp trừng
phạt, ông Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế trường đại
học Nhân dân ở Bắc Kinh e ngại rằng lãnh đạo họ Kim có thể có những quyết định
liều lĩnh.
Đông
Á, mặt trận ủy nhiệm thứ ba sắp tới ?
Trước
những phát biểu và hành động ngày càng hung hăng, ngạo mạn của Bắc Triều Tiên,
hợp tác quân sự Nga – Triều được thắt chặt làm dấy lên nỗi lo, « Đông Á
có nguy cơ trở thành chiến trường kế tiếp trong năm sắp tới, sau các cuộc chiến
tranh ở Ukraina và Trung Đông. Tôi thật sự lo lắng rằng thế giới bên ngoài
không hoàn toàn hiểu được tính chất phức tạp của tình hình, đang trên đà biến
thành cuộc đối đầu quan trọng nhất và nguy hiểm nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến ». Cũng
theo ông Thì Ân Hoằng, « cùng với việc tiếp tục cuộc chiến tại Ukraina,
Nga rất có thể sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc mở một mặt trận thứ ba
tại Đông Á, trong mục tiêu phân tán Mỹ và các đồng minh. »
Vị
chuyên gia Trung Quốc này tự hỏi « liệu Bắc Triều Tiên có hiểu rằng họ
đang là phương sách cuối cùng cho ông Putin? », trước khi đưa ra kết
luận « có nhiều rủi ro là vào lúc tình hình ở Trung Đông trở nên không
trụ được nữa, ông Putin vào một thời điểm nào đó, có thể quyết định mở một mặt
trận mới ở Đông Á bằng cách khuyến khích Kim Jong Un gieo rắc hỗn loạn. Những
căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay có nguy cơ chuyển thành một cuộc
xung đột vũ trang, với việc các đại cường cố gắng lợi dụng căng thẳng liên Triều
để tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm » !
Đây
có lẽ là kịch bản mà Hàn Quốc muốn tránh khi liên tục gióng chuông báo động về
sự hiện diện quân sự của Bắc Triều Tiên tại Nga, cho dù đại sứ Nga tại Seoul khẳng
định « hợp tác quân sự Nga – Triều không đe dọa an ninh Hàn Quốc » !
No comments:
Post a Comment