Phan Quốc Việt : Phạm nhân, nạn nhân hay công thần?
Gió Bấc (Blog
RFA)
Thứ Sáu,
12/29/2023 - 14:06 — Gió Bấc
https://www.rfavietnam.com/node/7889
Kết thúc
phiên tòa sơ thẩm vụ án Kit test Việt Á riêng nhóm Phan Quốc Việt, ba cựu sĩ
quan Học Viện Quân Y và một số cán bộ những người am hiểu sự việc bỗng hoang
mang, thắc mắc vì sao Phan Quốc Việt nhiều lần cười cợt trước phiên tòa, nhiều
lần tự xưng mình có công chống dịch. Qua các thông tin lộ sáng tại tòa giới
chuyên gia băn khoăn, Phan Quốc Việt là phạm nhân, nạn nhân hay công thần trong
vụ án này.
Chiều
29-12, sau 3 ngày xét xử, Tòa án Quân sự thủ đô đã đưa ra phán quyết với 4 cựu
sĩ quan thuộc Học viện Quân y, Phan Quốc Việt cùng 2 bị cáo khác trong vụ án
liên quan Công ty Việt Á. Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị tuyên phạt
25 năm tù (tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ 15 năm tù
và tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng mức án 10 năm tù).
Vì
sao ra tòa Phan Quốc Việt lại cười hớn hở?
Đây chỉ mới
là một nhánh, một giai đoạn của vụ án Việt Á nhiều tập. Ngay với Học Viện Quân
Y còn có thêm một vụ án khác liên quan đến các cựu tướng lỉnh và còn nhiều vụ
án khác nửa liên quan đến các bộ ngành, các CDC…
Cáo trạng
của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương nêu, đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát,
Học viện Quân y đề xuất được phát triển kit test xét nghiệm trong đề tài nghiên
cứu có tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng. Đề tài sau đó được Viện Nghiên cứu Y dược học
quân sự (thuộc Học viện Quân y) triển khai; ông Sơn là chủ nhiệm. Công ty Việt
Á cùng tham gia với tư cách là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo, theo yêu cầu
từ vụ phó Hùng.
Quá trình
nghiên cứu, ông Hùng, Sơn và Việt cho rằng kit test của Việt Á tốt hơn nên thống
nhất không cần Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu mà để Việt Á tự
sản xuất 20.000 sản phẩm.Ba bị can đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không
được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) để thử nghiệm tại
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu đề tài.
Theo VKS,
do Hội đồng nghiệm thu không biết hành vi gian dối của ba người này, cũng không
biết quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không liên quan bộ kit Việt Á nộp
nghiệm thu. Hậu quả, quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm
được thử nghiệm, đánh giá và đề tài của Học viện Quân y không hoàn thành.
Tổng giám
đốc Việt Á bị cáo buộc tiếp tục sử dụng kết quả nghiệm thu này để gian dối
trong làm thủ tục, sau đó được Bộ Y tế ra quyết định cấp phép lưu hành.
VKS xác định,
hành vi gian dối của 3 bị can Hùng, Sơn, Việt đã gây thiệt hại 18,5 tỷ đồng -
khoản tiền giao Học viện Quân y làm đề tài. Ông Hùng bị cáo buộc nhận "lót
tay" 350.000 USD từ Việt Á, ông Sơn nhận 2,5 tỷ đồng.
Tổng số án
tù của Phan Quốc Việt nếu bị công dồn có thể lên đến vài trăm năm. Việt hẳng biết
điều này, ấy vậy mà Phan Quốc Việt cứ hồn nhiên cười cợt giữa phiên tòa. Một số
bị cáo khác cũng vậy. Nhà báo nội chính Hoàng Điệp đã ghi trên fb cá nhân “Chưa
thấy cái phiên toà nào mà bị cáo ra toà cười hớn hở như bị cáo trong vụ Việt Á
này á” (1)
Nhà báo
Thanh Hằng, cây bút chuyên về ngành Y đã lý giải chi tiết hơn sự thật rúng động
trái với các thông tin về Việt Á trong giai đoạn điều tra trước đây: “Phiên toà
xử các bị cáo ở Học viện Quân y (HVQY) trong vụ Việt Á mở từ hôm qua đã hé lộ sự
thật “chết người”: Kit test của Việt Á bấy lâu nay vẫn được coi là của HVQY
nghiên cứu từ nguồn tiền 19 tỷ đồng của nhà nước, hoá ra hoàn toàn của Việt Á.
Chính xác là kết quả của chị Hồ Thị Thanh Thuỷ - vợ Phan Quốc Việt - nghiên cứu
ra từ việc đọc các tài liệu trên mạng.
Té ra công
trình nghiên cứu từ gần 20 tỷ đồng của nhà nước do HVQY tiến hành, đã không như
lãnh đạo HVQY chém gió ầm ầm khi đó, bởi kết quả không nhạy như nghiên cứu của
chị Thuỷ - chỉ tự mày mò từ các tài liệu trên mạng. Vì thế, Việt và nhóm nghiên
cứu của HVQY đã nhất trí lấy kết quả nghiên cứu của chị Thuỷ “thế thân” cho kết
quả của HVQY.
Như vậy,
theo cá nhân tôi thấy, việc lừa dối để ẵm số tiền gần 20 tỷ của nhà nước khi kết
quả nghiên cứu không như mong đợi, là do phía HVQY, chứ không phải do Việt. Ở
chỗ này, Việt còn có công khi đã mang của nhà cho người khác hưởng.
Hơn nữa,
việc Việt Á dùng kết quả nghiên cứu của chính mình để sản xuất kit test hàng loạt,
thì có thể cho rằng Việt Á có tội hay không nhỉ? Vì như vắc xin Pfizer hay
Astra, người ta tự nghiên cứu và tự sản xuất, nên cũng tự định giá, do đó,
Astra chỉ có 5 USD, trong khi Pfizer tận gần 20 USD, cũng có ai bảo là nâng giá
đâu?” (2)
Học
Viện Quân Y mời vì Việt Á có đủ điều kiện, khả năng nghiên cứu!
Thông tin
bất ngờ gây sốc của nhà báo Thanh Hằng hoàn toàn không chủ quan, suy đoán mà chắp
nối các tình tiết, các lời khai chứng cứ tại tòa người ta sẽ thấy rõ bức tranh
này.
Bị cáo Trịnh
Thanh Hùng - cựu vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật
(Bộ Khoa học và Công nghệ) bị cáo buộc đã thông đồng với Phan Quốc Việt và Hồ
Anh Sơn (cựu thượng tá, phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện
Quân y) đưa Công ty Việt Á vào tham gia đề tài sản xuất 20.000 kit test thử
nghiệm đã khai tại tòa như sau. Đầu năm 2020, ông nhận điện thoại của Hồ Anh
Sơn nói về việc Học viện Quân y tiếp cận được tài liệu của Đức và đã thử nghiên
cứu kit test COVID-19, nhưng chi phí cao nên cần hỗ trợ. Ông Hùng nói Học viện
Quân y cần tìm doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 13485 (đây là điều kiện bắt
buộc) về kit test PCR, hợp tác nghiên cứu, nếu
thành công, sản phẩm mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Ông Hùng
nhớ Việt Á có chứng chỉ này, từng hợp tác với Học viện Quân y phát triển kit
PCR bệnh lao. Hùng bảo Sơn nên hợp tác với Việt Á và Sơn đồng ý". Sau đó,
ông Hùng liên hệ với Phan Quốc Việt thuyết phục tham gia vào đề tài của Học viện
Quân y.
"Việc
để Công ty Việt Á tham gia vào đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19 là do
thời gian cấp bách, nhóm nghiên cứu không tìm được doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu
để phối hợp thực hiện", ông Hùng nói. Ông lý giải có 16 năm trong ngành
công nghệ nhưng chỉ biết duy nhất Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực, chức
năng, đủ điều kiện để nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19.
Ở đây rỏ
ràng là Học Viện Quân Y được các Bộ, ngành giao đề tài nghiên cứu, cấp kinh phí
nhưng không đủ điều kiện nên phải cầu cứu Việt Á tham gia. (3)
Hồ sơ vụ
án cũng thể hiện việc nghiên cứu của Học Viện Quân Y đã thành công nhưng sau đó
phát hiện độ nhạy không cao bằng kit test của Việt Á nên ông Sơn chọn Kist của
Việt Á đưa đi kiểm nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương
Sơn khẳng
định rằng chọn kit xét nghiệm của Việt Á chứ không phải chọn kit xét nghiệm của
Học viện Quân y vì chất lượng kit của Việt Á tốt hơn sau khi đã cùng thử nghiệm
kit của cả hai đơn vị. Ông Sơn xin tòa đặt một câu hỏi: "Nếu chúng ta ở
trong hoàn cảnh như vậy với chất lượng hai bộ kit như vậy thì chúng ta chọn
phương án nào?" (4)
Việt
Á cần Học Viện Quân Y để được nghiệm thu?
Tranh luận
với lời bào chữa, công tố viên nhấn mạnh "Việc gian dối của bị cáo trong
việc nghiệm thu đề tài lần một là cơ sở tiên quyết để Việt Á được Bộ Y tế cấp
phép" Đồng thời, trong quá trình cấp phép này bị cáo còn giúp Việt Á bằng
cách ký các biên bản bàn giao...
"Những
hành vi nêu trên cho thấy vai trò của bị cáo trong vụ án không phải là giúp sức
mà là thực hành", đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm.
Có thực tế
tréo ngoe là nếu sản phẩm Kit Test Việt Á tốt với nhiều ưu điểm như vậy tại sao
Phan Quốc Việt không tự đi kiểm nghiệm độc lập cho thương hiệu của mình mà phải
núp bóng đề tài khoa học của Học Viện Quân Y? Phải chăng trong các thủ tục đánh
giá, kiểm định cũng có sự tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp tùy theo uy thế của chủ
đề tài giống như trong bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ nên Phan Quốc Việt phải chấp
nhận núp bóng?
Theo viện
kiểm sát, bản thân bị cáo Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Việt Á đã từng khai ở
cơ quan điều tra nếu như một doanh nghiệp muốn tự đi đăng ký sản xuất kit phải
mất rất nhiều thời gian. Đại diện viện kiểm sát cho biết Việt Á đã tự đi đăng
ký sản phẩm rất sớm nhưng không được chấp nhận.
Do vậy, để
có thể lưu hành được sản phẩm, cấp phép được sản phẩm, Việt Á đã phải quay lại
nghiệm thu sản phẩm giai đoạn 1..
Đây chính
là việc tại sao bị cáo Việt, Hùng phải tham gia vào đề tài với Học viện Quân y,
dù Việt Á có đủ năng lực để có thể nghiên cứu và sản xuất. (5)
Việt
Á có công chống dịch?
Tự bào chữa,
về cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Việt cho biết khi xác định tham gia
vào việc nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm "thì một điều rõ ràng là Việt
Á thiệt hại". Ông Việt cho rằng nếu Học viện Quân y làm được quy trình
nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm thì Việt Á không bao giờ đầu tư vào.
"Nếu có động cơ thì sẽ không để bị thiệt hại như vậy", ông Việt nói.
"Thời
gian đầu chỉ có Việt Á có kit, không ai có cả. Đến sau này mới có một số đơn vị
nhưng không ai đáp ứng được, có chất lượng như Việt Á. Cả nước cần Việt Á về
kit xét nghiệm, chống dịch, tôi nói thẳng điều đó", ông Việt trình bày.
Trong hơn
10 phút tự bào chữa, bị cáo Việt hơn 5 lần khẳng định "không có động cơ vụ
lợi". Ông cho hay đã đầu tư hàng trăm tỉ, con người, xông vào chống dịch,
hiệu quả rất rõ ràng.
Bị cáo lấy
dẫn chứng khi dịch xảy ra ở Bắc Giang, hàng tháng không chống dịch được, chỉ đến
khi Việt Á vào thì 3 tuần đã chống dịch thành công. "Không thể phủ nhận
công trạng đó của Việt Á".
"Riêng
về vấn đề xét nghiệm thì công trạng của Việt Á phải lớn hơn Bộ Y tế, xin quý
tòa cân nhắc, bị cáo không có động cơ vụ lợi, tất cả vì nhân dân, đất nước".
"Nếu
tội lợi dụng chức vụ quyền hạn cho bị cáo quay lại từ đầu chắc chắn bị cáo có
cách làm đúng, không sai phạm mà kịp thời chống dịch" (6)
Rỏ ràng,
so với một số quy định nhà nước, Việt Á có vi phạm. Số tiền lót tay cho quan chức
của Việt Á là quá khủng. Dư luận phong tặng cho Phan Quốc Việt danh hiệu mỹ miều
là “dũng sĩ diệt cán bộ”. Chỉ vì nhận tiền của Việt mà tứ trụ, ủy viên bộ chính
trị, trung ương đảng, tướng lĩnh phải rụng như sung. Cán bộ cấp dưới thì đếm
không thể siết. Việt đúng là một phạm nhân.
Nhưng mặt
khác, qua phiên tòa đã làm rõ, thật sự Việt Á có làm ra Kit Test với số lượng lớn.
Tháng 3.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiểm tra hiện trường về máy
móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại Phòng Sản
xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á (tại P.An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình
Dương).
Cuộc kiểm
tra có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện Cục Khoa
học hình sự Bộ Công an, chính quyền TP.Dĩ An, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y
tế (Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế, Vụ Trang thiết bị và
công trình y tế, Thanh tra Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Viện
Pasteur TP.HCM).
Kết quả thực
nghiệm điều tra xác định, trong thời gian 2 giờ 5 phút, Công ty Việt Á sản xuất
được 2.432 test xét nghiệm.
Để trả lời
cho câu hỏi về chất lượng kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh
sát điều tra Bộ Công an còn ra quyết định trưng cầu giám định thành phần hóa học,
cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả (đối với mẫu
test xét nghiệm khi thực nghiệm điều tra và test xét nghiệm thu giữ tại CDC Hải
Dương).
Kết luận của
hội đồng giám định tư pháp (do Bộ Y tế thành lập) cho thấy kit test đảm bảo 4
tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, phù hợp với hồ
sơ cấp số đăng ký lưu hành.(7)
Vấn đề là
vì sao Việt Á không thể đường đường, chính chính đăng ký sản phẩm và kinh doanh
độc lập như các thương hiệu khác? Tại sao một sản phẩm tốt, cần thiết sống còn
cho dân tộc trong lúc dịch bệnh hoành hành lại không thể sản xuất, kinh doanh
minh bạch mà không cần lót tay, cho cán bộ? Tại sao Việt Á không thể giàu lên,
được vinh danh như Pfizer, Astra khi mà ở các nước tư bản thối nát ấy không hề
có được đảng cộng sản quang vinh lãnh đạo toàn diện, người dân xứ ấy không hề
được hưởng quyền dân chủ XHCN là đỉnh cao lý tưởng của loài người?
-----------------------
Chú thích
:
1-https://www.facebook.com/dohoangchinhduc/posts/pfbid023djdc79EDssoJtqgH2...
3-https://tuoitre.vn/phan-quoc-viet-viet-a-la-doanh-nghiep-hang-dau-ve-san...
6-https://tuoitre.vn/phan-quoc-viet-tu-bao-chua-ban-than-khong-vu-loi-viet...
No comments:
Post a Comment