Sunday, December 31, 2023

NGƯỜI THỜ THIÊN HẬU BỊ KẸT TRONG XUNG KHẮC TRUNG - ĐÀI (Tessa Wong & Joy Chang / BBC News)

 



 

Người thờ Thiên Hậu bị kẹt trong xung khắc Trung- Đài

Tessa Wong & Joy Chang

BBC News, Singapore & Đài Bắc

30 tháng 12 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2dr84rd4go

 

 Hàng năm, ông Trương Khắc Trung đều đi từ quê nhà Đài Loan sang Trung Quốc để thực hiện một nghĩa vụ thiêng liêng.

 

Ông thờ Thiên Hậu (Mazu-Ma Tổ hay Mẫu Tổ), một hiện thân của Quân Âm, là nữ thần biển có hàng triệu tín đồ ở Đài Loan và cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0707/live/38176970-a6f9-11ee-a9b6-edb6ce59fe94.jpg

Lễ rước nhiều màu sắc của tín ngưỡng bà Thiên Hậu hay Mẫu Tổ thường thu hút hàng ngàn tín đồ ở Đài Loan

 

Đối với họ, một cuộc hành hương đến ngôi miếu tổ thờ Thiên Hậu ở Mai Châu, miền nam Trung Quốc là một nghĩa cử đức tin thiết yếu.

 

Ông Trương, người trông coi một đền Thiên Hậu ở Đài Loan, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mình là con cái của Thánh Mẫu, vì vậy giống như chúng tôi đang cùng mẫu thân về thăm quê hương của bà”.

 

“Tôi đã thăm Trung Quốc rất nhiều lần nên mỗi lần đến đó, tôi đều cảm thấy như đang ở nhà, đang ở chính đất nước của mình”.

 

Những cảm tình, tâm lý như vậy làm Bắc Kinh hài lòng nhưng lại khiến Đài Bắc phải lo lắng.

 

Họ đặt những người Đài Loan có tín ngưỡng dân gian vào trung tâm của một cuộc giằng co chính trị, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp cận kề, chỉ trong hai tuần nữa.

 

Nhiều người ở Đài Loan thờ Thiên Hậu hay các vị thần dân gian khác có gốc gác từ Trung Quốc.

 

Trung Quốc tăng cường sức ép lên cuộc bầu cử Đài Loan

 

Ấn Độ Dương có thể là 'gót chân Achilles' của Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh Đài Loan?

 

Các cộng đồng tôn giáo ở Đài Loan và Trung Quốc chia sẻ mối dây tình cảm sâu sắc, thường xuyên thăm viếng chùa chiền của nhau hoặc cùng nhau tham gia các nghi lễ tôn giáo.

 

Bắc Kinh, nước tuyên bố hòn đảo Đài Loan tự trị là của mình, hy vọng rằng mối quan hệ mật thiết này sẽ được đền đáp theo những cách khác - người dân Đài Loan càng đồng nhất với Trung Quốc thì cơ hội đạt được cái mà Bắc Kinh gọi là "thống nhất trong hòa bình" càng cao.

 

Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho phép và khuyến khích các hội nhóm đền chùa Đài Loan đến thăm đại lục thông qua Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan kiểm soát chặt chẽ các vấn đề tôn giáo và các hoạt động có ảnh hưởng.

 

Diễn ngôn chính thức của Bắc Kinh là thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn. Vào tháng 9, chính quyền này đã kêu gọi mở rộng trao đổi tôn giáo nhằm thúc đẩy cho sự “phát triển hội nhập xuyên eo biển”.

 

Các quan chức Trung Quốc đã đích thân chào đón những nhóm này từ Đài Loan. Vào tháng 2, khi nhà lãnh đạo phái thờ Thiên Hậu nổi tiếng của Đài Loan, Trịnh Minh Khôn, đến thăm Bắc Kinh, ông đã được đón tiếp bởi Tống Đào, Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc.

 

Ông Tống Đào kêu gọi “sự hòa hợp tinh thần” giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng như trao đổi thường xuyên hơn để “cùng tạo ra một tương lai tươi sáng cho sự thống nhất”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/84f2/live/41c59780-a6f9-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Bức ảnh được chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 2 cho thấy ông Trịnh Minh Khôn (trái) được ông Tống Đào (phải) đón tại Bắc Kinh

 

Một số chuyên gia cảnh báo rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể còn sâu sắc hơn nữa.

 

Hầu hết trong số 12.000 đền chùa ở Đài Loan đều không được đăng ký chính thức và rất ít ngôi chùa công bố báo cáo tài chính, gây khó khăn cho việc theo dõi nguồn tài trợ của họ.

 

Theo nhà xã hội học Ming-sho Ho, điều này mở ra cho họ cơ hội tiếp cận “nguồn tài trợ tiềm năng từ Trung Quốc”. Đã có những lời kêu gọi quản lý chặt chẽ và giám sát hơn nữa tài chính các ngôi chùa.

 

Chang Kuei-min, một chuyên gia tôn giáo và chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết không có gì ngạc nhiên khi vấn đề tôn giáo hiện là “một phần trong chiến lược trên mặt trận thống nhất lớn của Trung Quốc tại Đài Loan”.

 

Bà nói: “Bắc Kinh đã sử dụng các nhánh tôn giáo để ủng hộ câu chuyện thống nhất. ‘Hồi hương’ và ‘hai phía của eo biển Đài Loan là một nhà’ đóng vai trò chủ đạo trong các sự kiện trao đổi tôn giáo xuyên eo biển”.

 

Dù Bắc Kinh chào đón tất cả các nhóm tôn giáo Đài Loan, họ đặc biệt chú ý đến cộng đồng Ma Tổ vì quy mô khổng lồ của nó, ước tính chiếm khoảng 60% dân số Đài Loan.

 

Wen Tsung-han, một chuyên gia về tín ngưỡng dân gian Đài Loan cho biết: “Ở mức độ cơ bản, Trung Quốc đang sử dụng hình tượng thiên mẫu của Ma Tổ để thu hút [người] Đài Loan”. "Bạn đồng nhất với mẫu thân mình, bạn đồng nhất với Ma Tổ. Bạn đồng nhất với Ma Tổ, sau đó bạn sẽ đồng nhất mình với Trung Quốc."

 

 

Dưới sự giám sát ở Đài Loan

 

Mối dây ràng buộc này từ lâu đã gây phiền hà cho chính phủ Đài Loan.

 

Một trong những tranh cãi công khai đầu tiên diễn ra vào năm 1987, khi nổi lên thông tin một nhóm chùa Ma Tổ nổi tiếng của Đài Loan đã âm thầm tới Mai Châu trong khi Đài Bắc và Bắc Kinh không hề có liên hệ chính thức. Nó đã làm dấy lên cuộc tranh luận trong cơ quan lập pháp của Đài Loan và đền Dajia Jennlann đã bị chỉ trích.

 

Những hạn chế đi lại giữa Đài Loan và Trung Quốc được nới lỏng khi nền kinh tế của đôi bên ngày càng gắn kết hơn. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hiện nay có hơn 300.000 tín đồ Đài Loan đến Mai Châu mỗi năm.

 

Điều này chỉ khiến chính phủ Đài Loan thêm ngờ vực, đặc biệt là dưới thời Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP). DPP, đảng đã nắm quyền tại hòn đảo trong tám năm qua, khăng khăng rằng Đài Loan có chủ quyền và không phải là một phần của Trung Quốc.

 

Không giống như Trung Quốc, Đài Loan là một thể chế dân chủ cho phép tự do tôn giáo - vì vậy chính phủ không muốn kiểm soát việc trao đổi văn hóa.

 

Nhưng hòn đảo này đã tăng cường cảnh báo về sự ảnh hưởng của Trung Quốc trước thêm cuộc bầu cử vào tháng Giêng.

 

Điều đáng lo ngại là cử tri có thể nghiêng về các đảng chính trị có thiện cảm hơn với Bắc Kinh, chẳng hạn như đối thủ chính của DPP, Quốc Dân Đảng (KMT).

Mazu worshippers

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9b71/live/8ea639b0-a6f9-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Những tín đồ Thiên Hậu hay Mẫu Tổ thường đổ về Mai Châu ở Trung Quốc để dự lễ

 

Vào tháng 3, chính phủ cho biết những người tham gia trao đổi với Trung Quốc, bao gồm cả các nhóm tôn giáo, nên “bảo vệ lợi ích tốt nhất của Đài Loan”, và bất kỳ ai bị bắt gặp “có hành vi phi pháp trong trao đổi xuyên eo biển” sẽ bị chính quyền xử lý.

 

Tháng trước, họ đã cấm một phái đoàn Trung Quốc vào Đài Loan để dự lễ rước vốn là một sự kiện trọng đại theo lịch của tín ngưỡng Thiên Hậu. Điều này gây ra lo ngại từ các nhà hoạt động và chính trị gia về sức ảnh hưởng khả dĩ của Bắc Kinh đối với sự kiện này.

 

Khi bị giám sát chặt chẽ hơn, các nhà lãnh đạo đền chùa vốn có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc khẳng định họ không làm gì sai trái.

 

Trịnh Minh Khôn nói: “Chúng tôi không giúp Trung Quốc thực hiện việc thống nhất, chúng tôi đang giúp người dân giao lưu… chúng tôi đóng vai trò giúp trao đổi văn hóa xuyên eo biển để cả hai bên có thể hiểu thấu nhau hơn”.

 

"Ma Tổ là nữ thần hòa bình cho cả Đài Loan và Trung Quốc... Chúng tôi giống như anh em, trao đổi nhiều hơn sẽ bớt căng thẳng hơn."

 

Ông Trịnh, bản thân là người phó trụ trì đền Đạt Gia Trấn Lan ở Đài Trung kiêm chủ tịch Hiệp hội thờ Mẫu Tổ Đài Loan, mô tả các hoạt động tại ngôi miếu ở Trung Quốc ông tham gia là “trao đổi tôn giáo đơn thuần”.

 

Bà Thái Anh Văn nói các vấn đề nội bộ làm Trung Quốc khó mà 'tấn công Đài Loan' vào lúc này

 

Bầu cử Đài Loan: Dân Tiến Đảng chọn bà Tiêu Mỹ Cầm làm ứng viên phó tổng thống

 

Về lý do dẫn đầu phái đoàn đến gặp ông Song ở Bắc Kinh, ông mô tả đây là cơ hội kết nối “hiếm có” đối với các doanh nhân Đài Loan vốn là tín đồ của Ma Tổ.

 

Khi được hỏi liệu nhóm của ông có nhận được “lợi ích” từ Trung Quốc hay không, ông Trịnh lặp lại câu trả lời là chỉ giúp đỡ quan hệ xuyên eo biển.

 

Ông Trương Khắc Trung, người đứng đầu ngôi chùa Mạch Liêu Củng Phạm ở phía tây Đài Loan, cũng phủ nhận thông tin này và nói thêm rằng những người đến chùa của ông đã tự trả tiền cho các chuyến đi của họ.

 

Nhưng ông cho biết các quan chức của Mặt trận Thống nhất đôi khi sẽ tham gia vào các hoạt động tôn giáo của họ ở Trung Quốc và hòa đồng với các đại diện từ Đài Loan.

 

Ông nói: “Họ sẽ không nói về các vấn đề xuyên eo biển”. “Khi chúng tôi trò chuyện với họ, mọi chuyện có thể khá ấm áp… [chúng tôi nói về việc] vì sao cần phải đánh lẫn nhau, tất cả chúng ta đều là một dân tộc.”

 

Chang Ke-chung

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2e94/live/d99d8270-a6f9-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Ông Trương Khắc Trung khẳng định chưa bao giờ hưởng lợi gì từ Trung Quốc

 

Nhưng cộng đồng tôn giáo Đài Loan cũng bao gồm những người hoài nghi về sự làm thân của Trung Quốc.

 

Đàm Hồng Huy, người làm việc tại chùa Tùng Bách Lĩnh -Thọ Thiên Cung cho biết: “Bạn có thể suy luận rằng đây là cuộc hội thoại về chuyện thống nhất”. “[Ở Đài Loan] chúng tôi thường không nói những câu như ‘một giọt máu đào hơn ao nước lã' hay ‘một đại gia đình xuyên eo biển Đài Loan’, nhưng khi đến Trung Quốc, bạn sẽ nghe thấy những điều này.

 

"Nếu bạn thực sự nói đây chỉ đơn giản chỉ là một hoạt động văn hóa, tôi cảm thấy rằng bạn đang tự ru ngủ chính mình."

 

Ông Đàm cho biết một số ngôi đền tránh việc tiếp xúc quá nhiều với Trung Quốc nhưng hiện lại lo lắng về việc bị quơ đũa cả nắm.

 

“Những hoạt động [tôn giáo xuyên eo biển] này có thể mang tính chất văn hóa, nhưng nếu những người tổ chức có lý lịch đáng ngờ, nó có thể ảnh hưởng đến ấn tượng của người ngoài về các ngôi đền”.

 

 

Đi giữa hai làn đạn

 

Ngay cả khi cố gắng chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc, chính phủ DPP của Đài Loan có nguy cơ bị một nhóm cử tri đáng kể quay lưng.

 

Đền chùa miếu mạo là không gian dân sự quan trọng ở Đài Loan, với 2/3 dân số theo tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Lão giáo.

 

Đến thăm các ngôi đền địa phương và tham gia các sự kiện tôn giáo là điều bắt buộc đối với các chính trị gia, đặc biệt là trong mùa bầu cử. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Tổng thống Thái Anh Văn đã gây chú ý khi bà đến thăm kỷ lục 43 đền chùa trong một tháng.

 

Các nhà phân tích cho biết chính phủ DPP đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội. Tiến sĩ Tưởng, chuyên gia về tôn giáo và chính trị, nói: “Một số người trong cộng đồng tôn giáo cảm thấy rằng chính phủ đang nhắm vào họ”. “Một số đền chùa cảm thấy động cơ tôn giáo của họ đã bị hiểu lầm.”

 

Bà nói thêm, kết hợp với ảnh hưởng của Bắc Kinh, điều này đã góp phần tạo ra "hiện tượng một số thành viên của các nhóm này sợ hãi hơn và có thể ít tin tưởng hơn vào chính phủ Đài Loan".

 

Mazu temple

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/fa25/live/bc87ada0-a6f9-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Tùng Sơn Từ Hựu Cung là nơi thờ Mẫu Tổ ở Đài Bắc

 

Đối với một số người theo đạo, sự giám sát mà họ phải trải qua mang hơi hướng của sự đạo đức giả.

 

Lý Cẩn Thần, đứng bên ngoài Tùng Sơn Từ Hựu Cung ở Đài Bắc, nêu suy nghĩ: “Họ cáo buộc một số người đi xuyên qua [Trung Quốc] là để ‘thống nhất’, nhưng họ cũng có mặt trong các sự kiện của đền chùa, họ cũng tham gia vào các hoạt động của ngôi đền”. . "Một mặt bạn muốn phiếu bầu, nhưng phía sau bạn lại chỉ trích cử tri."

 

Những người khác như bà Vương Dục Kiều không đồng tình, nói rằng họ đang lắng nghe: "Mọi người đều biết Trung Quốc sẽ sử dụng một số chiến thuật để tác động đến cuộc bầu cử... họ hy vọng Quốc dân đảng sẽ thắng. Chúng ta cần phải cảnh giác."

 

Nhưng đồng thời, “dưới sự điều hành DPP, nền kinh tế Đài Loan đã không được tốt trong năm năm qua,” bà nói thêm. “Cả hai bên cần duy trì trao đổi [nói chung], tôi nghĩ chúng sẽ giúp ích cho nền kinh tế Đài Loan.”

 

Ông Lý nói: “Nếu bạn thiếu tự tin, bạn sẽ sợ [trở thành mục tiêu] của việc thống nhất."

 

“Bạn không thể đảo ngược những hoạt động trao đổi hàng thập kỷ này, bạn không thể canh gác nó… Bạn chỉ cần tăng cường sức mạnh cho bản thân, nếu trở nên tốt hơn thì bạn sẽ không sợ hãi như vậy.”






 

 

 

 



No comments: