Thursday, March 30, 2023

LIÊN HIỆP QUỐC THÔNG QUA MỘT NGHỊ QUYẾT LỊCH SỬ VỀ KHÍ HẬU (Chi Phương / RFI)

 



Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lịch sử về khí hậu

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 30/03/2023 - 12:51

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230330-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-th%C3%B4ng-qua-m%E1%BB%99t-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-v%E1%BB%81-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu           

 

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua, 29/03/2023, đã thông qua một nghị quyết mang tính « lịch sử », yêu cầu Tòa Án Công Lý Quốc Tế làm rõ trách nhiệm của các quốc gia trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/97d4adc4-cedb-11ed-9171-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_33CA4WN.webp

Thủ tướng Vanuatu Ishmael Kalsakau phát biểu trước cuộc bỏ phiếu một nghị quyết nhằm chống Trái đất bị hâm nóng, tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, ngày 29/03/2023. AFP - ED JONES

 

Theo hãng tin Pháp AFP, nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được coi là chiến thắng của ngoại giao khí hậu quốc tế và là một bước tiến lớn của lịch sử. Trong hai năm tới, Tòa Án Công Lý Quốc Tế có trụ sở ở La Haye, Hà Lan, sẽ phải đưa ra câu trả lời về « nghĩa vụ của các quốc gia » trong việc bảo vệ khí hậu, « cho các thế hệ hiện tại và tương lai »

.

Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten giải thích thêm  :

 

« Đó là một ý tưởng nhỏ nhưng lại đi khá xa. Các sinh viên của quần đảo Fidji đã khởi xướng sáng kiến này cách nay 2 năm : Yêu cầu Tòa Án Công Lý Quốc Tế xác định trách nhiệm của các quốc gia trong việc khiến trái đất nóng lên đối với các thế hệ hiện tại và tương lai. Sau đó, chính phủ của nước láng giềng Vanuatu, đã quyết định đưa sáng kiến này lên Liên Hiệp Quốc.

 

Nghị quyết đã thu được 130 phiếu ủng hộ từ 193 nước thành viên tại Đại Hội Đồng LHQ ngày hôm qua, và chính thức đưa vấn đề này ra tòa án có trụ sở ở La Haye.

 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, một người ủng hộ các vấn đề về khí hậu, đã hoan nghênh quyết định này. Bởi vì nếu như những quyết định của tòa án không có tính bắt buộc thì ít ra cũng có trọng lượng về mặt pháp lý và đạo đức, và thường được các tòa án của các quốc gia xét đến. Các nước ủng hộ nghị quyết này hy vọng có thể thúc đẩy các chính phủ nhanh chóng hành động.

 

Nghị quyết cũng đề cập đến các yếu tố chủ chốt, cho đến nay thường bị bỏ qua trong các văn bản chính thức, như sự công bằng giữa các thế hệ liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc những bắt buộc đối với các quốc đảo nhỏ, đang bị đe dọa. Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới không ủng hộ nghị quyết này ».

 

Vẫn về khí hậu, hôm nay, theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một thỏa thuận, đưa ra một mục tiêu mới là kể từ 2030, 42,5% năng lượng phải đến từ năng lượng tái tạo, như là gió hay mặt trời. Thỏa thuận này nằm trong chiến lược của châu Âu, nhằm chống lại biến đổi khí hậu và hướng đến việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận mới sẽ thay thế mục tiêu hiện tại, trong đó năng lượng tái tạo chỉ chiếm 32% từ nay đến 2030.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Báo cáo của nhóm chuyên gia khí hậu LHQ: ''Cẩm nang sống sót cho nhân loại''

 

Đảo quốc Solomon : 5 đảo bị nước biển nhấn chìm

193 thành viên Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung thừa nhận “đại dương lâm nguy”





No comments: