Wednesday, September 29, 2021

QUA VỤ VIỆC PHÁ CỬA CƯỠNG CHẾ TEST COVID-19: PHÁP LUẬT CẦN PHẢI ĐƯỢC THƯỢNG TÔN (LS Trần Đình Dũng)

 


QUA VỤ VIỆC PHÁ CỬA CƯỠNG CHẾ TEST COVID-19: PHÁP LUẬT CẦN PHẢI ĐƯỢC THƯỢNG TÔN   

Trần Đình Dũng

29/09/2021  00:17    

https://www.facebook.com/luatsutrandinhdung/posts/1470284673341065

 

Vụ việc đội phòng dịch phường Vĩnh Phú, Thuận An Bình Dương phá cửa đưa người phụ nữ trong căn hộ chung cư đi xét nghiệm Co.vid-19 là hình thức cưỡng chế hành chính. Nhưng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có điều khoản nào cho phép cưỡng chế công dân như thế không?

 

KHÔNG CÓ ĐIỀU LUẬT NÀO CHO PHÉP CƯỠNG CHẾ CÔNG DÂN TEST COVID-19

 

Các quyền công dân được hiến định trong Hiến pháp 2013, kể cả trong tình trạng dịch bệnh như hiện nay vẫn không bị mất đi. Chính phủ điều hành quản trị nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng trên nguyên tắc hiến định mà thực hiện, kể cả quản trị dịch bệnh. Nói như thế để chúng ta thấy rằng, trong phòng dịch cũng phải thượng tôn pháp luật, không thể bất chấp pháp luật để thực hiện.

 

Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhiều hành vi không chấp hành pháp luật của công dân có thể bị xử lý theo pháp luật. Nhưng pháp luật không cho phép xử lý cưỡng chế hết tất cả các hành vi không chấp hành qui định phòng dịch Covid-19. Một số hành vi vi phạm sẽ bị cưỡng chế khẩn cấp theo qui định tại Điều 49 Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007. Nhưng có những hành vi không thể tùy tiện cưỡng bức công dân.

 

Hành vi công dân không chấp hành thực hiện xét nghiệm như trong trường hợp ở Bình Dương là hành vi mà nhà lập pháp không cho phép cưỡng chế khi ban hành văn bản qui phạm pháp luật. Hành vi này không thuộc biện pháp phòng dịch phải cưỡng chế theo Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 qui định, mà được đưa vào qui định xử phạt hành chính tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 28.9.2020: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm”.

 

Nhưng cần lưu ý, điều luật không qui định cho phép xử lý bổ sung (buộc khôi phục, tiêu hủy…), tức không được phép cưỡng chế thực hiện khẩn cấp đưa đi xét nghiệm.

 

Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong xử lý hành chính đối với công dân không chấp hành pháp luật đã được ban hành đầy đủ bởi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hàng loạt nghị định của Chính phủ theo từng lĩnh vực. Cưỡng chế hành vi nào, buộc khắc phục ra sao, các điều luật từ Điều 21 đến Điều 35 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã nêu rất rõ. Không có căn cứ nào từ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho phép đội phòng dịch phá cửa xông vào cưỡng chế khóa tay người không chấp hành phòng dịch.

 

Sự việc tuy cá biệt nhưng phơi bày bất cập trong quản trị xã hội dịch bệnh tại các địa phương hiện nay về mặt chính sách pháp luật. Trong khi Nhà nước chưa hề ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, thì các đội phòng dịch không thể vì bức bách mà bất chấp qui định pháp luật. Hành lang pháp lý để tạo ra biện pháp mạnh phòng chống dịch bệnh đó là ban bố tình trạng khẩn cấp theo qui định tại các Điều 42, Điều 43 Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007.

 

 

CẦN BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP ĐỂ CHỐNG DỊCH BỆNH

 

Có một số người phàn nàn về ý thức từng cá nhân. Chẳng hạn nếu cô gái này là hàng xóm ngay cạnh mình thì mọi người liệu có an tâm khi cô gái chưa được kiểm tra. Trăn trở như vậy là xác đáng, nhưng đó chỉ là cách nhìn nhận đứng từ góc độ ý thức cá nhân. Trên bình diện pháp lý, để tạo ra ý thức xã hội cho phần đa số là nhiệm vụ của chính sách pháp luật. Chung qui lại, nếu không có chính sách pháp luật tốt thì không thể mong chờ vào ý thức của tất cả mọi công dân trong xã hội.

 

Trong quản trị xã hội, kể cả lúc dịch bệnh đang hoành hành, một xã hội văn minh không thể bất chấp pháp luật để đạt được mục đích. Nếu một địa phương nào đạt thành tích phòng chống dịch tốt mà hành xử công vụ vô pháp, thì đó là đi ngược lại văn minh nhân loại, ngược lại tinh thần Hiến pháp. Trong khi việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh là cửa mở đang chờ để nhà nước điều hành tốt hơn thì chưa thực hiện.

 

Vụ việc đội phòng dịch phường Vĩnh Phú với lực lượng hùng hậu phá cửa bắt một người phụ nữ đi xét nghiệm Covid-19 là giọt nước tràn ly để Chính phủ coi lại hành lang pháp lý trong quản trị xã hội dịch bệnh ở các địa phương theo các qui định pháp luật. Hay nói cách khác, Chính phủ cần nghiêm túc xem xét việc đề nghị Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp nếu muốn quản trị phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn.

 

Luật sư Trần Đình Dũng

 

50 BÌNH LUẬN  




No comments: