Friday, August 30, 2019

BẢN TIN NGÀY 30/08/2019 (Báo Tiếng Dân)




30/08/2019

BÀI MỚI
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019
30/08/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 30/08/2019

Tin Biển Đông

BBC có bài phỏng vấn GS Carl Thayer: Nếu đi thăm, Chủ tịch Trọng sẽ ‘nâng tầm quan hệ’ Việt-Mỹ. Ông Thayer nhận định, có ba kịch bản cho quan hệ Việt – Mỹ sắp tới: Một là, Trump – Trọng sẽ đồng ý mở rộng quan hệ đối tác toàn diện đã ký từ năm 2013; hai là họ sẽ công bố đàm phán để nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược; ba là họ sẽ đồng ý ký một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.

Báo Người Lao Động đưa tin: Ủy ban châu Âu ra tuyên bố về tình hình biển Đông. Trong tuyên bố đăng tải trên trang web của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) về chính sách an ninh và đối ngoại, cho rằng, “các hành động đơn phương ở biển Đông khoảng vài tuần trở lại đây khiến căng thẳng gia tăng, gây nguy hại cho môi trường an ninh hàng hải, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực”.

Bà Kocijancic lưu ý, Liên minh châu Âu (EU) cam kết tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các chương trình do ASEAN dẫn đầu, nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, củng cố hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba: “Chúng tôi đang mong chờ kết quả đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhanh chóng, minh bạch, đầy đủ hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Hé lộ nội dung Trung Quốc muốn ‘ăn chia’ 60/40 ở biển Đông. Đó là dự án ăn chia trong khai thác dầu khí chung giữa Manila và Bắc Kinh. Nhưng đại sứ Chito Sta Romana của Philippines không giải thích, liệu Bắc Kinh đồng ý phân chia lợi ích khai thác tài nguyên ở Biển Đông với Manila theo tỉ lệ 60-40, có đồng nghĩa với việc Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Philippines tại các khu vực khai thác chung hay không.

Ông Sta Romana cho biết: “Trong hai tháng qua, Philippines đã gửi bản đề xuất về các điều khoản tham chiếu đến phía TQ và phía TQ đã đồng ý, đồng thời gửi lại các văn bản, biên bản đồng ý của họ vào tháng 7 vừa qua. Như vậy cả hai đã đồng thuận rồi”.

Infonet đưa tin: “Động thái lạ” của Trung Quốc sau 2 tháng đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông. “Động thái lạ” là: Chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đặt chân tới Bắc Kinh vào ngày 28/8, chủ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông hồi tháng 6, đã bất ngờ gửi thư xin lỗi Phi. Bức thư xin lỗi “do một hiệp hội của Trung Quốc thay mặt chủ tàu gửi cho phía Philippines. Chủ tàu là thành viên của hiệp hội nhưng danh tính của người này không được tiết lộ”.

Trong thư có đoạn: “Thông qua hiệp hội, chủ tàu cá Trung Quốc liên quan tới vụ việc gửi lời xin lỗi chân thành đến các ngư dân Philippines. Chúng tôi tin rằng, dù tai nạn là lỗi vô tình của ngư dân Trung Quốc, tàu cá Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn. Chủ tàu cá đang tích cực phối hợp với phía Philippines để giải quyết yêu cầu bồi thường”.


Vụ đất vàng lọt vào tay Vũ ‘nhôm’

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Hoàng Quân: ‘Điều gì tới sẽ tới thôi!’ Chiều 29/8, trong lúc trả lời báo Thanh Niên, ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, xác nhận, đã biết thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị xem xét trách nhiệm của ông liên quan hợp đồng thuê đất có sai phạm ở số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, thời ông làm Chủ tịch UBND thành Hồ.

Cựu Chủ tịch Lê Hoàng Quân. Photo Courtesy

Ông Quân nói: “Ở thời điểm này, tôi cảm thấy mệt và không muốn thanh minh nhiều. Điều gì tới sẽ tới thôi!… Đến giờ tôi chỉ biết qua thông tin báo chí thôi. Bây giờ anh em có đề nghị trách nhiệm thế nào thì mai mốt Đảng và Nhà nước căn cứ vào báo cáo để xem xét”.

Nhà báo Huy Đức bình luận“Đương nhiên, trong trật tự hành chánh của ‘chế độ ta’, cấp phó chỉ là ký thay [kể cả các phó thủ tướng ký thay cho Nguyễn Tấn Dũng]; nhưng, trong chính quyền TP HCM từ 2006 -2016, quyền lực tập trung vào tay Hai Nhật (Lê Thanh Hải) – Hai Quân gần như bù nhìn trong nhiều lĩnh vực – không có Hai Nhật thì một tấc đất ‘thành phố mang tên Bác’ cũng đố đứa nào dám bán”.


Công an ép cung, buôn lậu

VKSND Tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố trung tá công an tự viết thêm vào biên bản hỏi cung, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Nguyễn Việt Cường, trung tá, cựu điều tra viên Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên, bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Vụ việc xảy ra vào tháng 7/2012, Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố đối với ba người về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, rồi chuyển hồ sơ vụ án cho Công an TP Tuy Hòa điều tra theo thẩm quyền.

Đến năm 2014, vụ việc mới bị phát hiện. Sau phiên tòa sơ thẩm xử các bị cáo trên vào tháng 3/2014, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vụ án này vào tháng 9/2014 hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa. Cơ quan điều tra phát hiện “điều tra viên Nguyễn Việt Cường tự viết thêm nhiều nội dung có tính chất buộc tội đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh”.

Zing có bài: Chở thuốc lá lậu, cựu đại úy công an lĩnh 4 năm tù. Ngày 29/8, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Nhiên, từng là đại úy, điều tra viên của Công an TP Sóc Trăng, mức án 4 năm tù, bị cáo Sơn Quốc Anh án 3 năm tù cùng tội ‘Vận chuyển hàng cấm,’ bị cáo Nguyễn Phú Vinh 9 năm tù về tội ‘Buôn bán hàng cấm’.

Do cần tiền tiêu xài, các cán bộ công an nói trên đã thuê ô tô để chở thuốc lá lậu cho Vinh. Sáng 19/6/2018, Nhiên cùng Quốc Anh chở 7.000 cây thuốc lá lậu của Vinh đến trước nhà một đồng phạm thì bị một nhóm khác khống chế và cướp hàng.


Sai phạm ở SVĐ Chi Lăng

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhận định, vụ cấp 14 sổ đỏ sân Chi Lăng: ‘Sẽ có một vài ông đi tù’. Ông Nghĩa xác nhận thông tin này trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Đà Nẵng, ngày 28/8: “Đây là nơi gắn với lịch sử Đà Nẵng trong các cuộc kháng chiến và trong quá trình phát triển. Sân Chi Lăng hiện không thể đưa ra đấu giá được vì 14 sổ đỏ được cấp không hợp pháp và khu vực chưa thông qua quy hoạch”.

Ông Nghĩa nói thêm: “Cấp 14 sổ đỏ tại sân vận động này sai hoàn toàn, chẳng theo cơ sở nào khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch”. Cho nên, các cá nhân liên quan vụ này nhiều khả năng sẽ phải đi tù, còn ngân hàng chủ nợ lại đối mặt rủi ro lớn.


Các dự án ma của Alibaba

Báo Dân Trí có bài: “Hô biến” đất rừng ở tỉnh Đồng Nai thành hàng chục dự án ảo. Địa ốc Alibaba quảng cáo rằng họ đã thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Nhưng cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định, toàn bộ diện tích đất tại các dự án mà Địa ốc Alibaba tự vẽ ra “chỉ có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và hiện trạng đất là đất trống, không có cơ sở hạ tầng”.

Công an tỉnh Đồng Nai báo cáo: “Việc Địa ốc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế (đất trống), cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai”.

Ngày 29/8, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê chuẩn lệnh bắt thêm nhân viên bảo vệ Công ty địa ốc Alibaba chống đoàn cưỡng chế, báo Thanh Niên đưa tin. Trước đó, vào ngày 27/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra lệnh tạm giữ khẩn cấp đối với Phan Quỳnh Long, một nhân viên bảo vệ của Alibaba để điều tra, làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản. 

Vào ngày 13/6, khi UBND xã Tóc Tiên cùng các cơ quan chức năng cưỡng chế đất tại “dự án ma” Alibaba, Tân Thành Center City 5, một số nhân viên Alibaba gồm Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Trần Quốc Tĩnh, Phan Quỳnh Long, Huỳnh Ngọc Thiện và nhiều người khác “đã dùng loa hò hét, lời lẽ kích động, lăng mạ, xúc phạm để nhằm mục đích cản trở, chống đối không cho đoàn cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ”.


Phát hiện xác của nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc

Báo Công an TPHCM đưa tin: Phát hiện xác một nhà báo nổi trên sông Đồng Nai. Ngày 28/8, nhân viên bến phà Cát Lái phát hiện một xác chết trôi dạt vào gần khu vực bến phà và báo cho công an. Công an kiểm tra tử thi và xác định, nạn nhân chính là nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc, mất tích từ 27/8 đến nay.

Nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc. Ảnh: FB nhân vật

Nhà báo Tôn Phúc từng làm việc cho nhiều tờ báo, với các bút danh “Tôn Phúc”, “Bình Minh”, nhưng theo giấy tờ, hiện tại ông đang làm việc tại tạp chí ‘Dạy và học ngày nay‘. Công an quận 2, TPHCM đang thụ lý và điều tra vụ án “Chết chưa rõ nguyên nhân” của nhà báo này.


Vụ gian lận thi cử ở Sơn La

TAND tỉnh Sơn La sắp xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, báo Dân Trí đưa tin. Phiên xử sơ thẩm 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong vụ sửa điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 16/9. 

Nhóm bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến, PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; Cầm Thị Bun Sọn, Phó phòng Chính trị tư tưởng; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Đỗ Khắc Hưng, cựu trung tá và Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.  

Phía tòa án sẽ triệu tập 90 người đến phiên xử vụ gian lận thi cử, nâng điểm ở Sơn La, theo báo Tuổi Trẻ. Trong đó có 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, gồm phụ huynh có con được nâng điểm và 43 người làm chứng. Ông Hoàng Tiến Đức, cựu GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và ông Nguyễn Duy Hoàng, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thuộc nhóm thứ nhất.


Thương lái Trung Quốc mua bọ độc

Vụ người dân Kon Tum đổ xô đi bắt sâu ban miêu: Bác sĩ lo ngại nguy cơ ngộ độc, tử vong. Những ngày gần đây, người dân tỉnh Kon Tum đổ xô đi bắt loài bọ cánh cứng hay còn gọi là sâu đậu, sâu ban miêu, vì được thương lái Trung Quốc thu mua với giá rất cao. Đã có một số trường hợp bị bỏng nặng thậm chí tử vong vì ngộ độc từ sâu ban miêu.

Ngày 20/8, một thiếu niên ở Kon Tum cùng 2 bạn đi vào rẫy lúa trong làng để bắt sâu ban miêu. Sau khi bắt, các em đã bán được 10 ngàn đồng để chia nhau. Lúc về nhà, thiếu niên này bị nóng rát, lở loét quanh cổ và miệng nên gia đình đã đưa em đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Một trường hợp bị mẩn ngứa, nóng rát quanh miệng và cổ khi đi bắt sâu ban miêu. Ảnh: Báo NNVN

Báo Người Lao Động bàn về việc thương lái lùng mua bọ 3 sọc độc hại giá cao: ‘Đá bóng’ trách nhiệm quản lý. Ngày 29/8, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, đã giao cho Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật kiểm tra việc thương lái lùng mua bọ 3 sọc, còn gọi là bọ đậu hoặc sâu ban miêu, với giá cao. 

Ông Vũ Văn Đản, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, cho rằng, đơn vị chỉ có chức năng quản lý loại bọ 3 sọc về góc độ có phá hoại cây trồng hay không. Việc mua bán loại này là do ngành quản lý thị trường. Còn ông Lê Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Kon Tum, cho rằng chuyện thương lái thu mua bọ ban miêu không thuộc phạm vi do đơn vị quản lý. 


***






No comments: