Friday, March 22, 2019

CHÂU ÂU & TRUNG QUỐC HỌP VỀ THƯƠNG MẠI VÀ KHÍ HẬU (RFI)




Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày 22-03-2019

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp bốn bên tại điện Elysée vào ngày 26/03/2019 theo khởi xướng của nguyên thủ Pháp. Khí hậu và thương mại là hai chủ đề chính trong chương trình nghị sự.

Thông cáo ngày 21/03 của điện Elysée cho biết mục đích của cuộc họp chưa từng có này là tìm ra « những điểm tương đồng » giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc liên quan đến cơ chế quan hệ đa phương và thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris.

Phủ tổng thống Pháp đánh giá việc tổ chức họp bốn bên là cần thiết « vì để bảo vệ mô hình quan hệ đa phương, cuộc thảo luận phải diễn ra ở cấp châu Âu, chứ không chỉ đơn phương từ phía Pháp ».

Theo AFP, ý tưởng tổ chức cuộc họp bốn bên được hình thành sau khi lần đầu tiên, vào tối 21/03, lãnh đạo của 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thảo luận về Trung Quốc để tìm cách thống nhất lập trường của các nước thành viên trước cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc diễn ra ngày 09/04 tại Bruxelles.

Những tham vọng và đầu tư ồ ạt của Trung Quốc, đặc biệt là việc Ý chuẩn bị ký biên bản ghi nhớ tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới, đã khiến nhiều nước Liên Âu lo ngại.

-------------------

Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày 22-03-2019 

Trong lúc mọi người đang cố đoán xem tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nói gì với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp lãnh đạo Bắc Kinh ghé Paris vào tuần tới, thì hôm qua, 21/03/2019, Điện Elysée thông báo là ngày 26/03 tới đây, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Paris với ông Tập Cận Bình, ngoài tổng thống Pháp, còn có thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.

Đối với giới phân tích, sáng kiến của ông Macron là thể hiện quyết tâm của Pháp, muốn củng cố một mặt trận thống nhất của toàn Liên Hiệp Châu Âu để có sức đối phó với đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh một thành viên nặng ký của Liên Hiệp Châu Âu là Ý lại xé lẻ đi theo Bắc Kinh.

Thông cáo về cuộc họp 3+1 dĩ nhiên có lời lẽ hết sức ngoại giao để khỏi đụng chạm Trung Quốc, xác định rằng cuộc họp chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm « những điểm tương đồng » giữa châu Âu và Trung Quốc, và « giải thích » với Bắc Kinh về chiến lược của châu Âu.

Thế nhưng, chủ trương của Pháp dùng đa phương chống song phương, dùng sức mạnh tập thể của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu để đương cự lại Trung Quốc đã hiển hiện trong nhận định từ phủ tổng thống Pháp, theo đó « cuộc thảo luận phải diễn ra ở cấp châu Âu, chứ không chỉ đơn phương từ phía Pháp ».

Bản thân tổng thống Pháp, trong nhưng ngày gần đây, đã không ngần ngại cổ vũ các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hợp lực với nhau để có một đối sách thỏa đáng với Trung Quốc.

Vào hôm qua, 21/03, khi đến Bruxelles tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu trong đó vấn đề quan hệ với Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự, ông Macron đã hoan nghênh « sự thức tỉnh » của châu Âu liên quan đến vấn đề Trung Quốc.

Phát biểu với các phóng viên, tổng thống Pháp nhắc lại rằng ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã kêu gọi mọi người nhận thức thực sự về nhu cầu bảo vệ chủ quyền của châu Âu, và rốt cuộc châu Âu đã có được nhận thức rõ « về những chủ đề quan trọng như Trung Quốc ».

Sự « thức tỉnh » mà tổng thống Pháp nói đến là một danh mục dài các yêu cầu mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ gởi đến phía Trung Quốc nhân Thượng Đỉnh LHCA-Trung Quốc vào tháng Tư tới đây, đề nghị Bắc Kinh có biện pháp tích cực nhằm giải tỏa những nỗi bất mãn ngày càng tăng tại nhiều nước châu Âu về cách hành xử của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo châu Âu cũng nghĩ đến một loạt biện pháp để bảo vệ LHCA tốt hơn trước các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Trong số các biện pháp này có cơ chế mua sắm quốc tế mới để bảo đảm nguyên tắc có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường mua sắm ở nước ngoài, và đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Pháp là một trong những nước bảo vệ mạnh mẽ nhất cho việc thiết lập cơ chế đó.

Nhìn chung, sáng kiến tập hợp hai nước đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu cùng với Ủy Ban Châu Âu – tức là cơ chế hành pháp của Liên Âu – để thảo luận với Trung Quốc về quan hệ châu Âu-Trung Quốc là một cách để cho Bắc Kinh thấy là không nên xem thường quyết tâm của châu Âu trong việc yêu cầu Trung Quốc sửa đổi cách làm ăn.

Đó cũng là một thông điệp gởi đến những nước như Ý, phớt lờ châu Âu để quan hệ riêng với Trung Quốc, bất chấp rủi ro là sẽ rơi vào thế yếu và bị Trung Quốc lấn lướt. Chính quyền Rôma như đã thấy rõ thông điệp này. Theo hãng tin Ý AGI, chính phủ Ý không hoan nghênh chút nào hội nghị thượng đỉnh nhỏ của bộ ba châu Âu với chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba tới đây.







No comments: