Thursday, April 28, 2011

HỒI KÝ của BÀ NGÔ ĐÌNH NHU sẽ TIẾT LỘ NHỮNG GÌ (Việt Hà, RFA)

Việt Hà, phóng viên RFA
2011-04-27

Tin bà Ngô Đình Nhu, tức Trần Lệ Xuân từ trần vào sáng ngày chủ nhật 24 tháng 4 vừa qua khiến người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới quan tâm.
Cuộc đời bà đối với rất nhiều người vẫn còn là một ẩn số lớn bởi sau ngày đảo chính năm 1963 bà đã gần như lui vào sống ẩn dật, không tiếp xúc với báo chí. Người ta đang mong đợi cuốn hồi ký sắp được xuất bản của bà, liệu bà sẽ nói gì trong đó, có những chuyện thâm cung bí sử nào sẽ được tiết lộ? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.

Không là cuốn hồi ký thông thường

Sáng chủ nhật 24 tháng 4 năm 2011, ngày Chúa phục sinh cũng là ngày người phụ nữ từng một thời nổi tiếng nhất Việt Nam với nhiều câu chuyện đình đám hư hư thực thực, trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở thủ đô La Mã nước Ý.
Cái chết của bà Ngô Đình Nhu vào thời điểm này đã khiến cho dự kiến xuất bản cuốn hồi ký của bà vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay phải bị hoãn lại vì theo ông Trương Phú Thứ, người chịu trách nhiệm biên soạn và in cuốn hồi ký cho bà, thì còn quá nhiều chuyện chưa rõ ràng mà ông vẫn chưa kịp hỏi bà để có thể biên soạn bản hồi ký theo đúng ý bà.
Theo ông Trương Phú Thứ, bà Ngô Đình Nhu đã bắt đầu viết cuốn hồi ký của mình từ khoảng 10 năm trước. Bà dự định sẽ tự tay dịch cuốn sách sang tiếng Anh và tiếng Ý sau khi hoàn tất. Bà nhờ ông Trương Phú Thứ là người dịch cuốn sách sang tiếng Việt vì bà muốn mang tư tưởng của mình đến với nhiều người. Nhưng sau đó, một phần vì thời gian viết sách mất nhiều thời gian, một phần được lời khuyên rằng độc giả của cuốn sách sẽ chủ yếu là người Việt, bà đồng ý chỉ xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt.

Ông Trương PhúThứ cho rằng cuốn sách của bà Nhu không thể coi là một cuốn hồi ký thông thường. Ông nói:
“Sách này không phải là một cuốn hồi ký, thông thường người ta hiểu ta hiểu hồi ký là viết về những chuyện trong cuộc đời người ta, chuyện lớn, nhỏ, vui buồn, nhưng cuốn sách này không phải như vậy.”
Ông cũng cảnh báo những người tò mò muốn biết những chuyện giật gân sẽ phải thất vọng khi đọc cuốn sách:
“Những người mong chờ những tin giật gân hay cải chính này nọ thì không nên mong đợi sẽ được đọc trong cuốn sách đó. Vì cuốn sách đó là của người viết có những suy tư nó cao và xa hơn những cái mà gọi là hồi ký thông thường. Người ta mong chờ hồi ký vì người ta chờ xem bà sẽ cải chính là bà không có 17 tỷ mỹ kim hoặc chửi rủa những người giết chồng bà, thì những chuyện đó không có, những chuyện đó quá tầm thường, và bà không đứng trong các chuyện như vậy.”

Cuốn sách có 3 phần. Phần thứ nhất viết về đời sống tâm linh, những suy tư của bà Ngô đình Nhu trong sự hiện hữu của Thiên Chúa. Phần hai viết về thời thơ ấu và sinh họat gia đình. Phần thứ ba viết về họat động chính trị, và theo nhận định của ông Trương Phú Thứ thì đây cũng chính là phần khiến nhiều người quan tâm nhất.

Ngay cả những người đã có một thời gần gũi với bà, nhưng sau này mất liên lạc cũng rất quan tâm đến phần này của cuốn hồi ký. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lan, vốn từng tham gia phong trào Phụ nữ Liên đới trước kia của bà Ngô Đình Nhu cho biết:
“Tôi chỉ muốn biết bà sống như thế nào, và bà nghĩ về hội phụ nữ như thế nào.”

Vốn là một phụ nữ có học, tân thời, và mạnh dạn, bà Ngô Đình Nhu khi còn là đệ nhất phu nhân đã tích cực tổ chức, tham gia các phong trào phụ nữ như phong trào phụ nữ liên đới, đưa ra đạo luật gia đình. Những họat động chính trị tích cực của bà lúc đó không được nhiều người ủng hộ và thậm chí còn bị phê phán. Có người còn cho rằng bà đã vượt mặt tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà cũng nổi tiếng bởi những câu nói nặng nề, có phần quá khích sau vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tha thứ tất cả

Vậy người đọc cuốn hồi ký có thể thấy được những điểm gì mới trong cuốn sách của bà Nhu? Ông Trương Phú Thứ nói sẽ có và có thể cuốn sách sẽ gây tranh luận:
“Có nhiều cái theo thiển ý của tôi là mới, thì những cái đó đọc giả sẽ được đọc trong cuốn sách. Đương nhiên là bà nói ra những suy tư, tương tưởng, ý tưởng của bà thì sẽ có người đồng ý, có người ko đồng ý, vì không phải ai cũng đồng ý với tư tưởng của bà, câu văn lời nói của bà. Chuyện đó là chuyện không thể tránh khỏi.”

Ông Trương Phú Thứ cho rằng mặc dù cuốn sách không có các chuyện thâm cung bí sử để người đọc phải giật mình, nhưng lại có thể khiến người ta giật mình về những suy tư của bà Ngô Đình Nhu.
Những suy tư này sẽ được người đọc cảm nhận nhiều nhất trong phần 1 của cuốn sách. Ông Trương Phú Thứ nói:
“Người ta nhìn thấy một con người… nếu theo chữ nhà phật là đã thoát khỏi tham sân si, và sống rất hồn nhiên, bình thản… trong suốt một nửa thế kỷ bà chỉ ở trong một căn phòng rất nghèo nàn, mà bà phải có nghị phi thường thế nào thì bà mới sống đến ngày hôm nay 88 tuổi. còn gặp những người không có nghị lực, không có niềm tin thì tôi nghĩ khó có thể sống đến tuổi như thế.”

Khi tuổi còn trẻ, bà Ngô Đình Nhu đã phải chịu những đau khổ có thể coi là khủng khiếp nhất đối với bất cứ người phụ nữ nào. Đó là chồng bà và anh chồng bị giết trong cuộc đảo chính năm 1963 khi bà và cô con gái cả đang ở Mỹ trong một chuyến thăm ngoại giao. Không lâu sau đó, con gái cả của bà là cô Ngô Đình Lệ Thuỷ bị chết vì tai nạn giao thông ở Pháp.
Bà đã sống những năm tháng cuối đời trong một căn hộ đơn sơ được một nhà hảo tâm ẩn dang tặng, ở trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp, trước khi chuyển về Ý sống với gia đình hai người con vào khoảng 3 năm trước, khi tuổi cao sức yếu. Bà đã sống những năm tháng cuối đời lo cho con cho cháu, và chăm chỉ đi lễ hàng ngày. Ông Trương Phú Thứ cho rằng bà đã hạnh phúc trong những ngày cuối đời mình, bởi bà đã hiến dâng mọi sự cho Chúa. Trong bà chỉ còn tình yêu và sự tha thứ. Đó cũng chính là thông điệp xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Ông Trương Phú Thứ nói:
“Bà tha thứ hết, bà tha thứ cả những người cầm súng bắn vào đầu chồng bà chứ đừng nói gì đến những chuyện người ta nói xấu bà, bà không chấp đến, bà tha thứ hết.”

Cũng chính bởi vậy mà trong cuốn sách, người đọc sẽ không thấy những tên người đã gây đau khổ cho gia đình bà Nhu được nhắc tới.
Cuốn hồi ký dù chưa được xuất bản nhưng ngoài ông Trương Phú Thứ là người biên soạn, còn có một người khác đã được đọc các trang viết của bà. Đó là cựu sĩ quan tùy viên của tổng thống Ngô Đình Diệm, cựu thượng nghị sĩ Lê Châu Lộc. Ông nói cảm tưởng của mình về cuốn sách chưa hoàn tất:
“Tôi đọc một phần, thì phần lớn bà ghi lại những giây phút suy tư, cầu nguyện của bà cho đến độ tôi nghĩ là như tôi đang đọc một hồi ký của một nữ tu, nhờ đó mà tôi biết bà là một người rất đau khổ, và chỉ có thể hiến dâng sự đau khổ lên thiên chúa thì vơi chút nào chăng.”

Theo ông thì cuốn sách có thể rất hữu ích đối với nhiều người phụ nữ Việt nam khác đã và đang phải trải qua nhiều khổ đau cũng như bà Ngô Đình Nhu:
“Có thể hữu ích lắm, đối với những người phụ nữ Việt Nam đã qua những khốn khổ cá nhân, mất chồng, con, hay mất gia đình ngoài biển cả hay ở núi xa thì có thể nó sẽ giúp cho những người phụ nữ Việt Nam ở trong hoàn cảnh đau khổ ở trong nước hay ngoại quốc, thất bát nhiều, thiệt thòi nhiều.”

Đến giờ này, cuốn sách mới hoàn tất phần 1 và phần 2. Ông Trương Phú Thứ mới chỉ nhận được một số ít trang trong phần 3 của cuốn sách. Ông cũng không biết bà Ngô Đình Nhu đã viết được hết phần 3 hay chưa. Ông phải đợi thêm vài tuần nữa mới có thể liên lạc với gia đình của bà ở bên Ý để có thể thu thập thêm các trang viết của bà.
Khi được hỏi liệu cuốn sách có thể được xuất bản ở Việt Nam, ông Trương Phú Thứ cho rằng hoàn toàn có thể vì cuốn sách có thể là một cuốn sách bán rất chạy và một nhà xuất bản nào đó ở Việt Nam sẽ muốn in cuốn sách này để bán thu lợi nhuận. Ông cũng không nhìn thấy bất cứ điểm nào gọi là xung khắc về chính trị khiến chính phủ Việt Nam phải cấm cuốn sách.

Người đọc mong chờ cuốn hồi ký chắc cũng sẽ không phải chờ lâu, vì theo lời ông Trương Phú Thứ thì vào khoảng xuân năm 2012 cuốn sách sẽ được chính thức xuất bản. Vì cuốn sách càng sớm được xuất bản thì càng sớm đáp ứng được mong ước của người đã khuất là mang tư tưởng của bà đến với nhiều người Việt nam.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: