Saturday, December 25, 2010

Ý NGHĨA NGÀY GIÁNG SINH (Nguyễn Hoài Vân)

Nguyễn Hoài Vân
Saturday, December 25, 2010

CHÚNG TA ĐÃ BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21 TỪ NĂM 1994

Gần như không sử gia nào còn nghĩ Đức Ky Tô giáng sanh vào đêm 25 tháng Chạp trước thềm năm thứ nhất nữa. Trong bốn bộ Phúc Âm (Mác Cô, Gio-An, Mát-Tê-Ô, và Luca), có hai bộ nói đến sự giáng sanh của Ngài, và cả hai bộ Phúc Âm ấy đều quả quyết Ngài chào đời trước khi Vua Hérode “Lớn” (Hérode Le Grand) từ trần. Ông Vua này mất năm thứ 4 trước Công Nguyên. Vì thế, cộng thêm với vài lý do khác, người ta nghĩ có lẽ ngày Giáng Sinh của Đức Ky Tô ở vào khoảng từ năm thứ 6 cho đến năm thứ 4 trước Công Nguyên. Giả sử Ngài sanh vào năm thứ 6 trước CN, và giả sử chúng ta phải điều chỉnh niên lịch mà chúng ta đang sử dụng theo năm sinh thực sự của Ngài, thì chúng ta phải thêm vào số năm hiện hành 6 năm phụ trội. Như thế tức là chúng ta đã bước sang thế kỷ 21 từ năm 1994 !

ĐỨC KY TÔ GIÁNG SANH VÀO NGÀY NÀO ?

Căn cứ nơi sự kiện các mục đồng nằm ngủ ngoài đồng trong đêm Đức Ky Tô hạ sanh, trước khi được Thiên Thần báo tin để đến viếng thăm Ngài, thì có thể đoán được rằng Ngài không sinh vào một đêm đông lạnh lẽo như người ta thường nghĩ. Thật ra, ngày 25 tháng chạp đã được chọn vì ý nghĩa biểu tượng của nó. Ngày ấy tương ứng với thời điểm ban ngày bắt đầu dài ra, và lấn trên đêm tối. Theo Ky Tô Giáo, Đức Ky Tô hạ sanh chính là để xé màn tăm tối, đem con người về với ánh sáng, nên sự hạ sanh của Ngài đem đặt vào thời điểm ấy, chính là để nói lên sứ mạng của Ngài nơi trần thế vậy.

Trong thế giới La Mã thời ấy ngày Giáng Sinh chính là ngày lễ Mặt Trời Bách Thắng (Sol Invictis - Mặt Trời bất bại), và cũng là ngày lễ Thần Mithra, biểu tượng là mặt trời. Giáo Hội Nguyên Thủy dùng lại ngày này để mừng Đức Ky Tô hạ sanh.

ĐỨC KY TÔ SANH Ở ĐÂU ?

Sự kiện Ngài giáng sanh tại Bethléem cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Theo Phúc Âm của Lu-Ca thì bố mẹ Đức Ky Tô sinh sống tại Nazareth, cách Bethléem, sanh quán của Ngài, tới bốn ngày đường. Phúc Âm Luca cắt nghĩa sự hạ sanh của Ngài tại Bethléem như sau :

Vào lúc ấy một chiếu chỉ của Hoàng Đế La Mã César Auguste bắt toàn thể thần dân trong Đế Quốc phải tham dự vào một cuộc kiểm kê dân số. Tại xứ Palestine, đất nước của Đức Ky Tô, mọi người phải về nơi gốc gác gia đình mình để được kiểm kê. Giu-Se, phu quân của Đức Mẹ, được coi là thuộc dòng dõi vua David, quê tại Bethléem, nên đã phải đem vợ mình đang mang bầu đến Bethléem, làm bổn phận thần dân... thuộc địa! Thánh Luca nói rõ cuộc kiểm kê dân số ấy xảy ra dưới thời Toàn Quyền Quirinius.

Ngặt một nỗi là anh Toàn Quyền Quirinius này chỉ đến nhiệm sở vào năm thứ sáu sau Công Nguyên, tức là từ 6 tới 12 năm sau khi Đức Ky Tô giáng sanh. Sự hiện hữu thực sự của cuộc kiểm kê dân số kia quả là rất đáng nghi ngờ, nhất là khi người ta không thể tìm nổi bất cứ một tài liệu lịch sử nào khác nói đến một màn kiểm kê vào lúc ấy, mặc dù Luca đã ghi là nó diễn ra “trên toàn khắp thế giới La Mã”, tức là liên hệ đến hàng trăm dân tộc, xứ sở... Nếu thế, thì điều gì dã khiến cho Thánh Giu-Se (Joseph) đang lúc vợ mang bầu, lại rong ruổi đến tận Bethléem, để đến nỗi Đức Ky Tô phải ra đời giữa đường giữa xá?

Thêm vào đó, một đoạn Phúc Âm của thánh Gio-An (Jean 7:42,43) kể lại việc dân chúng không công nhận Giê-Su là Đức Ky Tô, với lý lẽ rằng Kinh Thánh đã tiên liệu Đức Ky Tô phải đến từ Dòng Vua David và sanh ra ở Bethléem. Trước lập luận ấy, cả vị Thánh Tông Đồ lẫn Đức Ky Tô và các môn đệ của Ngài, theo Phúc Âm này, đã không hề có một lời cải chánh nào, như thể chính Gio-An và các môn đệ khác đều chẳng biết gì về việc Thày mình ra đời tại Bethléem! Ngay cả Đức Giê Su, chiếu theo đoạn văn ấy, cũng có vẻ mù tịt về vấn đề này! Mác-Cô, một vị thánh tác giả Phúc Âm khác, cũng không bao giờ nói đến sự kiện ấy trong Phúc Âm của mình.

Vậy, nếu chỉ căn cứ vào Phúc Âm Lu-Ca, thì việc Đức Ky Tô sinh ra tại Bethléem có thể chỉ là một truyền thuyết nhằm minh chứng cho dân Do Thái thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế từng được các tiên tri loan báo. Tuy nhiên, khi đọc Phúc Âm Mát-Tê-Ô, thì lại thấy vị thánh này tuyên bố một cách đơn giản là “Giê-Su sanh ở Bethléem, xứ Judée”, mà chẳng cần cắt nghĩa lôi thôi. Việc song thân Đức Ky Tô sinh sống tại Nazareth đối với Mát-Tê-Ô chỉ là chuyện về sau, khiến cho việc đi bốn ngày đường để phải đẻ rơi đẻ rớt giữa đồng trống hoang vu, không cần phải biện minh nữa.

Nhưng các sử gia dường như vẫn chưa vừa ý. Những hàng chữ duy nhất viết về Đức Ky Tô lúc Ngài còn sanh tiền là tấm bảng đặt trên ngọn Thánh Giá lúc Ngài bị người La Mã đem giết. Tấm bảng ấy (gọi là titulus) ghi rằng “Giê-Su, Nazôréen, Vua xứ Judée”. Tại sao lại “nazôréen” ? Căn cứ theo văn phạm Do Thái thì không thể dùng chữ Nazôréen để gọi một người ở làng Nazareth được. Vậy chữ Nazôréen ghi trên tấm “titulus” có nghĩa gì ? Nhiều học giả ngày nay quả quyết chữ ấy đến từ căn “Nazir”, nghĩa là “ẩn sĩ”, hay “nhà khổ tu” (ermite). Các cuộc khai quật và định tuổi bằng carbone 14 đem lại cho giả thuyết này một lý lẽ quan trọng. Thật vậy, các dấu tích xưa nhất của một cộng đồng người tìm được ở Nazareth hiện nay, không lên đến đầu thế kỷ thứ hai, tức ít nhất một trăm năm sau ngày Đức Giê-Su chào đời. Nói cách khác, có nhiều hy vọng ở thời Đức Ky Tô, làng Nazareth chưa hiện hữu.

Ngoài ra, còn một chi tiết khá lý thú mà ít ai để ý, là ý nghĩa của chữ Bethléem. Bethléem nghĩa là “nhà bánh”, còn có tên là Ephrata, là “đầy trái cây”. Khi biết sau này Đức Ky Tô tự hiến Thân mình làm thức ăn cho nhân loại, như lời Ngài nói trong bữa tiệc cuối cùng lúc bẻ bánh chia cho các môn đệ, rằng : “Đây là thân mình ta, anh em hãy nhận lấy mà ăn”, thì sự kiện Ngài sanh ra nơi “Nhà Bánh”, và được đặt trong cái máng cho súc vật ăn uống quả thực là những “trùng hợp” đầy ý nghĩa!

THÂN PHỤ CỦA ĐỨC KY TÔ LÀ AI ?

Thánh Kinh Tân Ước, về điểm này có những phát biểu không đồng nhất :

-Thánh Phao-Lồ, được coi là Sử Gia đầu tiên về Đức Ky Tô (tất cả các Phúc Âm đều được viết sau bộ Thánh Thư của Phao Lồ), khi nói về lai lịch trần thế của Ngài đã cho rằng Ngài “đến từ dòng dõi Vua David bởi xác thịt” (Thánh thư gửi tín hữu thành Rôma I,3), tức là “xác thịt” Ngài đến từ Giu-Se, thuộc dòng David, ngược lại với niềm tin về sự đồng trinh của Đức Mẹ.

-Phúc Âm của Thánh Gio-An (Jean,I,45), thuật lại lời của Thánh Tông Đồ Philippe, nói rằng: “Chúng tôi đã được gặp Đấng mà Môi-Se và các Tiên Tri từng báo trước sự ra đời, đó là Giê Su, con ông Giu Se, người làng Nazareth”.

-Ngược lại, Mát-Tê-Ô và Luca quả quyết Đức Giê-Su không phải là con Thánh Giu-Se, mà chính Thánh Thần Thiên Chúa đã đến trong lòng Mẹ Ngài, khiến Bà thụ thai, và hạ sinh ra Ngài, mà vẫn giữ được sự đồng trinh.

Sự khẳng định này đưa đến một số thắc mắc, như :

-Tại sao Phao-Lồ, lý thuyết gia cột trụ của Giáo Hội Nguyên Thủy, và là người đầu tiên viết về Đức Ky Tô lại không bao giờ nói đến việc Đức Mẹ thụ thai bởi Thánh Thần Thiên Chúa, và hạ sinh ra Đức Giê-Su mà còn đồng trinh ?

-Tại sao Gio-An, người có trách nhiệm dưỡng nuôi Đức Mẹ sau này, tức là người đáng lẽ phải biết rành chuyện ấy hơn ai hết, cũng lại chẳng hề đá động chi đến sự kiện quan trọng này ?

Không những thế, Phao Lồ và Gio An còn có những đoạn văn nói ngược lại với sự kiện trên, vì sao ? Mặt khác, trong chính Phúc Âm của Mát-Tê-Ô và Luca, việc thụ thai và hạ sanh ra Đức Ky Tô chỉ được nói đến trong một đoạn ngắn, rồi sau đó không bao giờ thấy đả động trở lại. Và ngay cả chính Đức Ky Tô, trong Phúc Âm của hai Vị này, và trong tất cả các Phúc Âm khác, cũng không hề bao giờ đề cập tới đề tài ấy.

Để cho đầy đủ, cũng cần nhắc lại rằng từ thế kỷ thứ nhất đã có thuyết cho rằng Đức Ky Tô là con của một người lính Lê Dương La Mã tên là Panthera. Ông này sau bị thuyên chuyển sang Âu Châu, và chết trong một cuộc đụng độ với “rợ” Germanique.

DÒNG DÕI ĐỨC KY TÔ :

Hai Phúc Âm Lu-Ca và Mát-Tê-Ô đều có liệt kê gia phả Đức Giê-Su. Khổ cái là mỗi Phúc Âm lại cho một gia phả khác nhau !
Mát-Tê-Ô bảo Đức Giê-Su là con Giu-Se, là con Jacob, là con Mathan, là con Eléazar, là con Elioud v.v... Lu-Ca thì bảo Giê-Su là con Giu-Se, là con Héli, là con Matthat, là con Lévi, là con Melchi, là con Ianai, v.v... Nhiều người sẽ bảo là “rõ lắm chuyện, Đức Giê-Su đã không phải là con ông Giu-Se rồi, thì còn mất công kể lể gia phả của Ngài ra làm cái quái gì nữa” ? Thật vậy, Mát-Tê-Ô liệt kê dòng họ Đức Giê-Su lên đến thủy tổ của dân Do Thái là Abraham, người xứ Irak bây giờ, gồm 42 đời. Không chịu kém, Lu-Ca lần mò lên đến tận Adam, được tin là thủy tổ loài người, tổng cộng 77 đời !

Những liệt kê ấy đương nhiên là không phù hợp với sự thật lịch sử. Tuy nhiên, chúng có giá trị biểu tượng rất lớn. Thật vậy, 42 chính là ba lần 14. Mát-Tê-Ô nhấn mạnh có 14 đời từ Abraham đến David, 14 đời từ David đến lúc dân Do Thái bị lưu đày bên xứ Babylone, và 14 đời từ lúc đó đến Đức Ky Tô. Mười bốn là hai lần bảy, con số linh thiêng nhất của Thánh Kinh. Mười bốn cũng là số của tuần trăng, tượng trưng cho mặt trăng. Dòng Israel (Do Thái) cũng có biểu tượng là mặt trăng, lặn rồi lại mọc. Ba lần 14 cũng biểu tượng cho ba thời kỳ của lịch sử Do Thái: thời các tổ phụ, thời các quân vương, và thời suy tàn khởi đầu bởi sự lưu đày sang Babylone. Lu-Ca, khi liệt kê 77 đời từ thủy tổ loài người đến Đức Ky Tô, cũng dùng con số 7. Số 7 là số của sự tạo thành, số ngày Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, số của sự hoàn hảo. Đức Ky Tô được đặt vào hàng thứ 77, không phải là ngẫu nhiên ! Một chi tiết thú vị, Lu-Ca đặt một Giê-Su khác ở hàng thứ 49, tức là lại 7 lần 7... Một bạn của tôi thạo chữ Do Thái đã tốn nhiều công lần mò đọc các tên Do Thái của gia phả Đức Ky Tô theo những thứ tự số học phức tạp và cố ráp nối những tên ấy lại để tìm ra những thông điệp ẩn giấu trong hai danh sách này. Khi nào anh ta thành công, và nếu điều anh tìm được không phải là số độc đắc của vé số quốc gia tuần kế đó, thì tôi sẽ hân hạnh trình bày cho quý bạn biết qua!


Nguyễn Hoài Vân
Thursday, July 1, 2010


CÂU CHUYỆN “BA VUA” :

Trong các “hang đá” được con trẻ chiêm ngưỡng suốt mùa Giáng Sinh thường có hình tượng “ba vua”, một ông da đen, một ông da trắng, và một ông da vàng. Câu chuyện này bị các Sử Gia phủ nhận. Nếu nó có thật, thì cũng đặt ra lắm vấn đề : thí dụ như lúc “ba vua” đến lạy chào Đức Ky Tô tại Bethléem, thi Ngài đã lớn, chứ không phải là trẻ sơ sinh nữa, nguyên tác chữ Hy Lạp của Phúc Âm đoạn này cho biết như vậy. Nếu thế, phải tự hỏi tại sao Đức Mẹ và Thánh Giu-Se lại lưu lại Bethléem đến cả năm trời, hay hơn nữa, mà không chịu quay về nơi sinh sống của mình ở Nazareth (nếu tin theo Phúc Âm Lu-Ca) ? Cũng cần nói “ba vua” thật ra là những chiêm tinh gia, loại người vốn bị Thánh Kinh lên án rất nặng nề (Isaie:47,13, và Lévitique:19,31).


Câu chuyện Vua Hérode, được “ba vua” ghé thăm cho biết có Vua của dân Do Thái hạ sanh trong vùng Bethléem, đã lo sợ cho ngôi vị của mình và ra lệnh tàn sát tất cả trẻ nhỏ dưới hai tuổi, cũng bị coi là không có tính cách lịch sử. Sự kiện tày trời này không hề được ghi trong các tài liệu khá chi tiết của thời đó, đặc biệt là sử liệu đến từ những người thù ghét Hérode thậm tệ (như Flavius Joseph), không thể bỏ lỡ cơ hội nào để kể lại những tội ác của ông vua này.

TƯƠNG ĐỒNG VỚI HUYỀN THOẠI GIÁNG SINH CỦA THẦN KRISHNA

Krishna là hóa thân của Vishnu, ngôi hai trong ba ngôi Thiên Chúa của huyền thoại Ấn Giáo, cùng với Brahma và Shiva. Vishnu có trách nhiệm nhập thế cứu giúp nhân sinh (và cả chư thần) mỗi khi có một hiểm họa đe dọa sự sống còn của vũ trụ, hay một nhân vật tai ác làm tổn hại đời sống của mọi sinh linh. Trong truyền thống Ấn Giáo, đức Phật và (theo một số học giả) cả Đức Ky Tô, cũng đều là những hóa thân của Vishnu !

Krishna mang một đặc điểm là có một người cha không phải là cha thật của ngài. Ngài được Vishnu trực tiếp « nhập » vào tử cung của mẹ ngài trước khi được chuyển sang một tử cung khác (một vấn đề thời sự !), hay được tráo với một hài nhi khác, để khỏi bị giết bởi một ông vua hung dữ. Số là vị vua này cũng là một ác quỷ ăn thịt người, có tên là Kamsa. Ông ta được một tiên tri cho biết con của em gái ông, là Devaki, một ngày kia sẽ hạ sát ông. Vì thế, ông quyết định giết các con của nàng này khi chúng vừa chào đời. Một thuyết cho là các hài nhi ấy cũng là con của chính Kamsa, vì ông yêu em gái mình một cách say đắm. Thuyết này giải thích việc tại sao Kamsa không giết em gái mình ngay lập tức cho tiện đường dư luận mà lại cù cưa đợi thủ tiêu mỗi đứa bé sơ sinh ? Dù sao, có 6 em bé bị quỷ vương mần thịt, trước khi hài nhi thứ 7 được cứu sống nhờ hoán chuyển bào thai sang một tử cung khác. Phải coi đây là một hình thức « tập sự », một « thử nghiệm » để sửa soạn cho việc chính Vishnu nhập vào bụng nàng Devaki, cho ra đứa con thứ 8, được tráo với một hài nhi khác (hóa thân của « thần ngủ » tức nữ thần Nidra, vị chủ trì pháp môn... « thiền ngủ » : Nidra Yoga !). Hài nhi hóa thân của Nidra bị mần thịt. Nidra thoát khỏi nhục thân của đứa bé, và vừa bay lên thượng giới, vừa cho quỷ vương Kamsa biết đứa bé sẽ hạ sát ông đã chào đời bình yên. Kamsa hốt hoảng, liền ra lệnh tìm giết tất cả các hài nhi trong vương quốc... Y hệt như Herode trong truyện giáng sinh của đức Ky Tô. Nhân vật được trao phó trách nhiệm giết các em bé sơ sinh là một nữ quỷ tên là Putana, nguồn gốc của chữ « putain » (đĩ điếm) trong tiếng Pháp.

Một tương đồng khác với truyện đức Ky Tô là khi vừa sinh ra, người cha hờ của Krishna (tương ứng với thánh Joseph), chồng của Devaki, đã phải đang đêm mang ngài đi trốn ở một nơi xa. Ở đây ngài được giao cho người mẹ nuôi tên là Yasoda chăm sóc đến lúc lớn khôn. Yasoda là một người chăn bò, và cũng là người đã tráo hài nhi, hóa thân của nữ thần Nidra, với Devaki.

Sự kiện Krishna sinh ra trong ngục tù tối lạnh cũng không xa lạ với việc Đức Ky Tô sanh trong hang đá giữa đêm đông... Ngoài ra, truyện Kamsa cũng rất giống với truyện thần Cronos trong huyền thoại Hy Lạp.

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ :

Thật ra, điều quan trọng không phải là những sự kiện lịch sử, mà là những ý nghĩa được truyền lại qua câu chuyện cuộc đời Đức Ky Tô. Trong câu chuyện ấy, Ngài ra đời trong “Nhà Bánh” (Bethléem), được đặt nằm trong cái máng ăn uống của súc vật, để sau này tự hiến thân mình làm thức ăn cho nhân loại. Ngài sanh ra trong lúc tối tăm, để mở đầu một kỷ nguyên ánh sáng, lúc ban ngày bắt đầu dài ra, đẩy lùi đêm tối. Khi sanh ra, Ngài được đón mừng bởi những kẻ nghèo khó, sống màn trời chiếu đất như các người chăn cừu. Người chăn cừu theo tâm lý thời ấy, thường bị rẻ khinh, bị coi như bất lương, có thói quen trộm cắp. Sau các mục đồng, là những nhà chiêm tinh, cũng bị coi là tội lỗi đối với Thánh Kinh Cựu Ước. Họ đem đến biếu Ngài ba bảo vật : vàng, biểu tượng cho nhà Vua, cho uy quyền thế gian, trầm hương, biểu tượng cho sự thờ kính Thần Linh, và mộc dược, dùng để ướp xác chết cho khỏi hư thối, biểu tượng cho sự sống vĩnh cửu. Cần ghi nhận là các nhà bác học chiêm tinh này, đã đến với Đức Ky Tô nhờ sự tự lực tìm tòi học hỏi của họ, trong khi những kẻ mục đồng dốt nát lại dược Thiên Thần trực tiếp hiện ra mời đến thờ phụng Ngài, tức đã được hưởng nhờ “tha lực”. Mặt khác, các nhà chiêm tinh bác học thuộc về những sắc dân khác nhau, cho thấy Đức Ky Tô đến với toàn thể loài người chứ không riêng gì với dân tộc nào. Các vị ấy cũng biểu tượng cho những người ở trong những nền văn hóa khác với truyền thống Do Thái, thường bị người Do Thái lúc ấy coi là “ngoại Đạo ô uế”. Họ đã không được hưởng nhờ sự mặc khải trực tiếp của Thiên Chúa như dân Do Thái, nhưng do công sức tự lực học hỏi tu luyện, họ cũng đã tìm được đến Chúa. Còn câu chuyện Hérode giết các trẻ em dưới hai tuổi cho thấy khi vừa mới sanh ra tính mạng Đức Ky Tô đã bị đe dọa, và hé lộ cho biết những hiểm nguy của cuộc đời Ngài sau đó.

Cần dặc biệt chú ý đến sự kiện Thánh Thần Thiên Chúa nhập vào lòng Mẹ Ngài, để bà thụ thai và sinh ra Ngài mà vẫn giữ đồng trinh. Đó là một tín điều quan trọng của Ky Tô Giáo. Ý nghĩa của mầu nhiệm ấy là Thiên Chúa hoàn toàn có khả năng can thiệp một cách trực tiếp vào đời sống con người, không cần phải tuân theo những quy luật tự nhiên, như lời Thiên Thần nói với Đức Mẹ: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể”. Như thế, với câu chuyện này, con người có thể tin tưởng được rằng : trong đời sống của mình, luôn luôn có sự che chở can thiệp của “Cha Trên Trời”, vượt trên những gì thường được gọi là “tự nhiên”, “khoa học”.

Trong toàn bộ Thánh Kinh Tân và Cựu Ước, chỉ có hai con người đã được tạo dựng ra do sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, là con người Adam và Con Người Ky Tô. Adam tiếng Do Thái nghĩa là “người”, có thể được coi như biểu tượng của mọi con người, cũng được tạo nên, trong huyền thoại, do sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, bằng nắm đất và hơi thở của Ngài. Sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa vào sự “tạo thành” con người Giê Su cũng là chỉ dấu cho thấy Đức Giê Su cũng là một Con Người đại diện cho mọi con người, đến để thay thế cho một đại diện khác, là Adam. Con người Adam vì “chấp ngã”, chấp “nhị nguyên” (cãi lời Chúa lén ăn trái cây “phân biệt thiện ác"), nên đã rời xa Thiên Chúa, bản thể của mình. Con người Ky Tô, ngược lại, đem nhân loại, hậu duệ của Adam, trở về với bản thể Thiên Chúa.

VỪA LÀ CON NGƯỜI, VỪA LÀ THIÊN CHÚA

Câu chuyện Đức Ky Tô vẫn chưa rõ nghĩa nếu bỏ quên một yếu tố quan trọng khác. Đó là sở dĩ Đức Ky Tô đem được con người nói chung về với bản thể Thiên Chúa nơi mỗi người là vì Con Người Ky Tô cũng chính là Thiên Chúa. Con người Ky Tô lại không sanh ra trong lớp vỏ vua chúa, quyền uy, mà chỉ là con anh thợ mộc, lang thang ăn xin nơi này qua nơi khác, từng bị coi là là điên (bởi chính gia đình Ngài), là tội lỗi, là vi phạm “Luật Chúa”, là ô uế, phải bị trừng trị, và rốt cuộc bị treo thây trần truồng trên thập giá. Nếu Con Người như thế, với cuộc sống bi đát như thế, nghèo hèn như thế và với những thất bại thảm thê như thế, mà lại chính là Thiên Chúa, thì mọi con người, dù tội lỗi bao nhiêu, dù dốt nát đến đâu, dù thấp kém thế nào, cũng có thể kỳ vọng được rằng : qua Ngài, họ sẽ làm một với Thiên Chúa. Đó là điều mà sau này, các môn đệ của Ngài gọi là Tin Mừng, đem đi khắp muôn phương truyền rao cho thiên hạ. Tất cả đều đã phải chết trong cực hình để làm chứng cho Tin Mừng ấy...

PHẬT LÀ CHÚNG SANH, CHÚNG SANH LÀ PHẬT

Phải chăng con người Giê-Su đã giác ngộ chính mình, cũng như toàn thể mọi con người, đều mang bản tính Thiên Chúa, như Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ “Phật là chúng sanh, chúng sanh là Phật” ? Thật ra, tư tưởng này rất khó chấp nhận, kể cả bởi những người Ky Tô Hữu (và cả Phật Tử ?). Hố sâu chia cách “thần linh”, hay “thánh nhân”, với con người bình thường rất khó mà lấp đầy được trong đầu óc của mỗi người chúng ta, nhất là khi đã được nhào nặn bởi truyền thống.

Một mặt, khó mà tưởng tượng được bản tính Thiên Chúa, hay Phật Tính ở trong tôi, “là” tôi (đây là một biện minh cho sự diệt ngã), khi biết những kém cỏi xấu xa của con người tôi. Càng khó mà tưởng tượng nổi Hitler hay Staline hay tên bạo dâm hãm hiếp sát hại trẻ con trong bản chất chính “là” Phật, mang bản thể Thiên Chúa (ở đây ta tìm thấy một biện minh cho thuyết “không thiện không ác”, “vô phân biệt trí”, và nhớ lại rằng mọi “vấn đề” của Adam, con người, đều đến từ việc ăn trái cây “phân biệt Thiện Ác").

Mặt khác, con người đã tạo ra thần linh để thần linh không thể là con người, không phải chịu những khổ đau, kém cỏi của con người. Thần linh có thế giới của thần linh, một thế giới nhiệm mầu mà hàng thế hệ con người truyền lại cho nhau những mô tả vô cùng chính xác, kể cả hình ảnh ! Con người, trong thế giới khốn nạn của mình, không thể nào “đồng hóa” với thần linh được. Nếu không, thì tất cả tín ngưỡng của cha ông chúng ta về thần linh coi như sụp đổ ! Nếu chúng ta cũng là thần linh, thì ai sẽ cứu chúng ta khỏi cuộc sống khổ đau này ? Ai sẽ cho chúng ta niềm hy vọng, cảm giác lâng lâng như được bay trên tấm thảm thần mầu nhiệm ? Anh nghiện sẽ không còn thuốc phiện...

Phải chăng người ta đã giết Đức Giê-Su vì lý do ấy ? Và phải chăng nếu Đức Phật mà sanh vào cái xã hội của Đức Giê-Su thì chắc Ngài cũng đã phải cùng chịu chung một số phận ? Cả hai đều đã vượt trên truyền thống, minh chứng sự nhỏ hẹp của truyền thống, để đạp lên truyền thống mà tiến bước. Cả hai đều là kiểu mẫu của CON NGƯỜI CÁCH MẠNG, của CON NGƯỜI TRONG TIẾN TRÌNH TRỞ THÀNH, của CON NGƯỜI ĐÚNG NGHĨA...

Ngày Giáng Sinh là ngày kỷ niệm sự sinh thành của CON NGƯỜI ĐÚNG NGHĨA, sanh ra trong tăm tối để đẩy lùi tăm tối.
Nguyễn Hoài Vân
cập nhật : 24 tháng 12 năm 2010
.
.
.

No comments: