Wednesday, December 29, 2010

PHẢI THỰC THI hay CHỈ "BIỂU DIỄN CÔNG LÝ" (RFA)


Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-12-28

Vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, xảy ra từ tháng 9 năm 2009, sắp sửa được đưa ra xét xử lần thứ ba.

Nếu lần xử đầu tiên chỉ có ba bị cáo, gồm hiệu trưởng trường trung học Việt Lâm và hai nữ sinh của trường này thì lần xử thứ hai, có thêm hàng chục nghi can mà đa số là quan chức trong tỉnh. Người ta tin rằng sự dính líu của những nghi can này là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự, khiến Tòa án tỉnh Hà Giang phải tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu.  
Mới đây, theo báo chí Việt Nam, Công an Hà Giang và Viện Kiểm sát Hà Giang đã hoàn tất Kết luận điều tra lần 2 và Cáo trạng lần 2 của vụ án này. Hồ sơ vụ án hiện đang nằm tại Tòa án tỉnh Hà Giang. 
Kết quả điều tra lại vụ án có khác với kết quả điều tra của lần đầu? Trân Văn đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ của bí cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, một trong hai nữ sinh được xem như nạn nhân của nhiều viên chức lãnh đạo Đảng và chính quyền tại Hà Giang. 

Nhiều “ông” can dự nên không giống ai

Trân Văn: Thưa chị, đến bữa nay, gia đình chị đã nhận được Kết luận điều tra của Công an tỉnh Hà Giang và Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Hà Giang chưa?
Bà Nguyễn Thị Thơm: “Tôi có lên Viện Kiểm sát và Công an để hỏi thì họ trả lời là bây giờ, con tôi đủ 18 tuổi rồi nên cháu tự làm và tự chịu trách nhiệm về hành vi của nó nên tôi không được tiếp xúc với Kết luận điều tra và Cáo trạng.”

Trân Văn: Thưa chị, tuy là gia đình không nhận được Kết luận điều tra và Cáo trạng nhưng chị có biết được nội dung Kết luận điều tra và Cáo trạng không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: "Dạ có ạ!"

Trân Văn: Là một người mẹ theo dõi sát vụ án liên quan đến con mình, chị thấy nội dung của Kết luận điều tra và Cáo trạng như thế nào? Nó có chính xác không và nếu không chính xác thì điều gì làm chị bức xúc nhất?
Bà Nguyễn Thị Thơm: "Tôi chỉ nói qua về Kết luận điều tra của Công an. Có mấy điểm mà tôi không đồng tình."

Trân Văn: Chị có thể cho thính giả của chúng tôi biết chị không đồng tình ở những điểm nào không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: “Thứ nhất là Kết luận điều tra về hành vi môi giới mại dâm của con tôi thì vẫn như trước. Hầu như là không có gì mới, vẫn chỉ có ba người thôi: ông Xương, con tôi và cháu Hằng.
Theo Cáo trạng thì con tôi vẫn mắc vào điều 255 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Trong Kết luận điều tra, các bị can như Hằng và Thúy và những đối tượng có liên quan thì người ta tố cáo có hành vi bán dâm cho một số người. Cụ thể, thứ nhất là ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Thứ hai là ông Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách của tỉnh Hà Giang. Ông Nguyễn Việt Huấn là lái xe của Ngân hàng Chính sách tỉnh Hà Giang. Ông Hoàng Văn Minh là cán bộ Công an như lần trước các cháu đã khai. Ông Tiến cũng là Công an. Ông Linh là giáo viên trường cấp ba Việt Lâm. Ông Cường là Giám đốc Công ty Sơn Thủy. Ông Bích ở Công an tỉnh. Ông Hướng ở Hài quan của khẩu Thanh Thủy. Ông Luyến là Kế toán xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên. Rồi có thêm ông Bài là Chánh Văn phòng UBND huyện Vị Xuyên. Ông Trần Văn Hòa là Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh Hà Giang. Ông Lưu Bá Định là Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên. Ông Đinh Văn Dũng là Giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Giang. Ông Nguyễn Văn Dũng là lái xe Bưu điện tỉnh Hà Giang. Ông Lê Minh Thành là Giám đốc doanh nghiệp…
Đấy! Nghĩa là các cháu tố cáo những ông này nhưng mà sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ thì nói là sau khi xác minh tài liệu trong hồ sơ vụ án nhưng thấy không đủ chứng cứ để chứng minh những ông này đã mua dâm trẻ vị thành niên hoặc là mua dâm các cháu này. Nghĩa là không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các ông này!
Tuy nhiên Công an tỉnh lại làm công văn kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các đối tượng trên theo quy định.    
Tôi rất bức xúc là khi đã đưa ra để điều tra. Không đủ cơ sở để kết luận các ông này có những hành vi như thế, thế thì vì sao mà Công an tỉnh Hà Giang lại làm văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các đối tượng trên? Các đối tượng này… mắc cái gì mà phải xem xét trách nhiệm đối với người ta?
Một điểm khác, các nội dung vi phạm tố tụng mà các bị can, bị cáo yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiến hành xác minh thì Kết luận điều tra ghi là, đối với những vi phạm tố tụng của Công an huyện Vị Xuyện, Viện Kiểm sát Vị Xuyên, Tòa án huyện Vị Xuyên dẫn đến tình trạng mà Tòa án tỉnh Hà Giang phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu ấy thì Kết luận điều tra kết luận là không có dấu hiệu vi phạm và cố ý làm sai lệch hồ sơ! Thế thì tại sao Tòa án tỉnh Hà Giang phải hủy án sơ thẩm?
Theo trình tự đấy, Cơ quan Điều tra lại kết luận là do năng lực công tác còn hạn chế, thiếu sót, của các cơ quan tiến hành tố tụng nên đã vi phạm một số qui định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Là cán bộ nắm giữ pháp luật mà lại kết luận là do năng lực công tác còn hạn chế và do thiếu sót. Thiếu sót như thế thì có phải là vi phạm pháp luật không? Có phải vi phạm Luật Tố tụng hình sự không? 
Luật đã qui định rõ ràng như thế! Nếu không vi phạm thì tôi nghĩ rằng làm sao Tòa án tỉnh Hà Giang lại phải trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu?
Tôi rất bức xúc khi mà đã nắm giữ pháp luật để kết tội mấy con người. Người thì hơn mười năm, người thì sáu năm, người thì năm năm mà lại đưa ra một kết luận là do thiếu sót, do hạn chế… Đã nắm giữ pháp luật thì phải hiểu biết hết về pháp luật chứ làm sao lại bao biện như thế được? Pháp luật là công bằng thì không có sự thiếu sót, không có sự hạn chế. Ông phải hiểu biết rõ ràng về pháp luật thì ông mới nắm giữ pháp luật, mới giải quyết được các vấn đề. Do nọ, do kia như thế thì không thể chấp nhận được. Tôi rất là bức xúc.”

Ngày, đêm lẫn lộn

Trân Văn: Thưa chị, khi tiếp xúc với Viện Kiểm sát và với Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh Hà Giang, chị đã nêu những ý kiến này chưa?

Bà Nguyễn Thị Thơm: “Khi tôi qua gặp Viện Kiểm sát thì tôi có nêu mong muốn của tôi là con tôi có tội đến đâu thì nó phải chịu tội đến đấy nhưng phải công bằng, pháp luật phải nghiêm minh, không thể khác được. Không thể có người phải chịu tội, người thì không!
Tôi rất bức xúc chỗ ông Nguyễn Trường Tô. Khi chưa có Kết luận điều tra thì quan hệ với cô Dung, gọi là gái mại dâm và Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải xử lý, phải cách chức, phải khai trừ ra khỏi Đảng, tước hết các quyền, các chức vụ về chính quyền, về Đảng. Thế nhưng khi mà các ông như ông Đinh Xuân Hùng và các ông khác tiếp theo, cũng là cán bộ, cũng là quan chức trong chính quyền, trong Đảng, có vi phạm, các cháu khai ra đã có quan hệ với chúng nó, như thế là vi phạm rồi đúng không anh (?). Thế nhưng lại không xử lý, không có vấn đề gì, vẫn đương chức, đương quyền…
Tôi rất là bức xúc! Mình không còn biết đâu là ban ngày, đâu là ban đêm nữa!
Kết luận thì vẫn cho rằng con tôi môi giới mại dâm, được hưởng lợi từ tất cả những lần môi giới mại dâm cho người ta là 550.000 đồng. Anh… anh thấy có đau đớn không? Mang tiếng là làm môi giới mại dâm mà được hưởng 550.000 đồng. 550.000 đồng thì mua được cái gì? Con tôi phải vào tù hơn một năm nay rồi!”            

Tiến trình điều tra lại vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, không chỉ có những điểm bất thường đã thể hiện cả trong Kết luận điều

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-12-29

Trong lần phát thanh trước, qúy vị đã nghe bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy - một trong hai nữ sinh được xem là nạn nhân của vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang - bày tỏ những băn khoăn về một số điểm bất thường, đã thể hiện cả trong Kết luận điều tra lẫn Cáo trạng, sau khi vụ án này phải điều tra lại từ đầu theo lệnh của Tòa án tỉnh Hà Giang.

Mời qúy vị nghe tiếp cuộc trò chuyện giữa Trân Văn với bà Nguyễn Thị Thơm về những điểm bất thường khác trong suốt tiến trình điều tra lại vụ án…  

Trân Văn: Thưa chị, lần chị gặp cháu gần nhất cách nay bao lâu ạ?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Lần gặp gần nhất là hôm mùng 4 tháng 12 vừa rồi anh ạ.

Trân Văn: Từ khi Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu cho đến ngày 4 tháng 12 vừa rồi thì chị được gặp cháu tất cả mấy lần?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Tôi được gặp hai lần anh ạ.

Trân Văn: Thưa chị, trong cuộc gặp giữa chị với cháu ngày 4 tháng 12 thì có điều gì đáng chú ý không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Mẹ con sáu tháng mới được gặp nhau một lần. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là nhìn thấy cháu rất gầy. Nó chỉ khóc, nó bảo là con ốm suốt, con chẳng ăn được gì mà thuốc thì không có.
Mẹ con gặp nhau thì tôi cũng chỉ biết khóc thôi. Tôi cũng không biết là… không hiểu là như thế nào… Cũng không thể nói được nhiều… Con tôi nó chỉ khóc và nó chỉ nói là: Mẹ ơi! Thôi mẹ đừng lấy trứng chọi với đá nữa mẹ ạ!... (khóc)…
Tôi cũng… tôi cũng động viên con. Tôi mong muốn là… lúc nào tôi cũng mong muốn là phải có luật sư… Tôi nói với con tôi là: Điều mẹ mong muốn nhất là phải có luật sư để bảo vệ quyền lợi cho con khi ra xét xử!.. Con tôi có nói với tôi là: Mẹ mời luật sư cho con trong giai đoạn xét xử.

Trân Văn: Cho đến nay thì việc cháu từ chối luật sư Trần Đình Triển làm người bào chữa cho mình vẫn còn hiệu lực phải không ạ?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Điều đó tôi không biết. Tôi không được nhìn thấy đơn từ chối luật sư của cháu mà chỉ nghe Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thông báo là cháu đã từ chối luật sư.

Trân Văn: Thưa chị, cho đến nay, luật sư Trần Đình Triển có tham gia vào vụ án như là một luật sư của cháu không?  
Bà Nguyễn Thị Thơm: Bây giờ Tòa án cứ bảo rằng con tôi đủ 18 tuổi rồi nên mời luật sư hay không là quyền của cháu.
Trước đây, tôi đã làm thủ tục để mời anh Triển tham gia vào vụ án. Anh Triển đã được cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho cháu nhưng Công an Điều tra thông báo là cháu có đơn từ chối luật sư. Khi luật sư Triển lên để trực tiếp vào gặp cháu, hỏi xem vì lý do nào mà cháu từ chối luật sư thì Viện Kiểm sát và Công an Điều tra ở tỉnh ngăn cản, nhất quyết là không cho anh Triển vào gặp cháu.
Bây giờ, theo mong muốn của gia đình và cũng là mong muốn của cháu thì tôi lại tiếp tục làm thủ tục mời luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho cháu trong giai đoạn xét xử.

Trân Văn: Thưa chị, là một người mẹ, theo dõi các diễn biến vụ án từ khi cháu Thúy bị khởi tố cho đến khi Tòa án huyện Vị Xuyên xử sơ thẩm, rồi sau đó Tòa án tỉnh Hà Giang xử phúc thẩm… theo chị, nếu như trong phiên phúc thẩm mà không có luật sư thì liệu vụ án này nó có trở nên tày hoày như thế không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Chắc chắn là không anh ạ! Nếu như mà không có luật sư thì tôi chắc chắn một điều là con tôi đã nhận được bản án trọn vẹn năm năm tù. Không thể có… Không có những điều để mà hôm nay chúng tôi nói được nỗi lòng của những người mẹ, nói lên được tiếng nói của mình nữa!
Bây giờ tôi không mong là mời luật sư vào để chối, để cãi rằng con tôi không có tội. Điều đấy hoàn toàn không có trong ý nghĩ của tôi. Cái chính và là cái quan trọng nhất đối với tôi là tôi mong có luật sư để lấy lại sự công bằng trong luật pháp và sự nghiêm minh trong pháp luật.
Con tôi nó phạm tội đến mức độ nào thì nó phải chịu tội đến mức độ đấy nhưng phải công bằng. Tất cả những người phạm tội đấy cũng phải chịu tội. Ông này, ông kia hay là người cày ruộng thì cũng phải được hưởng cái sự công bằng, cái sự nghiêm minh của luật pháp như nhau.

Trân Văn: Quyết định của Tòa Phúc thẩm về việc hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu có công, có sự đóng góp cùa luật sư nhiều không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Công lớn nhất là của luật sư Trần Đình Triển anh ạ! Và đó còn là công của các nhà báo Việt Nam chân chính đứng về phía những người dân vô tội để nói thay những người dân thấp cổ, bé họng. Chúng tôi nghĩ là mình vẫn còn có thể tin tưởng vào những người mà thật sự có lương tri, lương tâm. Chúng tôi không biết nói như thế nào để bày tỏ, để cám ơn luật sư, tất cả những nhà báo đã lên tiếng để phiên phúc thẩm hủy án.

Trân Văn: Theo chị thì cháu Thúy và cháu Hằng có thấy được vai trò của luật sư không?
Bà Nguyễn Thị Thơm: Về phía cháu Hằng thì em không nói nhưng về phía cháu Thúy thì lúc nào tôi cũng nghĩ là con tôi nó nhận ra vấn đề, hiểu được vấn đề. Thế nhưng còn những điều muốn nói thì nó không thể nói được anh ạ. Có rất là nhiều sức ép trong khi bố mẹ thì không được gặp... xã hội thì không biết nó như thế nào… chỉ trong bốn bức tường, các điều tra viên, kiểm sát viên và cán bộ quản giáo thôi… Những đứa trẻ còn vị thành niên chưa hiểu biết nhiều về pháp luật… hơn một năm nay không có một thông tin nào nên tôi cũng không dám chắc được là nó nghĩ như thế nào (?). Mẹ gặp con thì dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan công an cho nên là có điều muốn nói thì cũng không thể nói được…  

Sơ thẩm lần hai sẽ không khác lần một?

Khi vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, được Toà án tỉnh Hà Giang đưa ra xử phúc thẩm hồi đầu năm nay, các luật sư bào chữa cho hai nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng đã công bố một số tài liệu cho thấy, cả hai không chỉ bị cưỡng ép để phải ăn nằm với hiệu trưởng mà còn được “giới thiệu” để phải ăn nằm với hàng chục cán bộ, doanh nhân tại Hà Giang. Trong đó có cả chủ tịch tỉnh.
Điểm đáng chú ý là thay vì phải điều tra, làm rõ, tất cả những chi tiết, chứng cứ có liên quan thì hệ thống bảo vệ pháp luật tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang lại bỏ chúng ra khỏi hồ sơ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án tỉnh Hà Giang chính thức xác nhận, toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm có nhiều sai sót.
Còn công chúng thì cho rằng, hai nạn nhận là nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và nữ sinh Nguyễn Thị Hằng đã bị biến thành tội phạm để che đậy cho những tội phạm khác.
Tuy án sơ thẩm đã bị hủy để điều tra lại từ đầu nhưng tiến trình điều tra lại vẫn bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường, kể cả trong Kết luận điều tra lẫn Cáo trạng. Với tiến trình điều tra lại và với Kết luận điều tra lẫn Cáo trạng còn tạo ra nhiều thắc mắc như thế, phiên xử sơ thẩm lần hai sẽ như một phiên xử hay lại giống một vở kịch?

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: