Đức Tâm - RFI
Thứ tư 29 Tháng Mười Hai 2010
Trong năm qua, các căng thẳng về tỷ giá đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc, tình trạng bấp bênh của đồng euro, các biện pháp đối phó của Nhật Bản, Hoa Kỳ cho thấy hố ngăn cách ngày càng gia tăng giữa một bên là những nền kinh tế phát triển và bên kia là những nước mới trỗi dậy, có tỷ lệ tăng trưởng cao.
Vào cuối tháng chín, bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mangega đã cảnh báo : « chúng ta hiện đang chứng kiến một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế, một sự phá giá đại trà các đồng tiền ». Từ đó, giới chuyên gia đã nhiều lần sử dụng cụm từ « chiến tranh tiền tệ » để nói về những bất đồng nghiêm trọng trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nền kinh tế lớn xuất khẩu nhiều như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và những quốc gia đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu như Hoa Kỳ hoặc các nước trong khu vực đồng euro.
Thực chất của cái gọi là « chiến tranh tiền tệ » là vấn đề tỷ giá. Bắc Kinh bị tố cáo duy trì giá trị nhân dân tệ thấp so với đô la Mỹ, để khuyến khích xuất khẩu. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Hoa Kỳ và các nước khác tung ra các biện pháp phá giá đồng tiền quốc gia.
Tháng sáu năm nay, trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Toronto, Canada, Bắc Kinh đã ra một quyết định quan trọng, cho phép nới rộng biên độ dao động tỷ giá giữa nhân dân tệ và đô la Mỹ. Thế nhưng, biện pháp này không có nhiều tác dụng và không làm nguôi cơn bực bội của chính giới Hoa Kỳ khi mà Trung Quốc luôn luôn có tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng 10% mỗi năm.
Thượng nghị sĩ Charles Schumer, thuộc đảng Dân chủ Hoa Kỳ đã đệ trình một dự luật cho phép chính quyền Washington trả đũa thương mại. Ông tuyên bố, « chỉ có một đạo luật mạnh mẽ thì mới buộc Trung Quốc phải thay đổi và ngăn chặn được làn sóng việc làm, của cải chạy ra khỏi nước Mỹ ». Chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra khó chịu trước áp lực của phương Tây. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đáp trả rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc là « đồng bộ và có trách nhiệm », còn thủ tướng Ôn Gia Bảo thì giải thích, việc tăng nhanh giá của nhân dân tệ « sẽ làm nhiều công ty Trung Quốc phá sản, nhiều người bị thất nghiệp… và gây ra những rối loạn xã hội ».
Trong sáu tháng, giá trị đồng tiền Trung Quốc chỉ tăng có 2,9% so với đô la Mỹ. Thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế còn nhận định là giá trị nhân dân tệ luôn luôn thấp hơn giá trị thực của nó. Trung Quốc áp dụng chính sách để cho nhân dân tệ bám theo đô la Mỹ. Trong thời gian qua, đồng tiền của Mỹ lại sụt giá so với các đồng tiền khác, do vậy, nhân dân tệ của Trung Quốc lại mất giá khoảng 3% so với đồng euro và 4,5% so với đồng yên Nhật Bản. Trong bối cảnh này, châu Âu và Nhật Bản cho rằng họ là nạn nhân của « cuộc chiến tranh tiền tệ ».
Tại châu Âu, điều trớ trêu là Hy Lạp, Ailen, hiện vẫn trong tình trạng kinh tế suy thoái, xuất khẩu trì trệ, do giá trị đồng euro cao khi mà Đức vẫn xuất khẩu mạnh. Thậm chí, trong năm nay, châu Âu còn nhiều lần cảnh báo nguy cơ tan vỡ khu vực đồng euro.
Nhìn sang Bắc Á, để thúc đẩy xuất khẩu, phục hồi kinh tế, chính phủ Nhật Bản không ngần ngại can thiệp vào tỷ giá. Ngày 15 tháng chín, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2004, Tokyo đã bán từ 200 đến 300 tỷ yen và mua vào đô la để hạ giá đồng tiền quốc gia và tuyên bố sẽ tiếp tục làm như vậy nếu cần.
Với thỏa thuận Jamaica, năm 1976, hệ thống tiền tệ thế giới chấp nhận trên thực tế sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chế độ bản vị đô la đã đi tới giới hạn của nó. Kinh tế gia Pháp Patrick Artus, được AFP trích dẫn, nhận định, nhờ chế độ bản vị đô la, chính quyền Mỹ có thể dễ dàng phát hành tiền tệ, đáp ứng nhu cầu của mình.
Để ngăn chặn đồng tiền quốc gia tăng giá, Ngân hàng Trung ương các nước khác buộc phải mua số đô la này, để sau đó lại đi mua công trái do Ngân khố Hoa Kỳ phát hành. Khoản dự trữ ngoại tệ này cho phép các Ngân hàng Quốc gia phát hành thêm tiền tệ, Trung Quốc đưa thêm vào lưu thông nhân dân tệ, Brazil phát hành đồng real, Hàn Quốc đồng won v.v.
Tháng 11 năm nay, chính ông Ben Bernake, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ phải thừa nhận rằng hệ thống tiền tệ quốc tế được xây dựng như hiện nay có khiếm khuyết về cơ cấu.
.
.
.
No comments:
Post a Comment