Hạ Long Bụt Sĩ
Saturday, December 25, 2010
Suốt thời Pháp thuộc, trí thức Việt Nam được đào tạo theo khuôn mẫu Pháp, thiên về suy tưởng triết lý, nhưng ngay từ thế kỷ 18, nước Pháp đã ngày một thua kém Anh, ở Anh tinh thần dân chủ đã tiến trước Pháp hàng trăm năm, với Ðại Hiến Chương Magna Carta giới hạn vương quyền từ năm 1215 (so với tinh thần dân chủ Diên Hồng bên ta vào tk 13), với tư tưởng J.Locke từ thế kỷ 17 đã đặt vấn đề dân quyền trước cả Montesquieu và JJ Rousseau (tk 18).
Truyền thống trí thức Anh thiên về khoa học kỹ thuật kinh tế thương mại, không nặng về lý thuyết tranh luận như Pháp, Ðức... từ Francis Bacon (1561- 1626) với tư tưởng khoa học trước Descartes (1596- 1650), Hobbs (1588- 1679) rồi tới một loạt các tư tưởng gia duy nghiệm (empiricists) như Locke, Berkeley, Hume, Burke...suốt tk 17, 18 đã từ Anh chống lại phong trào triết học Duy lý (rationalism) Âu châu...Anh quốc không có triết gia philosophers trên mây nhưng có worldly philosophers là những nhà tư tưởng thực tiễn biết suy luận sát thực tế sinh hoạt xã hội như Adam Smith ( tk 18) với thị trường tự do, luật cung cầu, cạnh tranh thương mại và giá trị lao động, sau này, tk 20, J.M. Keynes đưa ra lập luận kinh tế chú trọng về phần chính quyền phát triển công ăn việc làm tối đa cho dân, lợi nhuận luân lưu trong xã hội tiêu thụ làm tăng trưởng dây chuyền sản xuất và kinh tế do đó phồn thịnh, kế sách này từ sau đệ nhị thế chiến được hầu hết các nước Âu Mỹ áp dụng.
Tới thập niên 1980, nữ Thủ Tướng Thatcher cương quyết khai mở lối đi mới: bỏ “quốc doanh” sang tư doanh, áp dụng môn phái kinh tế thị trường tự do của F.Von Hayeks, song song với 8 năm TT Reagan cũng chủ trương giảm thiểu luật lệ gò bó thị trường, giảm thuế, tư doanh... công cuộc cách mạng kinh tế chuyển đổi cả thế giới, đẩy lui biên cương xã hội chủ nghĩa, làm tan rã khối Cộng, chấm dứt chiến tranh lạnh... nhìn kỹ cũng do Anh quốc dẫn khởi và Hoa Kỳ sát cánh.
Anh cũng có cách mạng, nhưng cách mạng kỹ nghệ không đổ máu như Pháp thời 1789, không có loại Robespierre chém giết cả ngàn người (500,000 người bị bắt và 17,000 người-đa số quí tộc- bị trảm !), không có loạn động xã hội như Pháp hậu bán tk 19, đặc biệt là hai ông Do Thái Ðức K.Marx và F.Engels tuy nằm ở London viết sách sách động, chỉ trích cảnh lao động lam lũ hầm mỏ Manchester bên Anh, nhưng chẳng tạo nên biến động,... dấy loạn thời 1848 chỉ xẩy ra ở Ý, Pháp, Ðức, Ðông Âu, còn trí thức Anh, già dặn, trầm tĩnh, không vướng mắc vào loạn động điên đảo tưởng ấy, đòi hỏi cải cách chính trị dân chủ diễn ra rất sớm và ôn hòa tại nghị trường từ năm 1838 (People’s Charter).
Bảng lược kê sau đây cho thấy diễn tiến chuyển hóa kinh tế xã hội thế giới hiện đại với sự đóng góp tiên phong của Anh và Mỹ :
1936 : Kinh tế gia Anh, M. Keynes xuất bản sách “General Theory of Employment, Interest and Money (Lý thuyết Tổng quát về Việc làm, Lời lãi và Tiền tệ), đặt định lý thuyết vĩ mô và phép điều hành mới cho nền kinh tế tư bản. Sách lược kinh tế của Keynes được các nước Âu Mỹ áp dụng suốt từ Ðệ Nhị Thế chiến 1945 tới 1971 với chính quyền Nixon. Ngay từ năm 1944 tại hội nghị kinh tế quốc tế ở Bretton Woods N.H., Keynes đã đề ra kế hoạch vĩ mô ổn định kinh tế thế giới hậu chiến, World Bank và IMF được đẻ ra từ đây
1944 : Kinh tế gia Hayek (từ Áo qua Anh) đối lại bằng sách “Road to Serfdom” (Ðường tới lệ thuộc), chỉ trích sách lược chính quyền hoạch định chỉ huy kinh tế. Tư tưởng thị trường tự do của Hayek suốt 30 năm không được áp dụng. Năm 1947 Hayek họp một số kinh tế gia đồng quan điểm (như Milton Friedman) ở Mt Pelerin chống lại quan điểm kinh tế chỉ đạo từ trung ương. Năm 1974 Hayek đoạt giải Nobel Kinh Tế, hai năm sau 1976 Milton Friedman cũng lãnh giải Nobel.
1945- Nga và Ðông Âu áp dụng kinh tế chỉ huy, theo sách lược “chỉ huy thượng tầng” (commanding heights) của Lenin từ 1922. Anh quốc với đảng Lao động quốc hữu hóa hầu hết các kỹ nghệ và lập chương trình an sinh xã hội (welfare state)- Pháp dung hợp vừa tự do vừa chỉ huy kinh tế- Ðức được viện trợ theo kế hoạch Marshall, năm 1948 bộ trưởng Erhard bãi bỏ việc kiểm soát giá cả, tạo thị trường tự do làm kinh tế Ðức phục hoạt như một phép lạ.
1947- Ðược trả độc lập, Ấn Ðộ dung hòa chế độ tự do với kinh tế hoạch định theo hướng xã hội.
1949- Tầu Cộng bắt đầu hợp tác xã (collectivization) phá đổ xã hội Trung Hoa với nền kinh tế tư sản gia đình làng xã mấy ngàn năm.
1949- Sáu nước Âu Châu hợp tác trong chương trình Than đá và Kỹ nghệ Sắt Thép, mở đầu tự do giao thương Tây Âu.
1957- Khởi đầu Cộng đồng Kinh tế Âu châu ( EEC) họp ở Rome .
1958- Tầu Cộng trong bước tiến Nhảy Vọt Kỹ nghệ hóa dẫn tới thảm trạng xã hội đói kém suốt mấy năm sau. Năm 1966 lại mở cuộc Cách mạng Văn hóa làm mất cả thế hệ thanh niên sinh viên học sinh vào giáo điều chính trị. Số người chết vì đói, vì đấu tố, lên tới 30-45 triệu người. Việt Nam CS, tuân theo CS Tầu, đấu tố giết hại trả thù khoảng trên 230,000 đảng viên quốc gia, trí thức, trung lưu, điền chủ... ở miền Bắc.
1961- Phác Chính Hy nắm quyền ở Nam Hàn, bắt đầu kế hoạch kỹ nghệ hóa. Đây là một chủ trương độc tài có viễn kiến, đưa xã hội vào kỷ cương, tạo bàn đạp cho công cuộc phát triển đất nước theo hướng dân chủ 25 năm sau.
1964- Chính quyền Johnson ở Mỹ mở Chiến dịch chống Nghèo đói ( War on Poverty).
1968- Tiệp Khắc với ý định đổi mới Xã hội chủ nghĩa, bị Nga Sô đánh dẹp.
1971- TT Nixon theo thuyết Keynes, kiểm soát giá cả thị trường không thành, tạo thêm khan hiếm đắt đỏ lạm phát- Mỹ bỏ kim bản vị ( gold standard), dùng ngân bản vị.
1973- Pinochet, ở Chile, thất bại trong chương trình kinh tế, quay ra cầu cứu nhóm kế hoạch gia kinh tế Ðại Học Chicago chủ trì, theo Hayek và M. Friedman, kinh tế thị trường tự do.
1978- Ðặng Tiểu Bình bãi bỏ hợp tác xã nông nghiệp, nới dần dây xích CS.
1979 – Bà Margaret Thatchet, tân Thủ Tướng Anh Quốc, từng tán thưởng kinh tế sách lược thị trường tự do của Hayek từ thời sinh viên, bắt đầu cuộc cách mạng kinh tế toàn cầu hóa. Năm 1984 tư doanh hóa các kỹ nghệ quốc doanh như British Telecom, đóng các hầm mỏ thua lỗ mặc dù bị nghiệp đoàn công nhân chống đối mạnh.
1979 Lạm phát ở Mỹ lên 13.3%. Paul Volcker, tân Chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang, thắt chặt tiền tệ, tạo suy thoái kinh tế (recession) có dự tính.
1981 Phe tả Mitterand thử nghiệm quốc hữu hóa và không kết nối với các nước Âu Mỹ tư bản ( delinking). Ðược 2 năm, 1983, phải bỏ quốc hữu hóa, trở lại hợp tác với khối Âu Mỹ.
1981 Ðồng chí hướng với Thatcher, TT Reagan đề ra sách lược kinh tế “cung ứng” (supply side economics), giảm thuế khuyến khích cạnh tranh đầu tư, tự do hóa thị trường, giảm thiểu phép tắc quy điều phiền phức, chấm dứt đình công của nghiệp đoàn kiểm soát không lưu ( air controller), cũng như bà Thatcher chấm dứt đình công xuống đường liên tiếp của công nhân hầm mỏ do phe tả dật giây.
1985 Bolivia : lần đầu tiên thử phương pháp cấp cứu chấn động chữa lạm phát phi mã bằng cách triệt để tạo thị trường tự do “ shock therapy”. Phương pháp này cũng áp dụng hữu hiệu cho Ba Lan năm 1990.
1986 Gorbachev đổi mới (glasnost-perestroika), đưa tới chuyển biến lịch sử chấm dứt Chiến tranh Lạnh 1989- Nhân tố quan trọng là cuộc thăm viếng nghiệp đoàn công nhân Solidarity ở Ba Lan của bà Thatcher năm 1985, và quyết tâm giải tỏa độc tài CS của TT Reagan, đã thổi làn gió tự do dân chủ khắp thế giới. Khi bức tường Bá Linh sập thì Tầu lại dập tắt cuộc tranh đấu cho tự do của quần chúng, gồm sinh viên, giáo sư, nhà văn, báo chí, cả công nhân thợ thuyền như tài xế taxi trong vụ Thiên An Môn 1989 ...v..v Rút cục Tầu Cộng mở cửa thị trường nhưng không mở cửa chính trị, buộc VN, Bắc Hàn, vào chế độ nửa này nửa kia, một loại quân phiệt đảng trị nhân danh dân tộc, lèo lái quần chúng khao khát tự do theo định hướng xã hội CS Bắc Kinh !
1988 Thị trường chứng khoán Tokyo lên ngang hàng với thị trường chứng khoán Nữu Ước NYSE- Nhưng hai năm sau, 1990, Nhật Bản bắt đầu xuống dốc do hệ thống ngân hàng lỏng lẻo và thị trường nội địa được trợ cấp quá mức. Phải 12 năm sau, 2002, thị trường Nhật mới vững mạnh lại.
1991 Tân Thủ Tướng Ấn, N. Rao cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do, đạt kết quả tốt.
1992 Nga bãi bỏ kinh tế chỉ huy, thả giá hàng hóa tự do, tư doanh hóa kỹ nghệ.
1994 Hoa Kỳ cải cách chương trình trợ cấp xã hội và đẩy mạnh thị trường tự do toàn cầu hóa- 1996 TT Clinton quân bình ngân sách, thu giảm chính quyền (Big goverment is over).
1997 Tầu Cộng bãi bỏ khu vực kỹ nghệ quốc doanh.
1997 Các nước Á Ðông bị khủng hoảng tài chính, từ Thái, Nam Dương, tới Ðại Hàn, lan tới Nga 1998, tới Mỹ 1999.
1999 Hội nghị thượng đỉnh kinh tế WTO ở Seattle bị phe chống đối toàn cầu hóa lên án. Lần sau họp ở Qatar 2001.
2001 Khủng bố Ả Rập phá hủy WTC trung tâm thương mại thế giới ở Nữu Ước, ngày 9- 11- 2001, làm thị trường tài chính Mỹ và thế giới bị ảnh hưởng. TT Bush trở lại phương sách Keynes, đặt thêm phủ bộ trong chính quyền liên bang, nhằm bảo vệ an ninh quốc nội.
2002 Tiền EURO thay thế tiền 12 nước Âu châu.
Hạ Long Bụt Sĩ
Thursday, July 1, 2010
Nhìn diễn tiến trên, hai nhân vật nổi bật Margaret Thatcher và R. Reagan, hai vị nguyên thủ Anh Mỹ, của thập niên 1980 đã lèo lái thế giới sang một khúc rẽ mới, chấm dứt chiến tranh lạnh, làm sụp đổ thể chế và ý hệ Cộng sản Mác Lê, Stalin, Mao, tạo làn gió tự do thổi mạnh khắp Ðông Tây, gây cơ hội Toàn cầu hóa thị trường tự do khai phóng.
Tháng 4- 2002, bà Thatcher nhận định về tương lai thế giới trong tập sách dầy, Thuật Trị Nước – Sách lược cho thế giới đang chuyển biến– Statecraft- Strategies for a changing world (do Harpes Collins xb), với một số chương dành cho Á Ðông, đặc biệt là bảng so sánh giữa hệ thống Kinh tế tự do và sản lượng GDP: cột Kinh tế ít tự do nhất (least free economies) cho thấy Việt Nam đứng hàng 12 với lợi tức 1850 USD, trong khi ở cột Kinh tế tự do nhất (freest economies), thì Hồng Kông có GDP cao tới 25,257 USD, bảng này cho thấy lợi ích của nền tự do thị trường đem lại sung túc cho dân chúng trong nước.
Bà Thatcher, chịu ảnh hưởng sách lược Kinh tế tự do của Hayek hơn là của Keynes, trong sách “ Cơ chế Tự do” (The Constitution of Liberty- 1960) Hayek viết về một trật tự xã hội mới “ không có quyền lực lớn mạnh từ trung ương xen vào” (without the interventions of omnipotent central authority p. 159- 160), với năm điểm định nghĩa cho tự do dân quyền:
1- Tư hữu (private property)
2- Luật pháp (rule of law)
3- Thái độ tâm lý (attitudes)
4- Văn Hóa (cultures)
5- Thuế khóa
1- Tư hữu (private property)
2- Luật pháp (rule of law)
3- Thái độ tâm lý (attitudes)
4- Văn Hóa (cultures)
5- Thuế khóa
Về phần Tâm lý và Văn hóa, bà Thatcher phân tích khác biệt giữa văn hóa Do Thái Thiên chúa giáo (JudeoChritian) nghiêng về tự do cá nhân, quyền năng sáng tạo và đặc thù của mỗi người ( emphasize the creativity of man and the uniqueness of individual) với các khối văn hóa như Á Phi nghiêng về định mệnh ( fate) và coi nhẹ ý chí tự do ( very limited role for free will...p. 415). Văn hóa Do Thái Thiên Chúa giáo đánh giá cao sự làm việc, con người là nhân chủ của ngoại cảnh sinh sống- man is to be the master of environment- và có nhận thức thời gian như một đường thẳng tiến chứ không tin vào vòng định mệnh với các chu kỳ trở đi trở lại ( sense of linear time, not a deterministic belief in cycles and repeating stages...p. 418). tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ như Nhật Bản, một nước Á Ðông, mà tác giả Statecraft phải nhận là không thua kém gì Âu Mỹ mặc dù với văn hóa tôn giáo khác hẳn JudeoChritian, ở đây giá trị Ðông Phương được đề cao nhưng phải nhận là sự thành công phồn thịnh của Á Ðông cũng nhờ vào phương pháp và kỹ thuật Tây phương (tr. 419) .
Trung Hoa, theo bà Thatcher, phải còn lâu lắm mới đạt được địa vị đại cường quốc về cả mọi mặt kinh tế lẫn xã hội và trước sau chế độ Cộng Sản Tầu cũng sẽ thất bại như CS đã suy sụp ở các vùng khác (In due course Communism will fail in China, as it has elsewhere p. 178). Nhật Bản và Ấn Ðộ là hai cường quốc đứng thế quân bình lực lượng với Tầu ở châu Á. Âu Châu, sở dĩ tiến bộ trước tiên là vì , bà Thatcher dựa theo nhận định của J. Stuart Mill, biết chấp nhận đa phương tiến bộ và đa diện phát triển (plurality of paths for its progressive and many sides of development- On Liberty p.138).
Một nhận định khác, rất sâu sắc của bà Thatcher, về vấn đề công bình xã hội ( social justice) : cái gọi là công bình xã hội từ căn để là bất công ( social justice, fundamentally unjust), bất bình đẳng là cái giá không tránh khỏi của tự do ( inequalities are the inevitable price of freedom...p.432), tác giả nhấn mạnh và giải thích thêm : công bình xã hội có thể đẩy một xã hội tự do xuống dòng nước sâu và hiểm nghèo nếu ngoài việc tạo cơ hội đồng đều lại muốn tạo luôn cả kết quả đồng đều (social justice can take a free society into deeper and more treacherous water if it is applied not only to equality of opportunities but also to equality of outcome...p.432), hệ quả tai hại, cá mè một lứa, dép lớn dép nhỏ bằng nhau, vàng thau lẫn lộn, là khuyết điểm trầm trọng của thể chế Cộng sản và của tất cả mọi thể chế mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, dù ôn hòa đi chăng nữa ( xem tr.432).
Phân tích của bà Thatcher về công bình xã hội thật chí lý : cái gọi là cách mạng xã hội theo chiều hướng cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa trong thực tế chỉ là tạo tình trạng “ con tôm đít lộn đầu” như nhà Nho Học Lạc từng nhận định, hay như chính Lenine cũng phải gọi là bọn vô sản đầu đường xó chợ lưu manh lumpen proletariat dùng bạo lực, dùng số đông, dùng chân lý nòng súng, ăn trên ngồi chốc, một loại giai cấp mới, đảo lộn trật tự xã hội đưa mình lên và dìm người khác xuống. Một số không nhỏ trí thức, nhà văn nhà báo, sôi nổi hùa theo cộng sản, hùa theo tả phái, chống bất công xã hội theo cảm tính xúc động hời hợt, mà không ý thức sâu sắc rằng đi từ bất công đầu lộn xuống bất công đuôi, bất công đầu có thể do một nhóm nhỏ tư bản, phong kiến, độc tài tạo nên, nhưng bất công đuôi lại do bầy lũ mới, đảng trị, phe nhóm lao động bất chính...lật ngược thế cờ xã hội...cả hai, đều có thể tàn nhẫn và bất công như nhau ! Cho nên khởi điểm của chính đạo không phải là tạo cá mè một lứa mà là tạo cơ hội đồng đều : bình đẳng trước pháp luật, có cơ hội đi học, có công ăn việc làm... công bình không có nghĩa là xé áo của người này đắp lên người kia, không phải là trâu buộc ghét trâu ăn, giựt cơm giựt áo cướp nhà cướp ruộng đất của nhau! Công bình xã hội hiểu sai trở thành lối sống của kẻ cướp loại Lương Sơn Bạc, lấy chuyện cướp của người giầu chia cho người nghèo làm lý tưởng mị dân vui chơi, trong thực tế chỉ tạo thêm bất ổn định và không giải quyết được tận gốc vấn đề giầu nghèo trong xã hội. Tác giả Thatcher quyết liệt viết : Từ bỏ trên nguyên tắc quan niệm công bình xã hội nào đặt nhẹ công bình thật sự (Reject in principle concept of social justice which undermine real justice...p.435).
Một quan niệm đứng đắn về công bình xã hội không thể khởi đi từ lòng dạ sân hận, mọi cải cách xã hội, mọi cuộc cách mạng, không thể là những thử nghiệm đổ máu của thành phần này tạo ra cho thành phần khác, lại càng không thể là ý hệ bầy vẽ của các thầy lang băm chính trị, chưa học hỏi, chưa kinh nghiệm gì về cơ động kinh tế xã hội tâm lý...đã vội kê toa chữa trị, chữa bệnh không xong, loay hoay lúng túng, nên dùng cách tẩy não đấu tố triệt hạ bệnh nhân cho hả sân hận uất ức !
Một quan niệm sai lầm trầm trọng của giới chống đối tư bản là quan niệm khinh rẻ kết án tiền tài, bà Thatcher xác định : tiền bạc tự nó trung tính không xấu không tốt, vấn đề quan trọng là biết dùng nó vào việc gì ( money is morally neutral, it’s what you do with that counts...p.435), tư bản có thể dị biệt về văn hóa nhưng tư bản không cần biết chủng tộc nào, ai cũng có thể làm giầu ( capitalism may not be culture blind, but it is colour blind). Ðây có thể giải thích tại sao ở một số nền văn hóa thiên về triết lý, tôn giáo...như ở Pháp, Nga, Tầu, Hàn, Việt...lại có khá nhiều trí thức thiên Cộng tả phái xã hội : nguyên nhân là do sự hiểu sai hoặc hời hợt về vận hành tiền tài kinh tế, do thiếu kinh nghiệm về chế độ tư bản đứng đắn dựa trên tự do dân chủ pháp trị thật sự, chưa biết rõ lợi hại của thể chế, chưa mang lên bàn cân suy xét trầm tĩnh, đã vội vã xúc động chống đối, đã hận thù đốt cháy kiến trúc cũ mà không biết xây kiến trúc nào thay thế! Bà Thatcher và trí thức Anh Mỹ, vốn không mắc vào những xúc động chính trị hời hợt ấy, đã thừa biết : “ Lệ thường, các nhà tu hay các người làm chính trị hay phản đối hệ tư bản là tàn nhẫn bất công và kêu gọi những phương cách đối kháng” ( Traditionally, it has been the clergy as often as politicians who have denounce capitalism as harsh and unfair and call for counter measures. p.433). Thật vậy, các thầy lang băm kinh tế như Marx đưa ra phán quyết loại “ các tận sở năng, các tận sở nhu” ( from each according to his abilities, to each according to his needs), hay như gần đây, phe tả thiên Cộng kết án Hoa Kỳ “ dân số chưa tới 6% thế giới mà tiêu thụ tới 60% tài nguyên thế giới ”..đều là những phê phán dựa trên đạo đức không tưởng, mà quên rằng xã hội loài người cần giải đề tương đối tốt đẹp chứ không thể nói chuyện lý tưởng suông được...nói chia đều miếng cơm manh áo thì dễ, nhưng bắt người này phải chia cho người kia thì khó và dễ đi tới độc tài, hơn nữa, ngay cả nhà tu, ngay cả các nhà hiền triết đạo đức...đã sống êm đẹp với nhau chưa? đã bình đẳng với nhau chưa, đã ngăn ngừa được kẻ tham người ác ngay trong giới mình chưa?...cho nên thực tế, tìm phương thức tương đối hữu hiệu nhân bản tiến tới một thế giới phồn thịnh, 6 tỷ đầu người đủ cơm ăn áo mặc, tránh cá lớn nuốt cá bé, muốn ăn chay thì tự do ăn chay, muốn ăn mặn thì tự do ăn mặn, thiết tưởng thế gian được như vậy cũng đã là hoan hỷ địa rồi vậy! Cho nên các thầy lang băm chính trị, tạo bình đẳng xã hội bằng cách khơi sân hận đấu tranh giai cấp, chặt cây cao cho bằng cây thấp, thật ra chỉ là tạo hỗn loạn đại bất công, tạo lợi thế cho giai cấp mới-new class- đè đầu đè cổ thiên hạ.
*
Nước Anh và dân Anh, cho ta những bài học tổ chức xã hội quý báu : họ gồm nhiều bộ tộc sắc dân sống yên ổn với nhau cả mấy trăm năm, họ đã có thể chế dân chủ trước nhất từ thời Magna Carta 1215 mà không xô xát đổ máu dữ dội như cách mạng Pháp, Nga...họ giải quyết dị biệt tôn giáo tương đối sớm và ôn hòa hơn các nước đại lục châu Âu...Họ không có loại độc tài hay anh hùng cá nhân như Nã Phá Luân, Hitler, Stalin, Mao...họ không đẻ ra loại trí thức không tưởng bàn chuyện trên trời dưới đất siêu hình vu khoát, họ sản xuất ra các nhà kinh tế học lừng danh như Adam Smith, Keynes...các nhà nghiên cứu thiết thực như Malthus với dân số học, Darwin với tiến hóa luận...các khoa học gia và kỹ thuật gia thượng thặng từ Newton đến Hawking ...thám hiểm Nam Bắc cực, lên đỉnh Everest, cho đến phi cơ chiến đấu lên thẳng, điện toán ( 2 ) ...đều bắt đầu từ Anh...dân số chỉ có mấy chục triệu người trên một đảo nhỏ mà cả thế giới phải học nói tiếng Anh, thậm chí đến nhạc mới Beatles, Rolling Stones, túc cầu, quần vợt, golf..cũng từ đảo quốc này lan ra khắp thế giới! Một mình Anh với Churchill đương đầu với Ðức Quốc Xã, một mình Anh giữ tô giới Hồng Kông tới hết hạn trước Tầu Cộng hung hăng, chỉ có Anh mới nhả ra các thuộc địa đúng lúc, êm đẹp và không CS...ngần ấy ưu điểm cũng đủ làm thế giới phải khâm phục, nhất là các ưu điểm lại đạt được trong khoảng lịch sử tương đối ngắn : 1000 năm. Anh, rồi Mỹ , Canada , Úc…là những nước trẻ trung, họ không khoe khoang có 4-5 ngàn năm văn hiến, không có Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, Trống đồng…nhưng hiện đại là lực văn minh hàng đầu của nhân loại, tiền phong trong trào lưu dân chủ tự do vậy.
(Bài đã đăng trên Thế Kỷ 21 khoảng 2003- Cập nhật 12-2010)
---------------------------------------
CHÚ THÍCH
(1) Statecraft do Harper Collins N.Y. xb tháng 4- 2002, giá 34.95 USD, bán trên hầu hết các nhà sách lớn như Borders, Barnes&Nobles...
(2) Charles Babbage ( 1791- 1871) được xem là cha đẻ điện toán với máy Difference Engine 1820 và máy Analytical machine, được cộng tác của con gái thi sĩ Lord Byron là Ada Byron Lovelace ( 1815- 1852). Năm 1991 máy này được chế tạo lại và mang ra thử nghiệm thành máy tính chính xác tới 31 con số digits ! Riêng bà Ada Byron tới năm 1977 được bộ Quốc phòng Mỹ truy tặng là nhà tiền phong của thảo chương điện toán ( programming language ADA)- Tiếp đến Alan Turin với máy Turin machine 1936, Colossus Computer 1941 và Mark II 1944, tới năm 1948 máy EDSAC ở Cambridge. ( xem The Machines that change the world-WGBH-BBC-PBS website)- Anh, Mỹ rồi tới Ðức ( Konrad Zuse 1910- 1990) dẫn đầu trong lãnh vực này.
(3) Gần đây, 9-2010, Thủ tướng kế nhiệm bà Thatcher từ 1997 là Tony Blair cũng viết một tập hồi ký nhan đề A Journey-My Political Life, hồi ký thiên về tự sự, minh chứng cuộc chiến Iraq là cần thiết cho thế giới và lợi ích cho dân Iraq. Ông Blair khi mãn nhiệm để lại 1 tỷ đô la thâm hụt ngân sách ! và không có viễn kiến chính trị toàn cầu như bà Thatcher.
THAM KHẢO
1-Chronology of British History ( Most Noble Order of the Sword-website)
2- Commandingheights- The Battle of ideas- www.pbs.com
3- The Worldly Philosophers- R.Heilbroner
4- The Last 1000 Years –Paragon 1999
5- The Story of Philosophy-Bryan Magee 1998
6- Les Doctrines Economiques – J.Lajugie-PUF
7- Philosophies de notre temps –J.F.Dortier-Editions 1999
8- La Philosophie économique-A.Leroux et A.Marciano- PUF 1998.
9- Tony Blair Memoir : A Journey-My Political Life -Hutchinson xb 1-9-2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment