Wednesday, December 29, 2010

VIỆT NAM BẮT GIAM MỘT NGƯỜI KHMER KROM VÌ TỘI KHIẾU KIỆN ĐẤT ĐAI

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2010-12-29

Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mới ra thông báo tạm giam 90 ngày đối với một người Khmer Krom có quê quán ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, sau khi người này vừa mới trở về nhà hôm 17 tháng 12.

Khiếu kiện đất bị bắt giam 90 ngày để điều tra?

Người này bị chụp mũ tham gia tổ chức phản động và đứng đầu khiếu kiện đất đai bị bắt, tuy nhiên nhiều người Khmer Krom thuộc địa phận này cho biết họ vẫn tiếp tục tổ chức khiếu kiện nếu như Chính quyền không trả lại đất đai.
Người nông dân Khmer Krom bị Công an xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, bắt giam từ hôm 17/12 vẫn chưa được đưa ra xét xử, Trung tá Đào Văn Hùng, trưởng cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang ra thông báo tạm giam vì vi phạm tội hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng.
Trả lời với Đài Á Châu tự do hôm thứ ba, ngày 28/12, Bà Neáng Thuôn vợ của ông Chau Hêng, người bị bắt sau khi trở về từ Thái Lan cho biết, trước đây chồng bà từng bị Chính quyền địa phương chụp mũ ông tham gia các tổ chức phản động và đứng đầu nhiều cuộc khiếu kiện đất đai từ cấp xã đến Trung Ương.
Sau khi ông bị bắt tạm giam tại cơ quan cảnh sát huyện thì gia đình bà thường xuyên liên hệ với cơ quan Công an để biết được tin tức và xin gặp mặt, tuy nhiên bị Công an từ chối. Bà còn cho biết, vào hôm 21/12 vừa qua bà có đến Cơ quan huyện Tri Tôn để xin được thăm nuôi người chồng, nhưng bà lại tiếp tục bị Công an từ chối cho gặp mặt. Bà Neáng Thuôn kể lại:
“Họ nói chỉ tạm giam từ ngày 17 đến 20 sẽ trả tự do cho ông, nhưng vào hôm 21 tôi đến Cơ quan hỏi thì họ vẫn không thả mà lại tăng thêm 87 ngày để đủ 90 ngày. Họ tăng từ 3 ngày lên 3 tháng, hay từ 3 tháng lên 3 năm tùy tiện? Họ bắt ông ấy nhưng họ không đưa ra khởi án mà lại nhốt trong tù. Ông ấy ở trong tù không mùng, mền, tôi đem đồ cho ông ấy nhưng họ không cho gặp mặt. Họ nhận đồ từ tôi nhưng tôi không biết họ có gửi cho chồng tôi hay không?”
Bà Neáng Thuôn còn cho biết, trong lúc bà đến Cơ quan Công an huyện Tri Tôn để được thăm người chồng, Công an trực cổng không cho vào. Công an chỉ nhận hai áo sơ mi, còn áo ấm thì họ không nhận.
Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn cấp cho bà hai giấy thông báo quyết định tạm giam giữ chồng bà vì vi phạm điều 143 tội hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và điều 245 gây rối trật tự công cộng theo Bộ Luật hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Theo giấy thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn mà họ hàng gia đình nạn nhân đọc lại cho Đài Á Châu tự do, thì giấy thông báo thứ nhất Cơ quan này thông báo quyết định tạm giam ông Chau Hêng, 56 tuổi, quê quán ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trong thời gian 3 ngày vì tội danh hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Còn giấy thông báo thứ hai được cấp cùng ngày, thì cho biết: “Công an xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang gửi gia đình bị can ông Chau Hêng. Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thông báo về tạm giam giữ bị can, tạm giam thời gian 87 ngày kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2010 đối với tên Chau Hêng, sinh năm 1954 tại Tri Tôn, An Giang. Nơi đăng ký, Tổ 1, ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chỗ ở: Tổ 1; nghề nghiệp: làm ruộng; Quốc tịch: Việt Nam; đã có hành vi hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, phạm vào điều 143 và 245 Bộ luật hình sự Nước Việt Nam. Nay bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.”

Không đền bù cũng không trả lại đất

Cũng liên quan đến hành động Chính quyền Việt Nam bắt giam ông Chau Hêng, một phụ nữ Khmer Krom khác tên Neáng Han đã nhiều lần tham gia khiếu kiện đất đai cùng ông Chau Hêng trong những năm 2007 và 2008 và từng bị Cơ quan Công an xã Châu Lăng mời đến để làm việc nhiều lần nói rằng, cơ quan Pháp lý của xã Châu Lăng đã từng hứa nhiều lần là trả lại đất đai bị tịch thu trong năm 1978, tuy nhiên giới chức chính quyền xã này chẳng thực hiện.

Bà Neáng Han cho biết:
“Tôi đi khiếu nại tại xã, thì chú Riêng, chức vụ tài chính của xã nói rằng, Chị lấy tiền một mớ để mua bò mua gì nuôi. Tôi chấp nhận. Nhưng sau đó họ mời tôi đến cơ quan, tôi hỏi…Họ nói không giải quyết cho, không bồi thường, đất không trả và tiền cũng không trả.”
Bà Neáng Han khẳng định rằng, bà cũng như cộng đồng Khmer  Krom ở xã Châu Lăng không tổ chức biểu tình mà là tổ chức khiếu kiện đất đai. Riêng phần đất của bà đã bị Chính quyền xã tịch thu 45 Công vào năm 1981 khi bà cùng gia đình trở về từ vùng kinh tế mới. Còn 4 Công khác thì bị chính quyền đào kênh vào năm 1991-1992, cho đến bây giờ vẫn chưa được trả hay bồi thường. Bà bày tỏ:
“Tôi không biểu tình đâu. Tôi xin giải quyết đất tôi. Từ nay sắp tới tôi sẽ thưa hoài, thưa không nghỉ đâu, trừ khi nào đền bù cho tôi mới nghỉ…Có người lấy đất tôi đi bán không phải tù, còn tôi đi xin và thưa đất đai lại bắt bỏ tù…nhà nước làm việc ra sao?”
Một người nông dân Khmer Krom xin giấu tên cũng cho biết, gia đình ông bị Chính quyền huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mượn đất khoảng 30 Công vào giữa năm 1980-1981 để làm kho Công ty lương thực huyện Tri Tôn. Chính quyền hứa rằng, sau khi bãi kho lương thực này, Nhà nước sẽ trả lại. Tuy nhiên kho lương thực được nhà nước bãi gần 20 năm nay, nhưng đất vẫn bị Nhà nước giữ như thường. Ông cho biết:
“Vụ đất cát như chú Hêng, gôm lại khoảng 400-500 người. Giờ nó (chính quyền) không trả thì còn thưa hoài, dứt khoát là không bỏ…Thì cũng phải lo lắng thôi, anh em làm chung nhau. Bây giờ nhà Nước mời lấy lời khai, nó nói giờ đừng tin theo chú Hêng…tin gì? Đất cát ông ấy thì ông ấy làm, đất cát tôi thì tôi làm, có gì mà tin ông ấy. Chuyện ông ấy thì ông ấy làm. Chuyện tôi thì tôi làm. Giấy tờ có đàng hoàng, đâu phải đi ăn cắp, ăn trôm ai đâu mà sợ.”

Còn người dân Khmer Krom khác cho biết rằng, cộng đồng Khmer Krom ở Việt Nam không có hoạt động chống đối Nhà nước hay sáp nhập lãnh thổ với Campuchia. Không có hành động phá hoại hoặc làm hư hỏng hay gây rối trật tự công cộng, nhưng thực tế họ bị mất phần đất để nuôi dưỡng gia đình họ. Ông nhận định thêm:“Liên quan tình hình của ông Chau Hêng đó, tôi là nhà nông dân hiện ngụ tại địa bàn đó, tôi thấy chính phủ Việt Nam làm không công bằng, hợp lý đối với người dân Kampuchia Krom. Do đó, họ kết luận một cái tội ác, rất là không công bằng. Bởi vì ông Chau Hêng mất phần đất là sự thật, không phải là ông tuyên truyền đòi độc lập, hay một nhà Dân chủ. Nhưng mà nói ra, thì chính quyền Việt Nam đã kết luận, kết án một cách phi lý, vô chứng cứ.
Họ không phân biệt được trường hợp ông Chau Hêng có sự thật hay không. Họ sinh sống bởi phần đất nuôi nấng gia đình hoặc họ nuôi nấng cái nồi cơm nhưng chính quyền Việt Nam đàn áp, họ bức áp, họ lấy phần đất của người nông dân Khmer Krom ở huyện Tri Tôn để chia sớt cho cán bộ, để chia sớt cho những người đồng ruột thịt.
Trường hợp ông Chau Hêng, tôi là một nhà nông xin phê phán chính quyền, và xin được cứu xét ông Chau Hêng ra khỏi sự đàn áp của chính quyền Việt Nam.”

Quốc Việt: Thưa ông, ông có nghĩ những hành động này làm tổn thất hay vi phạm nhân quyền người Khmer Krom không?
Nông dân Khmer Krom: Nói ra sự suy nghĩ, nghĩa là chính quyền Việt Nam làm như vậy thì tổn thất quá nặng nề đối với việc đàn áp nhân quyền. Bởi vì nhân quyền thì nước nào cũng vậy, Dân tộc nào cũng vậy, họ khao khát đòi lại những quyền của họ để sống.
Nhưng đối với Chính quyền Việt Nam, như Bác Hồ đã nói chúng ta thương nhau, đùm bọc nhau có nghĩa 63 Dân tộc anh em, tuy nhiên đối với chính quyền Việt Nam hiện nay không thể hiện được quyền Dân chủ đó.
Họ luôn luôn đàn áp, họ bóc lột. Họ kết tụng vụ án, có nghĩa là họ liên kết với vụ này vụ nọ, nhưng lẽ ra Dân tộc Khmer Krom họ hiền chất phát.
Họ không đòi hỏi cái gì, sinh sống chủ yếu muốn được cái đáp ứng về nhu cầu sinh sống về gia đình để con cháu họ được ăn học, được ấm no áo ấm. Nhưng đối với Chính quyền Việt Nam, lúc nào họ thấy tinh thần Dân Chủ thì họ đàn áp, họ nói mình đấu tranh để đòi độc lập, đấu tranh để chống chính quyền Việt Nam, nhưng sự thật thì không có. Tôi là một nhà nông dân, tôi xin phản ánh, tức là không có cơ sở để Việt Nam đàn áp như vậy.

Quốc Việt: Vậy như tình trạng hiện nay thì ông mong muốn thế nào, thưa ông ạ?
Nông dân Khmer Krom: Chúng tôi mong muốn được Hội đồng Quốc tế dành thời gian xem xét những gì cụ thể bởi vì năm nay Việt Nam tuyên bố rằng, họ là một nước Dân chủ, để thể hiện được tình thương, gương mẫu chống tham nhũng. Còn việc không cứu xét các vụ khiếu nại đất đai thì chúng tôi mong muốn rằng, khối ASEAN nhắc nhở Việt Nam sửa chữa những cái gì họ đang làm sai.
Quốc Việt: Xin Cám ơn ông.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: