Thursday, December 30, 2010

DẠ TIỆC QUỶ - Chương 8 : GẦM BÀN THỜ (Võ Thị Hảo)

29-12-2010

Chiếc ô tô Mercedes màu đen, biển số xanh trờ tới, ghé êm ru trước thềm nhà.
Bà Cả đưa hai tay che mắt kèm nhèm nhìn ra.
Bỗng bà giật thót người, quay vào quơ vội mấy cái áo quần vứt lơ vơ trên phản, giấu dưới mặt chiếu, trở mặt vào trong quát:
- Thằng Tám! Xuống ngay chỗ cối giã, ngồi vào xó của mày. Ngồi đâu chết dí đấy! Cấm chỉ mày bộn mảng ra nhà ngoài. Bố mày mang khách về đấy!

Đó là một thằng bé màu vàng nghệ, cao bằng cái kiềng tre trong xó bếp, mắt không lông mi, tròn xoe không chớp, khó đoán biết được nó có nhìn thấy gì hay không. Bốn cái tai mỏng dính, loe ra như bốn cái mộc nhĩ đeo rất sinh động gần má, biết vẫy như tai chó. Cái chân thứ ba thòng xuống chạm đất, nhỏ bằng ngón tay cái, tựa cái đuôi trọc lông nhưng lại kết thúc bằng một chiếc móng guốc. Hễ nó di chuyển một bước thì cái đuôi lại chống xuống đất một nhát nghe cộc một tiếng như móng ngựa.

Nghe tiếng nói của bà Cả, thằng Tám liền cười hềnh hệch. Nó leo tót lên xà nhà. Cái đuôi có móng guốc quấn vào những thanh xà bằng gỗ xoan rồi chốt lại chắc chắn như cái đinh vít. Nó ngồi trên xà nhà, đung đưa hai tay và hai chân còn lại, nhìn bà Cả một cách thách thức.

Tốp người mặc complet đen đắt tiền bước qua hàng rào râm bụt phía ngoài cổng. Đi sau là một người mặc bộ quần áo nâu, chân dép lốp.

Bà Cả hoảng hốt chạy đi lấy cái câu liêm dựng trong góc nhà, chọc lên chỗ thằng Tám đang leo. Chọc chỗ này nó nhẩy vút ra chỗ khác. Bà Cả nhướn đôi mắt kèm nhèm lông quặm lên theo dõi thằng con ba chân cứ leo trèo vun vút, đu từ đòn tay này sang đòn tay khác, mồm nhọn hoắt hết nhệch sang bên phải lại sang bên trái theo nhịp tay. Bà mỏi rã rời vẫn không thể chọc trúng thằng con ngỗ ngược.

Tiếng chân đã gần đến thềm. Bà Cả càng hoảng hốt, vứt cây sào nhìn lên, chắp hai tay khóc mếu ngước nhìn thằng Tám:
- Tao lạy mày! Mày xuống cho tao nhờ! Cái thằng oan gia oan nghiệt kia! Bố mày nhiều lần suýt giết mày rồi đấy! Mày còn chưa tởn à, của nợ kia. Tao lạy lục mãi, bố mày mới để mày đến bây giờ đấy con ạ. Xuống ngay! Mẹ giấu mày vào ổ, rồi chốc bố mày đi, mẹ cho ăn bỏng nếp.

Thằng bé liền cười lên sằng sặc, nhảy vút từ trên xà nhà xuống tay bà Cả. Bà lật đật bế thốc thằng Tám chạy xuống chái nhà, giấu nó vào sau cối xay và cối giã gạo, trong cái ổ lót chăn bông của nó, dài vừa bằng một cái dậm xúc tép và có cạp tròn như một cái thuyền thúng.

Bà rủa:
- Ngồi đây! Thằng chó con! Mày mà ra ngoài đó, bố mày biết lại đánh tuốt xác cả mẹ lẫn con!

Bà cẩn thận tròng cái dây xích vào cổ chân thằng bé, đặt vào dậm cho nó mấy quả khế rồi đi lên nhà.

Bà chỉ kịp vấn lại tóc, thay chiếc áo lụa đã rung rúc bằng chiếc áo gấm hoa đỏ treo trong buồng, chỉ mặc mỗi khi có khách ở tỉnh ở huyện về thăm. Bà có tới năm chiếc áo gấm mới may, từ hồi ông Dậm lên làm cán bộ lãnh đạo trên tỉnh. Nhưng bà tiếc của, nhớ lại những ngày khố rách áo ôm buộc vạt váy thành một nùi trước bụng, theo chồng đi đánh dậm, nên nhiều lần cứ mặc vào, lại tấm tắc ngắm nhìn, lại cởi ra, treo lên mắc. Bà nói với thằng Tư:
- Thế này là đẹp lắm rồi. Còn đẹp hơn cả áo con mụ Cử thời Cải cách...

Ông Dậm bước vào nhà.

Quần áo bà ba nâu, guốc mộc, phong thái ung dung đủng đỉnh, trông ông Dậm bây giờ thật là hiền lành đức độ, khác hẳn với ngày xưa, hễ mở mồm ra là chửi bới hàng xóm, nhiều lần trói vợ ngoài gốc cau và hơi chút là đá đít tạt tai con cái, thậm chí còn dùng gạch đập đầu chúng chảy máu luễ loã.

Ông Dậm bây giờ là một người không tuổi. Tất cả những gian giảo thâm hiểm của ông nếu trước đây lồ lộ trên mặt, thì nay, sau rất nhiều dụng công tập tành lại chịu khó học bình dân học vụ, đã lùi vào ẩn sâu dưới đáy mắt.

Chỉ thỉnh thoảng, từ đáy mắt, một tia độc ác lại trồi lên, thè ra khỏi mắt như nọc độc trên lưỡi rắn, loé chớp vào người đối diện, rồi lại ẩn đi ngay. Khi kẻ đối diện giật mình trước chớp loé đó mà nhìn lại, thì đã thấy một ánh mắt hiền từ, một nụ cười bao dung và một phong thái khoan thai.

Bà Dậm lật đật ra đón khách.
Ông Dậm âu yếm nhìn bà Dậm, cười hiền từ:
- Nhà đấy à? Tôi bận việc nước. Lâu không gặp, nhà vẫn khoẻ đấy chứ?

Bà Dậm lúng túng không biết đáp lời ra sao, co rúm lại như con nhái bén trước con rắn, luống cuống đưa hai tay dâng khay nước:
- Lạy các ông, mời các ông xơi nước ạ!

Ông Dậm cau mặt, nhưng vẫn cười khà khà:
- Đấy, nhà tôi được cái cứ giữ nếp chân quê, bao nhiêu năm rồi vẫn cứ thói quen khiêm tốn như thế với các đồng chí của chồng. Này nhà ơi! Tôi đã dặn nhà bao lần rồi! Đó là các đồng chí cấp dưới thân thiết của tôi. Khăng khít môi hở răng lạnh. Cứ bình đẳng mà xưng hô thôi, bà cứ làm như thời phong kiến.

Đám tùy tùng của ông Dậm cười nói rộn ràng. Anh chàng trợ lý kín đáo khuân một bọc quà lớn đặt vào tay bà Cả, thầm nhủ rằng bọc này thì lớn, nhưng bất quá cũng chỉ vài cân kẹo bánh hoa quả và ít tiền. Cái bọc quà mà ông Dậm vẫn nhận hàng tháng, nhất là vào dịp cuối năm thì nhỏ, nhưng lại có thể mua được cả triệu bọc quà này và ông Dậm giấu chúng nhanh như chớp vào những chỗ chỉ có trời biết.

Vẫn ngôi nhà của ông bà Cử xưa. Dù qua bao thăng trầm, vẫn phảng phất không khí thâm u huyền hoặc.

Nhìn bề ngoài, ông Dậm trông khoan thai và oai phong, nhưng hễ vừa bước chân lên nhà, là ông mất ngay vẻ tự tin đắc chí. Trông ông lại như người đến làm công hoặc kẻ hầu người hạ chủ nhà, dù ngôi nhà hiện đã bị thay đổi rất nhiều về cách bày biện đồ đạc.

Những hòn non bộ sơn thuỷ hữu tình giờ khô cạn nước nằm chỏng chơ. Những luống hoa hồng, những khóm hải đường và mộc lan thơm ngát ngày nào, nay đã bị đốn đi và trồng thế vào những luống cà và rau dền. Cỏ gà, cỏ gấu và rau cỏ mực mọc tràn lan. Đám chậu cảnh men lam, được ghi rõ niên hiệu đời Tống thì được hàn xi măng ở lỗ thoát nước dưới đáy chậu làm chỗ trữ nước tiểu hoặc ủ phân.

Cả đám tuỳ tùng của ông Dậm ngồi uống trà một lúc, rồi biết ý vờ ra ngoài cổng ngắm đồng ruộng, ngắm khu phố, kéo nhau sang nhà hàng của đám con ông Dậm để đặt tiệc trước, đương nhiên là do công quỹ chi trả. Họ cố vắt óc nghĩ ra những món thật đắt tiền. Được đi cùng thủ trưởng là một dịp may để tỏ lòng trung thành, phải đến nhà hàng của con thủ trưởng để đặt những bữa tiệc lớn. Sơ suất mà quên không đặt tiệc là sớm muộn cũng có chuyện.

Họ cũng biết, dù là bố con thật đấy nhưng trong số tiền lãi do kinh doanh nhà hàng mà con ông Dậm thu được, đứa con gái ông phải ghi lại thật rành mạch và chi cho bố một phần lớn. Hàng tháng, cô con gái vẫn phải đi lên tỉnh để chuyển số tiền này cho bố, không được phép chậm trễ.

Đám khách đi rồi, ông Dậm bước vào gian nhà thờ.

Nền gạch hoa quý phái trước đây đã bị bóc đi một khoảng bằng chiếc chiếu, thay bằng đất nện. Bàn thờ nhà ông Cử đã bị phá tan, Bài vị đốt làm củi. Gỗ sơn son đem làm chuồng lợn, hoặc thả trôi sông sau khi mẹ trẻ Phượng thắt cổ chết. Thay vào đó là bàn thờ nhà ông Dậm.

Không bài vị. Chỉ có một lư hương. Trên bàn thờ độc một câu khẩu hiệu đỏ rực, căng ngang phủ một lớp bụi dày:
- Kiên quyết giữ vững lập trường cách mạng. Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ.
Bàn thờ này ông Dậm đã nhiều lần phô ra cho nhiều đám khách ở huyện, tỉnh xem để tính điểm lập trường. Câu khẩu hiệu này đã từng làm rạng danh ông, giúp ông thăng tiến trên bước đường hoạn lộ.

Bây giờ thì thời thế đã đổi khác.

Sau ba lần làm lại lý lịch và giấy khai sinh, ông Dậm từ chỗ trình độ văn hoá chỉ lớp bảy bình dân học vụ, đã có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học loại trung bình, rồi có bằng đại học Luật hệ chính quy loại khá, mua với giá chỉ ngang một con trâu.

Tuổi cũng vậy, sau ba lần khai lại tuổi, ông Dậm trẻ đi chừng mười lăm tuổi. May mắn là trước đây bố mẹ ông đi đánh dậm, đẻ ông ngoài hốc cây, túp lều bên sông, không ai để ý, không có giấy khai sinh gốc, mà người làng cũng không ai để ý biết ông bao nhiêu tuổi, nên những lần làm lại giấy khai sinh lộ liễu, không bị ai phát hiện. Cái anh văn thư tình cờ phát hiện ông Dậm khai man tuổi đã trót lỡ lời thì đã bị ông đầy đi B và đã mất tích từ bao nhiêu năm nay.

Ông Dậm bỏ guốc ra, bước vào mảnh đất nện bằng chiếc chiếu giữa nền gạch hoa.
Mười ngón chân của ông như mười con đỉa trâu to bự bám vào nền đất nện.
Đôi ngón chân cái ông choãi ra, bám chặt lấy nền đất.
Ông cảm thấy một luồng mát rượi chạy suốt từ gan bàn chân, mát lên tận óc.
Tôn giáo của ông là đất.

Cứ mỗi khi mệt mỏi, cảm thấy có nhiều điều lo lắng, ông Dậm lại trở về cái bàn thờ này, mảnh đất nện bằng chiếc chiếu này và ông nhớ lại những ngày ông đi chân đất lội ruộng.
Ông nhớ lại những cực nhục ngày xưa, bụng đói mắt mờ, trời rét căm căm dầm mình đánh dậm, bị người đời khinh miệt vì bán tép đong gian cho người ta.
Mảnh đất này nhắc ông nhớ lại những ngày đó. Và ông lập tức lấy lại được nghị lực, chí kiên cường. Đi ra ngoài, dù có thế nào, vẫn không cực nhục bằng cái thời ông còn đánh dậm ở mảnh đất này.

Ông Dậm nằm úp sấp xuống, đưa lưỡi liếm vào đất, miệng lẩm nhẩm vài lời khấn.
Bỗng ông Dậm nghe một tràng cười khành khạch từ trên cao.
Ông giật mình nhìn lên, đã thấy thằng Tám đang đu ngất ngưởng trên xà nhà. Ba cái chân cùng vẫy chào ông, nước da màu vàng nghệ càng vàng ệch dưới ánh tranh tối tranh sáng của gian nhà thờ.

- Cha cha!
Thằng Tám gọi, đôi mắt không con ngươi, to tròn không lông mi nhìn ông không chớp.

Ông Dậm tức tối đứng dậy. Đôi mắt ông vằn tia máu:
- Con mụ ngu xuẩn kia! Tao đã bảo bao nhiêu lần rồi mà vẫn cứ khu khư giữ cái thằng oan gia này trong nhà à?

Bà Cả lật đật chạy lên:
- Ơ kìa, trước lúc ông về, tôi đã xích nó vào trong xó của nó rồi mà, đâu dám để phiền đến ông!
- Mày là cái thằng quái thai, thằng oan gia. Mày ám quẻ tao cả đời!
- Cha cha!
Thằng Tám vẫn cười, nhìn ông không chớp.

Ông Dậm điên tiết vớ lấy cái câu liêm, dùng hết sức của đôi cánh tay vạm vỡ chọc lấy chọc để lên xà nhà để truy đuổi thằng Tám. Ông hùng hổ chọc cho kỳ trúng thằng bé.
Thằng bé lúc đầu còn chuyền đi chuyền lại từ đòn tay này sang đòn tay khác, chạy quanh trên nóc nhà. Ông Dậm càng điên tiết.

Ông gằn giọng:
- Lần này, tao sẽ cho mày chết luôn! Mày làm tao cứ nhớ đến con mẹ trẻ Phượng và những đứa thắt cổ ở nhà này. Đêm nào tao cũng cứ thấy chúng đung đưa trên đầu dây thòng lọng. Đích thị là nòi oan gia nhà mày!

Bà Cả ngạc nhiên, van vỉ:
- Kìa ông! Doạ cho con nó sợ thôi, đừng chọc nhiều thế làm nó đau! Giọt máu của ông mà!

Ông Dậm quay sang tát vào mặt bà Cả:
- Chỉ tại mày! Trăm sự chỉ tại mày. Lúc nào cũng như trái cau điếc. Sinh ra một lũ oan gia! Hôm nay tao phải đập chết thằng này.

Cơn điên của ông Dậm càng nổi lên. Ông không chọc nữa, ông dùng câu liêm lia ngang lia dọc trên xà nhà.
Giờ thì thằng Tám không thể chạy nổi nữa.
Thân mình nó rớt máu ròng ròng vì lưỡi câu liêm sắc lẻm va phải. Nó cố đu bám xà nhà một chốc, nhưng rồi yếu sức dần dà, cái chân thứ ba rã rời, buông ra. Thằng Tám rớt bộp ngay xuống chân ông Dậm.
Ông Dậm tóm lấy nó, giơ cao lên như giơ một con mèo, đập thằng bé xuống chân bàn thờ.

Bà Cả rú lên một tiếng.
Thằng Tám giẫy dụa vài cái, miệng thều thào:
- Cha cha!...
Rồi thở hắt ra. Nó nằm im lìm trên mặt đất, sau một cái giẫy mạnh.
Máu thằng Tám chảy ướt cả mặt đất nện trước bàn thờ.
Hoá ra đó là một dòng máu đặc quánh, hồng tươi, chiếu rực lên trong ánh tranh tối tranh sáng của bàn thờ.
Gian nhà thờ bỗng rạng lên như nắng chiếu vào.

- Vô... phúc...V... ô.... ô... ph... ú... c...

Một lời nguyền rủa nghe như xa lắm, thoảng như gió thổi, tạt qua, lạnh buốt gáy ông Dậm.
Ông dậm thấy lõng thõng trước mặt hai thây người đong đưa, đôi chân đi hài xinh xắn, muốt trắng thòng trước mặt ông.
Ông Dậm hớt hải dợm bỏ chạy.
Bà Cả ôm lấy xác thằng Tám, khóc không ra tiếng, nhìn ông căm hờn.

Ông Dậm quay lại.
Xử ra sao với xác thằng Tám đây?
Ngoài kia, chỉ ở bên cạnh thôi, trong nhà hàng của con Năm, cả lũ tuỳ tùng của ông đang nhốn nháo chờ ông bên đó.

Ông Dậm nghĩ ra một cách.
Ông thét gọi bà Cả lấy cái cuốc.
Ông hùng hục cuốc lấy một hố sâu chừng một mét rưỡi dưới chân bàn thờ.
Dù đã lâu ngày không đụng đến cái cuốc, nhưng ông vẫn sử dụng thành thạo với sức khoẻ phi thường. Phải làm thật nhanh. Nếu không, sẽ có người biết việc ông giết thằng con quái thai và đem tố cáo!

Ông đào xong cái hố trong vòng mười phút.
Ông vứt thằng Tám xuống hố, rắc túi vôi bột mà bà Cả vẫn đem thả xuống ruộng chống đỉa mỗi khi lội bùn bà luôn trữ sẵn ở xó cối xay. Cuối cùng, ông chèn một cái chiếu rồi một cái cối đá lên trên xác thằng bé.
Rồi lấp đất lại. ông lại chui xuống gầm sập gụ, lấy ra những viên gạch hoa đã bóc ra từ ngày trước, lát lên như cũ.

Nền nhà thờ lại phẳng phiu như chưa từng bị bóc mất mấy viên gạch. Như chưa từng có nền đất nện. Chưa từng có cái xác của thằng Tám nằm dưới lớp vôi bột, dưới một chiếc chiếu bị gập làm tư và một cái cối đá. Cuối cùng là lớp đất thấm máu hồng tươi của nó.

Bà Cả kinh hãi nhìn tất cả những việc ông chồng làm mà chết lặng, không kêu được một tiếng. Mọi việc diễn ra nhanh quá sức tưởng tượng. Chỉ trong vòng ba mươi phút. Không bằng bên nhà hàng của con Năm, người ta dọn một bữa cơm.

Thằng Tám của bà, thằng con có ba chân. Nỗi tủi nhục của gia đình bà. Ai cũng mong nó chết, trừ bà.

Vì bà đã trở nên lạc lõng trong cái thế giới lạ lùng rủng rỉnh tiền của và quyền lực của ông chồng, của những đứa con. Thằng Hai, thằng Ba giờ cũng làm cán bộ trên tỉnh. Bà là con chó giữ nhà, mỗi khi ông Dậm dẫn khách ở trung ương về để trưng ra với thiên hạ rằng ông chung thuỷ, ông dịu dàng, ông giữ nề nếp gia đình đến thế nào. Dù có bà vợ già héo quắt như quả mận khô, ông vẫn có trách nhiệm, vẫn không ruồng rẫy. Vẫn là người đạo cao đức trọng có thể đi dạy dỗ làm gương cho thiên hạ.

Chỉ có thằng Tám.
Dù nó là đứa con quái thai, bị cả nhà ghẻ lạnh. Ông Dậm đã định giết nó ngay từ khi sơ sinh. Nhưng với bà, thằng Tám là người gần gũi bà nhất.

Thằng Lình - đứa con trai cả rất thương bà, vẫn đứng ra đỡ đòn cho mẹ mỗi khi ông Dậm đánh, thì đã ôm con Miên đi biệt tích, không thấy về.

Ông Dậm bước ra chỗ bể nước, lấy xà phòng xát lấy xát để lên đôi bàn tay vấy máu, đưa mắt kín đáo nhìn quanh.
Căn nhà vẫn vắng lặng. Bên nhà hàng của con Năm vẫn huyên náo. Nhưng tất cả thực khách đều đang ở trong những căn phòng máy lạnh kín mít.

Ông Dậm yên tâm dội nước cho đôi tay thật sạch. Đôi tay chuối mắn của ông đã lại trắng trẻo hồng hào như đôi tay của một bí thư, hoàn toàn có đủ tư cách vung lên, chỉ sang phải sang trái để giảng giải và chỉ đạo.

Ông Dậm quay vào, rít giọng với bà Cả đang nằm phủ phục trên nền gạch hoa mới lát - cái mộ phẳng của thằng Tám:
- Câm mồm. Chỉ tao và mày biết việc này! Hở ra thì mày biết rồi đấy. Mày biết tao có thể làm những gì!

Rồi ông đứng dậy, quay ra gọi bà Cả, giọng hách dịch, dặn: Ai hỏi thằng Tám cứ bảo nó bỏ đi đâu không biết. Mà ai quan tâm đến một thằng quái thai!

Rồi ông Dậm khoan thai bước ra ngoài, sau khi đã đứng trước gương xem xét thật kỹ bộ quần áo nâu, mặt mũi chân tay và toàn thân, cố để ý xem có vết máu nào dây ra không.
Ông thở phào yên tâm. Máu của thằng Tám quá ít. Nó quá bé nhỏ.

Ông Dậm bước sang nhà hàng bên cạnh. Nhà của con Năm. Tất cả đều là của ông. Những dãy nhà hàng này, khách sạn này.
Ông nhớ đến số vàng và kim cương mà ông đã tích trữ được trong chiếc két chôn ngầm dưới đất, trong tầng hầm một ngôi nhà nhỏ của ông trên tỉnh.

Không biết để làm gì, thỉnh thoảng ông chỉ giở ra để ngắm.
Những thoi vàng và kim cương chói sáng. Nhiều đến mức ông không biết để làm gì.
Ngày ngày, ông xuống tầng hầm, mở chúng ra và ngắm, như một kẻ thủ dâm phải nhìn thấy một chiếc quần lót của đàn bà thì mới giải toả được cơn thèm khát.
Ông Dậm cũng vậy! Ông thủ dâm bằng vàng và kim cương.

Ông đĩnh đạc bước tới căn phòng lớn nhất, con Năm vẫn dùng để thết khách quan trọng. Không đợi cậu trợ lý mở cửa đón, ông gạt ra, với một phong thái sang cả cố hạ mình tỏ ra bình dân, vẫn trong bộ quần áo nâu, ông nói, giọng sang sảng và hóm hỉnh:
- Anh em chờ có lâu không? Bận rộn quá, lâu ngày không về, cũng phải an ủi bà ấy chút đỉnh.

Ông nháy mắt. Tất cả đám tuỳ tùng bắt được nhịp, cười rộ lên vui vẻ...

© DCVOnline
© danlambao

-----------------------------

Dạ tiệc quỷ
Dạ tiệc quỷ - chương 1: Lời nguyền
Võ Thị Hảo -  17-12- 2010
.
.
.

No comments: