Thursday, December 30, 2010

CÁC MỐI NGUY CƠ NGHIÊM TRỌNG TRONG NĂM 2010 (Đại Dương)

Đại Dương
Dec 30th, 2010

Cơn suy trầm kinh tế kéo dài từ năm 2008 đã giáng một đòn chí mạng vào cuộc sống nhân loại, tuy nhiên, Trung Quốc, Nga cố tình khai thác bối cảnh khó khăn này để chứng tỏ quyền lực trên trường quốc tế.
Nhân loại chung lưng đấu cật, chia sẻ khó khăn đã nhìn thấy ánh sáng le lói, yếu ớt cuối đường hầm suy trầm vào cuối năm 2009, cùng lúc phải đối diện với các mối đe dọa mới của chủ nghĩa khủng bố; hiểm họa từ chủ nghĩa Đại Hán; nguy cơ vỡ nợ toàn cầu; và thùng thuốc nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố
Sau 9 năm Âu-Mỹ chuyển mặt trận chống chủ nghĩa khủng bố sang Iraq và A Phú Hãn mà al-Qaeda cũng như các nhóm Hồi giáo quá khích chẳng những phát triển ở các xứ theo Đạo Hồi lại còn mở rộng sang Tây Phương.
Phải chăng Âu Mỹ đã nhận thức phiến diện đối với thế giới Hồi giáo nên thiếu chiến lược toàn diện?
Nhân loại bị ru ngủ bởi lối tuyên truyền “Hồi giáo chủ trương hòa bình” mà quên mất thực tế phủ phàng trước cuộc chiến đẫm máu suốt dòng lịch sử Đạo Hồi giữa các phe phái. Cùng một dòng máu, chung tín ngưỡng mà chẳng tha thứ, dung nạp, tôn trọng lẫn nhau thì làm sao có thể chung sống hòa bình với dân tộc khác?
Bạo lực không chỉ ở trong đầu của tổ chức al-Qaeda, các nhóm dân quân cực đoan mà chảy trong huyết quản của của người Hồi giáo. Người Âu, Mỹ, Á cải đạo sang Hồi giáo bổng chốc trở thành cực đoan, cuồng tín, sẵn sàng tham gia các hoạt động khủng bố nhắm vào thường dân.
Hoa Kỳ và đồng ninh Châu Âu tốn quá nhiều công của để tiêu diệt hoặc loại trừ al-Qaeda, các nhóm Hồi giáo quá khích, cũng như ra sức phá vỡ hoặc bám sát các tiểu tổ (cell) ẩn mình trong xã hội.
Nhưng, đã cưu mang các giáo sĩ Đạo Hồi bị quốc gia gốc trục xuất, rồi nhân danh việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo để cho các “giáo sĩ gieo họa” này “thổi” tư tưởng bạo lực vào cộng đồng Hồi giáo tại quốc gia cưu mang.
Di dân Hồi giáo khó cởi bỏ di sản mang theo để hội nhập vào xã hội văn minh như ước nguyện trước khi xa lìa đất tổ vì bị các giáo sĩ trùm lên đầu Luật Sharia. Nhiều công dân Âu, Mỹ, Á gốc Hồi giáo đã đến Châu Âu, Nam Á tham gia thánh chiến hoặc trau dồi kỹ thuật khủng bố để sử dụng trên quê hương thứ hai.
Tín đồ Đạo Hồi khắp thế giới bổ sung quân số cho al-Qaeda, các nhóm du kích Hồi giáo, góp tiền dưới nhiều hình thức khác nhau cần bị đối xử như kẻ đồng lõa với chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Vụ Bật mí Toàn thư (WikiLeaks) đã xới lên đợt tranh cãi về quyền tự do thông tin. Tin tặc Julian Assange, 46 tuổi, công dân Úc Đại Lợi nhờ thiên phú đã bẻ trộm khóa các máy điện toán để đánh cắp nhiều loại tài liệu mật khác nhau rồi công bố trên mạng toàn cầu.
Bẻ khóa tài sản người khác, bẻ khóa động đào đều bị ghép tội hình sự. Lấy cắp tài liệu mật liên quan đến quốc phòng và an ninh công cộng bị quy vào tội gián điệp.
Bật mí Toàn thư đã công bố những vị trí cơ mật của Mỹ trên toàn cầu đã giúp cho những kẻ âm mưu khủng bố rút ngắn thời gian điều tra và nghiên cứu.
Quyền công bố thông tin đánh cắp có nên đặt trên sự an nguy của cộng đồng cư dân hoặc dân tộc hay không?

Nguy cơ từ chủ nghĩa Đại Hán:
Bắc Kinh từ bỏ chính sách ẩn mình của Đặng Tiểu Bình để ra mặt thách đố quốc tế khi chiếm hạng nhì về GDP, nhưng lợi tức bình quân chỉ đứng thứ 98 trên thế giới buộc cộng đồng nhân loại lưu ý và xúc tiến các biện pháp đối phó.
Trung Quốc bắt đầu diễu võ giương oai hầu áp đặt một thế giới mới dưới sự lãnh đạo của G-2 (Mỹ và Tàu).
Bắc Kinh đơn phương xác lập chủ quyền trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (Economic Exclusive Zone, EEZ). Luật Biển 1982 chỉ quy định quyền khái thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng EEZ cho quốc gia duyên hải nên EEZ được coi như vùng biển quốc tế.
Tháng 5/2009, Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc về đường Lưỡi Bò chiếm 80% diện tích Nam Hải (còn gọi là Biển Đông hoặc Biển Đông Nam Á) bao trọn hai Quần Đảo Paracel và Spratly.
Bắc Kinh đòi giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông Nam Á không có quốc tế tham dự và bằng đàm phán song phương.
Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương nên cho các tàu Ngư Chính tuần tra thường xuyên vùng Biển Đông Nam Á.
Ngư thuyền Mẫn Tấn của Trung Quốc vào vùng Quần đảo Senkaku hôm 06/09/2010 và cố tình húc vào hai tuần duyên đỉnh thuộc Cục Phòng vệ Duyên hải Nhật Bản nên bị bắt vì vi phạm luật hàng hải quốc tế. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Nhật Bản bị buộc phải từ bỏ chủ quyền trên tất cả các đảo đã chiếm giữ ngoại trừ Senkaku. Thuyền trường tàu đánh cá này được đón tiếp như anh hùng khi được thả về Trung Quốc.
Hôm 18/12/2010, một ngư thuyền Trung Quốc cố tình đâm vào tuần duyên đỉnh của Nam Hàn để giải vây cho 50 chiếc khác đang đánh cá lậu và gây xung đột với Hải Quân Nam Hàn tại Hoàng Hải nên bị chìm làm 1 chết, 2 mất tích.
Bắc Kinh chỉ dám dùng 5 ngư thuyền để quấy nhiễu hải dương hạm USNS Impeccable của Mỹ hồi 08/03/2009 buộc Hoa Thịnh Đốn phải phái một khu trục hạm đến bảo vệ cho USNS hoàn thành nhiệm vụ.
Hồi tháng 3/2010, Trưởng ban Đối ngoại của đảng Cộng sản, Đới Bỉnh Quốc đã nói Nam Hải là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” lập tức bị Ngoại trưởng Hillary Clinton phản đối. Viên chức quân và dân sự, phóng viên, bình luận gia Trung Quốc đều coi chủ quyền Nam Hải giống như Tây Tạng, Đài Loan. Gặp phản ứng gay gắt, Bắc Kinh tung hỏa mù và hạ xuống cấp “lợi ích quan trọng”.
Dấu hiệu bành trướng của Trung Quốc làm cho quốc tế e ngại. Mỗi nước trong Tổ chức ASEAN không còn tự đàm phán trực tiếp với Trung Quốc mà đã thấy nhu cầu đối thoại giữa Tổ chức và Bắc Kinh. Đồng thời, hân hoan trước quyết định chính thức trở lại khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ.
Ngoài căn cứ Hải Quân Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam, Bắc Kinh còn xây 3 hải cảng nước sâu tại Pakistan, Myanmar (tức Burma), Sri Lanka để Hải Quân Trung Quốc xuất phát ra đại dương.
Hoa Kỳ đã cho xây siêu căn quân sự trị giá 3 tỉ USD trên đảo Guam sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm, là căn cứ lớn nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Mỹ cũng chi 175 triệu để nâng cấp đảo Diego Garcia thuộc Anh cách Sri Lanka 1,000 km.
Thay vì xuất cảng cách mạng bạo lực như quá khứ, Bắc Kinh đã tung tiền đầu tư khắp thế giới, đặc biệt tại Châu Phi và bán đảo Đông Dương nhờ khối trữ tệ gần 2,000 tỉ USD và do nhu cầu nhiên liệu cho “nhà máy sản xuất thế giới”.
Tại Châu Phi, Bắc Kinh đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm đổi lấy dầu hỏa hoặc ca cao, đồng thời bán vũ khí, huấn luyện quân sự cho các đội quân bản xứ. Trung Quốc xây dựng 6 Đặc khu Hợp tác Kinh tế và Mậu dịch (Special Trade and Economic cooperation zone) tốn 250 tỉ USD theo mô hình Trung Quốc để cho các công ty di chuyển hoạt động độc hại khỏi Hoa Lục. Kim ngạch thương mại Trung Quốc-Châu Phi lên tới 115 tỉ USD trong 11 tháng của 2010 so với 11 tỉ của 2000.
Trung Quốc đổ hàng tỉ mỹ kim vào Cambode để đánh bật ảnh hưởng của Việt Nam với các công trình lớn về địa ốc, đường sắt, thủy điện, cùng với viện trợ quân sự. Từ đó, ảnh hưởng đến nền chính trị buộc Hun Sen phải theo chỉ thị của Bắc Kinh. Bộ trưởng Nội vụ, Sar Kheng đã chua chát “Chẳng khác gì một quốc gia trong một quốc gia”.
Các Dự án khai thác bauxit, thuê rừng dài hạn và áp lực chính trị đã buộc lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam vào chiếc xe chiến lược của Trung Quốc gây phương hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh tổ quốc. Người Việt quốc nội lẫn hải ngoại chống đối quyết liệt trong khi Hà Nội vẫn tránh chỉ trích Bắc Kinh và tiếp tục đàm phán song phương.

Nguy cơ vỡ nợ toàn cầu
Cơn suy trầm toàn cầu mới giảm chút ít vào cuối năm 2009, nhân loại lại rơi tình trạng vỡ nợ tại Châu Âu. Tại sao các nước kỹ nghệ phát triển bền vững lại sụp vào vũng lầy nợ nần?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nợ công vào năm 2015 của các nước phát triển sẽ lên tới 110% GDP so với 75% của 2007.
Tính đến ngày 19 tháng 11 năm 2010, nợ công (public debt) toàn cầu lên tới 41,000 tỉ USD mà khu vực đồng Euro bị tác động nhiều và mạnh nhất. Nợ công trong năm 2009 so với GDP: Nhật 189%, Hy Lạp 126, Pháp 78, Bồ Đào Nha 76, Đức 72, Anh 68.
Nhằm đương đầu với tham vọng bành trước của chủ nghĩa cộng sản sau thế chiến thứ hai mà các quốc gia Châu Âu cần ve vãn người lao động qua các chương trình phúc lợi buộc Nhà nước phải tiếp tục vay mượn.
Tham vọng xây dựng khối tiền tệ Euro nên 16/27 quốc gia trong khối Liên Âu đã gia nhập khu vực đồng Euro với điều kiện dễ dãi trên phương diện tài chính. Hy Lạp man khai về tình hình kinh tế mà Khối Euro vẫn tiếp tục cho vay cho tới khi nước này đến bờ vực phá sản.
Đầu tháng 5/2010, Liên Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tung ra 147 tỉ USD để cứu nguy kinh tế với điều kiện Hy Lạp phải áp dụng kế hoạch cắt giảm chi tiêu công cộng và tăng thuế trị giá 30 tỉ euro trong 3 năm.
Nhưng, đảng cộng sản và các nghiệp đoàn ở Hy Lạp không chấp nhận biện pháp thắt lưng buộc bụng nên thường xuống đường đả đảo chủ nghĩa tư bản và gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế.
Ái Nhĩ Lan theo chân Hy Lạp nhận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế 112 tỉ USD vào cuối tháng 11 để tránh khai phá sản, nhưng, dân chúng cũng không đồng ý nên kéo nhau xuống đường.
Đàng sau Hy Lạp và Ái Nhĩ Lan còn có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sắp hàng chờ níu áo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Châu Âu.
Chính phủ Anh quyết định cắt giảm chi tiêu công và phúc lợi xã hội bị dân biểu tình dẫn tới bạo động nhiều lần tại Luân Đôn.
Nhật Bản nợ 200% GDP mà khi Thủ tướng Naota Kan đề nghị tăng thuế tiêu thụ 5% vào 3 năm sau đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội buộc phải bỏ qua.
Từ lâu, nhiều chính trị gia ở Châu Âu muốn cắt giảm chi tiêu công, cải tổ hệ thống phúc lợi, nhưng, bất thành do môi trường chính trị con tin.
Nghiệp đoàn sử dụng lá phiếu ngăn cản tham vọng cải tổ hệ thống phúc lợi của bất cứ chính trị gia nào. Cũng thế, chính trị gia muốn đắc cử phải hứa tăng thêm phúc lợi. Chiếc vòng lẩn quẩn này làm giảm tỉ lệ phát triển mà còn đẩy các quốc gia Châu Âu bị lép vế khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong hoàn cảnh con rồng đỏ Trung Quốc khạt ra toàn hàng hóa rẻ tiền, hàng nhái, hàng dỏm khiến cộng đồng quốc tế lao đao.
Ai cũng thừa nhận chính sách thắt lưng buộc bụng rất cần thiết để cắt giảm nợ nần, kích thích sản xuất, tuy nhiên, các nghiệp đoàn hùng mạnh cứ giáng xuống đầu xã hội những vụ biểu tình, đình công bãi thị làm tê liệt sinh hoạt xã hội và gây thiệt hại vô cùng cho nền kinh tế quốc dân.
“Mô hình Xã hội Châu Âu” ngày càng gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2005-2030, số người ở tuổi lao động tại Liên Âu (European Union) teo còn 20 triệu trong khi hạng tuổi quá 65 tăng thành 40 triệu. Vì thế, tại Anh Quốc và Hà Lan đã đề nghị chỉ trả lương hưu ở tuổi 67 hoặc 70 mà vẫn không bị phản đối dữ dội.
Phúc lợi dồi dào khiến cho nhiều kẻ không muốn đi làm cho nhọc xác. Chính phủ Bỉ thừa nhận chỉ có 35% công dân ở độ tuổi 55 đến 64 còn làm việc, tỉ lệ này gấp đôi tại Thụy Điển.
Tình trạng vỡ nợ từ Châu Âu dội ngược về Hoa Kỳ đã tác động lên lá phiếu cử tri hồi tháng 11 buộc Tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ cầm quyền, dù không muốn, vẫn phải cắt giảm chi tiêu công, giảm thuế để khỏi rơi vào hoàn cảnh vỡ nợ.
Các nghiệp đoàn tại Hoa Kỳ chưa đủ mạnh như ở Châu Âu nên việc giảm thâm thủng ngân sách, cắt phúc lợi xã hội vẫn còn nằm trong vòng tay của Quốc Hội mà không chịu áp lực từ các cuộc biểu tình.

Mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên
Cộng đồng quốc tế chẳng xa lạ với những lời đe dọa sắt máu và phi lý của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đã phản ứng bằng hành động cụ thể sau khi Bắc Hàn bắn pháo vào khu biển phía Bắc hải giới hồi cuối tháng 1, vụ hộ tống hạm Cheonan bị đứt đôi trên Hoàng Hải hồi tháng 3 mà các chuyên viên quốc tế xác định do thủy lôi của Bắc Hàn.
Lần đầu tiên, kể từ sau Hiệp định Đình chiến 1953, Bình Nhưỡng đã có hành động xâm lăng khi pháo kích vào đảo Yeonpyeon của Nam Hàn gần Đường Giới hạn Phía bắc (Northern Limit Line) hôm 23 tháng 11 nên bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, ngoại trừ Trung Quốc.
Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kêu gào nối lại đàm phán 6 bên gồm có Bắc Hàn-Trung Quốc-Nga-Mỹ-Nhật-Nam Hàn, nhưng, bộ ba Mỹ-Hàn-Nhật đòi Bình Nhưỡng phải làm rõ các chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.
Kim Jong Un, 27 tuổi, được gắn 4 sao nên Chủ tịch Kim Chính Nhật muốn tạo uy thế để dễ dàng điều khiển giới nón sắt. Nhưng, lần này Bình Nhưỡng và Bắc Kinh bị hố vì gặp phải phản ứng quyết liệt của Tổng thống Lee Myung-bak.
Từ khi lên cầm quyền năm 2008, Tổng thống Lee đã đảo ngược thái độ ve vãn của hai vị tiền nhiệm bằng chính sách “bánh sáp đi bánh quy lại” trong quan hệ với Bắc Hàn.
Trước kia, Bình Nhưỡng độc quyền dọa nạt Nam Hàn. Bây giờ, Tổng thống Lee cũng đe dọa Bắc Hàn một cách cụ thể nên tạo ra “mối nguy cơ bằng nhau”.
Chủ tịch Kim tung nhiều đòn tống tiền Nam Hàn đều không có kết quả, đe dọa chẳng ảnh hưởng tới Tổng thống Lee nên đánh bài liều khi ra lệnh pháo kích vào Yeonpyeon.
Hành vi này được Bắc Kinh che chở đã hé lộ tham vọng của Bắc Kinh nên Mỹ-Nhật-Hàn kết thành một khối quân sự lẫn ngoại giao khi mở những cuộc tập trận chung qui mô tại Hoàng Hải cũng như ở Biển Nhật Bản và đòi Bình Nhưỡng phải có thiện chí tháo gở các chương trình vũ khí nguyên tử trước khi vào bàn hội nghị 6 bên. Bắc Kinh chống đàm phán có điều kiện.
Nam Hàn kêu gọi Bắc Hàn thảo luận song phương được Hoa Kỳ ủng hộ, nhưng, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng chưa bày tỏ thái độ.
Cộng đồng quốc tế theo sát tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên và cũng tìm cách tháo gỡ ngòi nổ. Thực sự, trên bán đảo này chỉ có một quả bom có ngòi nổ mà rỗng ruột.
Trung Quốc sử dụng chiến thuật biển người đã bị hỏa công của quân Mỹ đánh bại trong cuộc chiến 1950-1953 trên bán đảo Triều Tiên nên không có lý do để gửi chí nguyện quân. Bắc Kinh cũng không muốn chiến tranh áp sát biên giới tạo điều kiện cho các sắc dân Tây Tạng, Tân Cương vùng lên. Hơn nữa, vốn đầu tư ngoại quốc hàng trăm tỉ mỹ kim sẽ đội nón ra đi để lại một Hoa Lục tang thương rất khó hồi phục.
Bắc Hàn có 1.1 triệu quân dưới cờ, nhưng, trang bị lỗi thời, thiếu huấn luyện chỉ có thể làm mồi cho 680,000 quân thiện chiến được trang bị hiện đại của Nam Hàn và 28,000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở phía Nam vĩ tuyến 38. Nếu chiến tranh xảy ra, Bắc Hàn có thể mất hết khối nguyên liệu hạt nhân dành cho máy điện nguyên tử, và nạn đói khó tránh. Như thế, Bắc Hàn không đủ điều kiện để tiến hành chiến tranh với người anh em phương Nam.
Mọi hoạt động hiện nay của Mỹ-Nhật-Hàn chỉ nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng chớ nên gây một cuộc chiến không thể thắng. Hoa Thịnh Đốn và Hán Thành đều không muốn chiến tranh làm mất thành quả phát triển thần kỳ ở phía Nam vĩ tuyến 38.
Độc quyền chân lý, tham vọng siêu cường, vung tay quá trán, dùng bạo lực để tống tiền đều hàm chứa hạt nhân thê thảm.

ĐẠI-DƯƠNG
.
.
.

No comments: