Saturday, December 25, 2010

ĐỌC HỒI KÝ CỦA GS VŨ QUỐC QUỐC THÚC (Lê Quê Lâm)

Lê Quế Lâm
Đăng ngày 25/12/2010 lúc 07:40:49 EST

Tôi nguyên là giáo viên Sử Địa bị động viên, được Quân đội giao nhiệm vụ nghiên cứu về cuộc chiến bảo vệ Miền Nam tự do. Cơ quan nghiên cứu này do Quân đội Hoa Kỳ thiết lập năm 1966 khi họ bắt đầu can dự trực tiếp vào chiến tranh VN. Tôi có cơ hội tham khảo khá nhiều tài liệu, sách báo của mọi phía, nhất là của CS, nhờ đó được biết ít nhiều về cuộc chiến này. Sau ngày 30/4/1975, anh em Quân Cán Chính VNCH bị tập trung cải tạo, họ được biết thêm nhận thức của người CS về cuộc chiến, qua các bài học chính trị. Mỗi bài học, sau khi lên hội trường ghi chép, chúng tôi phải thảo luận trong tổ, đội, ba bốn ngày liền. Anh em lần lượt phát biểu, lập đi lập lại những gì ghi nhận, y chang như bài giảng, để nhập tâm nhồi sọ chúng tôi. Tôi đã biết rõ nội dung những bài học đó từ 10 năm trước, nên tình nguyện làm thư ký tổ, đội để giúp anh em thoải mái trong những giờ thảo luận buồn chán này. Đọc biên bản sau mỗi buổi học tập, anh em đều an tâm là mình đã phát biểu có chất lượng, đúng trọng tâm, đào sâu tư tưởng, quán triệt sâu sắc bài học.

Khi có cán bộ quản giáo đến dự hoặc vệ binh lảng vảng bên ngoài, tôi xin phát biểu hoặc đúc kết các phát biểu của tổ, đội. Tôi để ý thấy cán bộ và vệ binh tỏ ra không thích thú những gì anh em phát biểu, có lẽ họ cũng chán như anh em… Tuy nhiên, họ tin tưởng tổ đội này thảo luận đúng bài bản, nên họ ít để ý hoặc đến nghe chúng tôi thảo luận. Nhờ đó, anh em tự do hàn huyên tâm sự. Anh em đều có nhiệt huyết, đã hết lòng phục vụ đất nước trong phần vụ mình phụ trách. Nhưng tôi nhận thấy hầu như đa số biết rất ít về lịch sử cận đại, về lai lịch và việc kết thúc cuộc chiến, đôi khi còn hiểu sai. Anh Mai Thanh Truyết - một bạn thân thiết của tôi trong tù, là đốc sự hành chánh, Tổng Thanh tra Bộ Thông tin, nhưng anh thừa nhận biết rất ít về Hiệp Định Paris 1973, có lẽ vì Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu không thích thú gì về hiệp định này.

Trong cuộc đấu tranh trường kỳ vì quyền lợi tối thượng của dân tộc, thắng bại là lẽ thường tình. VNCH bại vì những người lãnh đạo đặt sự sống còn của đất nước vào sự quân viện của Mỹ. Còn CSVN thắng, nhờ được Liên Xô, Trung Cộng viện trợ dồi dào. Thắng bại trong cuộc chiến vừa qua chỉ là thắng bại của những người lãnh đạo, chớ không phải thắng bại của dân tộc. Dân tộc trường tồn còn các thế lực cầm quyền luôn thay đổi. Rồi đây số phận của Đảng CSVN cũng sẽ giống như số phận của VNCH trước đây. Vì lẽ, giới lãnh đạo phải dựa vào lòng dân, làm ngược lại, tìm chỗ dựa ở ngoại bang, là tự mình đào hố chôn mình. Vả lại sự giúp đỡ của Hoa Kỳ là giúp người dân Việt Nam thực hiện quyền tự quyết của họ. Điểm này đã được minh thị trong HĐ Paris 1973 là “quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải được tất cả các nước thừa nhận”. Hiệp định còn được sự tán đồng của một Hội nghị quốc tế về VN, có sự tham dự đầy đủ của 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Trái lại sự giúp đỡ của khối CS có điều kiện và áp đặt chế độ độc tài, tước đi quyền tự quyết của dân tộc.
Cuộc chiến đấu để giành lại quyền tự quyết cho dân tộc vẫn còn tiếp tục. Trong khi anh em Quân Cán Chính VNCH đã từng xả thân chiến đấu vì nghĩa vụ thiêng liêng này, lại biết quá ít, thậm chí có người còn hiểu sai lịch sử. Đây là ưu tư lớn của tôi. Trong gần 8 năm tù đày ở Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phú, tôi luôn nguyện cầu ơn trên, Trời Phật và Tổ Hùng Vương độ trì cho tôi sớm được tự do, vượt biên thành công và còn mạnh lành sáng suốt để viết một quyển sử về cuộc chiến VN. Ý nguyện đã thành, quyển Tổng kết cuộc chiến VN trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh với tựa đề Việt Nam Thắng và Bại đã được phát hành năm 1993.

Từ đó đến nay, tôi luôn tìm đọc hồi ký của những chính khách tên tuổi đức độ để mong tìm sự thật trong những biến cố lớn để giúp lịch sử được soi sáng. Vì thế, tôi vui mừng đón nhận cuốn Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc vừa được xuất bản hồi tháng Chín 2010. Đây là hồi ký ghi lại những đóng góp của một người trí thức đem sở học và kinh nghiệm của mình, vào việc xây dựng đất nước, phục vụ dân tộc trong suốt cuộc đời, nay đã hơn 90 tuổi. Nhiều môn sinh và bằng hữu của tác giả đã nói lên tính phong phú, đa dạng của quyển hồi ký. Chỉ riêng về khía cạnh văn hóa, độc giả có thể học từ cuốn sách này vô số điều. Sự quật khởi của trí thức trẻ trước tinh thần thực dân của những ông khoa bảng Pháp có đầu óc muốn lấn lướt người Việt. Thành công trong công tác thảo luận gay go với Pháp và hai nước Miên Lào để giải tỏa các định chế của người Pháp ở Đông Dương để thiết lập Viện Phát hành tiền tệ, Ngân hàng Quốc Gia và Viện Hối đoái… Qua hồi ký, người đọc thấy được sự nghiệp giáo dục của tác giả, vì “kế trăm năm không gì bằng trồng người”. Tác giả đã đào tạo cả vạn môn sinh ở các trường Luật khoa ở Hà Nội và Sàigòn, Học viện Quốc gia Hành Chánh, Đại học Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, Đại học Vạn Hạnh. Ngoài ra, là chứng nhân lịch sử, tác giả đã dũng cảm đứng lên vận động phục hồi HĐ Paris 1973, và luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với đất nước, luôn tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho VN.

Riêng đối với cá nhân tôi, dù tác giả không có tham vọng làm công việc của nhà viết sử… những công việc mà ông đã đảm nhận hoặc những gì mắt thấy tai nghe được ghi trong hồi ký sẽ giúp độc giả biết được nhiều chi tiết quan trọng về Đất Nước, Con người và Lịch sử trong cuộc chiến cam go vừa qua. Đây là những yếu tố cần thiết giúp đồng bào cũng như những người lãnh đạo đất nước có cơ sở để suy tư và hành sử thế nào có lợi ích lớn cho dân tộc, để cứu nước trong thời điểm quan trọng hiện nay.
Thời đại của một trí thức dấn thân phục vụ dân tộc
Đầu thập niên 1940, các đảng phái chính trị, các đoàn thể và tôn giáo ráo riết tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, thì chàng thanh niên Vũ Quốc Thúc với tinh thần cầu tiến, quyết chí trao dồi kiến thức để chờ cơ hội phục vụ dân tộc. Được phục vụ đất nước đúng hoài bão và sở năng của mình cũng phải có cơ may. Giữa năm 1942, tác giả (VQT) sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật thì trường Luật Hà Nội mở thêm hai chứng chỉ Cao học về Tư pháp và Kinh tế chính trị để luyện các thí sinh muốn trình luận án tiến sĩ. Đây là cơ hội tốt, đáp ứng đúng khát vọng của tác giả. Lúc đó, Phủ Toàn quyền Đông Dương lại thành lập một ngạch hành chánh cao cấp mới dành cho người bản xứ và mở cuộc thi tuyển Biên tập viên. Trước đó, mọi chức vụ điều khiển đều dành cho người Pháp. Tác giả đã đậu đầu kỳ thi Biên Tập viên, làm việc ở Phủ Toàn quyền Hà Nội, lương bổng cao vừa được tiếp tục học ban Cao học để đi tới tiến sĩ.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc

Tác giả say mê môn học Kinh tế chính trị và có dịp nghiên cứu hai cuốn sách đã biến ông thành tín đồ nhiệt thành của môn Kinh tế học. Cuốn thứ nhất nói về tiền tệ của Hartley Withers nhan đề What is Money? dịch ra Pháp văn là Qu‘est ce que la monnaie? Sách của Withers thúc đẩy tác giả khảo cứu thêm vấn đề tiền tệ, tín dụng, đặc biệt là các phương pháp mà Nhà nước có thể áp dụng để chỉ huy kinh tế qua tiền tệ và tín dụng. Sách thứ hai tác giả say mê là Luận án Tiến sĩ nhan đề L’Expérience Roosevelt của một người Pháp tên André Vincent. Sách nghiên cứu cuộc cải cách vĩ đại mà Tổng Thống Franklin Roosevelt đã thực thi trong thời kỳ 1933-1936 để cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ bị khủng khoảng trầm trọng từ cuộc đổ vỡ của thị trường chứng khoán Wall Street tháng 10/1929. Theo ông Vincent, cuộc cải cách của Roosevelt đã thành công rất ngoạn mục, lần đầu tiên mà tổng thống Hoa Kỳ đã áp dụng đường lối kinh tế hoạch định.

Từ đó, sinh viên Cao học Vũ Quốc Thúc bắt đầu tin tưởng ở sự hữu hiệu của chính sách kinh tế hoạch định mềm dẻo với việc duy trì thị trường tự do. Sự tin tưởng này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hoạt động chính trị của ông sau này. Ngay từ năm 1943 ông đã tìm được một lý tưởng để tranh đấu cho dân tộc. Trước tiên, phải tranh đấu tích cực để giành lại chủ quyền và ngay sau đó phải gấp rút phát triển kinh tế, để đất nước sớm ra khỏi tình trạng nghèo khổ. Tác giả tâm nguyện “Dù có phải làm một công việc gì tạm thời để mưu sinh chăng nữa, tôi sẽ giữ vững hướng đi cho tới mãn chiều xế bóng. Nếu hoàn cảnh không cho phép tôi tranh đấu trực tiếp để thực thi hoài bão kinh bang tế thế, tôi sẽ dùng ngòi bút cùng lời nói của mình để khuyến khích và yểm trợ những ai cùng chí hướng”.

Trời đã không phụ lòng thành của ông. Sau Hiệp Định Genève 1954, Pháp chính thức rời khỏi Việt Nam, thủ tướng Ngô Đình Diệm gấp rút củng cố chính quyền Quốc gia ở phía Nam vĩ tuyến 17. Trong ba tháng cuối năm 1954, Miền Nam Việt Nam tham dự hội nghị tài chính bốn bên ở Paris với Pháp và hai nước Cam Bốt và Lào, để thảo luận việc thay thế đồng bạc Đông Dương bằng ba thứ tiền mới là đồng bạc Việt Nam, đồng Riel Cam bốt và đồng Kíp Lào. Trưởng phái đoàn Việt Nam là ông Nguyễn Văn Thoại, sau đó là Đốc Phủ sứ Dương Tấn Tài “rất nhiều kinh nghiệm, rất ái quốc, rất nhiều thiện chí, đã làm bộ trưởng trong nhiều chính phủ Quốc gia trước 1954, nhưng cụ không phải là một chuyên gia về kinh tế”. Thạc sĩ Kinh tế Vũ Quốc Thúc phụ tá cụ trưởng phái đoàn, đã tranh đấu cho quyền lợi dân tộc, với chủ trương “phải lấy lại chủ quyền tiền tệ càng sớm càng tốt. Nếu không nắm được chủ quyền tiền tệ, chế độ mới có thể bị sụp đổ. Vì nhân dân mất tín nhiệm. Một khi nắm được quyền tiền tệ, chính phủ Ngô Đình Diệm có thể yên tâm đài thọ các khoản chi phí khẩn cấp như: mua các vật liệu, thuê mướn các dịch vụ, trả lương cho công chức và binh sĩ”.

Các bản thỏa hiệp của hội nghị tài chính bốn bên ở Paris đã được ký kết ngày 29/12/1954. Nhờ đó, việc phát hành giấy bạc mới do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đảm trách bắt đầu thực hiện từ đầu năm 1955. Cụ Dương Tấn Tài được bổ nhiệm làm Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia. Còn Giáo sư Thúc giữ chức vụ Phó Thống Đốc kiêm Tổng Giám đốc Viện Hối Đoái, và từ tháng 6/1955, thay thế cụ Tài làm Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia đến tháng 10/1956. Sau đó ông làm Khoa trưởng Luật khoa và Cố vấn Kinh tế Tổng Thống Diệm.

Những kiến thức về tiền tệ mà ông đã khảo cứu hồi năm 1944, được ông ứng dụng khi làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia VN. Ông đã thương lượng với ban Giám đốc Đông Dương Ngân hàng để mua lại cơ sở của ngân hàng này làm trụ sở cho Ngân hàng QGVN, đồng thời giúp ông thành lập một ngân hàng thương mại trực thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là Việt Nam Thương Tín. Việc thiết lập ngân hàng VNTT đã tỏ ra rất có lợi. Ngay năm đầu, ngân hàng đã được một số lời to vì đã có sẳn cơ sở của Ngân hàng Đông Dương. Mối lợi thứ hai quan trọng hơn, đó là giúp cho sự hình thành một tầng lớp doanh thương đủ khả năng cạnh tranh với thương gia ngoại quốc trong lãnh vực mậu dịch quốc tế. Đồng thời với sự thiết lập VNTT, Bộ Kinh tế đã cấp môn bài xuất nhập khẩu cho một số đông thương gia Việt Nam cở trung bình, họ chỉ cần bỏ ra một số tiền khiêm tốn 250 ngàn đồng làm vốn là lập ngay một công ty xuất nhập khẩu và hoạt động ngay với sự yểm trợ của ngân hàng. Chính nhờ chính sách táo bạo này mà nền kinh tế Miền Nam vĩ tuyến 17 đã phục hồi một cách ngoạn mục.

Ngoài ra, một trong các định chế mà TT Franklin Roosevelt thiết lập năm 1936 để phục hồi nước Mỹ sau cuộc Đại khủng hoảng kinh tế 1929, vẫn còn tồn tại cho tới nay. Đó là Cơ quan Thủy lợi Thung lũng Tennessee (Tennessee Valley Authority) do David Lilienthal làm Chủ tịch. Năm 1944 ông Thúc đã say mê đường lối kinh tế hoạch định này… Không ngờ 22 năm sau (năm 1966) chính ông cầm đầu nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến của VNCH để hợp tác với công ty Development & Resources do ông David Lilienthal làm chủ tịch, để cùng soạn thảo một kế hoạch hậu chiến cho VN mà trong đó dự án chính yếu là phải chỉnh trang đồng bằng sông Cửu Long giống như là Tennessee Valley.

Trở lại thời điểm 1945, tiếp theo cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3, Cựu Hoàng Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước bảo hộ mà Triều đình Huế đã phải ký với Pháp, đồng thời thành lập Nội các Trần Trọng Kim -Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và tái thống nhất. Lúc đó, ông Vũ Quốc Thúc đang tòng sự tại Phủ Toàn quyền và cảm thấy vô cùng hân hoan: Cựu hoàng đã làm một việc mà toàn dân vẫn hằng mơ ước từ nhiều năm. Chính vì vậy ông đã hăng hái nhậm chức khi được bổ nhiệm làm Huyện trưởng Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam).

Giữa tháng 8/1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh, sau đó là “Cách mạng tháng 8”. Sự kiện này được Ban Nghiên cứu Lịch sử Trung ương (CS) ghi nhận như sau: “Cách mạng tháng Tám Việt-nam là mẫu mực của cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo đã thắng lợi ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến bằng một cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang của quần chúng, bằng sự kết hợp tài tình những cuộc chiến đấu quân sự với những hình thức đấu tranh chính trị của quần chúng để giành chính quyền Nhà nước, thiết lập chính quyền nhân dân. Nó đã chọc thủng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở một khâu yếu nhất của hệ thống đó, và góp phần quan trọng đưa hệ thống đó đến chỗ tan rã”. (Bốn Mươi Lăm Năm Hoạt động của Đảng Lao Động Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, Tr.40).

Theo nhân chứng lịch sử Vũ Quốc Thúc thì “Việt Minh đã cướp chính quyền ở thủ đô Hà Nội nhân một cuộc biểu tình do chính quyền của khâm sai Phan Kế Toại tổ chức nhằm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, thành một cuộc biểu tình cướp chính quyền”. VM huy động một số dân chúng thuộc mọi thành phần họp mít tinh với khẩu hiệu “Toàn dân tranh đấu giành độc lập”. Sau đó biến cuộc mít tinh thành cuộc tuần hành tiến tới gần những cơ quan chính quyền mà VM đã dự định sẽ chiếm đóng. Nhân viên bảo vệ các cơ quan thấy đông người quá, lại có nhiều đàn bà trẻ con cùng ông già bà cả, nên họ không dám sử dụng bạo lực. Khi dân chúng tràn vào cơ quan chính quyền, cán bộ CS lập tức trương cờ VM, tuyên bố là đã cướp được chính quyền ở đó rồi. Việc đó đã xảy ra ở Hà Nội, rồi ở Huế và đã đưa đến sự thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại. Lý do bảo vệ đất nước, giành độc lập cho quốc gia rất chính đáng tất nhiên nhân dân ai cũng hưởng ứng và cho rằng VM có chính nghĩa, nên sẳn sàng theo. Binh lính có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của chính quyền Trần Trọng Kim đã không phản ứng chi hết. Do đó VM đã nắm được chính quyền ở Hà Nội mau chóng và êm ả.

Hơn một năm sau xảy ra cuộc đột biến quân sự ngày 19/12/1946 ở Hà Nội. Theo ông Thúc là do sáng kiến của chính quyền VM, họ đã nghĩ đến vấn đề tổ chức kháng chiến thành thị, giống như ở Liên Xô trong thế chiến thứ hai. Chính quyền VM bắt dân chúng ở các khu thị tứ phải tản cư về những làng quê. Có những nơi nhân dân được lệnh phải phá chính ngôi nhà mình đang ở. Các nhà được lệnh là phải đục tường để có thể thông từ nhà nọ sang nhà kia. Như vậy VM đã chuẩn bị tổ chức những cơ sở kháng chiến ngay trong thành phố.

Trong đêm 19/12 tác giả tản cử về quê ở xã Đào Xá, Hưng Yên, sau đó được trưng dụng làm luật sư tại Tòa Án Quân sự lưu động và Ủy viên Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Hưng Yên từ mùa thu 1947 đến tháng 6 năm 1948. Trong thời gian này, tác giả nhận thấy thực lực của kháng chiến rất yếu ớt. Mục tiêu chính của VM là nắm dân ở các làng xã, đó mới là chủ lực. Họ dựa vào dân, để tuyển quân, thâu thuế và được tiếp tế để cầm cự lâu dài, bất chấp sự đau khổ của dân. Tác giả cũng nhận thức được lực lượng nồng cốt của VM là đảng CS. Lúc đầu họ dùng mặt trận VM làm bình phong để đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong công cuộc kháng chiến, trong khi người dân vì lòng yêu nước chỉ biết có một điều là phải kháng chiến chống Pháp giành độc lập. Lúc đó tác giả được biết Pháp đang thương thuyết với cựu hoàng Bảo Đại và sẳn sàng công nhận cựu hoàng làm quốc trưởng của nước VN độc lập. Tác giả biết rõ thực lực của kháng chiến và VM chỉ là một tổ chức bình phong của Đảng CS, mà ý đồ của CS là nắm độc quyền và gạt bỏ mọi phần tử ngoài đảng, nên quyết định rời bỏ hàng ngũ kháng chiến.
Phục vụ chính quyền Quốc gia, công tác ở Pháp, tốt nghiệp Tiến sĩ
Giữa năm 1948, ông Vũ Quốc Thúc hồi cư về Hà Nội, lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Xuân, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Nam Kỳ đã được Cựu hoàng Bảo Đại cử làm Thủ tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Quốc gia Việt Nam (CPTƯLT), đứng ra thương thảo với Pháp để tranh thủ sự độc lập và thống nhất đất nước. Văn phòng CPTƯLT đặt ở Hà Nội. Ông Thúc gửi một lá đơn đến Thủ tướng Xuân xin CPTƯLT cấp cho một học bổng để ông sang Pháp trình luận án Tiến sĩ Luật. Thủ Tướng Xuân cho biết CPTƯLT chưa có phương tiện để cấp học bổng cho bất cứ ai. Tuy nhiên chính phủ có thể bổ nhiệm ông Thúc làm Công cán Ủy viên trong văn phòng thủ tướng và sau 6 tháng sẽ cử sang Pháp làm việc để trình luận án Tiến sĩ, như thế không cần đến học bổng nữa.

Thủ Tướng Xuân và những cộng sự viên trực tiếp như các ông Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn văn Báu, ông Tổng Thư Ký Trần Thiện Tỵ đều là cựu Đốc phủ sứ, người Nam, nay có những người Bắc đặc biệt thuộc thành phần trí thức để chứng tỏ CPTƯLT gồm cả người ở khắp ba kỳ: Nam, Trung và Bắc. Giữ đúng lời hứa, tháng 3/1949 Thủ Tướng Xuân ký Sắc lệnh bổ nhiệm ông Thúc làm một thành viên trong Văn phòng Đại diện của CPTƯLT ở Paris. Lúc đó chính phủ VN chỉ là một chính phủ lâm thời, nên chưa có đại diện chính thức với tư cách là Đại sứ. Nhưng Thủ Tướng Xuân có thể cử một đại diện riêng của ông ta và người đại diện này là một nhân vật đã ở Pháp lâu năm, có chân trong đảng Xã hội Pháp (SFIO) Đó là ông Hoàng văn Cơ là một nhân vật thân tín với các lãnh tụ Đảng SFIO như các ông Edouart Herriot, Le Troquer đang giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Vai trò của ông Cơ là làm liên lạc viên giữa Thủ Tướng Xuân và CPTƯLT với chính phủ Pháp, nói khác đi là làm công việc lobby (trung gian, để vận động) chính giới Pháp trao trả độc lập cho VN.

Công việc vận động của ông Cơ là công việc kín, thành thử ông Thúc chẳng có việc gì làm cả. chẳng qua vì ông Xuân muốn thực hiện lời hứa giúp ông sang Pháp để trình Luận án Tiến sĩ. Ông Thúc nhận xét “Phải công nhận ông Thủ Tướng Xuân là một người có phong cách quân tử và một khi đã nói gì là ông ta giữ đúng lời hứa chứ không phải như nhiều chính khách khác nói một đằng làm một nẻo”. Theo sắc lệnh bổ nhiệm, tác giả được cử sang Pháp với tư cách một Tri huyện, ăn lương Tri huyện và được đi cùng với vợ. Ngay khi tới Paris (cuối tháng 4/1949), ông Thúc ghi danh ở trường Luật Khoa Đại Học Paris để trình Luận án TS, đồng thời ghi danh theo học lớp Cao học Kinh tế (Diplome d’Etudes Superieurs de Sciences Économiques). Lớp này gọi là Cao học Kinh tế Chính trị.

Ông Nguyễn Văn Xuân đã hoàn thành vai trò thủ tướng CPTƯLT, Hiệp ước Elysée đã được chính thức ký kết ngày 8/3/1949 giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Quốc Gia Việt Nam độc lập thống nhất chính thức ra đời ngày 1/7/1949 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quốc trưởng Bảo Đại. Tháng Giêng 1950, ông Nguyễn Phan Long được cử giữ chức vụ thủ tướng. Văn phòng Đại diện của ông Xuân ở Paris bị bãi bỏ như vậy công tác của ông Thúc bị chấm dứt. Thủ tướng NPL cử Bộ trưởng tài chính là ông Nguyễn Trung Vinh sang Pháp để thanh lý văn phòng đại diện của CPTƯLT. Ông Vinh là một người “rất đàng hoàng, trung hậu” lại quen thân với ông Đốc phủ Nguyễn Văn Báu, người đã từng nhận ông Thúc vào làm việc ở văn phòng thủ tướng CPTƯLT. Nhờ sự gởi gấm của ông Báu, khi đến Paris, ông Nguyễn Trung Vinh tín nhiệm ngay ông Thúc, tạm ứng tiền để ông chi dùng trong thời gian mất tư cách công chức. Vấn đề tài chánh tạm ổn, ông Thúc yên tâm để soạn luận án Tiến sĩ. Tháng 5/1950 ông đã đậu Cao học Kinh tế và đệ trình luận án Tiến sĩ và đã đậu với hạng Tối Ưu (Mention très bien). Với bằng Cao học kinh tế học này cộng với bằng Cao học Kinh tế Chính trị mà ông đã có sẳn, ông đã chọn danh hiệu Tiến Sĩ Kinh Tế Học.

Sau khi đậu Tiến sĩ, ông Thúc xin Phủ Thủ tướng cấp giấy hồi hương. Trước đây ông sang Pháp với tư cách công chức, tòng sự tại Văn phòng Đại diện của CPTƯLT tại Pháp. Nay Văn phòng Đại diện đã giải tán, ông gởi đơn xin cấp giấy phép hồi hương bằng con đường như lúc sang Pháp để nhận việc, nghĩa là cũng bằng đường thủy đi hạng nhì và cùng với vợ, để về Hà Nội, nơi trước kia đã làm việc. Ông chờ đợi đến khi Thủ tướng Trần Văn Hữu sang Pháp công du, ông xin yết kiến để trình bày. Lập tức ông Hữu chỉ thị cho Tòa Đại sứ VN ở Pháp cấp cho ông giấp phép để hồi hương. Về nước, ông được mời làm Giảng sư ở trường Luật khoa Đại học Hà Nội. Lúc bấy giờ nước nhà đã độc lập, ông tranh đấu quyết liệt để giữ vị trí Giám đốc trường Luật Hà Nội của mình, cũng như quyền lợi bình đẳng giữa các giáo sư Việt và Pháp trong buổi giao thời từ thuộc địa sang độc lập.
Tham chính, đấu tranh để kiện toàn nền độc lập quốc gia
Đến tháng 6/1952 ông trở lại Pháp để lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế học. Đầu năm 1953 ông hồi hương, với tư caách mới là Giáo sư Thạc sĩ, ông được các đồng sự bầu lên làm Phó Khoa trưởng Luật Khoa, phụ trách điều khiển Trung tâm Hà Nội, còn ông Khoa trưởng Khérian thì ở Sàigòn. Đến cuối năm 1953, cuộc chiến Đông Dương bước vào giai đoạn mới. Pháp đã quyết định sẽ trao trả độc lập hoàn toàn cho ba nước Đông Dương và chiến tranh sẽ được giải quyết tại bàn hội nghị ở Genève. Trong tình thế đó, Quốc trưởng Bảo Đại cử một người trong hoàng tộc là Hoàng Thân Bửu Lộc thay thế ông Nguyễn Văn Tâm làm thủ tướng. Mục đích đầu tiên của Nội các Bửu Lộc là phải kiện toàn nền độc lập của VN, điều đình với Pháp để giành chủ quyền hoàn toàn. Đất nước phải thực sự độc lập và dân chủ để sẳn sàng đối phó với tình thế mới. Trong Nội các Bửu Lộc, Giáo sư Vũ Quốc Thúc giữ chức Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục. Thạc sĩ Công pháp Nguyễn Quốc Định phụ trách Bộ Ngoại giao. Luật sư Nguyễn Đắc Khê với chủ trương phải thiết lập một chế độ dân chủ thực sự, phụ trách một Bộ gọi là Bộ Dân Chủ Hóa, như vậy ông đóng vai trò Quốc Vụ Khanh trực tiếp cố vấn cho Thủ tướng Bửu Lộc về dân chủ.

Tháng 3/1954, phái đoàn VN tháp tùng Thủ tướng Bửu Lộc sang Pháp gồm các ông Nguyễn Quốc Định, Nguyễn Đắc Khê, Vũ Quốc Thúc và Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Văn Đạm. Sau nhiều tháng thương thảo, Hiệp ước về Độc lập (Traité d’Independence) được ký kết ngày 4/6/1954 giữa thủ tướng Pháp Joseph Laniel và Thủ tướng Quốc gia VN, Hoàng thân Bửu Lộc: “Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chủ quyền và thẩm quyền do quốc tế công pháp công nhận”.

Nước nhà vừa được độc lập hoàn toàn, viễn ảnh đất nước bị chia cắt lại hiện ra trước mắt. Từ sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3/1945, Cựu hoàng Bảo Đại luôn tuyên bố là có sứ mạng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và đã hoàn thành sứ mạng, lấy lại được Nam Kỳ, thống nhất đất nước hồi giữa năm 1949. Ngài không thể chấp nhận giải pháp chia đôi đất nước, nhưng không thể chống lại quyết định của các cường quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiện toàn nền độc lập quốc gia, dọ quốc trưởng Bảo Đại giao phó, Nội các Bửu Lộc xin từ chức. Trước bước ngoặc lớn của lịch sử, Quốc trưởng Bảo Đại giao toàn quyền quân sự lẫn dân sự cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm điều khiển vận mạng đất nước.
Lời kết
Hồi ký của Giáo sư Vũ Quốc Thúc trong bối cảnh lịch sử vừa kể, đã giúp làm sáng tỏ một đoạn đường lịch sử đã bị xuyên tạc nặng nề. Đó lại là giai đoạn quan trọng: Quốc Gia Việt Nam ra đời. Lịch sử bị bôi nhọ, dân tộc tất chịu bao thảm họa. Đến đầu thập niên 1980, một nhà báo Pháp có tham vọng viết sử tên Henri de Turenne, liên lạc với hảng phim Pathé, đạo diễn một loạt phim nói về lịch sử VN từ thời Pháp thuộc đến chiến tranh VN. Loạt phim dựa trên những sách báo Anh Pháp nhưng các tác giả toàn là những người có xu hướng bài bác chính quyền quốc gia. Họ coi những người lãnh đạo chính quyền này là bù nhìn của Pháp như những nhân vật làm việc dưới thời chính phủ Nam Kỳ tự trị rồi sau này là thủ tướng Quốc gia VN: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm. Sau khi quân đội Pháp rút, quân đội Mỹ tới, Henri de Turenne vẫn coi chính quyền quốc gia là tay sai của HK, là lính đánh thuê của Mỹ.

Lúc bấy giờ, Giáo sư Vũ Quốc Thúc vừa được Thủ Tướng Raymond Barre bảo lãnh đến Pháp, nên đồng bào ta ở đây yêu cầu ông lên tiếng bảo vệ chính nghĩa quốc gia. Với tư cách nhân chứng lịch sử, Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã hai lần lên đài truyền hình ở Pháp và một lần được mời phát biểu ý kiến trên đài truyền hình Luxembourg, phản bác ông Henri de Turenne không làm đúng nhiệm vụ của một sử gia. Ông làm một cuốn phim như thế này không khác gì ông đã làm công việc của một chứng nhân trước tòa án dư luận để xét lại một số sự việc lịch sử Việt Nam. Khi ra trước tòa, chứng nhân bao giờ cũng phải để tay lên Thánh Kinh tuyên thệ: Tôi xin thề sẽ nói sự thật, tất cả sự thật và chỉ có sự thật mà thôi. Nếu xén bớt lịch sử là xuyên tạc rồi. Ông Turenne thú nhận ông đã đạo diễn loạt phim lịch sử Việt Nam không với tư cách sử gia mà với tư cách một ký giả. Người đời thường nói “Nhà báo nói láo ăn tiền”.

Nhìn lại lịch sử trong giai đoạn sau Thế chiến II, theo đúng pháp lý quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Pháp trở lại các thuộc địa để từng bước trao trả độc lập cho người bản xứ. Nam Kỳ thuộc địa trở thành NK tự trị và Cộng hòa Nam Kỳ do Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng. Sau đó, theo thỏa ước Pháp Hoa, Pháp đưa quân ra Bắc vĩ tuyến 16 thay thế quân Trung Hoa giải giới Nhật. Pháp công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của ông Hồ Chí Minh là một nước Cộng hòa tự do. Từ thuận lợi sơ khởi này, cả hai chính phủ sẽ tiếp tục thương thảo với Pháp để đất nước thống nhất và độc lập hoàn toàn.

Bác sĩ Thinh là người yêu nước chân thật, hiền lành nhưng bị Cộng Sản lên án là tay sai cho Pháp, trong khi bọn thực dân Pháp trong Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ chỉ trích ông “còn vương vấn với quốc gia Việt Nam” (Lê Trọng Quát, Cuộc chiến thứ nhất 1945-1954, Tr.273). Ngoài ra, một số người Quốc gia lẫn Cộng sản còn có định kiến cho ông có đầu óc kỳ thị, chia rẻ dân tộc, chủ trương phân ly, muốn thành lập Nam Kỳ Quốc, khiến ông uẩn ức, không ai hiểu được thiện ý của mình, nên treo cổ quyên sinh để minh oan.

Hơn một tháng sau khi Bác sĩ Thinh tự tử (10/11/1946), ông Hồ Chí Minh phát động chiến tranh chống Pháp (19/12/1946). Pháp liền cử đại diện đến Hồng Kông thuyết phục Cựu hoàng Bảo Đại trở lại nắm chính quyền. Bảo Đại đặt điều kiện là Việt Nam phải độc lập và thống nhất, trong đó việc qui hoàn Nam Kỳ vào Việt Nam là điều kiện tiên quyết để ông trở lại chấp chính
. Để ủng hộ Bảo Đại, ngày 19/12/1947, Thủ tướng Nam Kỳ tự trị Nguyễn Văn Xuân và những nhân vật tên tuổi ở Nam Kỳ như Trần Văn Hữu, Nguyễn Phan Long..., đã ký Thỏa ước Vịnh Hạ Long với Bollaert Cao ủy Pháp ở Đông Dương ngày 8/6/1948: Pháp nhìn nhận VN độc lập và tự do thực hiện việc thống nhất quốc gia.
Có thể nói những người đồng chí hướng của Bác sĩ Thinh trong Chính phủ Cộng Hòa Nam Kỳ đã góp phần không nhỏ trong việc ủng hộ cựu hoàng giành độc lập cho đất nước. Và trở thành Thủ tướng Quốc gia VN trong khối Liên Hiệp Pháp để chống Việt Minh Cộng Sản được sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc. Đến khi cuộc chiến sắp kết thúc, Pháp sẽ rút khỏi VN, Quốc trưởng Bảo Đại mới cử một người trong hoàng tộc (Bửu Lộc) làm Thủ tướng để kiện toàn nền độc lập quốc gia trước khi Ngài trao toàn quyền lãnh đạo đất nước cho ông Ngô Đình Diệm. Khi giao trọng trách này, Bảo Đại yêu cầu ông Diệm “hãy thề sẽ bảo vệ đất nước để đối phó với bọn cộng sản vô thần và nếu cần chống lại người Pháp nữa” (Bao Dai SM, Dragon D’Annam, Blon, Paris, 1980, P.329)

Từ ngày đất nước bị chia đôi, Cựu hoàng đã quyết định ở lại đất Pháp, không chấp nhận hồi hương đóng vai trò quốc trưởng khi một nửa lãnh thổ lọt vào tay CS. Người lãnh đạo Quốc gia biết nhục, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên cái vinh quang của cá nhân, nên không tham quyền cố vị, để lại câu nói đi vào lịch sử trong chiếu thoái vị “Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước bị đô hộ”.

Cựu hoàng Bảo Đại qua đời tại Paris ngày 31/7/1997, hưởng thọ 84 tuổi. Trong buổi lễ cầu siêu được tổ chức trọng thể ở chùa Quốc tế Vincennes ngày 5/10/1997, với sự tham dự của hai giáo phái Phật giáo Khánh Anh và Linh Sơn, của Phật giáo Hòa Hảo, của Đại Đạo Tam Kỷ Phổ Độ (Cao Đài), đại diện giáo xứ Viêt Nam tại Paris và hơn một ngàn quan khách tham dự. Giáo sư VQT có bài phát biểu về cựu hoàng Bảo Đại:

“…
Sau biến cố quân sự ngày 19/12/1946, Chính quyền Cách mạng (VM) rút ra chiến khu để mở cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi nghe tin cựu hoàng đã sang được Hương Cảng. Đối với tôi, Ngài là giải pháp tối hậu cho dân tộc ta trong cuộc đấu tanh giành lại độc lập. Trong thỏa hiệp ngày 5/6/1948 ký trên tuần dương hạm Duguay Trouin ở Vịnh Hạ Long: Pháp bằng lòng công nhận VN độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp và Cựu hoàng về làm quốc trưởng. Việc này khiến tôi không chút do dự, rời bỏ kháng chiến, trở về Hà Nội cộng tác với tân chính quyền Quốc gia.

Ở cương vị Quốc trưởng, Ngài đã chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ, để đối lại lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh. Lá cờ vàng tượng trưng cho chính nghĩa quốc gia, lấy nhân dân làm căn bản vì theo truyền thống màu vàng là tượng trưng cho dân Việt. Ngài còn chọn bài hành khúc “Tiếng gọi sinh viên” đổi thành “Tiếng gọi công dân” để làm quốc ca. Quyết định đó cho thấy niềm tin tưởng của Ngài đối với tầng lớp thanh niên trí thức, tương lai của đất nước.

Tháng 7/1951, khi Cao ủy Pháp De Lattre de Tassigny yêu cầu Chính phủ QGVN tổng động viên thanh niên để đảm nhận công tác chiến đấu chống Việt Minh lúc đó chính thức liên kết với TC. Cựu hoàng đã lợi dụng cơ hội này thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trong vòng ba năm, quân đội ta từ tình trạng một lực lượng phụ, chuyên về công tác bảo chính, đã biến thành một đoàn quân hiện đại, đủ khả năng đương đầu với bộ đội VM được TC tích cực hỗ trợ. Chính nhờ lực lượng quân sự này mà sau khi đất nước bị chia đôi, các chính quyền quốc gia đã có thể giữ vững miền Nam vĩ tuyến 17 trong 20 năm liền. Nhờ 20 năm đó, hơn 30 triệu dân MN đã ý thức được hiểm họa CS, làm quen với nếp sống dân chủ tự do…Do đó, chúng ta tạo được một cơ sở nhân sự, để xây dựng xã hội VN, sau khi chế độ CS giải thể.

Như vậy, công lao của Cựu hoàng Bảo Đại, người đã khai sinh Quân đội Quốc Gia Việt Nam, quả thực không phải là nhỏ. Và ngày nay, đối với hai triệu người Việt lưu vong ở hải ngoại, lá cờ vàng ba sọc đỏ cùng bài hành khúc “Tiếng gọi công dân” vẫn được coi là biểu tượng cho ý chí bất khuất của những người Việt tha thiết bảo vệ tự do và nhân phẩm
”.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc kết thúc bài phát biểu về công lao của Cựu hoàng Bảo Đại bằng hai câu thơ của người xưa: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Nhất phiến đan tâm chiếu hãn thanh”. (Con người có ai là không chết, chỉ có một tấm lòng sắt son với non sông đất nước còn tồn tại để sử xanh soi sáng).
Lê Quế Lâm
Mùa Giáng Sinh 2010
© Thông Luận2010
.
.
.
-------------------------------------------------


GS. Vũ Quốc Thúc ở Paris nói về 2 tập hồi ký 'Thời Đại Của Tôi' do NXB Người Việt xuất bản.
Thực hiện: Nhà báo Từ Nguyên (phỏng vấn), Nhà báo Huỳnh Tâm (Quay phim).
Ngày Đăng : 2010/11/17






.
.
.
Phạm Xuân Đài  -  Thursday, November 11, 2010

Tôi Đọc Hồi Ký Của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc  
ĐOÀN THANH LIÊM  -  Việt Báo Thứ Sáu, 10/29/2010, 12:00:00 AM

Lê Đình Thông   -   Saturday, 06 November 2010 20:50

.

.

No comments: