Friday, December 31, 2010

NHÌN LẠI TÌNH HÌNH VIỆT NAM NĂM 2010 (Lý Thái Hùng)

Lý Thái Hùng
Cập nhật ngày: 1/01/2011

Ngày 29 tháng 12 năm 2010, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã chủ tọa phiên họp chính phủ cuối năm để đánh giá tình hình hoạt động toàn năm 2010. Dựa trên báo cáo của các Bộ, ông Dũng cho rằng chính phủ của ông đã “hoàn thành những nhiệm vụ lớn” như giữ cho nền kinh tế không bị lạm phát cao, kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng 6,78% cao hơn mức dự kiến 6,5%, sản xuất công nghiệp và nông nghiêp gia tăng đáng kể, cải cách giáo dục và y tế đạt kết quả cao, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt. Đặc biệt ông Dũng nhấn mạnh rằng chính phủ của ông ta đã “xuất sắc” trong vai trò chủ tịch khối ASEAN trong năm 2010, khiến cho thế giới thán phục và đánh giá cao.

Hãy gác qua một bên những tiêu cực đầy rẫy và trầm trọng trên đất nước, và xét xem hình ảnh “lạc quan” như ông Dũng đúc kết đến từ đâu:

Thứ nhất là CSVN đã phí phạm gần 84 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ Mỹ Kim) cho cái gọi là mừng đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long diễn ra vào đầu tháng 10 năm 2010 sau hơn 7 năm chuẩn bị.
Thứ hai là đã chi hàng chục triệu Mỹ Kim để “thù tiếp” các quan khách ngoại quốc trong những buổi tiếp tân ngoại giao nhân việc Hà Nội đứng ra triệu tập các Hội nghị cấp cao ASEAN trong suốt năm 2010, với tư cách là chủ tịch ASEAN.
Việc xài tiền một cách phung phí nói trên không những đã không làm cho thế giới thấy Việt Nam là quốc gia giàu có hay tiến bộ như ông Dũng vọng tưởng, mà còn làm thế giới cười chê mai mỉa đối với một tập đoàn lãnh đạo đã “vung tay quá trán” trong tình hình kinh tế suy thoái và sự nghèo khó nói chung của người dân. Ông Dũng và các Bộ đã không hề nhắc đến những dự án phá sản như nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thủy Điện Sơn La, tình trạng bội chi ngân sách dẫn đến tiền vay nợ lên đến 56% GDP. Nhất là ông Dũng đã không hề nói đến đồng bạc Việt Nam đang bị tụt giá, khiến cho lòng tin của người dân vào đồng nội tệ bị giảm sút; người dân đổ xô lưu giữ đồng Mỹ Kim, tạo áp lực tăng giá đồng Mỹ Kim và gây bất lợi cho nền kinh tế một cách trầm trọng vì sẽ làm tăng giá nhập cảng hàng loạt với hệ lụy là lạm phát gia tăng phi mã và người dân nghèo lại càng thêm khốn khó.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công thương cũng đã không nói thật về tình hình kinh tế Việt Nam hiện đang bị hàng hóa Trung Quốc khống chế như thế nào trên thị trường Việt Nam. Họ chỉ khoe chung chung rằng nhập siêu hàng hóa đã giảm 5% và bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng những con số báo cáo này không thấm gì với mức nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc là 65% trong năm 2010. Nói cách khác, thị trường Việt Nam hiện đang là sân sau tiêu thụ hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.

Trong khi đó, vào cuối tháng 12 vừa qua, Công ty định mức tín nhiệm Standard & Poor’s Ratings Services vừa tuyên bố cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm trái phiếu của CSVN, và còn khuyến cáo là có thể cắt giảm nữa nếu không có những biện pháp cải thiện về tình trạng lạm pháp, bội chi ngân sách và nhất là những số nợ tồn đọng chưa thanh toán của Tập đoàn Vinashin.

Bên cạnh những khó khăn nói trên, sự phá sản của tập đoàn Vinashin với 4,5 tỷ Mỹ Kim đã đặt cho CSVN một vấn đề mới rất nghiêm trọng. Đó là nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề quản trị và tính hiệu quả của các tổng công ty mà CSVN cho thành lập từ năm 2000 trở đi, và các tập đoàn kinh tế được thành lập từ năm 2006 tới nay như là những cột trụ của nền kinh tế, thì toàn bộ nền kinh tế Việt Nam có thể bị sụp đổ sau hơn hai thập niên đổi mới.

Do đó, nhận định đầu tiên về tình hình Việt Nam trong năm 2010 chính là sự nổi bật những yếu kém của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam về mặt kinh tế. Đương nhiên trách nhiệm này đổ ập lên đầu ông Nguyễn Tấn Dũng là người nắm trong tay thực quyền về chính trị lẫn kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng tuy chỉ là Thủ tướng đứng sau ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng, nhưng trong thời buổi đảng phải mở cửa vận động đầu tư buôn bán hầu tìm phương tiện từ bên ngoài nuôi sống chế độ, quyền lực của Thủ Tướng theo sự phân nhiệm hiện nay của Bộ chính trị - nắm cả về đối ngoại lẫn kinh tế - đã trở thành một thế lực lớn ở trong đảng. Chính quyền lực vượt trội của Thủ tướng khiến ông Nguyễn Tấn Dũng đã thao túng toàn bộ, từ trong đến ngoài đảng, từ kinh tế đến chính trị và ngoại giao, và trở thành cái đích nhắm của các phe nhóm cũng như là nguyên uỷ của nhiều vấn đề trên đất nước. Có thể nói 2010 là năm ông Dũng bị các phe quyền lực khác tấn công nặng nề nhất.

Với một số những bối cảnh chung được lược duyệt nói trên, tình hình Việt Nam năm 2010 có bốn sự kiện lớn sau đây đáng cho chúng ta quan tâm:

Thứ nhất là vụ phá sản Tập đoàn đóng tàu Vinashin với sự vỡ nợ 4,5 Tỷ Mỹ Kim, đã là một biến sự tạo một chấn động rất lớn trong năm 2010. Một quốc gia với Tổng sản lượng (GDP) chỉ có gần 100 tỷ Mỹ Kim một năm mà lại để cho một tập đoàn kinh tế phá sản lên đến gần 5 tỷ Mỹ Kim (5% GDP), và chỉ có 5 người mới đang…. bị điều tra là điều không thể tưởng tượng. Ngoài ra, khi một số đại biểu yêu cầu quốc hội biểu quyết về sự tín nhiệm vai trò Thủ tướng và một số cán bộ thừa hành trách nhiệm vụ Vinashin thì Bộ chính trị đã ra lệnh cho Ủy ban thường vụ Quốc hội phải lên tiếng bác bỏ yêu cầu này vì cho là không cần thiết. Thay vào đó, ông Dũng trong cương vị của người trực tiếp chỉ đạo Vinashin chỉ lên tiếng nhận trách nhiệm sai sót quản lý rồi thôi.
Ở những quốc gia dân chủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải từ chức và tất cả những cán bộ điều hành Vianshin phải vào tù và bị niêm phong tài sản kể cả của ông Dũng. Thế nhưng ở Việt Nam thì ngược lại: chính những Tổng biên tập của ba tờ báo phanh phui vụ phá sản Vinashin lại bị cách chức hay bị cảnh cáo. Rõ ràng là sự phá sản của Vinashin đã cho dư luận nhìn thấy rõ cấp lãnh đạo CSVN đã bao che và ăn chia tài sản quốc gia ở mức không cần phải che dấu nữa.

Thứ hai là CSVN đã chi 84 ngàn tỷ đồng, tương đương với 5 tỷ Mỹ Kim để tổ chức Lễ Hội Kỷ Niệm 1000 Năm Thăng Long, mang nội dung thần phục Bắc Phương. Đây có thể coi là một công trình chuẩn bị công phu nhất, tốn kém nhất kéo dài trong gần 8 năm; nhưng lại là công trình vô bổ nhất và bộc lộ ý đồ thuần phục Bắc Kinh rõ rệt nhất. Mặc dù CSVN đã cho bộ máy tuyên truyền nói ra rả từ một năm trước đó là họ sẽ dựng lại hào khí dân tộc thời Nhà Lý của Thế Kỷ 14 trên đất Hà Nội để cho thế giới chiêm ngưỡng, nhưng những công trình phô diễn chỉ mang tính bôi bác, chưa khánh thành đã suy sụp, hư hỏng, và phản bội lại lịch sử hào hùng của cha ông. Trong cuốn phim ghi lại một giai đoạn lịch sử của Lý Thái Tổ, tất cả những quần áo, phong cảnh đều là của Tàu, khiến dư luận rất phẫn nộ và Hà Nội đã phải ra lệnh cấm chiếu.
Đặc biệt là CSVN lại chọn ngày 1 tháng 10 làm ngày khai mạc Lễ Hội trùng với ngày quốc khánh Trung Quốc và chọn ngày 10 tháng 10 làm ngày bế mạc Lễ Hội trùng với ngày quốc khánh Đài Loan. Dù CSVN có giải thích cách nào đi nữa, việc chọn ngày khai mạc và bế mạc của một đại lễ mang tính chất sĩ diện của dân tộc lại trùng hợp vào ngày vui của quốc gia từng xâm lược nước ta là một hành vi sỉ nhục tổ quốc không thể chấp nhận được. Chính trong bối cảnh thuần phục Bắc Kinh như vậy, phong trào vẽ sáu chữ vàng HS.TS.VN đã xuất hiện tại nhiều thành phố ở khắp ba miền đất nước đã tạo sự chú ý trong dư luận.
Đặc biệt vào ngày 9 tháng 10, cao điểm của Lễ Hội 1000 Thăng Long, các đảng viên đảng Việt Tân đã xuất hiện tại công viên Lý Thái Tổ, trung tâm thủ đô Hà Nội để phát áo mũ “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, công bố bản lên tiếng kêu gọi chống hiểm họa Bắc Thuộc, đồng thời giương biểu ngữ “Vì Thăng Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Họa Bắc Triều”. Hành động nói trên của các đảng viên Việt Tân đã xiển dương tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, cương quyết bảo vệ bờ cõi và không chấp nhận bất cứ hành vi xâm lược nào của Bắc Phương.

Thứ ba là vụ Quốc hội CSVN đã bỏ phiếu bác bỏ dự án xây dựng con đường sắt cao tốc Bắc Nam với chi phí lên đến 54 tỷ Mỹ Kim do Nhật cho vay và giúp đỡ kỹ thuật xây dựng. Nhật Bản giúp cho CSVN xây dựng vì muốn tìm công ăn việc làm cho những công ty Nhật theo nguyên tắc của ODA. Trong khi đó những cán bộ cao cấp của CSVN cổ võ cho dự án này với hai mục tiêu: bề ngoài thì họ muốn tạo một “thành quả” nào đó khả dĩ có thể khoe là chế độ có khả năng xây dựng và phát triển Việt Nam sau 2 thập niên đổi mới, nhưng thực chất chỉ là một kế sách bòn rút tài nguyên quốc gia của những cán bộ trong guồng máy chính quyền Nguyễn Tấn Dũng.
Nhiều chuyên gia và học giả nghiên cứu cho thấy là với tình trạng kinh tế èo uột, đời sống người dân còn quá khốn khó, người sử dụng đường Shikansen (tên gọi đường sắt cao tốc theo Tiếng Nhật) không là bao nhiêu nên chắc chắn sẽ bị lỗ và trở thành xa xí phẩm. Quốc hội CSVN đã bị tách làm 2 khuynh hướng khi bỏ phiếu biểu quyết. Đa số thì bỏ phiếu bác bỏ dự án, cho rằng cần dành ngân khoản xây dựng này cho người dân nghèo. Sự bác bỏ xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam của quốc hội CVSVN cho thấy là chính trong nội bộ CSVN đã và đang có một khuynh hướng “bất tuân phục” các chỉ thị từ đảng hay từ cơ chế cao hơn mà không có tính thuyết phục.

Thứ tư là lời tuyên bố trở lại Biển Đông sau một thời gian dài bận đối phó cuộc chiến tại Á Phú Hãn và Iraq của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã tạo những biến chuyển mới tại vùng Á Châu Thái Bình Dương. Tại Hội nghị an ninh khu vực hôm 23 tháng 7 năm 2010, bà Hillary Clinton đã đặt cả Trung Quốc lẫn các nước trong khối ASEAN vào một sự kiện bất ngờ, khi bà tuyên bố rằng Hoa Kỳ đề nghị quốc tế hóa các tranh chấp trên biển Đông, đồng thời coi vấn đề di chuyển trên biển Đông là một sự hợp tác chung không thuộc lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Sự tuyên bố cứng rắn về thái độ của Hoa Kỳ trên biển Đông không những làm cho Trung Quốc tức giận và tạo ra sự căng thẳng giữa hai nước mà còn làm thay đổi mối quan hệ giữa CSVN với Hoa Kỳ và giữa ASEAN với Trung Quốc.

Trong việc trở lại Biển Đông, đối tượng mà Hoa Kỳ tranh thủ chính là CSVN hơn là ASEAN; ngược lại CSVN cũng nhìn thấy Hoa Kỳ là chỗ dựa cần thiết để kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, mặc dù Hà Nội không muốn tạo thế đối đầu với Bắc Kinh. Theo đánh giá của ông Lê Công Phụng, đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ trong một trả lời phỏng vấn gần đây cho rằng quan hệ chiến lược giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn sẽ tiến mạnh hơn nữa trong năm 2011. Hiện chưa có thể thẩm định mối quan hệ chiến lược giữa CSVN và Hoa Kỳ sẽ diễn ra như thế nào, nhất là những quan hệ về quân sự; nhưng có một điều ai cũng thấy là lãnh đạo Hà Nội rất sợ đòn “diễn biến hòa bình” của Hoa Kỳ. Do đó, tuy mở rộng thêm quan hệ với Mỹ, nhưng CSVN sẽ tiếp tục nằm trong vòng kềm chế của Trung Quốc.

Ngoài một số sự kiện nổi bật đề cập bên trên, trong năm 2010 còn có một biến cố đáng chú ý như cuộc tụ họp tự phát của hàng ngàn người dân Bắc Giang từ các quận xã kéo về trước Ủy ban nhân dân Tỉnh phản đối vụ công an đã đánh chết một thanh niên trong lúc điều tra vào tháng 8 năm 2010. Vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị công an CSVN dàn dựng bắt giữ hôm mồng 4 tháng 11, từ tội “chơi gái” sang tội “tuyên truyền chống phá chế độ”. Vụ Tướng Vũ Hải Triều khoe khoang là đã chỉ thị cho lực công an mạng ngăn chận, phá hoại các trang Blog, Facebook, và một số trang web có nội dung chống chế độ Hà Nội và liền sau đó là hàng loạt các trang Web như Việt Tân, Đàn Chim Việt, Thông Luận, Người Việt, Đối Thoại… đã bị tấn công bằng DOS (Denial of Service Attack) liên tục. Vụ một số cựu đảng viên cán bộ về hưu của đảng CSVN cảnh báo về việc 10 tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đã cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn một cách dài hạn để nuôi trồng cây công nghiệp, một hình thức bán đất cho Trung Quốc.

Tóm lại, tình hình năm 2010 đã để lại hai dấu ấn đáng chú ý:

Thứ nhất là sau 20 năm mở cửa kinh tế, quyền lực chính trị đang chuyển từ “bộ máy đảng” sang các “bộ phận trực thuộc” như chính phủ, quốc hội. Sự lên tiếng phê phán hay bác bỏ của Quốc Hội đã cho thấy là đảng CSVN không còn khả năng kềm chế nó như trước; đồng thời vị trí của người nắm giữ trách vụ Thủ Tướng đang lấn dần quyền hạn mang tính “thống lĩnh” trước đây của vị trí Tổng Bí Thư đảng về đối ngoại, kinh tế, hành chánh. Hệ quả rõ rệt là những đấu đá trong nội bộ đảng do tình trạng “trâu buộc ghét trâu ăn”, phe thân Mỹ chống phe thân Tàu, phe miền Bắc chống phe miền Nam… sẽ càng ngày càng thêm trầm trọng.

Thứ hai là người dân Việt Nam đã vượt qua sự sợ hãi để chủ động đứng lên tranh đấu: tụ họp chống bất công, tham nhũng; đòi nhà đất, tài sản bị cướp; đình công hàng loạt để chống bóc lột; xuống đường đòi tự do tôn giáo; lên tiếng vạch trần những sai trái; đưa những thành phần ác ôn ra công lý… Đồng thời qua Lễ Hội Ngàn Năm Thăng Long, người dân càng nhìn thấy rõ chân tướng tay sai Bắc Kinh của tập đoàn lãnh đạo CSVN.

Hai dấu ấn nói trên vừa là những thuận lợi vừa nói lên sự lớn mạnh của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam với những bước tiến mới trong năm 2011, đặc biệt trong tình hình của đảng CSVN sau Đại hội XI, sẽ ngày một suy yếu và lúng túng đối phó với nhiều vấn đề xảy ra trong chính nội bộ đảng và bên ngoài xã hội.

Lý Thái Hùng
31/12/2010
.
.
.

No comments: