Thursday, December 30, 2010

NĂM THÁNH 2010 : ĐẢNG CSVN ĐẬP THÁNH GIÁ ĐỒNG CHIÊM

VRNs (28.12.2010)

VRNs (28.12.2010) – Hà Nội – Tháng 1 năm 2011 tới đây sẽ kết thúc Năm Thánh 2010, Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam gồm ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Khép lại một năm Hồng Ân. Khép lại bao biến cố. Nhưng sau khi Năm Thánh kết thúc thì sẽ mở ra cho Giáo hội hướng đi nào. Thiên Chúa Quan Phòng nhưng Thiên Chúa lại để cho chúng ta được sự tự do để lựa chọn và quyết định. Một Giáo hội “Yêu Nước” khước từ quyền bính Vatican bên đất nước Trung Quốc có ảnh hưởng gì tới Giáo hội Việt Nam?.
Trong thời gian chuẩn bị cho đại lễ kết thúc Năm Thánh sẽ diễn ra tại Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, trên các phương tiện thông tin đại chúng (internet) có nhiều thông tin loan tải về sự có mặt của một “ông lớn” nào đó trong hệ thống lãnh đạo của đảng cộng sản. Có thể là ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước, hay là ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, hoặc một ông nào đó sẽ đến dự lễ và có bài diễn từ gì đó rất trịnh trọng. Điều này khiến cho giáo dân đặt dấu chấm hỏi.

Thế quyền vô thần đã làm gì cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong Năm Thánh?
Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện vào ngày 25/11/2009 là một thánh lễ hoành tráng và lớn nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Sự kiện này có một tiếng vang lớn đối với Giáo hội Công giáo hoàn vũ, được sự chuẩn bị rất sát sao, chỉn chu của cả Giáo hội Việt Nam. Trong sự kiện này không có một nhà lãnh đạo cộng sản cấp cao nào đến dự, chỉ có ông Hà Văn Núi là phó chủ tịch tỉnh Hà Nam đến chúc mừng trong đêm diễn nguyện. Không có ông Triết, không có ông Dũng, không có ông Mạnh, không ai cả. Khai mạc Năm Thánh là thời của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, được diễn ra tại Giáo tỉnh Hà Nội, Đức cha Kiệt là chủ nhà.
Cũng chẳng ôn lại làm gì, nhưng các biến cố của Giáo hội cứ dồn dập xảy ra trong Năm Thánh khiến cho chúng ta khó có thể quên được. Nó vừa mang tính chủ quan lại vừa mang tính khách quan. Mỗi biến cố một vẻ buồn, mỗi biến cố một nét đau và biến cố nào cũng có tính thế quyền nhúng tay vào.
Sau ngày khai mạc Năm Thánh chưa lâu, ngày 06/01/2010 cả Giáo hội Việt Nam cũng như trên toàn thế giới bang hoàng, sửng sốt và vô cùng đau buồn trước sự việc nhà cầm quyền Hà Nội huy động mọi lực lượng đập phá Thánh Giá tại Đồng Chiêm. Đó là món quà Năm Thánh đầu tiên do nhà cầm quyền vô thần tặng cho Giáo hội. Một sự phạm Thánh , xúc phạm đến Giáo hội và đàn áp giáo dân công khai của thế quyền vô thần.
Trong Năm Thánh, sự kiện Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã phải rời xa con chiên, từ biệt sứ vụ của mình trong khi Ngài còn đang đương sức. Ngài bất ngờ ra đi vì lí do… sức khỏe, đã khiến cho lòng Giáo dân không chỉ tại Hà Nội mà còn ở khắp nơi nơi hết sức lo lắng, tái tê buồn bã. Sự kiện Đức Tổng Giuse ra đi vẫn còn nguyên những nỗi đau trong giáo dân.
Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam, còn nhiều biến cố đau buồn khác đã trải qua. Trong các biến cố đó phải kể đến Giáo xứ Cồn Dầu. Một xứ đạo miền Trung vì tinh thần chống lại bất công đã phải chịu nạn trước bạo quyền vô thần. Giáo dân bị công an đàn áp cho tan đàn xẻ nghé, bị đánh đập cho tới chết với những vết bầm tím trên thân người anh Tôma Nguyễn Thành Năm chôn sâu vào lòng đất, với sáu nạn nhân bị cầm tù và bị xử bất công.
Có thể còn ai đó liệt kê tiếp tục với bảng thành tích mà thế quyền vô thần đối với đạo Công giáo hữu thần, Song, chỉ dừng ở đây chúng ta có thể hiểu thế nào là vô thần.

Hai bản chất trái ngược nhau
Thực ra những nguyên tắc chủ nghĩa xã hội đã dần êm dịu đi và đang dần biến mất. Tuy thế chủ nghĩa xã hội trái hẳn với Công giáo. Theo quan niệm Công giáo, con người có tư cách xã hội, sống ở dưới thế, cứu cánh là hướng về và nên một với Thiên Chúa toàn năng, là phương pháp đào tạo đủ mọi tài năng hồn xác của mình, để tán tạ và làm vinh danh Đấng dựng nên mình, rồi tận tâm với nghề nghiệp và sứ mệnh riêng, hầu cho mình và tha nhân được hưởng phúc từ này và đời sau.
Chủ nghĩa xã hội vô thần thì khác hẳn, lối sống ấy không hề biết đến cứu cánh cao thượng ấy. Lý tưởng xã hội mà chủ nghĩa xã hội mong đến một đàng không thể nào thực hiện được ngoài sự áp bức cực độ của chính quyền; mặt khác cũng mặc ai nấy sống giả dối tung hoành, vì không còn chính quyền nào là chân thực. Lý do là không chính quyền nào chỉ căn cứ vào những phúc lợi vật chất thế tục là đủ. “Chính quyền” đó là chính quyền của đàn gia súc gia cầm. Quyền bính chân chính phải hướng về Đấng Tối Cao, vừa là nguyên lý vừa là cứu cánh của muôn vật thụ sinh, nhờ vậy mới có chính quyền thật sự vì dân vì nước.
Quan niệm xã hội của chủ nghĩa xã hội trái nghịch với quan niệm Công giáo một trăm phần trăm. Lẽ nào thế quyền cộng sản vô thần lại có những chiêu thức đối đãi tốt đẹp hay dù chỉ có sự tôn trọng ở ‘một ngưỡng’ nào đó đối với Công giáo. Cũng có thể còn ai trong Giáo hội lầm tưởng rằng cộng sản vô thần sẽ đối đãi với Giáo hội tốt đẹp đến mức ‘đụng trần’?.

Giáo hội tự trị và độc lập
Công đồng Vatican II đã tái khẳng định “cộng đồng chính trị và Giáo hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình”. Nhưng, vì sự tự do tôn giáo, bất kể chế độ, cộng đồng chính trị nào cũng phải đảm bảo cho Giáo hội có đủ không gian cần thiết để thi hành sứ mạng của mình.
Về phía Giáo hội không có thẩm quyền chuyên môn nào đối với các cơ cấu của cộng đồng chính trị “Giáo hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ cho giải pháp này hay giải pháp kia lien quan đến định chế hay hiến pháp. Điều này cũng khẳng định Giáo hội không thể bị chi phối bởi các thể chế chính trị để nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm nào đó. Nhưng Giáo hội có nhiệm vụ tham gia vào việc tìm ưu thế qua các cương lĩnh chính trị, nhất là khi những cương lĩnh ấy có những điểm liên quan đến tôn giáo và luân lý.
Tự trị và độc lập nhưng Giáo hội có hợp tác, không ly khai nhau hay loại bỏ sự hợp tác. Giáo hội hay cộng đồng chính trị đều có thể làm cho việc phục vụ hữu hiệu hơn. Nếu, sự nỗ lực đó là hợp tác lành mạnh vì cộng đồng.
Hơn nữa, Giáo hội có quyền được luật pháp công nhận bản sắc đúng của mình. Sứ mạng của Giáo hội là bao trùm lên hết mọi thực tại của con người, được gắn kết thật sự và sâu sắc với nhân loại và lịch sử nhân loại. Vì lẽ đó, Giáo hội yêu cầu mình phải được tự do bày tỏ sự phê  phán luân lý về thực tại ấy mỗi khi Giáo hội có bổn phận phải bênh vực các quyền căn bản của con người.
Nhưng kinh nghiệm cho thấy, trong mọi trường hợp, nhà cầm quyền cộng sản đã xâm phạm lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, cản trở sự tự do hoạt động của Giáo hội tới mức công khai bách hại Giáo hội.
Việc ông chủ tịch hay thủ tướng, do nội bộ đảng csvn sắp xếp chứ không do dân bầu, có mặt trong lễ bế mạc Năm Thánh tại La Vang thì đó có phải là thiện chí của đảng vô thần đối với Công giáo? Sau những “trận đánh lớn” nhằm vào Công giáo trong Năm Thánh thì việc ông nào đó trong bộ chính trị đảng vô thần đến dự lễ bế mạc nói lên chuyện gì?

Hà Nội, 28/12/2010
Paulus Lê Sơn. VRNs
.
.
.

No comments: