Thursday, December 30, 2010

VIỆT NAM SẼ MẤT BẠN ? (RFA)

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2010-12-29

Tháng 9 năm nay, thủ tướng Lào Buasone Bouphavanh đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân kỷ niệm 48 năm quan hệ ngoại giao 2 nước.
Tại cuộc gặp gỡ này, cả hai phía Việt Nam và Lào đều khẳng định sẽ tiếp tục phát triển bền vững mối quan hệ keo sơn đã có từ trước. Thế nhưng mối keo sơn đó có còn bền chặt không khi Trung Quốc đang gia tăng  ảnh hưởng lên xứ Triệu Voi này?

"Mối quan hệ đặc biệt"

 “Việt – Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”
Đó là những câu thơ từ xa xôi của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà mỗi lần các cán bộ cấp cao hai nước có dịp tiếp xúc, người ta lại mang ra nhắc lại.
Trong 3 nước Đông Dương, mối quan hệ Việt - Lào không chỉ đơn thuần ở cách người ta nói về mối bang giao giữa hai quốc gia bởi vì Việt Nam ngoài thân thiết, còn có ảnh hưởng rất lớn lên người bạn láng giềng này. Cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” cũng ra đời cách đây 30 năm từ lý do ấy.
Giáo sư Hà Văn Thịnh, giảng viên Lịch sử trường ĐH Huế cho biết:
“Bởi vì giữa Việt Nam và Lào thì vấn đề biên giới và vấn đề mâu thuẫn không nặng nề như Campuchia. Campuchia có những bất đồng lớn khác trong vấn đề lãnh thỗ. Những “hiểu lầm” chưa giải quyết được trong vấn đề Nam Bộ”.
Lào - quốc gia núi liền núi, sông liền sông, cùng tựa lưng trên một đoạn Trường Sơn hùng vĩ, chia nhau gần 2.100 km đường biên giới với Việt Nam.
Hai nước láng giềng này đã được người ta miêu tả như “một thế giới giữa hai thế giới”. Nhớ lại thế kỷ 15, nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân các bộ tộc Lào đã hỗ trợ nhau trong cuộc kháng chiến chông nhà Minh. Trong thời kỳ Việt Nam chống Pháp, Lào từng là căn cứ địa của lực lượng kháng chiến Việt Nam. Trong cuộc chiến Việt Nam gần đây nhât, vùng biên giới nước Lào trở thành chiến trường giữa quân Bắc Việt với quân đội miền Nam, lãnh thổ của Lào từng hứng chịu bom đạn nặng nề.
Sự tương đồng về lịch sử, xã hội và chính trị đã mang Việt Nam và Lào đến với nhau. Nền móng đó lại càng thúc đẩy hai dân tộc gắn bó khi có chung mục đích phát triển đất nước. Trong nhiều năm liền, Lào là thị trường lớn của các sản phẩm Việt Nam, đầu tư của Việt Nam vào xứ Triệu Voi không ngừng tăng trưởng. Thậm chí, ngoài mặt kinh tế và xã hội, Việt Nam cũng đã có những ảnh hưởng chính trị đến Lào.
Nhưng tất cả những điều đó dường như đang suy giảm hay ít ra sự ảnh hưởng của Việt Nam lên xứ cộng sản này cũng đang ít đi dần khi người bạn Lào mở cửa ra thế giới.
Lào là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, và đang thực hiên những chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư hầu tạo công việc cho khoảng 6.8 triệu dân số nghèo.

Ảnh hưởng Trung Quốc

Người ta đã bắt đầu thấy Lào có xu hướng nghiêng về phía hai người bạn láng giềng Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, sự chi phối và ảnh hưởng của Trung Quốc lên xứ này ngày càng rõ rệt.

Giáo sư Hà Văn Thịnh nhận xét:
 “Tôi thấy nó phát triển trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ thôi. Còn sau năm 1979 thì đã khác, họ đã ngã ngày càng nhiều về phía Thái Lan, sau đó là Trung Quốc”.

Theo thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư Lào, Trung Quốc đang đứng đầu danh sách trong số khoảng 35 nước đầu tư vào nước này. Người ta bắt đầu thấy nhiều công trình cơ sở hạ tầng và khai khoáng nặng ký của Trung Quốc trên đất nước Lào.
Kim ngạch buôn bán song phương giữa Trung Quốc và Lào đạt  hơn 1 tỉ đô la, tăng trưởng gần 55%, bỏ xa con số tăng trưởng mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong khi đó, kim ngạch thương mại của Việt - Lào chỉ là 212 triệu.
Ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng rõ nét trên đất nước gần 7 triệu dân này.
Năm ngoái, phía Trung Quốc đã loan báo sẽ phóng vệ tinh viễn thông Laos-1 cho Lào. Thêm vào đó, con đường sắt nối Vân Nam, Trung Quốc và xứ Triệu Voi như tạo thêm một mắt xích nối hai xứ cộng sản này. Chiếc cầu nối ấy dường như kéo Lào xa khỏi tình cảm với Việt Nam .
Sau gần 50 năm bang giao, chưa có một ngôi chợ nào giới thiệu hàng Việt Nam trên đất Viêng Chăn. Nhưng Trung Quốc đã có được 2 chợ như vậy tại thủ đô Lào.
Đặc khu Kinh tế Bác Đăng được người ta nói đến như một tiểu Trung Quốc. Đây là trong những đầu tư lớn nhiều triệu đô la của Trung Quốc vào Lào. Nơi đây như một thành phố hiện đại, có sân golf và khách sạn 5 sao “Kim Luân Hoàng Gia” và sòng bài.
Trong khoảng 5 ngàn nhân viên làm việc ở đây, phần lớn là người Trung Quốc. Tiền kíp của Lào không có giá trị ở đây mà thay vào đó là đồng nhân dân tệ. Tất cả những nhân viên ở đây, kể cả người Lào đều phải nói tiếng Trung Quốc. Dấu hiệu quyền lực duy nhất của chính phủ Lào ở đây là đóng dấu thị thực cho du khách.
Gần đây nhất, chính quyền Lào đã ký kết với một công ty Trung Quốc một hợp đồng cho thuê khoảng hơn 10 ngàn héc ta đất trong 99 năm để xây dựng Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng trị giá khoảng 2,25 tỉ đô la.

Quan hệ với Lào và Campuchia là quan hệ chiến lược mà Việt Nam luôn cần phải xây dựng. Nó không những liên quan đến vấn đề kinh tế - Xã hội mà còn là vấn đề chiến lược. Tuy nhiên, Việt Nam đang mất dần mối quan hệ ấy.
Giáo sư Hà Văn Thịnh cho rằng:
“Việt Nam luôn muốn quan hệ với Lào bởi vì đó là vấn đề nguyên tắc an ninh . Nhưng vấn đề là có làm hay không là chuyện khác. Khả năng Việt Nam quan hệ chặt chẽ với Lào như trước kia là khó, nhưng duy trí một mức độ vừa phải thì có thể được”.

Trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc lên Lào ngày càng tăng, người ta chưa thấy Việt Nam có động thái gì đáng kể.
Điều này đặt một câu hỏi vô cùng lớn cho Việt Nam rằng làm thế nào để giữ được người bạn của mình khi quan hệ giữa 3 nước Đông Dương tầm vóc chiến lược về quốc phòng cũng như kinh tế và nhiều lĩnh vực khác?

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved
.
.
.

No comments: