Friday, December 31, 2010

CUỐI NĂM TẢN MẠN CHUYỆN CỘNG ĐỒNG, QUÊ HƯƠNG (Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú
December 30, 2010

2010 đánh dấu 35 năm khai sinh cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, kể từ khi làn sóng người Việt đầu tiên đến Mỹ định cư sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30.4.1975.

130 nghìn người đã được Hoa Kỳ đón nhận cho định cư vào năm 1975. Những người Việt tị nạn đến Mỹ lúc đầu sống rải rác ở nhiều tiểu bang, sau tập trung về miền nắng ấm, nhiều nhất là bang California. Những năm tiếp theo với làn sóng “Boat People” trong hơn một thập niên, rồi H.O., con lai và O.D.P. đem nhiều người đến Mỹ và cũng tập trung về những nơi đã có đông người Việt sinh sống là California, Texas, Washington. Tính đến nay có khoảng 1 triệu 200 nghìn người Mỹ gốc Việt, đông nhất ở California với khoảng một nửa, sau đến Texas với 200 nghìn và bang Washington 60 nghìn.

Vùng San Jose có người Việt định cư ngay từ năm 1975. Sang thập niên 1980 với sự bùng nổ của kĩ nghệ điện tử, người Việt các nơi rủ nhau đổ về đây sinh sống. Nếu Quận Cam ở miền Nam California có số người Việt cao nhất thì San Jose ở miền Bắc là thành phố lớn có số cư dân gốc Việt đông nhất, gần 100 nghìn người, chiếm gần 10% dân số thành phố.
Một thời ở San Jose đã có nhiều trường điện tử do người Việt lập ra, huấn luyện cấp tốc, cung cấp hàng vạn thợ lắp ráp (assembler) và kĩ thuật viên (technician) cho các hãng xưởng. Thung lũng Điện tử là tên người Mỹ gọi, nhưng người Việt còn đặt cho vùng đất lành chim đậu này cái tên thân thương là “Thung lũng Hoa vàng”.
Xem niên giám điện thoại, chỉ họ Nguyễn không thôi đã 6 nghìn, họ Trần 3 nghìn. Thời vàng son đã có đến 5 nghìn cơ sở thương mại do người Việt làm chủ. San Jose một thời sôi nổi sinh hoạt từ văn hoá, xã hội đến chính trị, thương mại. Các sô ca nhạc mỗi cuối tuần ở CPA (Center for the Performing Arts), Flint hay Santa Clara Convention Center lúc nào cũng đông khán giả đến thưởng thức các giọng ca hàng đầu hải ngoại: Khánh Ly, Ý Lan, Như Quỳnh, Khánh Hà, Chế Linh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Tuấn Ngọc, Nguyên Khang. Ngay cả những Diva của Việt Nam cũng đã xuất hiện trên sân khấu San Jose: Hồng Nhung, Quang Dũng, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh.
Nay với mức thất nghiệp toàn quốc ngắm nghé 10%, California 12.4% và riêng Thung lũng Điện tử 10.5% thì phải thắt lưng buộc bụng. Đâu ai còn thích vui chơi như thời vàng son của dăm năm trước. Năm 2010, văn nghệ tuy có khởi sắc hơn năm qua nhưng Thung lũng Hoa vàng chưa sinh động trở lại. Đáng ghi nhận là nhạc sĩ Lê Huy trong cố gắng đưa đến cho khán giả những giọng ca vàng, những tài năng mới trong vùng với các sô gồm nhiều ca khúc chọn lọc đã được yêu thích qua các thời đại. Trong khi đó có những chương trình đã lên lịch, quảng cáo dán khắp nơi rồi phải hủy bỏ vào giờ chót vì vé bán không được.
Nếu có trình diễn, số khán giả cũng ít. Sô kỉ niệm 20 năm ca hát của Ý Lan, một giọng hát được yêu mến, vừa diễn ra trong tháng Mười Hai ở Santa Clara Convention Center với số ghế 700 mà vé bán không hết. Cũng ở thính phòng này, vào mùa hè có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng Mỹ Tâm từ trong nước qua hát với một số ghế trống. Nếu các sô ca nhạc không thành công, ngoài nội dung thiếu hấp dẫn, một phần khác do bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế còn xấu.
Buổi ca nhạc Đàm Vĩnh Hưng đã có sự cố khi ông Lý Tống giả gái để xịt hơi cay vào mặt nam ca sĩ đang ăn khách của Việt Nam. Đây cũng là câu chuyện gây nhiều chú ý trong năm và sẽ còn kéo dài qua năm 2011 khi ông Lý Tống tiếp tục phải ra hầu toà.

Văn nghệ IRCC: 35 năm cộng đồng người Việt ở San Jose

Năm qua vùng Vịnh San Francisco còn có văn nghệ tuy cây nhà lá vườn nhưng mang ý nghĩa ghi dấu 35 năm lịch sử người Mỹ gốc Việt. Trước hết là chương trình của cơ quan xã hội, định cư di dân IRCC được tổ chức tại CPA với hơn 2,000 khán giả đến dự để nhìn lại một chặng đường với những đóng góp của cộng đồng cho thành phố San Jose, cho đất nước Hoa Kỳ. Đây là một thành công mang tính sinh hoạt cộng đồng vì IRCC là cơ quan xã hội do người Việt điều hành – ông Vũ Văn Lộc là giám đốc và đã có mặt ở San Jose từ hơn 30 năm qua – đã giúp định cư nhiều nghìn tị nạn và di dân. IRCC nay vẫn hoạt động, trong khi các cơ quan khác đã đóng cửa. Cũng để ghi dấu 35 khai sinh cộng đồng người Việt tại Mỹ, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley đã có một chương trình ca nhạc kịch do các em sinh viên biên soạn và trình diễn, chủ đề “Sóng gió cuộc đời”, diễn ra tại thính đường Zellerbach trong khuôn viên trường và thu hút 1,500 khán giả. Tuy thuộc thế hệ thứ hai nhưng các em đã ghi lại trung thực hành trình đến Mỹ, cuộc sống vất vả, những hi sinh để nuôi các em nên người trong khi cha mẹ phải đối đầu với những khó khăn hội nhập vào đời sống mới.

Sinh viên Đại học Berkeley làm văn nghệ ghi dấu lịch sử 35 năm người Việt tại Mỹ

Thấm thoát đã 35 năm. Bây giờ không còn nhiều cảnh gia đình “chồng tách vợ li” (technician và assembly). Thời cực thịnh của kĩ thuật vi tính đã qua, nhiều hãng điện tử đã dọn đi, công xưởng bỏ hoang, hoa vàng chỉ còn lưa thưa. Kinh tế xuống cũng kéo theo thời vàng son của văn nghệ Việt ở San Jose, kéo theo nhà cửa chìm dưới nước hay bị tịch thu, cơ sở thương mại dẹp tiệm, nhiều người mất việc. Vietnam Town trên đường Story, nơi gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng, dự trù xây xong từ cuối năm 2006 với 250 đơn vị, nay mới sắp khai trương và cũng chỉ hoàn tất được một nửa.

Sang lãnh vực chính trị, bầu cử 2010 đưa đến vui buồn lẫn lộn cho người Việt San Jose. Nghị viên Madison Nguyễn tái đắc cử, tuy phải qua hai vòng bỏ phiếu, và vừa được Thị trưởng Chuck Reed đề cử làm phó thị trưởng trong những năm tới. Các ứng viên Bửu Thái, Keith Khoa Nguyễn tái đắc cử vào hội đồng giáo dục. Cộng đồng Việt có thêm hai ủy viên giáo dục là Vân Lê và Scott Hưng Phạm, trong khi Kathy Trần và Bryan Công Đỗ không thành công.

Nhìn rộng ra toàn bang California và nước Mỹ, tiếng nói đại diện cho người Việt ở Quốc hội Tiểu bang California không còn nữa vì dân biểu Trần Thái Văn hết hạn phục vụ 3 nhiệm kì và không thể tái tranh cử vì luật giới hạn. Ông ra tranh chức dân biểu liên bang Địa hạt 47 ở Quận Cam nhưng không thành công. Người gốc Việt duy nhất trong Quốc hội Mỹ là Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh cũng đã không giữ được ghế sau một nhiệm kì. Như thế, cộng đồng Việt nay chỉ còn Dân biểu Tiểu bang Hubert Võ là dân cử cao cấp nhất ở bang Texas, nơi có số người Việt đông thứ nhì tại Mỹ. Quận Cam với Giám sát viên Janet Nguyễn là người có chức cao nhất trong khoảng 20 dân cử gốc Việt ở bang California. Đã 35 năm qua, người Việt chưa có được những đại diện dân cử cấp cao hơn trong chính quyền đó là điều đáng buồn nếu so sánh với cộng đồng tị nạn cộng sản Cuba.

Sang lãnh vực truyền thông báo chí, năm qua nở rộ những chương trình truyền hình kĩ thuật số phát sóng tại điạ phương. Cùng lúc có những chương trình phát hình đến nhiều thành phố với các tiết mục giải trí lấy từ kênh trong nước. Ngoài truyền hình, từ nam bắc California sang đến Houston, Texas trên sóng phát thanh nghe rổn rang tiếng Việt gần như cả ngày, cùng các ngôn ngữ Mễ, Hàn, Hoa. Đúng là xứ sở của tự do truyền thông.

Về báo chí, tuy báo mạng phát triển nhưng báo in vẫn sống. Quận Cam với Người Việt, Việt Báo và thêm mấy nhật báo nữa được khai sinh đôi ba năm nay. Ở San Jose, các nhật báo có tuổi như Thời Báo, Việt Nam, Việt Nam Tự Do, Cali Today vẫn phát hành đều, số trang tuy có ít hơn. Trước đây mỗi ngày 20 hay 24 trang, giờ còn 16. Thời cực thịnh số báo cuối tuần có thể từ 40 đến 50 trang, nay xuống 24 đến 30. Tuần báo có San Francisco, Sống Mới sống mạnh, mỗi số dày trên 200 trang. V-TimesViệt Tribune sinh sau, sắp qua tuổi thứ 5, cũng đã vững vàng. V-Times là tờ báo duy nhất ở San Jose nhận đăng quảng cáo cho Vietnam Airlines, và như một số báo Việt ngữ ở California, hiện có sự cộng tác của nhiều người viết từ trong nước.

Báo Việt ngữ ở San Jose

Nói về truyền thông thì không thể quên việc Hà Nội muốn dùng nó để quảng bá cho chính sách của nhà nước tại hải ngoại. Hà Nội có thể dùng truyền thông để đánh phá, gây chia rẽ cộng đồng, nhưng để thông tin trung thực về sinh hoạt trong nước thì người hải ngoại vì trải nghiệm, vì qua những giao tiếp với quê nhà và vì có những luồng thông tin quốc tế đáng tin cậy hơn nên họ không dễ gì tin những gì nhà nước nói.

Mặt khác Hà Nội luôn tìm mọi cách kiểm soát không cho những thông tin trái chiều với quan điểm của nhà nước được phổ biến trong nước, chủ yếu là các trang mạng hay blog lề trái. Dùng tường lửa và tin tặc là cách để Hà Nội đối phó với những thông tin này. Trong năm qua nhiều mạng ở hải ngoại đã liên tục bị đánh phá khiến các tổ chức theo dõi tự do thông tin và nhân quyền phải lên tiếng phản đối. Một quan chức công an của Việt Nam tiết lộ họ đã đánh sập được 300 trang mạng. Tháng Mười Một vừa qua, trang talawas với đóng góp của nhiều trí thức trong và ngoài nước tự đình bản sau 9 năm hoạt động.

Những năm gần đây với sự bộc phát của các blog cá nhân nên các mạng thông tin tiếng Việt của các đài quốc tế như VOA, BBC, RFA nay cũng có những blog riêng. VOA tiếng Việt từ hơn một năm qua có những người viết blog thường xuyên là Bùi Tín, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu, Trịnh Hội và Trần Vinh Dự. Mỗi người phụ trách một chủ đề riêng với nhiều bài viết giá trị về chính trị, văn học, kinh tế, kí sự, sinh hoạt đời sống. Nhưng phần ý kiến độc giả đã cho những kẻ mượn diễn đàn để chửi đổng hay tuyên truyền thay vì tranh luận. Có đôi điều người viết đề nghị cùng VOA tiếng Việt với hi vọng giúp độc giả học hỏi được văn hoá phản biện và làm đẹp cho tiếng Việt:
1/ Không đăng những ý kiến viết tiếng Việt mà không có dấu.
2/ Diễn đàn blog của VOA mở ra là tạo môi trường cho phản biện, mà phản biện thì không phải là chửi đổng hay xả rác. Những ý kiến có nội dung như thế không nên đăng.

Trong xã hội tự do dân chủ, tranh luận liên quan đến chính trị thì không bao giờ dứt nhưng cuối cùng người dân có quyền lựa chọn người đại diện cho quan điểm, lập trường của họ. Còn ở Việt Nam, bàn về chính sách, về lãnh đạo nhiều khi không được phép, trong khi đó người dân lại không được quyền thay đổi hay chọn người đại diện thay họ lãnh đạo đất nước. Vì thế nhiều tranh cãi liên quan đến Việt Nam không đem lại kết quả có ích và một số người vào diễn đàn chỉ với mục đích tuyên truyền hay chửi.

Cuối năm, cùng một bạn văn ghé phở Tầu Bay ăn trưa. Tiệm đông khách đứng chờ là dấu hiệu lạc quan cho kinh tế tiểu thương đang vực dậy. Sang quán cà-phê Starbucks lại gặp một dấu chỉ trái chiều, siêu thị Mỹ bên cạnh vừa đóng cửa. Mấy hôm trước ghé Fair Valley Mall, khu ăn uống với sức chứa trên 800 khách mà đông nghẹt, phải chờ lâu mới tìm được bàn. Ở đây với 20 cửa hàng bán đủ loại thức ăn nhanh Mỹ, Mễ, Tầu, Hàn, Nhật, chỉ thiếu Việt. Bao giờ bánh mì Lee’s sẽ vào được đây?

Ghé thăm toàn soạn Thời Báo được ông chủ nhiệm tặng cho cuốn lịch treo tường in ở Việt Nam với hình các thiếu nữ mặc áo dài rất xinh. Ngoài bìa và bên trong có hàng chữ tiếng Anh: “Year of the Rabbit” – Năm con Thỏ. Lịch Việt nhưng sao lại lai Tầu? Người Việt gọi năm 2011 là Tân Mão, năm con Mèo, “Year of the Cat”. Người Hoa mới gọi là Thỏ. Lẽ nào ảnh hưởng của Trung Quốc đã lây lan từ trong nước ra đến hải ngoại. Đó có thể là điều thật. Thỉnh thoảng gặp người từ quê nhà sang Mỹ chơi, nghe họ kể chuyện mà tưởng như Trung Quốc đã kiểm soát Việt Nam, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, Tây nguyên, sinh hoạt kinh tế mà ngay cả Bộ chính trị.

Một năm nữa sắp qua, Việt Nam rồi sẽ tiến về đâu. Vẫn hồ hởi lên đường xã hội chủ nghĩa hay sẽ hoà nhập được với thế giới của tự do dân chủ và tiến bộ? Có hi vọng gì không trong năm mới này?

[Ảnh trong bài của tác giả]
© 2010 Buivanphu
.
.
.

No comments: