Monday, December 6, 2010

ĐỪNG SỢ ! (Nguyễn Thượng Long)

Nguyễn Thượng Long
Monday, December 6, 2010
                                                                                                       
Tặng H

Trong lần giao lưu với các bạn trong “ Câu Lạc Bộ những người yêu nhạc tiền chiến” tại Thành Phố Cần Thơ vừa qua, một người bạn hỏi tôi :
“ Khi phải nói thật suy nghĩ của mình về các vấn đề liên quan đến chính trị xã hội,  Anh  Hai Bắc Kỳ nghĩ gì về hiện tượng “Sợ Hãi” đang được mô tả như một hội chứng bệnh lý! Vậy thì, hình ảnh con cháu Lạc Hồng rồi sẽ ra sao trong con mắt của cộng đồng nhân loại?”

        Tôi đã nói với người bạn tôi rằng, ngay từ thuở hồng hoang, mặc cảm sợ hãi đã vây bủa con người rồi. Ngày đó người ta sợ gió, sợ mưa, sợ sấm, sợ sét, sợ đói khát, sợ dịch bệnh, sợ các vị thần sẽ nổi giận…Đến thời văn minh lại có những nỗi sợ hãi của thời văn minh. Nhưng …trong cộng đồng nhân loại, thật hiếm có dân tộc nào lại có những nỗi sợ hãi như người Việt Nam.

            Từ lâu xã hội ta có một hiện thực rất không bình thường là : Những người dám nói thẳng, nói thật nỗi lòng mình là không nhiều. Số còn lại thì đại đa số giới cầm bút, cầm phấn mắc phải “Bệnh Sợ”, bệnh vô cảm lại nặng nề hơn cả giới cầm cuốc, cầm cầy. Người đầu xanh tuổi trẻ ham sống, ham vui và sợ chết đã đành, người đã từng sẵn sàng vào sinh ra tử, đang ngày ngày bóc đi những tờ lịch cuối cùng của mùa đông đời mình rồi mà vẫn “Sợ” khi phải nói thật thì không còn gì để nói.Tôi không hề ngoa ngôn, lộng ngôn một chút nào, xin trình ra vài dẫn chứng :

            Sau CCRĐ, đặc biệt là sau trận Đảng CS đánh tiêu diệt bọn “gián điệp” Nhân Văn Giai Phẩm, tác giả “Vang Bóng Một Thời” (Nguyễn Tuân), một bậc đại bút khả kính đã chẳng hể hả nói với các văn hữu rằng: “Tớ sống được đến ngày nay là vì tớ biết sợ” . Hữu Loan tác giả “Mầu Tím Hoa Sim”, bài thơ làm xúc động biết bao thế hệ người Việt Nam, những ngày đó đang ở Hà Nội, thấy cảnh bạn bè bị bắt bớ, đàn áp…sợ quá lặng lẽ bỏ về Thanh Hoá, vứt bút làm thợ đào đá đến trọn đời. Tương tự, tác giả “Bỉ Vỏ” (Nguyên Hồng) quáng quàng ôm “Vợ chồng Tám Bính – Năm Sài Gòn” cùng cả một bầu đàn thê tử bỏ Hà Nội, bỏ hộ khẩu, tem phiếu, sổ gạo…để về quê cuốc đất nhặt cỏ sống những ngày buồn khổ cùng “Hùm Thiêng Yên Thế”.

            Vậy là không phải hội chứng sợ bây giờ mới có đối với những người cầm bút ở đời. Nhưng…sợ mà vẫn còn giữ được phẩm chất, giữ được khí tiết kẻ sĩ như các vị kể trên thật là đáng quý, đáng trọng lắm.
 Cũng ngay từ những ngày động loạn đó, nhiều ông nhanh chóng đổi mầu, nhanh chóng thích nghi, nguyện làm hạt cát dưới chân người, cúc cung cầm bút làm kẻ minh hoạ cho mọi đường lối quyết sách bất kể là đúng sai của “ Quyền lực Chính Trị” để được sống sót , để được tồn tại chứ đâu có mơ ước sẽ có được những đứa con tinh thần xứng tầm với thời đại. Đến cuối đời thấy lương tâm cắn rứt, người thì làm thơ để thanh minh – sám hối, người thì ngậm ngùi mò mẫm đi tìm “Cái Tôi” đã bị chính mình vứt bỏ để tồn tại mà vẫn đâu đã hết sợ! Ông này thì dặn con, ông kia thì dặn cháu phải chờ đến năm này năm nọ, chắc mẩm lúc đó thời thế đã thay đổi mới được công bố để tránh đòn trả thù!?

            Tuy vậy, sẽ là không chính xác khi nói rằng : Cả một cộng đồng, cả một xã hội đã mắc bệnh “Sợ Hãi”. Ngay trong thời gian diễn ra cuộc CCRĐ, ngay trong cơn động loạn NVGP vẫn có những người không mắc phải hội chứng sợ đấy chứ. Xin dẫn chứng : Nhà Giáo Nguyễn Mạnh Tường, bậc thức giả với 2 bằng Tiến Sĩ Pháp Quốc ở độ tuổi đôi mươi, ngay từ tháng 10 / 1956 đã dám đi ngược chiều gió khi đưa ra những ý kiến phản biện quyết liệt những sai lầm của Đảng trong CCRĐ dù biết rằng cái giá phải trả sẽ là như thế nào. Ngay trong vụ án “ Gián Điệp” NVGP cũng có nhiều người mắc phải bệnh “Không Sợ” đấy chứ, dù biết rằng mình sẽ đi tù mút mùa. Đó là những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Nữ Sĩ Thụy An…chấp nhận buông bút thì buông quyết không “Nói ghét thành yêu – Nói yêu thành ghét”. Vẫn có những thi sĩ, nhạc sĩ dù có phải mượn rượu mạnh, thậm chí phải nhờ đến cả bạch phiến để tĩnh tâm, an thần…cũng quyết :
                                    “ Giấy bút của tôi bị người ta giằng mất,
                                       Tôi dùng dao chém đá viết thành thơ”.

Đó là những Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng…Phần thưởng cao quý mà nhà nước này vừa phong tặng và cả truy tặng cho họ mấy năm vừa rồi là một minh chứng cho chân lý : Thời đại nào cũng vậy thôi, không phải kẻ sĩ nào cũng “Giá Áo Túi Cơm”,  Không phải kẻ cầm bút, kẻ cầm phấn nào cũng :
                                    “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
                                    Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”.

            Chẳng nói gì đâu xa, đâu có phải 100% thầy cô giáo Việt Nam vì mắc phải “Bệnh Sợ” mà cùng cúi mặt lừa dối học trò, lừa dối nhân dân trong những “Mùa thi nghiêm túc” dỏm. Đâu có phải tất cả các thầy cô cùng vô liêm xỉ, cùng đứt hết dây thần kinh xấu hổ khi cuộc vận động “ Nói Không…” phát động thì rùm beng, quên béng việc tổng kết, Ông Nguyễn Thiện Nhân, ngôi sao chói sáng, cứu tinh của ngành GD ĐT, năm 2006 là người phát động chiến dịch nã pháo vào dối trá và vị thành tích, từ “ 2 không” nâng cấp thành “ 4 không” rồi “5 không” …không biết ông Nhân có mắc phải bệnh “Sợ” không mà bất ngờ bỏ Giáo Dục chậy lấy người ! Cuộc tháo chậy của ông Nhân đã đặt Đỗ Việt Khoa người anh hùng của GD ĐT,  Người Đương Thời được cả nước ủng hộ năm 2006 vào thế “Tứ bề thọ địch”, trần trụi giữa bầy sói dữ, đành ngậm ngùi bỏ nghề. GD ĐT con bệnh trầm kha ngày nào nay đã lại hớn hở ca hát “Em vẫn như ngày xưa …” rồi lại te tởn dâng Bác, dâng Đảng những kết quả thi là những mẻ “ vàng 9999” dỏm.
 Nhìn vào mấy điểm nóng của GD ĐT Hà Nội hôm nay vẫn thấy có những thầy cô giáo dù có phải bỏ nghề cũng kiên quyết không sống chung với lươn lẹo, dối trá, tiêu cực, tham nhũng. Họ là những nhà giáo không mắc bệnh “Sợ”. Tiếc rằng những con người rất đáng kính trọng đó lại là những ngôi sao cô đơn, quá thưa thớt trên nền trời Giáo Dục ảm đạm và u buồn.

Sau sự kiện cựu Hiệu trưởng trường Đảng, nhà giáo Vi Đức Hồi bị bắt giữ chưa rõ vì lý do gì, thì lại có hai sự kiện tôi nghĩ rất đáng được quan tâm.

 Sự kiện luật gia Cù Huy Hà Vũ, người dám kiện cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mới bị bắt giữ ở Sài Gòn theo một kịch bản rất không thuyết phục. Vụ này, theo tôi cơ quan công an bị mất điểm rất nghiêm trọng. Vụ bắt giữ này cũng đã làm bật ra những vấn đề thuộc về Pháp Luật, những thách thức về mặt Nhân Quyền.

Thoạt đầu, báo chí loan tin bắt giữ ông Vũ chỉ với tội danh đang chung phòng với một người đàn bà trong một phòng ngủ của một khách sạn ở Sài Gòn. Cuộc chung phòng đó được mô tả là rất “ riêng tư” và “mát mẻ”!? Bức ảnh thứ nhất được tung ra sau đó được tháo rỡ ngay là cảnh ông Vũ cởi trần mặc xà lỏn ngồi trên giường và một người đàn bà mặc đầy đủ trang phục, gương mặt người này được xoá nhoè (!?). Sợ người đọc ngu lâu…người đưa tin còn chua thêm để định hướng suy nghĩ : “ Đã phát hiện trong phòng ngủ có 2 kondom (Bao cao su) đã qua sử dụng. Sau đó lại thấy nói người đàn bà đã ký biên bản còn  ông Vũ có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Tiếp theo là một đột biến không thể giải thích được là từ câu chuyện đàn ông và đàn bà tìm nhau lãng xẹc thì liên quan gì đến Laptop và cửa nhà ông Vũ ở Hà Nội mà lại có đoạn: Sau khi khám xét Laptop và khám nhà ông Vũ ở Hà Nội thấy có nhiều bài vở có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, những bài đó, cư dân mạng nào mà chẳng đã đọc. Cuối cùng là ông Vũ bị bắt với tội danh vi phạm điều 88 bộ luật hình sự.

Vậy là từ thời điểm 12 h đêm ngày 4/11/2010 đến lúc tôi đang viết những dòng chữ này bên Hồ Than Thở (Đà Lạt), trận “Boxing” giữa cơ quan an ninh Việt Nam và Luật Gia Cù Huy Hà Vũ chỉ là trận đấu của một bên. Tiến Sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vẫn chưa hề được nói ,được viết 1 câu nào để thanh minh cho mình. Trong khi đó, đối thủ đã tung ra cả một xê ri đòn có sức huỷ diệt. Xin nhớ, chuyện gì đến với người đàn ông xa vợ! chẳng ai quan tâm, với tội danh vi phạm điều 88, kịch kim có thể ông Vũ phải bóc 20 cuốn lịch, nếu chẳng may ông bị quy là dính điều 79 ông Vũ có thể trung thân hoặc tử hình (!?)

Tôi chưa có cơ sở nào để kết luận ông Vũ đã “Sợ hay Không Sợ” vì công an đã tạm giam ông Vũ 4 tháng rồi. Qua đời sống mạng, tôi thấy ngoài cơn lốc phản đối của các bloger có không ít người đã vượt qua được những nỗi sợ hãi để tiếp cận sự việc từ nhiều góc độ. Đó là kiến nghị phản đối vụ bắt giữ này  của cả gia tộc họ Cù  và họ Ngô, là kiến nghị tố cáo của vợ ông Vũ về viêc theo bà là công an đã bắt giữ trái phép chồng bà, là đơn tố cáo của người đàn bà đã chung phòng với ông Vũ trong đêm 4/11, theo người đàn bà này thì một số tờ báo đã cố ý vu cáo và bôi nhọ danh dự của bà.

Theo tôi, đây là những tiến bộ về ý thức khẳng định quyền con người của những người này là những chỉ dấu cho một xã hội đã có những tiến bộ về nhân quyền. Tuy vậy tôi cũng thấy ở những người khác, phương diện khác có những dấu hiệu không biết có nên nghĩ là sự sợ hãi hay không? Hơn 700 tờ báo Lề Phải chưa thấy một bài viết nào dám bênh vực ông Vũ đã đành, vậy những người rất vui vẻ và tươi cười chụp chung ảnh với ông Vũ như ông Võ Nguyên Giáp, ông Lê Đức Anh, ông Nông Đức Mạnh…sao chưa thấy ông nào bầy tỏ điều gì!? Người đời có câu: “Hãy cho biết anh giao du với ai? Tôi sẽ nói để anh biết anh là loại người nào?” Tôi tin rằng các ông phải biết rất rõ Cù Huy Hà Vũ là con người thế nào thì các ông mới chụp chung ảnh một cách vui vẻ như thế chứ! Dù chưa biết màn chót của biến cố này sẽ là thế nào, thì rõ ràng uy tín, danh dự của các vị đã chụp ảnh chung với ông Vũ sẽ bị một tổn thương không nhỏ nếu các vị cứ im lặng.

Ngày hôm qua, cư dân mạng thực sự xửng xốt trước thông điệp của ông Lê Hiếu Đằng – Luật Gia, nguyên Phó tổng thư ký UBTƯ liên minh các lực lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hoà Bình Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch MTTQVN Thành phố HCM, hiện đang là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp Luật thuộc UBTUMTTQ Việt Nam…khi thấy hơn 700 tờ báo lề phải rụt rè không dám đăng tải một cách đàng hoàng những tin tức, vấn đề liên quan đến kiến nghị dừng khai thác Bô Xít ở Tây Nguyên …ông Đằng chẳng biết sợ là gì khi lên tiếng:
“ Vì sao cái tốt cứ chịu thua cái xấu. Tiêu điểm ấy là “Nỗi Sợ”. Chúng ta không việc gì phải sợ vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước, thương nòi, chúng ta làm đúng Hiến Pháp và Pháp Luật.
“Trước kia không sợ kẻ thù, mỉm cười trước cái chết, cớ gì bây giờ lại phải sợ hãi các đồng chí của mình? Trước đây can đảm, bây giờ sợ sệt đã là điều lạ. Nhưng sợ ai ? Sợ chính “Các Đồng Chí” của mình thì lạ quá, đau quá.”
Đọc được điều trăn trở của Luật Gia Lê Hiếu Đằng, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu trên Đà
Lạt vô cùng xúc động. Ông bầy tỏ nỗi lòng mình: Sợ ai ? “Câu trả lời không khó, lời đáp dành cho mỗi cá nhân. Tuỳ theo câu trả lời là sáng sủa hay là ấp úng mà mỗi người tự xác định mình bằng sự hiểu biết, lòng trung thực và nhân cách của mình”.

            Tôi nghĩ chỉ khi nào câu trả lời của người dân Đất Việt là sáng sủa như những gì mà anh Hà Sĩ Phu mong muốn, khi nào mà “Giới Tinh Anh” không phải chịu đựng những thị phi hết sức vô lý, bất công và ngu xuẩn theo kiểu :
“Trong một đám đông toàn những ông “Gù Lưng” thì thằng nào “Thẳng Lưng” sẽ phải sống cuộc sống của kẻ tật nguyền”.         
 Và cũng chỉ khi nào những kẻ “Tật Nguyền”mà trong bài viết này là những người không mắc phải bệnh “Sợ” không còn bị mô tả quá buồn nhưng cũng quá đúng:
“Gã đang đi trên đường, giấy và bút trong túi (Không phải là Kondom như người ta cứ cố tình bôi bác – NTL ), tiền bạc không, chẳng có bổng lộc gì và một trái tim đang tan nát” (Nguyễn Huy Thiệp)  (*)
…thì Đất Nước chúng ta, Dân Tộc chúng ta mới khá lên được. Còn cứ như lúc này, lúc còn quá nhiều người vẫn còn đang run rẩy trong những nỗi sợ hãi rồi lũ lượt theo nhau : “Cứ tự mình dán băng keo vào miệng”, đành “ Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ”, đành “Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ ”…  thì tình cảnh đất nước có khác gì đâu câu  “ Candl in the Wind” (Ngọn nến trong gió) mà ca sĩ nhạc pop lừng danh Elton John đã hát trong tang lễ cố công nương Diana người đã tử nạn trong đường hầm Pari năm nào.

            Còn câu hỏi mà người bạn tôi ở Tây Đô mới hỏi : “…rồi hình ảnh con cháu  Lạc Hồng rồi sẽ ra sao?”. Xin được trả lời:
 Ngay từ 1979 lúc mà hào quang đánh thắng cả siêu cường Hoa Kỳ còn đang làm mờ mắt nhiều người Việt Nam, thì Việt Nam có là gì đâu trong con mắt của người Trung Quốc. Những người còn giữ được lòng tự trọng, những ai còn giữ được tiết tháo ông cha, làm sao đã quên, đã hết đau xót trước lời miệt thị người Việt  Nam của Đặng Tiểu Bình năm đó là : “Hãy dậy cho bọn lưu manh phương đông một bài học (!?)” và bao nhiêu máu xương con Lạc cháu Hồng đã rơi trên suốt dải biên cương phía Bắc vì lời miệt thị này?
            Hơn 30 năm sau biến cố 1979, hai mươi năm sau mị nhau bằng “16 chữ vàng – 4 tốt” tôi nghĩ rằng hình ảnh người Việt Nam trong con mắt giới chức Trung Quốc còn tệ hại hơn nhiều. Hãy nghe Tiến Sĩ Vương Hàn Lĩnh – Viện luật pháp quốc tế thuộc Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Tuần Tin Tức Việt Nam sau “Hội Thảo Quốc Tế Về Biển Đông lần thứ hai” do Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn 2 ngày 11 và 12 tháng 11 năm 2010 vừa qua. Vị Tiến Sĩ mà các hãng thông tấn vỉa hè ở Sài Gòn, Cần thơ, Đà Lạt, Nha Trang …những nơi mà tôi vừa đi qua đều nhất nhất gọi là đồ trẻ ranh, vắt mũi chưa sạch mà lại dám khụng khiệng lên giọng Thiên Triều: “ Nên nhớ rằng, cho đến năm 1885 Việt Nam vẫn còn là thuộc quốc của Trung Quốc”.

            Trên đây là hình ảnh Việt Nam trong con mắt của giới cầm quyền Trung Quốc, thế người Việt chúng ta đang tự giới thiệu hình ảnh mình thế nào qua những sự kiện như Bauxite, Vinashin, vụ các ông lớn Hà Giang “Mây Mưa” với gái điếm, “Giải Đen” với các cháu học trò, Pháo Hoa thành Pháo Hoạ, Lý Công Uẩn thành ra Tần Thuỷ Hoàng, Phim ta thành ra phim Tầu… trong đại lễ 1000 năm Thăng Long…! Đó là chúng ta đang tự hoàn thiện những “Tư Chất” để sớm được gọi là những tên “Digan ở Phương Đông”. Digan là ai? Xin hỏi những người đã từng qua lại Âu Mĩ thì sẽ rõ.

 Tôi nghĩ, nếu chúng ta tiếp tục say sưa với những “Tư Chất” đó thì tâm trạng đau khổ của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt khi ngài cầm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài sẽ không phải là một hiện tượng cá biệt & ngày càng có nhiều người chia sẻ với ngài về tâm trạng đó.   
   
Hình như dân tộc Việt Nam chỉ tìm được lối thoát vào những thời điểm ngặt nghèo. Tôi tin rằng thời điểm ngặt nghèo đó đang đến gần, còn lúc này, để khép lại những dòng tự sự về nỗi sợ hãi vẫn còn đang vây bủa xung quanh con người Việt Nam chúng ta, tôi xin nhắc lại những gì mà tôi tin không ít người chúng ta chưa quên. Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, đầu tiên là Ba Lan sau đó là bức tường Berlin sụp đổ, là hàng loạt các nhà nước Cộng Sản Đông âu tiếp tới là LBCHXHCN Xô Viết gọi tắt là Liên Xô, thành trì của CNXH thế giới theo nhau sụp đổ. Có điều ít người còn nhớ, trước đó ít năm, nhà lãnh đạo tinh thần của khối Công Giáo toàn cầu, Đức Giáo Hoàng Joan Paolo II đã chấn an người đồng bào của mình, ông Lech Walesa – Thủ lĩnh Công đoàn  Đoàn kết Ba lan rằng: “Hỡi các con ! Đừng sợ!” (Do not be afraid).
Lời nhắc đó đã đi vào lịch sử, lịch sử của những chân lý không thể đảo ngược./.

(*)  Năm 1992, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp viết bài “ Nhà văn và bốn trùm “Mafia”. Bài viết đó ông Thiệp quy kết kẻ gây ra bao nỗi sợ hãi & thống khổ cho con  người là bốn tên Mafia “ CHÍNH TRỊ - ÁI TÌNH – TIỀN BẠC & TÔN GIÁO”. Bài  đó ông Thiệp viết về tình cảnh của chỉ 0,001% những người viết văn theo ông là đắc đạo, việc đe doạ để họ phải sợ hãi là thừa. Kết thúc bài viết đó ông Thiệp viết về những người không thể đe nẹt được:
 “Gã đang đi trên đường, giấy và bút trong túi, tiền bạc không, chẳng có bổng lộc gì và một trái tim đang tan nát.”. Bài này ông Thiệp đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 1992. Năm 2006 Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in lại trong tập “Giăng lưới bắt chim”. Ngay sau khi Tạp chí Sông Hương đăng bài này, ông Thiệp tuyên bố “Rửa tay gác kiếm” không viết văn nữa, ông chuyển sang kinh doanh hàng cơm. Ngày đó từ Hà Nội đi qua cầu Chương Dương, ở phía bên kia cầu người ta thấy có một nhà hàng nhỏ mang tên một loài hoa có sắc trắng và mùi hương hăng hắc rất đặc trưng cho rừng núi Tây Bắc Việt Nam, thấy chủ quán là một người đàn ông vóc dáng thấp nhỏ, gương mặt nhầu nát và u uẩn lặng lẽ ngồi đọc sách và thu tiền. Trong mắt của không ít cư dân lề phải ngày đó, ông chủ quán cơm này cũng là một thứ “TẬT NGUỲÊN”.
 Trước, trong và sau Đại Hôi nhà văn VIII, nhiều người bảo: Ông Thiệp cũng biết sợ rồi. Tôi không nghĩ thế, những gì cần phải nói, đặc biệt phải nói cho những ai, ông Thiệp cũng đã nói hết rồi. Là một nhà văn nổi tiếng, ông Thiệp có cách nói của một nhà văn nổi tiếng. Tôi nghĩ nếu gọi ông ấy là kẻ “Tật Nguyền” thì đó phải là một kẻ “Tật Nguyền” không biết sợ và rất đáng kính  trọng./

          Tháng 11/2010. Từ Hồ Than Thở Đà Lạt đến bãi biển Nha Trang Mùa Thu đã đi qua.
    Nguyễn Thượng Long
    Nguyên giáo viên Giáo Dục Hoà Bình và Hà Tây.
    Nguyên thanh tra giáo dục kiêm nhiệm Hà Tây.
.
.
.

No comments: