Mr Do
Chủ nhật, ngày 05 tháng mười hai năm 2010
Ở Brazil , chú hề Francisco Oliveira (nghệ danh Tiririca), 45 tuổi, vừa đắc cử đại biểu quốc hội. Trước kia người ta đồn Tiririca mù chữ, nhưng sau khi chú trúng cử, tòa án đã làm bài kiểm tra đọc viết và đi đến kết luận: “Chú có khả năng đọc hiểu ở mức tối thiểu, dù gặp khó khăn trong việc viết”. Một người biết đọc sơ sơ và “hầu như không” biết viết thì hẳn chẳng thể có được cái bằng trung cấp lận lưng, đừng nói tới bằng đại học, dù chỉ là tại chức. Ấy vậy mà người ấy sắp làm ông nghị mới ghê!
Có hề gì, xã hội dân chủ, dân tin chú thì bỏ phiếu cho chú. Dân chẳng màng chú có bằng gì, học đến đâu, chính quy hay tại chức. Tư duy bằng cấp, phẩm hàm là “người ngoài hành tinh” ở đây.
Đó là Brazil, đất nước của bóng đá và bạo lực, nhưng cũng là một trong những nền kinh tế mới nổi đáng chú ý của thế giới, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Brazil sở hữu công nghệ hạt nhân (không phải vũ khí), sản xuất máy bay dân dụng (sản xuất, không phải ráp kiểu Vinaxuki hay Thaco) bán chạy hàng đầu thế giới (trong lĩnh vực máy bay dân dụng thì Embraer chỉ đứng sau Boeing và Airbus, cạnh tranh với Bombadier ở vị trí thứ 3), và có nhiều thành tựu khác.
Na Uy, đất nước giàu và “lý tưởng” hàng đầu hành tinh, có một cái nội các rất chi là “thất học”. Xin trích bài viết của anh Nguyễn Quang Minh, một người làm trong lĩnh vực kinh tế và dầu khí đã định cư trên 30 năm ở Na Uy, làm dẫn chứng: “Chính phủ Na Uy hiện nay điều hành bởi Thủ tướng Jens Stoltenberg. Đây là nội các thứ ba của ông (nhiệm kỳ 2009-2013)… Điều thú vị thứ nhất là không có ai có bằng tiến sĩ, 1 thạc sĩ (nữ), hơn 2/3 cử nhân và 2 bộ trưởng bậc phổ thông trung học, 2 bộ trưởng chưa xong đại học, chỉ có vài chứng chỉ vắt vai... Điều thú vị thứ ba là về ông Bộ trưởng Bộ Viện trợ và Môi trường, Erik Solhiem, năm nay 55 tuổi. Ông Erik từng là Chủ tịch đảng SV năm 32 tuổi (1987). Hình ảnh ấn tượng về ông Erik là sự đơn giản chân phương. Lưng đeo ba lô, tay trái đẩy xe em bé phía trước, tay phải dắt con, trên đường về từ nhà trẻ, vừa đi vừa trả lời phỏng vấn báo chí… Điều lý thú thứ tư, Bộ trưởng Tài chính, ông Sigbjørn Johnsen, năm nay 60. Năm 1990, lúc đó 40 tuổi, ông đã là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của bà Gro Harlem. Ông Sigbjørn chỉ có trung cấp tài chính-kế toán. Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ trước là bà Kristin Halvorsen, 50 tuổi, có vài chứng chỉ về sư phạm xã hội và tội phạm học, chưa có văn bằng tốt nghiệp đại học... Bộ Giao thông hiện nay cũng do phụ nữ nắm, bà Magnhild Kleppa, 62 tuổi. Bà Magnhild trước đây là Bộ trưởng Xã hội, năm 1997, có bằng cao đẳng sư phạm, xuất thân từ cô giáo cấp II tỉnh lẻ”. (Tôi lược bớt những “điều thú vị” không liên quan tới bằng cấp, như giới tính chẳng hạn).
So với nội các của Thủ tướng Dũng ở Việt Nam , Chính phủ Na Uy giống “một đám thất học”.
***
Đó là chuyện ở những xã hội mà phẩm hàm, bằng cấp nhẹ tựa lông hồng. Họ học để biết, để mở mang tư duy, để tích tụ kiến thức, để làm được việc… không phải để lấy bằng.
Hồi trước, tôi có hỏi Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Anh từng bày tỏ lo lắng trước cuộc suy thoái tinh thần hiếu học của người Việt Nam . Vậy đâu là nguyên nhân? Do người Việt trở nên lười đi hay do nền giáo dục không kích thích được tinh thần hiếu học?”
Giáo sư trả lời: “Người Việt xưa nay vẫn có truyền thống hiếu học. Nhưng thường là học để làm quan, chứ hình như không đặt trọng âm lên cái khát khao hiểu biết của con người. Với xã hội thay đổi nhanh chóng như những năm gần đây, người ta càng ngày càng đặt trọng âm lên câu hỏi học để làm gì. Vô tình khi đặt câu hỏi đó, cái mục đích gì đó đã quan trọng hơn việc học.”
Toán học ngắn gọn và chính xác. Nhà toán học không nói nhiều, nhưng đã chỉ đúng chóc vấn đề. Người ta - ở đây là chúng ta – học để làm quan, mà muốn làm quan thì phải có bằng cấp. Bằng trung cấp thì chớ có mơ mộng!
Cái ám ảnh bằng cấp, phẩm hàm nó cứ lồ lộ khắp nơi. Bên cạnh nhà tôi ở quê, có con bé đã tu luyện ba năm chỉ để thi đậu đại học, bất kể ngành gì, ngành điểm chuẩn càng thấp càng được ưu tiên, trong khi nó có thể học trung cấp, dạy nghề… ngay tức thì. Ba năm ôn thi đại học tốn bao nhiêu là tiền của. Đó là chuyện của một cá nhân, trong vô số cá nhân “hiếu học” ở xã hội Việt Nam .
Tại Sài Gòn, cứ mỗi dịp vào mùa thi, sĩ tử lại nô nức kéo lên, lao đầu vào các lò luyện thi nóng hầm hập. Đúng là lò! Người ta thường ngộ nhận đó là “hiếu học”. Không, đó là “hiếu danh”. Một xã hội hiếu danh. Cũng như, không có xã hội nào mà cứ đến mùa thi là báo chí nhắng cả lên, đua nhau đăng đáp án, gợi ý giải đề, tư vấn ăn gì uống gì để bổ não, giáo sư lên mặt báo bày “mẹo” làm bài thi… Rồi thì là “tỉ lệ chọi”…
Chính trong cái xã hội đó mới phát sinh ra những chủ trương kiểu như ở thành phố Đà Nẵng, rằng chính quyền từ nay sẽ không dung nạp người có bằng tại chức.
Hình thức học tại chức có thể là một sản phẩm quái thai của một xã hội háo bằng cấp, một cách thức giúp các vị “bổ túc hồ sơ” để thăng quan tiến chức. Điểm thi của các khóa học tại chức có thể thường được quyết định ở phòng VIP quán nhậu, thay vì ở phòng thi. Người ta có lý khi nói “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”/ hay: "Đờ mờ cái gã chuyên tu/Không có tại chức ai ngu hơn mày).
Nhưng tại chức có thể ngu. Hình thức tại chức có thể cần bị dẹp bỏ hoặc thay đổi. Đó là một chuyện.
Còn một chủ trương tuyển dụng của chính quyền thì, dù với bất kỳ lý do nào, không nên đặt trọng âm lên tiêu chí bằng cấp. Một chủ trương như thế, dù có người ca ngợi là táo bạo, quyết liệt, thì tôi vẫn thấy rằng đó là biểu hiện của một tư duy coi trọng bằng cấp, phẩm hàm tới mức bệnh hoạn. Nếu chủ trương ấy được nhân rộng, e rằng cơn sốt thi cử, bằng cấp, nạn mua bằng… càng trở nên tồi tệ hơn.
Cứ như thế này thì bao giờ mới có một ông quan nhỏ chọn cách ở nhà đọc sách, tẩm bổ não trạng để ngày mai, ngày kia kỹ năng làm việc tốt hơn thay vì mời thầy dạy học (chính quy hoặc tại chức) ra phòng VIP “100%, dzô” để có điểm tốt, đặng kiếm thêm tấm bằng bổ túc hồ sơ thăng quan tiến chức
-----------------------------
TẠI CHỨC - Văn Công Hùng - 6-12-2010
Chuyên tu, tại chức và bất cập - Bs Hồ Hải – 5-12-2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment