Trọng Nghĩa - RFI
Chủ nhật 19 Tháng Mười Hai 2010
Dưới tựa đề đầy tính châm biếm “Rối bời nơi thiên đình” (Great disorder under heaven), tuần báo Anh The Economist số tất niên (16/12/2010), đã điểm lại điều được gọi là “thảm họa ngoại giao” của Trung Quốc trong năm 2010 sắp kết thúc. Theo The Economist, thảm họa này phản ánh tâm trạng bất an của chính quyền Bắc Kinh ngay trong nước.
"Tại sao môi trường bên ngoài lại thay đổi ?" Đây là câu hỏi một học giả Trung Quốc về quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh đã đặt ra khi xem xét một vài tháng không tốt đẹp gần đây đối với nền ngoại giao Trung Quốc. Tình hình nội bộ Trung Quốc không có thay đổi lớn nào và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cũng không chuyển biến nhiều. Thế nhưng Trung Quốc lại liên tiếp gây sự với tất cả các đối tác quan trọng nhất của mình. Giới dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đang ngả theo xu hướng xem đất nước họ là nạn nhân của một âm mưu chèn ép đến từ phương Tây, vào lúc quốc gia này đang bắt đầu giành lấy vị trí đúng đắn của mình trên thế giới. Một giải thích hợp lý hơn cho tình trạng kể trên có lẽ là tình trạng lạc điệu của ngành ngoại giao Trung Quốc, thường dựa trên các hành vi bắt nạt và đe dọa.
Đối với các lý luận gia về âm mưu (của Tây phương) chống Trung Quốc, bằng chứng số một của điều này là việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, một nhà ly khai đang bị cầm tù. Theo Global Times, một tờ báo của đảng Cộng sản, lễ trao giải đã đánh dấu sự khởi đầu một "phiên tòa của lịch sử đối với Ủy ban Nobel". Nhưng chính Trung Quốc, thay vì dửng dưng coi khinh hành động bị cho là thiếu tôn trọng đó, thì lại biến việc tham dự lễ trao giải ở Oslo ngày 10/12 một bài trắc nghiệm tình hữu nghị theo kiểu ‘theo-ta-hay-chống-ta’. Theo chuẩn mực lệch lạc đó, hầu hết những nước được mời đến Oslo đều thuộc diện chống lại Trung Quốc). Một số nước, chẳng hạn như Ấn Độ, đã phải đối phó với áp lực có phối hợp Trung Quốc.
Danh sách 17 quốc gia nghe theo lời kêu gọi tẩy chay của Trung Quốc, khó có thể chứng minh cho lời phô trương của Bắc Kinh là lập trường của họ được đa số các nước ủng hộ. Một số quốc gia, ví dụ như Việt Nam, có thể là sẽ thích thú khi thấy Trung Quốc bị bối rối, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ đứng lên bảo vệ quyền của một chính phủ được cầm tù các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Cuba và Iran cũng thế. Một vài nước khác, như Pakistan, thuộc diện "bạn bè trong mọi thời tiết".
Điều thực sự ngạc nhiên duy nhất là Philippines, nước thường tự hào về nền dân chủ tự do của mình. Nhưng Bộ Ngoại giao của Philippines đã phải cố gắng vuốt ve Trung Quốc, sau vụ giải cứu con tin bị thất bại vào tháng Tám, đã khiến cho 8 du khách Hồng Kông bị thiệt mạng. Cho dù vậy, Văn phòng Tổng thống Philippines cũng đã viện lẽ "lịch trình làm việc chồng chéo" của vị đại sứ của họ. Báo chí địa phương đã đả kích chính phủ về thái đó khiếp nhược đó.
Thực ra giải Hòa bình Khổng Tử mới là “trò hề”
Giới bình luận chính thức tại Trung Quốc đã nhiều lần gọi lễ trao giải Nobel hòa bình là một "trò hề". Thực ra từ ngữ này sẽ chính xác hơn khi được áp dụng cho "giải thưởng hòa bình Khổng Tử" đầu tiên, được trao tại Bắc Kinh ngày 09/12. Người được giải là cựu phó chủ tịch Đài Loan Liên Chiến, một người được nhiều cảm tình của chính phủ Trung Quốc do cách tiếp cận hòa hoãn của ông.
Tuy nhiên, ông Liên Chiến đã tuyên bố rằng ông không hề hay biết về giải thưởng trao cho ông, và, tương tự như ông Lưu Hiểu Ba, ông Liên Chiến cũng không thể nhận giải. Do sự vắng mặt của ông Liên Chiến, giải đã được trao cho một "thiên thần của hòa bình", một bé gái sáu tuổi, tự nhiên được ôm một bó 100.000 nhân dân tệ (15.000 đô la) tiền mặt. Sự kiện này không được đón nhận tốt ở Đài Loan, một trong những nơi hiếm hoi mà chính sách của Trung Quốc gần đây dường như khá thành công (có lẽ vì Trung Quốc coi Đài Loan là một vấn đề trong nước).
Ở những nơi khác, Trung Quốc đã đối kháng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách từ chối lên án Bắc Triều Tiên về các cuộc tấn công vào miền Nam. Bắc Kinh cũng đã làm cho một chính phủ thân thiện ở Tokyo xa lánh mình, khi phản ứng hung hăng trước vụ tạm giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc vào tháng 9 vì đã đâm vào một chiếc tàu tuần duyên Nhật Bản.
Trung Quốc cũng đã thành công trong việc thúc đẩy nhiều quốc gia vùng ven Biển Đông liên kết lại với nhau nhằm chống lại việc Bắc Kinh thẳng tay từ chối thảo luận về chủ quyền lãnh thổ tại vùng này.
Thậm chí qua tháng 11, Trung Quốc còn lao vào một cuộc chiến với Vatican, khi cho tấn phong một giám mục không được Đức Giáo Hoàng tán thành, và buộc một số giám mục Trung Quốc tham dự lễ tấn phong.
Ngoại giao Trung Quốc là một mớ bòng bong
Có lẽ trái với những lời cải chính của chính mình, Trung Quốc đã quyết định rằng họ thực ra không cần quan hệ êm xuôi với nước ngoài. Hoặc có thể là ngành ngoại giao Trung Quốc đang là một mớ hỗn độn. Vị học giả Trung Quốc đưa ra ba giả thuyết khả dĩ :
Giả thuyết thứ nhất là sự gia tăng can thiệp lộn xộn vào chính sách đối ngoại của các cơ quan "phi ngoại giao" và các nhóm lợi ích đặc biệt, từ các tập đoàn dầu hỏa cho đến quân đội, và trong trường hợp liên quan đến Nhật Bản, của các cơ quan hàng hải và thủy sản.
Thế nhưng có lẽ hai giả thuyết kia có nhiều ý nghĩa hơn : tầm quan trọng ngày càng tăng của dư luận Trung Quốc và sự thiếu vắng một nhân vật chính trị cao cấp phụ trách chính sách đối ngoại. Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì không nằm ngay cả trong số 25 thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, chứ chưa nói đến số 9 thành viên Ủy ban Thường vụ, bộ phận ra quyết định. Không hề có ai để vỗ bàn trong quan hệ đối ngoại. Nước ngoài không mấy quan trọng.
Tuy nhiên, các hành động đe dọa của Trung Quốc thường không hữu hiệu. Cho dù Ấn Độ chẳng hạn, đã không chịu khấu đầu trong vụ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vẫn tiến hành chuyến công du đã dự kiến.
Và Bắc Kinh đã xác nhận rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, sẽ viếng thăm Trung Quốc trong năm mới, kết thúc thời kỳ đình chỉ tiếp xúc quân sự cao cấp mà họ đă quyết định vào tháng giêng sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Người ta cũng không nghe thấy nói gì nhiều về các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các công ty Mỹ mà Trung Quốc từng đe dọa vào lúc đó.
Những người họ Lưu được blogger Trung Quốc vinh danh
Trong thực tế, đằng sau tất cả những lời đe dọa và thóa mạ các chính phủ nước ngoài, chính công dân Trung Quốc là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở trong nước, hành động chính quyền Trung Quốc cứng rắn y như lời nói của họ. Họ lo sợ phong trào phản đối có tổ chức và ly khai còn hơn là sợ bị bối rối ở nước ngoài. Vợ của ông Lưu Hiểu Ba đã bị biệt giam. Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng hàng trăm người đã bị thẩm vấn hoặc bị giam giữ trước lễ trao giải Nobel. Nhiều người đã bị ngăn không cho rời khỏi đất nước, vì sợ rằng họ đến Oslo. Tin tức về buổi lễ đã bị ém nhẹm trên bình diện rộng.
Tuy nhiên, ngay cả tại Trung Quốc, chính quyền không phải lúc nào cũng buộc được mọi điều đi theo chiều hướng của mình. Giới viết blog đã đăng lời ca ngợi "những người mà họ ngưỡng mộ nhất". Tất cả đều mang họ Lưu, và có cuộc sống phản ánh cuộc đời người vừa đoạt giải Nobel Hòa bình : một tuyển thủ bóng bàn, một nữ diễn viên nổi tiếng, một nhà vô địch chạy vượt rào, một ngôi sao ca nhạc pop và Lưu Thiếu Kỳ, một cựu chủ tịch đã bị săn đuổi cho đến chết trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
Một bài viết ghi nhận : "Ông đã bị cáo buộc một cách bất công và phải trải qua nhiều năm trong tù". Tác giả bài này, tương tự như tờ Global Times, có cái nhìn về lâu về dài. "Nhưng tôi tin rằng tất cả điều này chỉ là thử thách của lịch sử, bởi vì ông (Lưu Thiếu Kỳ) từng nói rằng, may mắn thay, lịch sử là do nhân dân viết nên." Trừ phi là bị Đảng Cộng sản ngăn chặn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment