Lê Phước - RFI
Chủ nhật 19 Tháng Mười Hai 2010
Với dòng tựa “Bắc Kinh luôn hành động theo ý mình”, tạp chí Courrier International cho rằng phản ứng của Trung Quốc về giải Nobel Hòa bình 2010 thể hiện thái độ huênh hoang của nước này trên phương diện quan hệ quốc tế.
Tạp chí nhắc lại, cách đây hơn hai năm, một nhà báo Anh so sánh Olympic Bắc Kinh 2008 với Olympic Berlin 1936. Cả hai nước đều muốn che giấu mặt trái của giới cầm quyền bằng một đại hội thể thao hoành tráng. Thế nhưng, khác với Đức Quốc Xã, Trung Quốc không hề có tham vọng làm thay đổi trật tự thế giới và cũng không có lập trường bài Do thái. Du khách có thể nhìn thấy vẻ tráng lệ, sự mở cửa của Trung Quốc. Vào lúc đó, người ta thấy rằng việc so sánh nói trên có phần cực đoan, cụm từ “chế độ độc tài’ là quá mức, sặc mùi Chiến tranh lạnh, không thể dùng cho một đất nước hội nhập rất nhanh nền kinh tế thị trường như Trung Quốc.
Thế nhưng, trong tình hình hiện tại, người ta buộc phải thừa nhận rằng so sánh trên không hoàn toàn vô lý. Như trong trường hợp của giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba. Đây là lần thứ hai, kể từ năm 1936, chủ nhân giải thưởng bị ngăn cản đến nhận giải. Thế nhưng, năm 1936, Đức Quốc xã vẫn cho phép người được giải đi lãnh thưởng, mặc dù không cấp hộ chiếu. Còn nếu tính từ những năm 1950, thì Trung quốc là nước có thái độ mạnh bạo nhất. Như ở Liên Xô năm 1975 và Ba Lan năm 1983, chính phủ cấm người được giải ra khỏi nước, nhưng vẫn cho phép người thân của họ đi lãnh giải. Còn năm 1991, con trai bà Aung San Suu Kyi cũng được đi lãnh giải thay mẹ.
Theo Courrier International, những năm gần đây, Trung Quốc luôn hô hào khẩu hiệu “sự trỗi dậy hòa bình”. Thế nhưng, nước này đã không tiếc lời chỉ trích gay gắt giải Nobel Hòa bình 2010. Thật là “tiền hậu bất nhất”. Nhà cầm quyền nước này cho rằng, những từ như “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền” là những khái niệm thuần túy Tây phương. Lần này, khái niệm « hòa bình » cũng không phải là ngoại lệ. Bắc Kinh đã không ngớt lên án các thế lực phương Tây muốn thông qua giải Nobel để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Không chỉ đe dọa bằng lời, nước này còn không ngại gây sức ép công khai lên chính phủ Na Uy.
Tạp chí nhận định, nếu nhìn lại những động thái của Trung quốc trong quan hệ với các nước láng giềng trong thời gian gần đây, ta có thể kết luận rằng “nước này thực hiện chính sách độc tài trong nội trị và một chính sách hung hăng trong ngoại giao”.
Courrier International cho rằng, Trung Quốc tỏ ra thực dụng, chỉ lo lợi ích trước mắt và phản ứng với những thay đổi của thế giới bên ngoài một cách chậm chạp và “vụng về”. Hiện tại, nước này đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cái nhìn thiện cảm của thế giới đối với nước này đang thay đổi. Còn trong nước, sự bất mãn của dân chúng đã như “tức nước vỡ bờ” với nhiều vụ biểu tình, đôi khi có cả bạo lực.
Thế nhưng, không phải vì thế mà cho rằng sẽ có thay đổi nhanh chóng, bởi khả năng phản ứng của nhà cầm quyền Trung Quốc cao hơn nhiều so với các nước Đông Âu và Liên Xô năm 1989. Hơn nữa, sức chịu đựng của người dân Trung Quốc cũng rất cao. Vụ nổi dậy năm 1989 ở Thiên An Môn chỉ liên quan đến tầng lớp trí thức và thị dân. 21 năm sau, chính phủ đã thành công chuyển vụ việc theo hướng có lợi cho mình, không ngại loại trừ các lực lượng có thể gây hại cho họ. Người dân thì dù bất mãn, lại lo ngại là những thay đổi bất chợt sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.
Tạp chí kết luận : Như vậy, Trung Quốc sẽ còn giữ được lâu cương vị một cường quốc, một cường quốc ‘bạc đãi” chính những công dân của mình, xem thường các giá trị nhân sinh, với hành động theo kiểu “vô pháp vô thiên” và “hung hăng” trong quan hệ quốc tế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment