Liêu Thái/Người Việt
Monday, December 13, 2010 6:13:19 PM
Kỳ 1: Người ‘biết chuyện’ An Dương, 35 năm cũ
LTS: Ngày 27 tháng 11, 2010, Người Việt đưa tin người dân An Dương, Phú Vang, Huế cải táng ngôi mộ tập thể gồm 132 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, hy sinh cuối tháng 3, 1975, và được chôn ngay trên bãi biển này. Hôm nay, Người Việt giới thiệu phóng sự của phóng viên Liêu Thái, người đã đến thôn An Dương, trực tiếp gặp một trong những người đứng ra cải táng ngôi mộ tập thể này. Bài gồm 3 phần. Phần một bắt đầu hôm nay.
Biển xâm thực, “ăn” vào rất gần nơi mấy trăm người đã chết hồi tháng 3, 1975. Ðây cũng là địa điểm người dân An Dương tìm thấy, và cải táng, 132 tử sĩ VNCH, chết cách đây 35 năm. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
PHÚ VANG, HUẾ - Tôi gọi đó là cuộc “hành trình xương trắng” - cuộc hành trình dai dẳng trong cơn đau dai dẳng của thân phận người lính thất thủ, chậm chân và chìm vùi trong đất mẹ.
An Dương, đường tôi đi có khác với con đường các anh đi trong biến cố 26 tháng 3, 1975. Không có máu, lửa khói và sự hỗn loạn. Nhưng đường sao mà buồn, thật buồn!
*
Hai bên đường từ ngã ba Phú Bài (quốc lộ 1A - Phú Thuận, Phú Vang), nhìn đâu cũng thấy mộ địa. Có thể nói, chưa bao giờ tôi thấy mộ địa nhiều đến thế, mộ theo kiểu nhà Nguyễn với kiến trúc nhại Pagoda, đình làng, lăng tẩm, mộ theo kiểu sau 1975, “sè sè nấm đất bên đường.” Mộ và mộ!
Nhà ở chen chúc với mộ. Ði suốt đoạn đường 35km, đâu đâu cũng chẳng thấy gì khác ngoài vài con sông buồn buồn, vài con trâu thiu thiu gặm cỏ trong cái mênh mông của đồng chiêm tháng 10, vài mái nhà lưa thưa giữa đồng... Quạnh quẽ và cô tịch.
Cái tên xã Phú Thuận cũng rất xa lạ với người trong vùng, hỏi mãi mà không ai biết cho rành rõ, người thì chỉ lên núi, người lại chỉ xuống biển.
Cuối cùng, khi hỏi “thôn An Dương,” người ta bảo “chỉ có xã An Dương thôi,” làm gì có thôn An Dương nào, và cũng không có xã Phú Thuận nào cả.
Tôi đoán có lẽ thôn An Dương vốn là xã An Dương trước đây, có thể tôi đã đi đúng đường, vì dù gì trước khi đi tôi cũng đã vào Google Earch để xác định tọa độ, chính xác là hướng biển.
Hai ông bà Trần Ðăng Thiện, tại tư gia. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ðể yên tâm, lại hỏi thêm, ở Phú Vang có vùng nào tên An Dương nữa không: Có, đến hai thôn tên là An Dương, một hướng núi, một hướng biển. Hướng biển có xã An Dương từ trước năm 1975. Người chỉ đường khăng khăng đó là xã An Dương. Yên tâm rồi, câu chuyện tôi sắp viết, liên quan đến những bộ xương của người lính Việt Nam Cộng Hòa, nằm về phía biển.
*
Tôi đến An Dương vào lúc 3 giờ chiều. Lúc này nhìn ra Phá Tam Giang đã thấy thấp thoáng bóng chiều, ghe thuyền bắt đầu kéo về.
An Dương hẹp chư chiếc lá lúa nằm kẹp giữa phía Ðông là đồi cát, rừng dương, biển và phía Tây là Phá Tam Giang mênh mông.
Cũng không khác gì những nơi trên đường đi từ ngã ba Phú Bài xuống An Dương, nơi đây cũng toàn mộ là mộ, người sống chung với mộ. Mới thấy một rừng mộ, đi chưa hết mộ đã gặp mái nhà, gặp chợ, quán xá, gặp người.
Hình như là sống ở chốn cô tịch, u quạnh lâu năm, người An Dương cũng có gì đó khác người, nhìn họ vừa bí ẩn, trầm tĩnh, vừa có chút gì liêu trai, khó nói...
Tôi hỏi quán cà phê DT, người đối diện hỏi lại: “Quán DT ở hẻm nào? Hẻm số mấy?”
Bất ngờ! Chưa kịp hình dung là giữa một nơi thôn quê, vắng vẻ, nhà chẳng mấy cái mà người ta lại đánh hẻm. Hỏi kỹ mới hiểu: Người ta đánh số hẻm cho nhà người sống để phân biệt với số lô của mộ người chết.
Ðến lúc này, tôi rất muốn lấy số điện thoại của ông Thiện ra gọi để hỏi nhà mà tới một thể, khỏi mất công. Nhưng lại thôi, quyết định tự tìm đến nơi. Hỏi quán cà phê ông Thiện, người ta chỉ: “Hẻm 8, ngay đầu hẻm.”
Khi tôi đến nơi, đã có rất nhiều người xúm lại ở trước nhà ông. Tôi hơi bối rối không hiểu có chuyện gì đây. Mọi người ai cũng nhìn tôi và hỏi: “Ðúng chưa? Ðúng nhà này chưa, quán cà phê ông Thiện đây, làm chi mà có quán DT nào!”
Tôi gật đầu cám ơn, họ tản ra và đi hết. Hóa ra khi tôi lơ ngơ hỏi đường, mọi người để ý thấy tôi tìm lòng vòng nên chạy ra hỏi giúp. Có mấy người phụ nữ và một anh thanh niên chạy xe quanh xóm tìm giúp tôi.
Nhiệt tình và tốt bụng, đó là những gì tôi cảm nhận được trong giây phút đầu tiên ghé nhà ông Thiện. Cũng có thể là khác với những gì tôi nhìn thấy. Dầu gì đi nữa, tôi vẫn có quyền tin là người An Dương tốt bụng.
*
Vào quán cà phê, ngồi dăm phút, cô con gái ra mời tôi vào, ông Thiện đang ở trong nhà. Ðề phòng mọi việc có thể sai sót, tôi lấy máy điện thoại ra gọi vào số ông Thiện. Người ngoài quán “A lô,” người trong nhà cũng “a lô.” Vậy là đúng người rồi.
Ðường vào thôn An Dương: Nhà và mộ liền kề nhau, ven đồi cát. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ghi nhận trong lần đầu tiên tiếp xúc với ông Trần Ðăng Thiện là: Ông hơi e ngại, nhưng từ ánh mắt ông toát lên sức mạnh tự tại, cương trực và hòa ái.
Tôi tự giới thiệu, và nói về lý do tôi xin được gặp ông. Ông Thiện mời tôi uống trà, pha cho ly cà phê, bảo: “Cậu đi đường lạnh, trời lạnh, cậu uống chén trà, hút thuốc cho bớt lạnh đi rồi mình nói chuyện! À, mình đặt tên quán là DT, cái bảng rành rành vậy đó mà họ cứ gọi ‘quán ông Thiện’. Thôi kệ!”
Tôi cám ơn ông, rồi uống trà, nói chuyện đi đường, chuyện gặp trên đường từ Quảng Nam ra Huế, hỏi chuyện sinh hoạt chùa chiền, kinh sách... Tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện tôi cần hỏi.
*
Tôi cố ý để ông tò mò và đợi lúc ông nổi hứng, tôi xoay sang chuyện bốc mộ, chuyện 132 bộ hài cốt trên bãi biển An Dương mà ông đã cùng với người dân ở đây di dời về nghĩa trang vào tháng 7 năm nay.
Ông có vẻ nghi ngại, ông hỏi tôi thật có phải là người như đã giới thiệu hay tôi là nhân viên an ninh nhà nước. Ông cũng nói thẳng: “Nếu cậu là nhân viên an ninh, điều tra gì đó thì cũng mong cậu thông cảm và không có gì để điều tra đâu. Tụi tui làm việc nghĩa, không có gì khác ngoài hai chữ ‘việc nghĩa’, mong cậu hiểu cho!”
Tôi trả lời ông: “Thưa bác, việc mà bác cùng các bác trong thôn An Dương làm là một nghĩa cử cao đẹp, nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng ở đây, những người lính đã không may mắn có được cái nghĩa tận ấy suốt 35 năm nay. Và bây giờ, bác và các bác ở đây đã thực hiện nghĩa cử ấy. Ðó là công việc tâm linh. Không ai mà không nghiêng mình trước việc làm của các bác!”
Tôi ngừng một lúc, ông thoáng vui. Tôi nói tiếp: “Giả sử con hay ai đó là kẻ xấu, thì cũng không thể xấu với người đã khuất được! Và giả sử con hay ai đó ghét bác chẳng hạn, thì cũng không thể ghét nghĩa cử của bác được!”
Ðến đây, ông Thiện nhìn thẳng vào mắt tôi: “Cậu nói câu này làm tôi hơi lạnh người nè, tôi vốn là người tu hành tại gia lâu nay, tôi tin vào linh cảm của mình lắm, nãy giờ tôi thử cậu thôi, giờ nghe cậu nói vậy tôi tin và hiểu cậu rồi. Một trăm ba mươi hai (132) mộ cậu ạ, con số thật người chết lên xấp xỉ 500 người, tôi biết điều này. Nhưng con số còn lại, qui tập chỉ còn 132 thôi! Biển ăn hết rồi!”
Và, câu chuyện những đoàn quân chen chúc xuống tàu, những ngày tháng 4 đen, nỗi đau thất thủ ở Huế lại hiện về trong giọng nói đượm buồn của ông Thiện...
Xem Video PV ông Trần Đăng Thiện
(Kỳ sau: An Dương, 5 ngày kinh hoàng cuối tháng 3, 35 năm trước. Những người lính từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa - Quảng Trị chạy về Huế, rồi từ Huế họ lại chạy ra bờ biển An Dương để đợi lên tàu. Gần 500 người đã chết tại đây)
------------------------------
Những Bài Liên Quan:
Cải táng mồ chôn tập thể quân nhân VNCH tử trận tháng 3, 1975 (Saturday, November 27, 2010 6:11:48 PM)
Vào cuối tháng 3 năm 1975, trong khi quân đội VNCH rút khỏi Vùng I Chiến Thuật, chúng ta đã để lại trên chiến trường, nhất là ở các bãi biển Thuận An, thuộc tỉnh Thừa Thiên hàng nghìn chiến sĩ, tuy thiện chiến, nhưng cuối cùng đành phải buông súng và chết trong tức tưởi.
Vào cuối tháng 3 năm 1975, trong khi quân đội VNCH rút khỏi Vùng I Chiến Thuật, chúng ta đã để lại trên chiến trường, nhất là ở các bãi biển Thuận An, thuộc tỉnh Thừa Thiên hàng nghìn chiến sĩ, tuy thiện chiến, nhưng cuối cùng đành phải buông súng và chết trong tức tưởi.
Hành trình đi tìm chồng của một quả phụ VNCH (Friday, December 10, 2010 4:20:26 PM)
Một quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, biệt tin chồng trong suốt 35 năm từ những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, nay, nhận được tin tức từ nước ngoài truyền về, người quả phụ ấy tìm lại được mộ chồng, chỉ cách căn nhà đang ở có... 15 km.
Một quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, biệt tin chồng trong suốt 35 năm từ những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, nay, nhận được tin tức từ nước ngoài truyền về, người quả phụ ấy tìm lại được mộ chồng, chỉ cách căn nhà đang ở có... 15 km.
Ngôi mộ sĩ quan Biệt Ðộng Quân không người nhận (Saturday, December 11, 2010 5:35:50 PM)
Một vị linh mục ở Pleiku, 35 năm trước, đã chôn thi hài một sĩ quan biệt động quân, và trong suốt 35 năm từ đó tới nay cố gắng tìm thân nhân người này nhưng không thể được.
Một vị linh mục ở Pleiku, 35 năm trước, đã chôn thi hài một sĩ quan biệt động quân, và trong suốt 35 năm từ đó tới nay cố gắng tìm thân nhân người này nhưng không thể được.
.
.
.
No comments:
Post a Comment