Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010-12-15
Một cuộc tiếp xúc giữa viên chức ngoại giao Hoa Kỳ với đại diện Phật Giáo Hòa Hảo vừa diễn ra trưa hôm thứ tư 15 tháng 12, 2010 tại tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Saigon và kéo dài trong vòng hai giờ đồng hồ.
Một trong những chức sắc Phật Giáo Hòa Hảo góp phần vào việc thu xếp cuộc gặp gỡ giữa các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ với đại diện tín đồ Hòa Hảo trong nước, ông Huỳnh Văn Hiệp, thuộc giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hải ngoại kể lại:
“Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo cho chúng tôi một số những liên quan đến đàn áp tôn giáo của Phật giáo Hòa Hảo ở quê nhà, họ muốn gặp gỡ chúng tôi tại Saigon, yêu cầu chúng tôi đề cử một số đồng đạo và tu sĩ bị khó khăn trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi liên lạc về Việt Nam và sắp xếp chương trình trong ba ngày nay, hết sức kín đáo để bảo vệ an tòan cho đồng đạo tại quê nhà. Một số đồng đạo như ông Trần Hòai Ân, ở tỉnh Đồng Tháp, bị công an địa phương đến thăm viếng, hỏi han, khủng bố như quý vị đã biết từ trước đến nay.
Đây là những nhân chứng sống đã gặp gỡ với tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Saigon, để nói rõ về hiện tình Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam .”
Đại Lễ Kỷ Niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Dallas, Texas năm 2009. Photo courtesy of hoahao.org
Nhiều đề nghị
Là một trong bốn đại diện Phật giáo Hòa Hảo trong nước, vừa được mời tới gặp các viên chức Hoa Kỳ, từ Chợ Mới, An Giang, ông Nguyễn Văn Lía cho biết thêm chi tiết về cuộc tiếp xúc đó:
“Phái đoàn Hoa Kỳ hỏi han những điều mà Phật Giáo Hòa Hảo bị đàn áp xưa nay, viên chức phụ trách tôn giáo bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngỏ lời chào mừng chúng tôi đã đến với phái đòan. Sau đó, chúng tôi trình bày tất cả những gì có liên quan đến Phật Giáo Hòa Hảo, chúng tôi nhờ quý vị dùng mối quan hệ để thúc đẩy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sớm cải thiện hầu mang lại tự do, công bằng, hạnh phúc cho tòan dân, trong đó có Phật Giáo Hòa Hảo.”
Ông cũng nêu lên một số vấn đề khó khăn vẫn tồn tại dù đã nhiều lần đề cập tới trước công luận:
“Chúng tôi đề nghị với phái đoàn là làm sao thả hết tù nhân tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo không điều kiện, nhất là thả ngay bà Mai Thị Dung, đang bị bệnh ngặt nghèo trong trại giam, có thể chỉ còn 20 hay 30% sống sót thôi, rồi lần lượt thả hết những tù nhân khác thuộc Phật giáo Hòa Hảo.”
Dịp này, ông nhắc lại sơ lược một số trường hợp cho thấy hoạt động tôn giáo bị hạn chế, gây khó dễ:
“Chúng tôi trình bày tiếp vài sự việc và nhờ qúy vị đó can thiệp, về những hành động chặn bắt, hành hung, đánh đập, phạt vạ những sinh hoạt đạo sự, thể hiện việc đàn áp tôn giáo. Ở Ô Môn, đạo tràng của Thiện Thọ, tổ chức cúng giỗ cha vào ngày 16, 17 tháng 8 năm 2010, tất cả công an thành phố Cần Thơ với lực lượng hùng hậu, nào là rào kẽm gai, súng điện, dùi cui, xe chuyên dụng, thẳng tay trấn áp, ngăn cản không cho đồng đạo chúng tôi đến tham dự.
Họ đẩy xô, có bà già 70 tuổi rớt xuống kênh, va đầu, chảy máu rất nhiều. Thứ đến là trên vùng biên giới, An Phú, Châu Đốc, có nhà ông Bùi Văn Trung ở xã Phước Hưng, An Giang, thì ngày 28 tháng 9 năm 2010, có cúng giỗ mẹ cũng vậy. Chánh quyền họ dùng loa phóng thanh, ghim ngay vào nhà để người ta không nói được chuyện đạo lý được, làm rối beng.
Trước đó họ đem trống chầu tới một đám giổ khác, rồi chọi đá vô làm cho ông Trần Minh Thiệu trên 80 tuổi đang nói về đạo. Tôi đơn cử hai vấn đề đó để phái đoàn biết rằng ở Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có nhân quyền.”
Ông Lía cho biết, địa phương cũng tìm cách cản trở không muốn ông đến gặp phái đoàn Mỹ theo như lời mời:
“Đáng lý thơ mời của tổng lãnh sự gởi tôi từ hôm 8 tây, 9 hay 10 là tới rồi, nhưng ngày nay 14 giờ 30 phút thơ mới tới. Tôi ở Saigon về được con báo lại là thơ của cha mới vừa đến. Họ muốn làm thế nào để cầm chân mình lại không được gặp phái đoàn, không có thơ thì không đi được.
Tôi liều gan cứ đi thí, các ông kia đều có thơ, ông Lê Minh Triết, ông Võ Văn Diêm, ông Trần Hòai Ân. Không có thơ, tôi điện báo cho cô Thanh, tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ về trường hợp của tôi như vậy, cô nói cứ vịêc đi, ra ngòai này tôi cho chú cái thơ khác. Chúng tôi là người dân, thuộc Phật giáo Hòa Hảo, mất tất cả quyền làm người, bị chánh quyền đàn áp bằng những cách đó.”
Ông cho biết về cách ứng xử của phái đoàn Hoa Kỳ:
“Chúng tôi đã trình bày rõ nét với phái đoàn và họ ghi nhận những điều đó, để có sự quan hệ, cải thiện sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo.”
Một nơi tu học của tín đồ PGHH Cần Thơ bị công an đập phá. Ảnh do ông Huỳnh Văn Hiệp cung cấp
Nguyện vọng của tín đồ PGHH
Một tín đồ Phật giáo cùng tham gia nhóm bốn người từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến gặp quan chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Saigon , ông Võ Văn Diêm góp thêm ý với đài chúng tôi:
“Có hai bà nhân viên ngoại giao Mỹ, người Việt là ông Phạm Minh Vũ và một cô nữa, tức là bốn người trong cuộc tiếp xúc đó.”
Về những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo còn ngồi tù trong đó anh ruột ông là tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, ông Diêm nói tiếp:
“Tôi cũng kể qua những trường hợp như của anh tôi, cùng những người bị bắt, nhiều lần tôi có trình nên bộ ngoại giao Mỹ cũng có tiếp xúc với các anh em đó đầy đủ và khả quan. Tôi nói tôn giáo bị cưỡng ép từ năm 1975, đến giờ vẫn chưa được tự do tín ngưỡng, cần nhất là mấy anh em tù đang bị bệnh, không được khỏe, như anh Út Điền, anh Năm Mãnh, cần thiết nhất là cô Mai Thị Dung đang bệnh nhiều.”
Ông Diêm cũng nêu thắc mắc về cách giải thích của Hà Nội mà ông cho là không đúng với thực tế:
“Nhiều lần anh em đưa đơn lên xin, thì chánh quyền nói đất nước Việt Nam có tự do tôn giáo, nhưng sự thật thì trái ngược, họ chỉ làm việc theo cảm tính.”
Để minh chứng những điều mình trình bày, ông Diêm thuật lại một vài sự kiện bị hành hung, mà tín đồ Hòa Hảo gặp phải:
“Hồi rằm tháng giêng là ngày 28 tháng 2 năm 2010, có lễ cúng rằm thì chánh quyền địa phương, xã, huyện, tỉnh phối hợp tới cản ngăn không cho cúng rằm. Những người bị đánh là ông Trương Văn Long, Trần Văn Cái, bà Nguyễn Thị Dưng, Võ Thị Ánh Tuyết là con gái tôi, Võ Thị Thu Ba là cháu, Võ Tấn Đạt cũng là cháu, Nguyễn Thị Ái Huỳnh và nhiều người khác.”
Dịp này, ông mong muốn được nói lên nguyện vọng chung của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo:
“Xin yêu cầu anh em ở hải ngoại, các tôn giáo nói chung, giúp cho chúng tôi đã bị cưỡng bức, đàn áp đã lâu. Ngày nay tôi lên tiếng, không phải vì cá nhân mà muốn nói cho tòan thế giới biết là Việt Nam nói một đường, làm một nẻo. Chuyến này, hy vọng bà đại diện ngoại giao Mỹ làm việc tốt với chánh phủ Việt Nam để 13 tù chức sắc Hòa Hảo được trả tự do.”
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia . All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment