Thursday, December 16, 2010

TÌM VỀ NƠI CẢI TÁNG 132 TỬ SĨ VNCH - Kỳ 2/3 (Liêu Thái/Người Việt)

Liêu Thái/Người Việt
Tuesday, December 14, 2010 3:40:12 PM

An Dương - 'Màu Quên Lãng'

PHÚ VANG, Huế - Ông Trần Ðăng Thiện nói rằng mình sống hơn sáu mươi năm trên cuộc đời, trải không biết bao thăng trầm và chứng kiến bao điều dâu bể, ông nhận ra “cái màu của mặt đất này - màu quên lãng!”

Từ đụn cát này, người dân An Dương moi thêm mấy mét đất nữa, không tìm thêm được xác nào. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Ðó là buổi trưa ngày 26 tháng 3, 1975, những người lính từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa-Quảng Trị chạy về Huế, rồi từ Huế họ lại chạy ra bờ biển An Dương để đợi lên tàu, một biển người, chen chúc, tàu thì ít, người thì nhiều. Rồi tiếng la khóc, kêu than của người bị thất lạc người thân, rồi tiếng súng. Và gần năm trăm xác người!” Ông Thiện hồi tưởng.
Ông Thiện bảo, nghe tiếng súng, nhưng không thể biết tiếng súng của ai, vì lúc ấy ông “đang ở Ðà Nẵng.” Ông không thể nói thêm gì hơn về tiếng súng.
Còn phía Bắc Việt? Vẫn theo ông Thiện, khi ấy “họ” đã về “tiếp quản.” Họ ngồi trên đồi thông cách chỗ những người lính lên tàu chừng 50m, ngồi và quan sát.
Không khí chiến tranh vẫn còn, khói lửa vẫn còn, nên họ không bao giờ ngồi quan sát mà không cầm súng.
“Họ cũng tốt lắm, có những người bị thương, họ mang về trạm xá cho nằm, nhưng nằm thôi, vì không có thuốc chữa trị, nên mươi ngày, nửa tháng nằm đó rồi hoại thư mà chết. Nhưng dù sao, họ cũng tốt, ít ra họ cũng cho nằm chết trong nhà...” Ông Thiện nói về những người lính Cộng Hòa bị thương trên bãi biển, được lính Bắc Việt mang vào trạm xá.

***

“Có người chết vì chen chúc, giẫm đạp lên nhau, có người chết vì trúng đạn. Lúc đó đếm gần 500 xác. Cả một bãi biển toàn thây người, một màu xanh áo lính và chết chóc... Bà con An Dương không ai rủ ai, cứ tự động mang xẻng, cuốc ra đào đất chôn họ. Hồi đó không có chi để làm hòm ngoài vài tấm chiếu, vài miếng bạt, vài tấm áo mưa! Không có gì hơn, buồn thật, điều này làm tui trăn trở suốt ba mươi mấy năm nay!” Ông Thiện kể, đôi mắt đượm buồn.

Ðường ra hố chôn tập thể. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Tôi hỏi thêm về những người lính địa phương vào thời điểm ấy, ông Thiện nói rằng, họ vốn là dân địa phương, rành đường đi lối lại nên nghe có biến cố, thấy có hiện tượng “không bình thường,” họ tính đường ngồi yên trong nhà.
Ngày 26 tháng 3, 1975, nhìn thấy lính Bắc Việt kéo về, những người lính địa phương quân biết rằng không còn nước rút, vậy là họ giấu vũ khí, ném vũ khí xuống biển, ném tất cả tư trang của đời lính xuống biển, hoặc chôn sâu dưới cát và mặc đồ thường dân.
Họ, những người lính địa phương quân ngồi chờ phe đối phương đến bắt hoặc chạy vào Ðà Nẵng, Sài Gòn... Không còn nước cờ nào khác cho họ. Và lợi thế của lính địa phương nằm ở chỗ, họ nắm rõ địa hình, biết chỗ nào quân lính Bắc Việt đang chĩa súng, họ không đi vào đó.
Và, tại An Dương, không có cái chết nào với lính địa phương, trong ngày này.
Những người lính từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa-Quảng Trị (phần lớn từ miền Nam ra) thì chân ướt chân ráo, không rành địa hình, và hơn hết, họ vẫn mặc nguyên quân phục. Họ ngã xuống như một người lính, máu của họ thấm vào đất An Dương, hòa vào biển mặn.
An Dương ngày ấy, những ngày 26, 27, 28, 29, 30 tháng 3, 1975, đầy xác người và tử khí.

***

Một lần nữa, ông Thiện cố nhấn mạnh trong lúc nói chuyện, rằng ông “không có mặt ở Huế những ngày này,” và câu chuyện ông kể là câu chuyện ông “được nghe lại.”

Ông Trần Ðăng Thiện chỉ hố chôn lớn nhất, vẫn còn mấy trụ bê tông. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Nhưng chuyện những bộ xương đồng đội cùng chiến tuyến, chuyện những cái chết, thì khẳng định mình nói không sai chi tiết nào. Và ông cũng nhấn mạnh, không biết mũi súng nào đã chĩa vào những người lính trên bãi biển.
Ông dự đoán, lúc đó, có thể do đông đúc, người ta chen lấn giẫm đạp lên nhau mà chết. Nhưng con số này rất thấp. Số còn lại bị bắn.
Ông cũng đưa thêm một dự đoán, rằng có thể người trên tàu và người dưới tàu bắn nhau vì người đi kẻ ở không đành.

Tôi hỏi ông hai chi tiết: Lúc ông vào Ðà Nẵng, ông ở đường nào? Và ông dựa trên cơ sở nào để đoán rằng những người lính bắn nhau? Ông Thiện lắc đầu, yêu cầu đừng hỏi những câu như thế này, khó cho ông.
Vốn là người có đời sống tâm linh, sau khi nói câu này, ông Thiện chắp tay, khấn: “Các anh linh lắm, các anh biết đúng sai, tôi không thể nói được gì, vì tôi đang còn sống, tôi cũng khổ lắm, mong các anh thông cảm!” Tôi im lặng, hiểu ra rằng ông Thiện cũng có nỗi khổ.
Nỗi khổ của một người không dám nhận mình biết điều gì, dù rằng đôi khi chính sự hiểu biết, chứng kiến của mình làm mình ray rức. Rồi ông “ký thác” nỗi ray rức vào câu kinh tiếng kệ mấy mươi năm nay, cũng là một cách tự xoa dịu vết thương lòng!

***

Ông Thiện nhìn ra cây dong đồng trước nhà. Cây dong to lớn, sum suê, nhìn như thể đã tới hàng trăm tuổi đời. Ông Thiện nói, cây này còn rất trẻ, 35 tuổi, nhưng “đất và người cũng như cây cối ở An Dương sớm trưởng thành, chóng lớn vì hấp thụ quá nhiều xác người.” Chung quanh nơi ông ở, toàn là mộ địa, toàn những xác của chiến tranh. Ông nói xong, lại niệm Phật.

Một ít vải bạt còn sót lại dưới đáy hố. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ðợi một chút mọi chuyện nguôi ngoai, tôi hỏi tiếp ông Thiện rằng liệu có thể còn xác nào sót lại trong quá trình đào tìm, và còn xác nào sót do bão cát, do xê dịch địa tầng...
Ông Thiện nói, trong lúc đào tìm, khi tìm đúng xác, người đào tiếp tục men theo xác bên cạnh, cứ như vậy mà men tìm. “Lúc chôn, người ta đào một cái hố sâu 5m, đáy bằng, rồi đặt các thi hài nằm liền kề nhau một dãy, rồi lấp cát.”
Khi đào tìm, đến xác cuối cùng của dãy thì đào thêm vài mét ra bên ngoài, không tìm thấy nữa nghĩa là hết rồi.
Trầm ngâm một lúc, ông lại nói: “Nói hết là nói cho yên tâm, nói cho nguôi ngoai thôi, chứ thực ra làm sao mà tìm hết được, bãi cát bao la, mênh mông, thời gian xóa nhòa mọi thứ vào lãng quên.”
Và ngay cả con người, qua thời gian, trí nhớ cũng phôi phai, dù trước đây mình từng cố nhớ!
Ông Thiện nói rằng, mỗi khi ra đứng trước biển, mỗi khi nhìn đồi dương, mỗi đêm nghe gió phi lao rì rào, ông nghe màu lãng quên thấm dần trong ông, thấm dần trong cuộc sống. Ông buồn, nhưng không thể làm gì được.

***

Chiều gần tàn, ông Thiện dắt tôi ra thăm bãi biển An Dương, thăm những mộ phần lẻ loi, thăm chốn cũ các anh nằm, thăm cái màu lãng quên đang xào xạc gió nơi đồi dương vắng lạnh.
“Các vị này linh thiêng lắm! Rồi anh sẽ thấy.” Ông Thiện nói trên đường đi.

Xem Video PV ông Trần Đăng Thiện

(Kỳ cuối: Ðứng ngay vị trí từng chôn 132 tử sĩ VNCH, chứng kiến những hiện tượng không thể lý giải)

---------------------

Những Bài Liên Quan:
Tìm về nơi cải táng 132 tử sĩ VNCH (Monday, December 13, 2010 6:13:19 PM)
Tôi gọi đó là cuộc “hành trình xương trắng” - cuộc hành trình dai dẳng trong cơn đau dai dẳng của thân phận người lính thất thủ, chậm chân và chìm vùi trong đất mẹ. An Dương, đường tôi đi có khác với con đường các anh đi trong biến cố 26 tháng 3, 1975.
.
.
.

No comments: