Thursday, December 16, 2010

TÌM VỀ NƠI CẢI TÁNG 132 TỬ SĨ VNCH (Kỳ cuối) - Liêu Thái/Người Việt

Liêu Thái/Người Việt
Wednesday, December 15, 2010

Tấm lòng người dân An Dương

PHÚ VANG, Huế - Sau một hồi nói chuyện, tôi cùng ông Trần Ðăng Thiện đi ra đồi dương, nơi có nấm mồ tập thể của các tử sĩ VNCH.

Một chút ấm áp cho người đã khuất. Người đứng vái là ông Trần Ðăng Thiện. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Từ nhà ông, đi tiếp hai hẻm, đến hẻm 05, băng qua một dãy nhà, rồi trường học, rồi một sân chơi, chúng tôi đi tiếp vài trăm mét đường bê tông. Bỏ xe bên cạnh đường. Ông Thiện dắt tôi băng qua rừng dương.
Chiều xuống thấp, tiếng gió rì rào thổi vào phi lao nghe như những oan hồn đang thì thầm trò chuyện. Một câu chuyện oan khiên, đến bất tận.
Băng thêm độ 300 mét, ông Thiện dừng lại, chắp tay vái bốn hướng, rồi vái một chiếc hố sâu, rộng chừng 3m, dài độ 20m.
Ông nói: “Ðây là một trong ba hầm đã chôn các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa.”
Bốn góc hố là bốn thanh bê tông, ông Thiện giải thích, bốn thanh này được đúc, chôn sâu dưới lòng cát và nhô cao 1,5m.
“Chôn sâu là đề phòng sóng cuốn, và nhô cao là phòng bão cát lấp mất dấu.”
Ngoài ra, người dân An Dương còn đánh dấu thêm bằng cách trồng mấy bụi dứa dại xung quanh, đề phòng chuyện cát lấp mất trụ bê tông.
Hỏi hố này chôn bao nhiêu xác, ông nói không thể nhớ cụ thể, vì lúc đào, ông lo phần việc cúng vái, cầu nguyện siêu thăng bạt độ cho hương linh. Thỉnh thoảng, ông nhắc nhở mọi người cố gắng tìm thật kỹ.
Nhưng ông cũng khẳng định, mỗi hố phải trên 30 xác người. Có thể hố rộng nhất này chứa đến 50 xác.
Tôi đưa máy bấm vài kiểu hình.

***
Vài phút sau, ông Thiện vái ba lần và dắt tôi sang một hố khác. Hố này nằm cách mép sóng xâm thực chừng 10m.
Bên cạnh miệng hố còn tấm bia để dòng chữ: “Mộ cô hồn vô danh. Vô danh hiển hách chi viên...” Mấy chữ còn lại bị nhòa, không thể đọc được.
Ông Thiện lại vái lạy tấm bia.
Tôi đưa máy hình lên chụp. Lạ thật, máy chụp hình “mất nguồn” ngay tức khắc.
Chưa bao giờ tôi bị trường hợp này. Luôn luôn, trước khi làm việc, tôi “sạc” đầy pin và kiểm tra rất kỹ.
Ðứng tần ngần vài phút, lại mở máy, chụp nữa. Vẫn như lúc nãy, máy bị đứt nguồn ngay tức khắc.
Tôi làm lại ba lần như thế, mọi chuyện vẫn như cũ. Tôi bắt đầu thấy lạnh người. Một phần, trời đã sang chạng vạng, một phần gió thổi rì rào. Tôi thật sự ớn lạnh!

Tôi vái tấm bia. Và kể thật với ông Thiện, nhờ ông khấn, xin cho tôi chụp hình.
Ông Thiện chắp tay khấn: “Thưa các hương linh, thưa những người lính năm cũ, chú này đi làm công việc của chú, chú này muốn đưa hình nơi ở của các hương linh lên báo, để thế giới nhìn thấy và biết rằng có những người lính nằm lại nơi này. Xin các hương linh hoan hỉ cho chú này chụp mấy tấm hình!”

Ông Thiện khấn xong, tôi vái lạy, bắt đầu chụp hình, chụp liên tiếp mấy tấm hình. Không có chuyện gì xảy ra.
Bên cạnh tấm bia còn một tấm bạt xanh rách nát, ông Thiện nói rằng đây là tấm bạt đã nằm cùng các tử sĩ mấy mươi năm nay. Tôi đưa máy chụp. Không được! Lại khấn xin, cũng không được. Cứ mỗi lần quay ống kính vào tấm vải bạt, thì máy chụp hình lại tắt nguồn.

Ai đó trong làng vừa đến viếng và đặt hoa nơi ngôi mộ cải táng của các tử sĩ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Tôi nghĩ, chắc vong linh các tử sĩ không muốn thế giới nhìn thấy sự lạnh lẽo quá mức của mình như vậy. Tôi vái lạy, rồi rút ra đứng sau lưng ông Thiện. Ông vái lạy tấm vải bạt một lần nữa rồi ra dấu tôi đi theo ông.
Ông Thiện im lặng, đi đến một hố khác, cũng sâu và rộng tương đương với hố thứ nhì. Dưới hố còn sót lại mấy chiếc quách.
Hố nằm sát bên mép biển xâm thực. Ông Thiện đoán rằng, nếu không di dời, trong mùa sóng năm nay, tất cả sẽ bị cuốn ra biển.

***

Trước khi vái chào tạm biệt các hố chôn tập thể, ông Thiện không quên chỉ cho tôi biết vị trí của bờ biển cách đây 35 năm. Nó cách xa vị trí bây giờ chừng 500m. Và ông chỉ cho tôi vị trí con tàu mắc cạn ngày đó, mới trục đi vài năm trước.
Ông cũng nói thêm, có rất nhiều xác đã trôi ra biển, trên các thi hài ấy, có thể có cả thẻ bài. Những xác này được chôn trong vườn hoặc nghĩa trang của người dân An Dương.

Tôi nhờ ông dắt tôi thăm những ngôi mộ ông mới nói. Ông Thiện lắc đầu: “Bác không thể dắt cháu đi được đâu, vì lúc ấy, người dân thấy xác nằm la liệt, rồi lại chôn tập thể, tội nghiệp quá, nên có người mang trộm xác về chôn trong vườn hoặc ngoài nghĩa trang dòng tộc. Khắc bia theo tên họ dòng tộc. Giờ biết đâu mà lần!”

Tôi hỏi ông có thể đoán vì sao họ lại khai tên họ người lính xa lạ theo dòng tộc? Ông Thiện trả lời: “Có lẽ hương linh ấy phò hộ cho họ mần ăn tốt nên họ làm vậy!” Ông nói, mắt nhìn xa xăm.
Tôi đoán rằng, người đàn ông tốt bụng này đã dối mình vì một lý do tế nhị khác. Thời đó, ngay cả việc thi đại học của con em nhà lính Việt Nam Cộng Hòa, cầm cái lý lịch lên nộp, không những bị loại mà còn có thể nhận vài câu răn đe, mắng nhiếc.
Cái thời như vậy, dù có tốt bụng và dũng cảm cỡ nào, thì việc để người khác biết mình đang chôn một xác lính “phe bên kia,” trong vườn, trong nghĩa trang dòng tộc chả khác nào tự châm lửa đốt nhà!

***

Ông Thiện lại im lặng dắt tôi đi theo ông sang khu mộ mới qui tập. Ông khấn vái trước nhà bia rồi giới thiệu cho tôi biết ở đây còn có một mộ mới chôn của một thường dân trôi dạt vào biển trong đợt lũ lụt vừa rồi. Ngôi mộ ấy nằm riêng bên ngoài khu mộ các tử sĩ VNCH.
Và còn có thêm một ngôi mộ của một người phụ nữ. Người này cũng mang tấm bia Vô Danh trên mộ phần. Và ngôi mộ cũng nằm riêng phía bên ngoài khu mộ của các chiến sĩ.
Tôi và ông Thiện vái lạy những ngôi mộ, tôi chụp hình ông đứng cạnh những ngôi mộ chiến sĩ.
Tôi lại hỏi, lúc bốc mộ có còn áo quần, vải vóc nào cho thấy là xác của các tử sĩ? Ông bảo lúc chôn ở hố tập thể thì còn nguyên vẹn.

***

Ðứng một lúc lâu, rồi ông Thiện lấy chai dầu gió ra xức, ông đưa tôi cùng xức. Hai người ra về.
Ông Thiện dắt tôi ra đường và nói: “Linh lắm cháu à! Mà nói ra bác cũng mang ơn những người bên nước ngoài, như chú Võ Văn Thanh, Hồ Văn Sa, Trần Văn Kỳ, cô Thuận và nhiều người khác đã vận động, quyên góp rồi gửi tiền về. Ðược tổng cộng $8,000. Và 28 triệu đồng của dân An Dương góp lại. Rồi công của các anh em như Ngô Ðức Ðáo, Hồ Văn Có, Nguyễn Văn Ngần, Phạm Thiên và bà con trong làng đã góp công, góp của, đưa các anh về đây! Thật là quí hóa! Khi công việc mỹ mãn, còn dư lại một phần.”

Ông nói rằng, cho đến bây giờ, ông vẫn không thể nghĩ ra vì sao lại mất thẻ bài nhiều đến thế, chỉ còn lại 12 hài cốt có thẻ bài. Có hai mộ đã được đưa về quê ở Kiên Giang và Hậu Giang, còn một mộ khác đã được người thân đến nhận, nhưng lại muốn gửi lại nơi này để anh cùng ở chung với đồng đội cho ấm áp... Vài năm sau họ sẽ đưa về.

Tôi hỏi trước khi tạm biệt: “Chính quyền địa phương có ý kiến gì khi mình di dời mộ không?”
Ông Thiện trả lời: “Ồ, có chứ cháu, họ nói rằng cố gắng mà làm, họ ủng hộ tinh thần cho, họ nói rằng sống là kẻ thù, nhưng chết rồi thì đều là bạn! Cứ làm đi! Ủng hộ vậy đó cháu, chứ không có tiền bạc gì đâu, họ cho mình dời là tốt lắm rồi!”

Tôi lại hỏi thêm về những chi tiết bốc mộ, như dấu vết trên hài cốt, hộp sọ, hài cốt được đặt nằm như thế nào, liệu với chiều dài chừng 20m, đặt đến trên 30 xác người có quá chật và nằm chồng lên nhau không?
Ông Thiện lắc đầu, nói tôi thôi, đừng hỏi thêm gì nữa, ông “khó nói lắm.”

Và ông nhắc tôi khi viết bài, nhớ viết làm sao cho ông đừng bị khó, ông được sống an lành. Ông đã tu hành hơn 30 năm nay. Ông chỉ mong được làm việc thiện, không mong gì hơn, ông già rồi, ngại gặp rắc rối cho mình và cho mọi người lắm.
Tôi hứa với ông là sẽ không viết những gì có thể gây khó khăn cho ông và mọi người. Ông gật đầu, nhìn tôi, yên tâm.

-------------------------------------

Những Bài Liên Quan:
Tìm về nơi cải táng 132 tử sĩ VNCH (Monday, December 13, 2010 6:13:19 PM)
Tôi gọi đó là cuộc “hành trình xương trắng” - cuộc hành trình dai dẳng trong cơn đau dai dẳng của thân phận người lính thất thủ, chậm chân và chìm vùi trong đất mẹ. An Dương, đường tôi đi có khác với con đường các anh đi trong biến cố 26 tháng 3, 1975.
Tìm về nơi cải táng 132 tử sĩ VNCH (Kỳ 2) (Tuesday, December 14, 2010 3:40:12 PM)
Ông Trần Ðăng Thiện nói rằng mình sống hơn sáu mươi năm trên cuộc đời, trải không biết bao thăng trầm và chứng kiến bao điều dâu bể, ông nhận ra “cái màu của mặt đất này - màu quên lãng!”
.
.
.

No comments: