Saturday, December 18, 2010

TAO NGỘ CUỐI NĂM (Giao Chỉ - San Jose)

GIAO CHỈ-SAN JOSE
December 17, 2010

Tính một đằng, ra một nẻo. Ba tiết mục chuẩn bị không thành. Khách viễn du bất ngờ ghé lại. Cái bắt tay của các cựu tư lệnh hai quân chủng Việt Nam Cộng hòa. Sự hiện diện của quan văn Bắc Hà, Vương văn Bắc và quan võ Gia Định, Trần văn Chơn. Ai là quan khách ít tuổi nhất. Ai là vị cao niên nhất. Dân ca tuyệt vời “Bèo dạt mây trôi” với tài tử 9 tuổi. “Thuyền viễn xứ”ra khơi qua tiếng hát bất hủ của ca sĩ ngoài 70. Mở màn truy điệu với tiếng kèn TAPS chiêu hồn tử sĩ sáng tác từ nội chiến Hoa Kỳ. Ghi dấu những biến cố, truyền thống, công trình,những nghệ sĩ, những nhân vật tại San Jose… Và sau cùng là đoạn phim 12 phút cô đọng từ 35 năm nhìn lại….

Tất niên 2010

Khi dự trù tổ chức tiệc tất niên cho cơ quan IRCC chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc mời khách từ Úc Châu hay Âu Châu đến dự. Cũng không nghĩ rằng bằng hữu phương xa từ Orange County cất công lên San Jose. Trong khi đó nhằm mục đích trình diện những đề tài ý nghĩa của 35 năm dâu bể. Ban tổ chức đã chuẩn bị giới thiệu 3 tiết mục đặc biệt. Tiếc thay, cả 3 nhân vật liên hệ đều không đến được như đã dự trù.
Cuối năm 2010 từ dương lịch qua âm lịch, sẽ có biết bao nhiêu buổi họp mặt trong cộng đồng của chúng ta để tiễn đưa và chào đón buổi giao mùa của một khoảng thời gian đo được 365 ngày.Xin kể hầu quý vị những chuyện gì đã trải qua trong buổi tiếp tân cuối năm của chúng tôi vào chiều thứ bảy 11 tháng 12-2010 tại thành phố Milpitas.

Thân hữu tham dự phần lớn đã ở tuổi cao niên, địa điểm tổ chức vào buổi tối ở nơi hơi khuất nẻo, tiền đóng góp nhiều hơn thường lệ, nhưng đạt được con số 300 quan khách quả là điều hết sức may mắn. Thêm vào đó ban tổ chức không có danh tiếng của ông bầu văn nghệ với các tài tử tên tuổi. Không có dàn nhạc xuất sắc cho đêm dạ vũ tưng bừng. Vì vậy chúng tôi sẽ không thể báo cáo với quý vị về một buổi tất niên thành công rực rỡ. Chỉ xin hãnh diện báo cáo kết quả về một đêm tình nghĩa trong tao ngộ cuối năm.
Những điều không đạt được

Để ghi dấu 35 năm nhìn lại, chúng tôi mong có sự hiện diện của tất cả quý vị đã từng làm việc cho IRCC, tiếc thay con số này không đạt được. Mong có sự họp mặt của anh chị em trong liên hội Bắc Cali thời gian hơn 2 thập niên mở đầu cuộc đời tỵ nạn. Nguyễn Trung Chí, Nguyễn Quang Vĩnh, Nguyễn Đức Lâm, Hồ Quang Nhựt và còn nhiều người khác nữa nhưng rất tiếc cũng không tham dự được.
Ban tổ chức chỉ còn trong tay danh sách dài của những người đã ra đi vĩnh viễn.

Có 3 tiết mục dự trù giới thiệu nhưng không thành

Một gia đình tỵ nạn hết sức gương mẫu. Anh chị gặp nhau trong duyên số vượt biên, sống 16 năm chờ đợi trong trại tạm cư Phi Luật Tân. Sau cùng duyên may đưa đến Hoa Kỳ năm 2005 và ngày nay còn đang vật lộn với sinh kế để xây dựng đời sống mới. Vợ làm bếp cho nhà hàng, chồng đi nhặt thùng carton bán ve chai. Ba đứa con học hành xuất sắc với 3 ngoại ngữ. Anh, Việt và thổ ngữ Phi Luật Tân. Anh chị chưa đạt đến cuộc sống huy hoàng như chúng ta thường nghe chuyện về những gia đình bốn năm con cái ra trường luật sư bác sĩ. Nhưng chị đã quyên góp những trăm bạc ân tình để mua phần cơm cho Homeless Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn giới thiệu gia đình chị trong đêm tất niên, nhưng chị nói rằng, cháu hiện lo nhà bếp cho tiệm phở. Tối thứ bảy bận rộn nên không nỡ xin nghỉ. Thôi đành vậy, bà con cô bác đi ăn phở đó đây ở San Jose có thể gặp người nấu phở chính là nhân vật tỵ nạn điển hình được chúng tôi tuyên dương. Chưa có tương lai huy hoàng nhưng anh chị đã có ngay một tấm lòng nhân hậu. Nếu chúng ta cùng chờ đến khi giàu có mới mới mở tấm lòng vàng, e rằng quá muộn. Muộn cho tha nhân, muộn cho cả chính mình.

Đại tá Masuoka tặng kiếm của TTHL Nhẩy Dù VN cho viện bảo tàng
Nhân vật thứ hai rất cần được giới thiệu là đại tá không quân Hoa Kỳ. Ông là người Mỹ gốc Nhật, sinh trưởng tại Mỹ và được coi là nhà bảo trợ số một của cộng đồng Việt Nam. Ông đã về Việt Nam rất nhiều lần và đã gõ cửa các giới chức, các cơ quan Hoa kỳ để bảo trợ nhiều tên tuổi như Nguyễn chí Thiện, Bùi Quyền, Nguyễn Quý An và rất nhiều người trong các trường hợp khó khăn nhất. Ông là nhà bảo trợ số một của cộng đồng Việt Nam suốt 20 năm qua. Đại tá Noboru Masuoka không đến được với chúng tôi vì tuổi 84 đã làm cho ông phải tới lui với 911 rồi ra vào bệnh viện trong tuần vừa qua.Trên bàn danh dự dành cho ông chỉ còn lại phi công Nguyễn Quý An với 2 bàn tay sắt đại diện cho người ân nhân tình nghĩa muôn đời.

Một phụ nữ tại Sacramento cũng không đến được vì phải đi dự lễ cưới của bà con. Cô là vai chính trong câu chuyện “Báo Cáo Của Một Người Vợ Lính ” Người quả phụ di tản lênh đênh trong sóng nước đại dương và trong sóng nước của chính cuộc đời từ 75 đến nay. Duyên phận đã dành cho người vợ lính vinh dự đóng góp vào việc cải táng 132 ngôi mộ chiến binh miền Nam hy sinh tại cửa biển Thuận An. Cô là một phụ nữ làm nail nhưng đồng thời đã nêu gương sáng hết sức phi thường.

Ban tổ chức chúng tôi có phần thất vọng vì những dự trù không đạt được. Để bù đắp vào những dự tính không thành chúng tôi có duyên được gặp những tao ngộ lịch sử.
Đành rằng tất niên gặp gỡ nhau là quý, nhưng tổ chức nào cũng muốn có những câu chuyện đặc biệt để làm quà cho quan khách. Lần này, những món quà đó lại là chuyện tao ngộ do sự hiện diện của khách viễn phương.

Khách viễn phương

Trước hết phải cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ. Ông là cây cầu duyên nợ giữa anh em tại San Jose. Ban tổ chức mời bác sĩ Vũ tham dự tiệc tất niên. Ông là một trong các bác sĩ của chiến dịch vớt người biển Đông. Ông đã ra khơi 2 lần và sự quảng giao của bác sĩ Vũ là cơ duyên cho IRCC có dịp mời gia đình luật sư Vương văn Bắc và gia đình giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Những vị này thực ra là khách của bác sĩ Vũ tại San Jose. Người từ Paris qua và người từ Orange County trở lại. Thêm vào đó, bản tin về cuộc họp mặt cuối năm phóng lên trời của thế giới Ảo đã qua cả Úc Châu. Ông Trần Đông, trong dịp du hành Mỹ quốc đã nhận lời tham dự. Nhân vật danh tiếng trong Hồ sơ biển Đông lại được ông Ngô Đức Diễm, Giám đốc ViVo hướng dẫn cùng ông chủ tịch hội đồng quản trị đến dự với IRCC. Quả thực là duyên số tình cờ ít khi xảy ra. Từ Nam Cali lên dự với chúng tôi còn có cả một phái đoàn phụ nữ của khóa Cương Quyết II Đà Lạt. Đó là những ân tình hết sức trân quý. Chúng tôi cũng không thể quên cô Kim Chi, chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại Santa Rosa đã đến từ phía bên kia cầu Golden Gate. Cùng đi tháp tùng với chị là một chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông là tác giả của 2 tác phẩm bestsellers về chiến tranh Đông Dương.Thời gian qua Santa Rosa đã mượn một số tài liệu và tác phẩm của Viện Bảo tàng Việt Nam để triển lãm 2 tháng về Việt Nam War với kết quả trên 5000 người đến xem. Đây là con số rất lớn so với một thị xã nhỏ bé miền Bắc California. Để ghi dấu ân tình, phái đoàn Santa Rosa đã trao tấm plaque kỷ niệm cho chúng tôi, đại diện cho IRCC, Inc.

Những tiết mục đã thể hiện

Nếu phải kể những tiết mục nào thực sự thú vị trong buổi tất niên mà ngay quý khách tham dự cũng không biết thì phải gồm những chi tiết như sau:
Trong bàn số 16 chúng tôi có 2 khách quý. Đô Đốc Trần Văn Chơn, năm nay 90 tuổi. Ngồi cạnh ông là cậu bé 2 tuổi con của thẩm phán Barrett Thắng. Anh Thắng Email cho bác Lộc là cháu sẽ đi dự với 2 người. Đó là con trai 2 tuổi và ông già vợ. Ông tòa trẻ tuổi người Việt đầu tiên của quận Santa Clara đem đứa con bé bỏng thân yêu đi cùng nhạc phụ với một túi xách đầy đủ phụ tùng. Từ tã lót, sữa, nước sôi, quần áo cho em nhỏ. Hết sức bình tĩnh ông cháu, cha con ngồi dự tiệc với cộng đồng và rất vui mừng khi không có ai đả động gì đến sự hiện diện của mình.
Tư lệnh HQ thời 70 bắt tay tư lệnh KQ thời 60, bên luật sư Bắc. Đô đốc Chơn (90) và ngoại trưởng Bắc (84) SJ. 2010
Ngồi quay lưng lại đô đốc tư lệnh hải quân là ông tư lệnh không quân cùng với người vợ mới mẻ trẻ trung, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Bên cạnh giáo sư Vinh là gia đình luật sư Vương văn Bắc.

Các vị niên trưởng của chúng tôi đến tham dự để duyệt qua 12 phút phim ảnh với trên 5000 khuôn mặt và sinh hoạt cộng đồng suốt 35 năm tại San Jose. Hai bức hình được ghi dấu giây phút lịch sử.
Đại tá Vinh tư lệnh không quân thời kỳ 60 bắt tay tướng Chơn, tư lệnh hải quân giai đoạn 70.Trong khoảng thời gian sắp đến ngày kỷ niệm trận Hoàng Sa 36 năm về trước, ngày hội ngộ cuối năm lại có thêm một cái bắt tay lịch sử. Khi chiến cuộc xẩy ra, vị võ tướng hải quân họ Trần sinh quán Sài Gòn đã ra lệnh khai hỏa. Cùng một lúc, vị văn quan ngoại trưởng họ Vương, sinh quán Hà Nội gửi tuyên cáo lên diễn đàn Liên hiệp quốc lên án Trung cộng xâm lăng. 300 quan khách của đêm tao ngộ là nhân chứng của lịch sử. Trong đó cũng phải nhắc đến nữ tiến sĩ khoa học Vương Hồng Hà, con gái của ông bà Vương văn Bắc, lần đầu tiên đến dự họp mặt với cộng đồng Việt tại California. Dù đã là nhà khoa học tốt nghiệp đại học Anh quốc qua làm việc tại California, nhưng vẫn ngồi nép bên bà mẹ, tròn mắt nai tơ để quan sát những diễn tiến trong đêm tao ngộ. Được biết cô tốt nghiệp tiến sĩ Oxford England và qua dạy tại Princeton USA rồi mới về California. Thân mẫu cô cũng là đoàn viên luật sư đoàn tại Sài Gòn trước 75.

Luật sư Vương văn Bắc, bác sĩ Nguyễn thượng Vũ, Hồng Phượng và Tô Hà (Thân hữu) Hàng ngồi: Bà Vương văn Bắc và con gái Vương Hồng Hà, bà bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ.

Nội dung tao ngộ

Nếu quý vị hỏi rằng nội dung thực sự của đêm tao ngộ là những gì? Xin thưa rằng ngoài 3 nhân vật không tham dự được, ban tổ chức đã có những tiết mục như sau. Anh chị nha sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn đã làm MC cho tiếng hát của bé Trúc Cầm trình bày bản dân ca có tựa đề Bèo dạt, Mây trôi. Chị Mai là vợ của anh Tuấn là người khiếm thị từ hơn 20 năm qua, nhưng cảm thông tiếng hát của cô ca sĩ bé bỏng nên đã làm MC. Quan khách chưa bao giờ thấy được chuyện lạ khi thấy cô MC không thấy đường phải nhờ chồng dẫn lối lên sân khấu giới thiệu để quan khách nghe phần trình diễn hết sức sống động. Em bé trình diễn vững vàng cất tiếng than thở cho thân phận bèo dạt mây trôi như hoàn cảnh dân tỵ nạn. Để có sự tương phản, chúng tôi đã giới thiệu bác sĩ Nguyệt tức ca sĩ Thu Hà thời xưa của Đêm Màu Hồng lên hát bản Thuyền viễn xứ. Bài ca do Phạm Duy viết từ trước 75, tả cảnh rời bến Đà Giang, thuyền qua xứ người. Quả thực như một lời tiên tri về thân phận của dân vượt biên miền Nam suốt bao năm qua.
Tiếng hát của cô sinh viên y khoa Thu Hà tại Đêm màu Hồng thời kỳ 74 tại Sài Gòn hơn 35 năm sau đã trở thành lời ca thánh thót của bác sĩ Nguyệt tại San Jose ghi dấu cuộc đổi đời của cả đất nước.
Đó là phần văn nghệ chủ đề của đêm tao ngộ, còn phần chót của đề tài là việc duyệt lại nhiều lãnh vực mà cộng đồng đã trải qua. Mở đầu phần truyền thống được ông Trần văn Ngọc trình bày rất minh bạch với rất nhiều dữ kiện. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải ghi nhân lại các công trình của người Việt tại hải ngoại và riêng tại San Jose, nữ nhạc sĩ Đào Nguyên nói về các nghệ sĩ tiêu biểu qua các bộ môn bao gồm nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh,văn sĩ, thi sĩ và nhà báo.
Nhân dịp này, ban tổ chức cũng chính thức giới thiệu niên trưởng Trần Văn Chơn đúng 90 tuổi được tuyên dương là người chiến sĩ VNCH của miền Bắc California. Chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ ông vì đức độ và tấm lòng can trường trong cuộc đời thường, trong quân ngũ, cũng như trong suốt 17 năm lao tù cộng sản. Sau cùng, chiếu DVD 12 phút với hàng ngàn hình ảnh của các nhân vật và sinh hoạt suốt 35 năm qua tại San Jose là phần kết thúc chương trình. Vì buổi dạ tiệc tao ngộ không thể kéo quá dài nên nhiều tiết mục chưa có dịp bày tỏ đầy đủ.

Tuy gọi là dạ tiệc gây quĩ, nhưng ân tình vẫn là mục tiêu chính. Dù vậy, nhân dịp này viện bảo tàng Việt Nam cũng đã được một số ân nhân yểm trợ. Sau giới y khoa, lần này đến luật gia. Thẩm phán Barrett Thắng và luật sư Tiếp, mỗi người mua một viên gạch $1,000 cho Museum. Ân nhân ẩn danh tại San Francisco tặng $5,000. Danh sách đầy đủ của các nhà bảo trợ năm 2010 sẽ được công bố sau với giấy chứng nhận miễn thuế.

Toàn bộ chương trình do anh Phạm phú Nam phối hợp tổ chức, MC mở đầu là ca sĩ Thái Hà, chị Trương gia Vy giới thiệu phần chiếu phim, chị Như Hạnh giới thiệu lễ truy điệu, anh Phúc và cô Ngọc Hà đảm trách phần văn nghệ và dạ vũ. Anh Cười bên hải quân giúp phần kỹ thuật.

Ban tổ chức dự trù sẽ tái ngộ qua đầu năm âm lịch với một đại hội quy mô chính thức hơn. Để xứng đáng với ý nghĩa của thời gian 35 năm qua về cuộc di tản, tỵ nạn và định cư của người Việt tại San Jose, miền Bắc California. [GC SJ]
.
.
.

No comments: