Saturday, December 18, 2010

NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC TƯỜNG TRÌNH về NHÂN QUYỀN với BỘ NGOẠI GIAO


LTS: Nhiều hoạt động thúc đẩy nhân quyền do cộng đồng người Việt hải ngoại thực hiện đã diễn ra tại các nước nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, 10/12. Mặc dù, năm nay không phải là năm chẵn mà là 62 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế ra đời. Ở một số nơi, cộng đồng tổ chức biểu tình trước tòa Đại sứ Việt Nam. Bên cạnh hoạt động bề nổi đó, nhiều tổ chức hội đoàn đã có cuộc tiếp xúc với chính giới nước sở tại để tường trình về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và đề đạt một số nguyện vọng với chính quyền các nước đó.
Bài tường thuật dưới đây do một thân hữu gửi cho Đàn Chim Việt từ Berlin là một trong số các hoạt động kể trên.
—————————————————————-

Vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10.12.2010, một phái đoàn đại diện một số đoàn thể, đảng phái và nhân sĩ tại CHLB Đức gồm 8 người đã đến Bộ Ngoại Giao Đức toạ lạc tại Berlin để trình bày tình trạng nhân quyền hiện nay tại Việt Nam cùng đề đạt thỉnh nguyện đến chính phủ Đức.
Ba đại diện của Bộ Ngoại Giao Đức đã tiếp kiến phái đoàn gồm ông Kremer, vụ trưởng vụ chính trị, bà Meltmohn, chánh sự vụ  Đông Nam Á, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và các quốc gia đảo vùng Thái Bình Dương và ông Sander, đại diện vụ nhân quyền.

Ông Kremer khai mạc cuộc tường trình với lời chào mừng phái đoàn, ông cho biết rất hân hạnh đón tiếp đại diện các đoàn thể, đảng phái và người Việt dân chủ tại CHLB Đức để được nghe tường trình về những vi phạm đến quyền tự do căn bản tại Việt Nam và đón nhận ý kiến cùng nguyện vọng của người Việt dân chủ đang sinh sống tại CHLB Đức. Mặc dầu chính phủ Đức nhận được những tường trình về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam từ nhiều nguồn khác biệt, nhưng chắc chắn vẫn không được toàn vẹn, do đó ông mong mỏi trong tương lai nên có những cuộc gặp gỡ như vậy thường xuyên hơn. Đồng thời ông cho biết, ông vừa về lại Đức sau chuyến viếng thăm Hà Nội, Sàigòn. Ông có rất nhiều thiện cảm với người dân Việt Nam.

Bộ Ngoại Giao Đức tiếp đại diện cộng đồng người Việt

Phái đoàn cộng đồng người Việt chuyển đến đại diện chính quyền Đức hồ sơ bao gồm hơn 100 trang ghi lại một số điều luật của nước CHXHCN Việt Nam vi phạm đến các quyền con người được ghi trong “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“ và “Công Ước về các quyền Chính Trị và Dân Sự“. Hồ sơ cũng ghi lại một số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra gần đây làm thí dụ cho sự đàn áp có tổ chức và có hệ thống nhằm tiêu diệt con người của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ông Phạm Công Hoàng với tư cách trưởng phái đoàn đã giới thiệu  các thành viên của phái đoàn và đề nghị các thành viên tuần tự trình bày ý kiến, thỉnh nguyện của mình hoặc của tổ chức mình.

Bác sĩ Hoàng Mỹ Lâm, một cựu thuyền nhân, đại diện cho phụ nữ Việt Nam tại Berlin tường trình về hiện trạng bất công tại Việt Nam. Bà cho biết, mặc dù Việt Nam hiện nay là một nước xã hội chủ nghĩa nhưng khoảng cách giữa người giầu và người nghèo quá xa. Viên chức nhà nước phần lớn sống xa hoa, là chủ nhân của những ngôi biệt thự tráng lệ và của những chiếc xe hơi sang trọng, đắt tiền mà ngay ở nước Đức giầu có này bà cũng chưa từng thấy như lamborghini, Ferrari vv… trong khi đại đa số dân chúng Việt Nam phải làm việc khổ cực “đầu tắt, mặt tối“, nhưng vẫn phải sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu ăn. Người bịnh tật không nhận được qui chế giúp đỡ của nhà nước.

Một thành viên phái đoàn cho biết ông đã bị công an VN bắt giữ khảo cung nhiều lần trong chuyến thăm viếng thân nhân tại Việt Nam vừa qua mặc dù ông không thuộc một đoàn thể, tổ chức nào.

Bà Lê thị Hiền, đại diện Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do tại CHLB Đức, đã trình bày về tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam qua các nước láng giềng để làm nô lệ tình dục. Nhiều phụ nữ Việt Nam được đưa đi lao động hoặc lấy chồng ngoại quốc, nhưng khi ra ngoại quốc, họ bị đưa vào phục vụ trong các nhà chứa, ổ điếm. Một số vụ  đi lao động nước ngoài bị chèn ép, đánh đập tàn nhẫn.

Ông Trần văn Sơn, đại diện Đảng Dân Tộc tại CHLB Đức,  kêu gọi chính phủ Đức đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng những điều khoản ghi trong “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“.

Một thành viên khác trong phái đoàn đã từng có dự định về Việt Nam sinh sống hầu có thể góp sức xây dựng tổ quốc mà ông chưa từng được phục vụ. Sau nhiều chuyến tham khảo từ Bắc chí Nam, ông đã nhận thấy rằng, ước nguyện của ông không thể thực hiện được vì:
Tham nhũng phổ biến mạnh tại Việt Nam. Hối lộ cho viên chức nhà nước là điều kiện tiên quyết cho việc đầu tư vào Việt Nam. Số tiền hối lộ không thể ước đoán trước là bao nhiêu nên giá sản phẩm không thể đo lường trước được.
Công nhân không có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc đại khái, cho xong giờ. Do đó chất lượng sản phẩm yếu kém.
Luật pháp không đồng nhất, nhiều điều luật mâu thuẫn lẫn nhau. Luật pháp được áp dụng ở mỗi địa phương mỗi khác. Tài sản của tư nhân không được luật pháp bảo vệ, không được bảo đảm.
Do chính sách và quản lý yếu kém, tiền từ ngoại quốc vào Việt Nam gây tăng cao lạm phát, đời sống của người dân bình thường qua đó thấp hơn trước. Do đó đầu tư ồ ạt từ nước ngoài vào Việt Nam dưới chế độ độc tài ngày nay làm đời sống của dân bình thường thấp đi.
Theo ông, nguyên nhân của tham nhũng là Việt Nam không có dân chủ, chính quyền và quan chức không chịu kiểm soát bởi các đảng phái đối lập nên họ cấu kết, móc ngoặc với nhau biến tham nhũng thành thường lệ từ địa phương cho đến trung ương. Công nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cẩu thả cho có lệ vì họ không được hưởng quyền làm người, bị bắt bưộc làm kẻ nô lệ, chỉ biết tuân thủ lệnh của nhà nước và cấp trên. Làm trái lệnh sẽ bị bắt bớ, tù đày.
Quốc gia pháp quyền tại Việt Nam là giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề nan giải nêu trên. Chính phủ và doanh nhân Đức sẽ có một đối tác tin tưởng, những cam kết với Việt Nam sẽ được thực thi, tài sản của doanh nhân Đức đầu tư tại Việt Nam được bảo vệ. Là một đặc tính của quốc gia pháp quyền nên nhân quyền sẽ được tôn trọng nếu Việt Nam trở thành một quốc gia pháp quyền. Do đó ông đề nghị chính quyền Đức đòi hỏi nhà nước Việt Nam ký kết song phương với nước Đức về việc thi hành một quốc gia pháp quyền.

Linh Mục Antôn Đỗ Ngọc Hà trình bày về một số đàn áp Công Giáo trong thời gian vừa qua như Thái Hà, Toà Khâm Sứ, Cồn Dầu, Đồng Chiêm. Ngài đã trao cho Bộ Ngoại Giao Đức những hình ảnh linh mục và giáo dân trên tay vỏn vẹn chỉ một cây Thánh Giá nhưng vẫn hiên ngang trước một lực lượng cảnh sát vũ trang chuyên nghiệp. Khác với các nước nhân bản, nhà cầm quyền CSVN tìm mọi cách để chi phối tôn giáo như:
1- Quyết định việc phong giáo phẩm như linh mục, Giám Mục, Tổng Giám Mục Hồng Y.
2- Hoạt động tôn giáo, đặc biệt các hoạt động tôn giáo ngoài khuôn khổ nhà thờ, chùa vv… đều phải xin phép chính quyền.
Để diễn tả tình trạng tôn giáo ở Việt Nam LM Hà đã nói: „ở Việt Nam chỉ có tự do tín ngưỡng chứ không hề có tự do tôn giáo“ ( es gibt nur Glaubenfreiheit in Vietnam, keine Religionsfreiheit).
Cuối cùng LM Hà đề nghị chính quyền Đức yêu cầu nhà cầm quyền VN trả lại cho các tôn giáo đất đai, trường học, nhà thờ, chùa chiền, thánh thất vv… mà họ đã mượn hoặc tịch thu trái phép để các tôn giáo có điều kiện thực hiện các hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“  và “Công Ước Quốc Tế các Quyền Chính Trị và Dân Sự“ của Liên Hiệp Quốc.

Bà Meltmohn đặt câu hỏi: “Liệu trong tương lai nhà nước CSVN có cởi mở về phương diện nhân quyền hay không?”. Một thành viên phái đoàn đã giải thích rằng, mọi hành động của nhà nước CSVN chỉ nhằm giữ vững quyền lực thống trị của họ chứ không hề vì quyền lợi của người dân. Họ luôn luôn đàn áp những thế lực có thể làm suy yếu quyền lực của họ và chỉ nhân nhượng nếu thế giới tạo nhiều áp lực với họ. Bà Lý Thị Khiếu đã giải thích thêm, tập đoàn CSVN bảo vệ quyền lực của họ với mục đích làm giầu cho bản thân và phe nhóm mà thôi.

Các đại diện Bộ Ngoại Giao Đức ghi nhận thỉnh nguyện và đề nghị của đại diện cộng đồng người Việt dân chủ.
Được biết, trong cuộc tường trình tương tự vào tháng 10 năm 2007, phái đoàn cộng đồng người Việt đã đề nghị chính phủ Đức ký kết hiệp ước quốc gia pháp quyền với Việt Nam. Sáu tháng sau đó,  tháng 4.2008 chính quyền Đức đã ký kết với Việt Nam hiệp ước đối thoại về quốc gia pháp quyền, từ đó Đức tổ chức các Seminar về đề tài này từ Bắc tới Nam. Chương trình Seminar hàng tháng Quí Vị có thể đọc nơi trang Web: http://www.kas.de/vietnam/de/events/
Buổi tường trình kéo dài 2 tiếng và chấm dứt lúc 13:00 cùng ngày.

© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: