Posted on 15/12/2010 by Báo Dân
Dạo này, ngoài việc đi chơi và chụp hình mình chỉ còn cái thú là đọc sách, báo. Chẳng muốn viết gì cho dù chỉ là viết trên facebook, trên blog cho bạn bè đọc và bình luận. Việc viết lách ở Việt Nam dường như là một việc nguy hiểm. Với mình, độ nguy hiểm có khi được xếp ngang bằng với các công nhân mỏ.
Mới ban đầu, có thể nhiều người sẽ không đồng ý với suy nghĩ trên. Song, khi đi sâu vào những biến cố xảy ra gần đây thì quả thực, cái việc viết lách gặp rất nhiều gian truân, hứng chịu nhiều rắc rối mà từ phía bộ máy công quyền hay hoặc từ những độc giả mang lại hoặc chụp lên.
Có lẽ, cần phải nhắc đến Điếu Cày, người mà mới đây phải chịu một bản án mới sau khi đã phải ngồi 30 tháng với tội danh…trốn thuế. Anh đã ở trong rất nhiều nhà tù ở Việt Nam từ Sài Gòn đến Cà Mau, rồi sau đấy là Bình Thuận. Có rất nhiều khả năng anh sẽ phải ngồi thêm tù do bị cấu vào điều luật 88 tội “Tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Anh là người đã có tiếng nói thông qua blog Yahoo 360º để hô hào mọi người chống lại sự bành trướng, bạo quyền, bất tuân và coi thường luật pháp quốc tế về biển của Trung Quốc trong việc muốn hợp thức hóa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành những đơn vị hành chánh của tỉnh Hải Nam- Trung Quốc. Bằng ngòi bút hay bằng những hành động của một người dân Việt Nam có lương tri đứng trước cảnh từng mãnh đất thiêng liêng có thể rơi vào tay bọn cướp anh đã quả cảm gánh chịu những tai ương mà từ phía nhà cầm quyền giáng xuống cho anh cũng như cho chính gia đình hay những người thân quen của anh.
Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) Đoan Trang là những người đã bị bỏ tù từ 9-10 rồi sau đó được thả ra cũng liên quan đến việc viết blog. Đây là một bản án mà theo tôi là rất khôi hài. Họ bị bỏ tù chỉ bởi vì dám in áo trên đó có khẩu hiệu bảo vệ biển đảo, và giữ màu xanh Tây Nguyên trước thảm họa Bauxite mà có thể giáng xuống đầu người dân nước Việt bất cứ lúc nào.
Blogger, luật gia Phan Thanh Hải được biết với tên anhbasg, người cũng mới đây phải ngồi tù và có thể sẽ bị ra tòa với điều luật 88 mà tôi đã nói trên. Cũng bằng blog, anh đã nói lên tiếng nói của một người lương tri, dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tiếc thay, như một ai đó đã từng nói “Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng chỉ thích sử dụng luật rừng”.
Có thể, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức có âm mưu lật đổ chính quyền(!?). Song, có một đình rõ ràng rằng, những người đó bằng ngòi bút họ cũng đã cất lên tiếng nói dựa trên kiến thức của mình để mong mõi cho Việt Nam có được một tương lai rạng ngời. Và, họ đã bị ngồi từ từ 5-16 năm.
Cô Gái Đồ Long tức nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, người cộng tác với rất nhiều tờ báo có tiếng tại Việt Nam cũng bị bỏ tù vì đã dám “đụng chạm” đến gia đình một “ông nhớn” nào đó.
Hay mới đây, tiến sỹ luật, thạc sỹ văn chương Cù Huy Hà Vũ, con ruột của nhà thơ Cù Huy Cận cũng bị bỏ tù mà theo trên VTV là đã dám có những bài viết để chỉ rõ những thiếu sót, lỗ hỏng lớn trong luật pháp Việt Nam.
Còn rất nhiều, rất nhiều những người khác họ cũng bị bỏ tù như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiêm…họ cũng bị bỏ tù cũng vì những bài viết của họ.
Không giống những người trên, một số nhà văn/báo chính thống như Nguyễn Quang Lập(Blog Quê Choa) hay nhà báo Trương Huy San với bút danh mà chúng ta hay biết đến là Huy Đức, song anh được nổi tiếng hơn với blog Osin. Cả hai người này một người đã phải bỏ viết blog, một người đã phải khóa chức năng comment trên blog bởi vì những độc giả có những comment quá khích thiếu kiềm chế cũng như những comment “nhạy cảm” có thể phương hại đến chủ blog.
Những blog nổi tiếng như anhbasam, Osin, Trương Duy Nhất họ ít nhất một lần bị các hackers đánh sập. Đây là một hành động phải bị xem là bịt miệng tự do ngôn luận. Tôi cũng như các bạn tin chắc rằng, hackers Trung Quốc không rảnh để hacked những blog Việt Nam, cũng như chắc gì họ đã biết tiếng Việt để mà đọc những thông tin từ những blog trên mang lại? Bên cạnh đó, blog thì làm gì có tài khoản ngân hàng, hay bất cứ lợi nhuận nào để họ chiếm đoạt hòng trục lợi?
Chắc chắn cả hai người vừa nói trên họ chí ít cũng đã phải gặp PA25 cao hơn là A25 hoặc hơn thế nữa.
Vậy, việc so sánh nghề cầm bút, gõ bàn phím viết lách ở Việt Nam với độ nguy hiểm của các thợ mỏ liệu có gì là quá đáng?
Một xã hội muốn phát triển, trở nên văn minh thì xã hội đó đòi hỏi phải cho công dân được tư do tư tưởng, tự do ngôn luận. Vì rõ ràng, tất cả chân lý có được đều từ những cuộc tranh luận. Hãy xem vì sao các nước Bắc Âu như Na-Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ hoặc như Huê Kỳ lại văn minh đến thế? Vì ở những nước ấy họ thừa nhận sự tự do tư tưởng, tự do tranh luận, tự do ngôn luận. Họ đặt luật pháp lên hàng đầu. Luật pháp được làm ra không phải để bảo vệ giai cấp thống trị mà làm ra để bảo vệ Hiến Pháp.
Ta hãy thử nhìn và so sánh các nước trên với các nước kém văn minh hơn như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Laos hay một số nước độc tài ở Châu Phi thì sẽ thấy có rất nhiều sự khác biệt. Sự khác biệt không phải ở màu da, không phải ở điểm phát xuất hay khác nhau về lịch sử, văn hóa. Cái khác nhau ở đây chính là một bên được được tư do ngôn luận, tự do tư tưởng còn bên kia thì không. Tuyệt nhiên không.
Cách đây cả hơn một thế kỷ, Fukuzawa Yukichi một nhà cải cách chính trị, nhà tư tưởng của Nhựt Bổn bằng với kiến thức và quyết tâm biến đổi một đất nước đang bị tư tưởng Nho Giáo áp đặt nặng nề, khó lòng phát triển ông đã viết cuốn “Thoát Á Luận” sau khi đã bôn ba qua khắp các nước phương Tây, nhìn thấy nền văn minh của những nước này và so sánh lại với Nhựt Bổn lúc bấy giờ. Chính quyền Nhựt Bổn vào bấy giờ đã cho in hai triệu bản để bán cho người dân.
“Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người.”
Giả sử rằng, với óc thiển cận và suy nghĩ hẹp hòi lo sợ tự do ngôn luận, tự do tư tưởng sẽ làm cho người dân Nhựt Bổn bất phục tòng vương triều thì liệu nước Nhựt có được như ngày nay? Trong lịch sử Việt Nam có Nguyễn Trường Tộ cũng là một nhà cải cách, nhưng chính với sự hẹp hòi, lối suy nghĩ “chỉ vì mình” mà triều Nguyễn đã chẳng dám cải cách để có thể được bằng như Nhựt Bổn.
Hãy cho phản biện, chính quyền nên biết nghe tiếng nói của công dân cho dù đó là những lời nói khó nghe nhất. Đừng đánh đồng phản biện với phản động. Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng chính là tiền đề để có được một nền văn minh như các nước phương Tây mà với cách mà nước Nhựt Bổn đã làm được.
.
.
.
No comments:
Post a Comment