Saturday, December 11, 2010

RA MẮT "THƠ HÀ THƯỢNG NHÂN" TẠI SAN JOSE

Người Việt
Friday, December 10, 2010

SAN JOSE (NV) - Ngày 19 tháng 12 tới đây, giới cầm bút và yêu thơ văn tại San Jose sẽ đón tiếp Nhà thơ Hà Thượng Nhân và tác phẩm “Thơ Hà Thượng Nhân.”


Bìa tác phẩm ‘Thơ HÀ THƯỢNG NHÂN’

Một số người cầm bút gọi Hà Thượng Nhân là “Hà Chưởng Môn”, một số người khác tôn kính ông như một người anh lớn trong gia đình văn nghệ. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa thì ước mơ “sẽ có một ngày thơ Hà Thượng Nhân được đưa vào chương trình giáo khoa và những tác phẩm ấy sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta thêm tử tế, và trí não thêm tinh vi, phong phú”.

Hà Thượng Nhân là một tên tuổi lớn trong sinh hoạt thơ văn của Việt Nam trong hơn nửa Thế kỷ qua.

Hà Thượng Nhân tên thật là Hoàng Sĩ Trinh, sinh năm 1919 tại làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ông đến với thơ rất sớm, năm 1935, khi mới 16 tuổi, đã khiến nhiều bậc văn nghệ tiền bối lão thành tại Huế thán phục tài xuất khẩu thành thơ.
Năm 1939, ông bắt đầu sinh hoạt báo chí và từ 1945 có mặt trong hàng ngũ kháng chiến. Năm 1952, thấy rõ Cộng Sản chỉ lợi dụng danh nghĩa kháng chiến, ông quyết định về Hà Nội, đổi tên là Phạm Xuân Ninh, sống với nghề dạy học.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, gia nhập quân đội Quốc Gia với cấp bậc Đại Úy, phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, rồi trở thành giám đốc đài Tiếng Nói Quốc Gia, chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến.

Từ 1954 tới 1975, ông cộng tác với nhiều tờ báo tại Sài Gòn và là thành viên của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam; từng đại diện Trung Tâm tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Âu Châu. Ông rời quân ngũ với cấp bậc Trung Tá trước ngày 30/4/1975 nhưng vẫn bị buộc phải vào trại tù cải tạo của cộng sản cho tới năm 1983.

Năm 1990, ông cùng gia đình qua Mỹ theo diện H.O và từ đó định cư tại San José, Bắc California. Tới Mỹ đã ở tuổi ngoài 70, ông vẫn tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là không bao giờ rời xa văn nghệ, kể cho tới hiện nay, khi đã qua tuổi cửu tuần.
“Thơ Hà Thượng Nhân” do một nhóm nhà văn, nhà báo thực hiện bao gồm nhiều bài thơ của Hà Thượng Nhân và nhiều bài viết của các tác giả viết về nhà thơ tài hoa này. (ĐQ)

------------------------------

Trân trọng kính mời quý thân hữu tới tham dự buổi sinh hoạt văn học
Giới Thiệu Tác Phẩm ‘Thơ HÀ THƯỢNG NHÂN’ - với sự hiện diện của “Hà-Chưởng-Môn”
Do một số thân hữu thực hiện như một món quà gửi tặng Hà Quân
Tổ chức lúc 13 giờ 30 chiều Chúa Nhật 19-12-2010 tại trụ sở Vivo
2260 Quimby Road, San Jose, CA 95112.
Thay mặt Ban Tổ Chức
Phạm Hồng Minh-Phi – Hồng Dương – Phạm Bá Cát – Trần Phong Vũ
.
.
.
Friday, December 10, 2010

Buổi ra mắt tuyển tập:
Thơ Hà Thượng Nhân
với sự hiện diện của “Hà-Chưởng-Môn”
được tổ chức lúc 1 giờ 30 chiều
Chúa Nhật, 19 tháng 12 năm 2010 tại trụ sở VIVO
số 2260 đường Quimby Road, thành phố San Jose, CA 95112

Ban tổ chức gồm:
Cô Phạm Hoàng Minh-Phi, ái nữ tác giả;
ký giả Hồng Dương; Ông Phạm Bá Cát, nguyên hệ thống trưởng
Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia trước 1975; và nhà văn Trần Phong Vũ
Cùng một số ký giả, văn, thi, nghệ sĩ tại San Jose
Phần giới thiệu tác giả, thẩm định giá trị tác phẩm sẽ do những nhà văn, nhà thơ và các nhân sĩ, trí thức quen biết trong cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại đảm trách
.
“Chúng ta cần gom góp lại sáng tác của ông. Với ước mơ là sẽ có ngày thơ Hà Thượng Nhân được đưa vào chương trình giáo khoa. Những tác phẩm ấy sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta thêm tử tế Và trí não thêm tinh vi, phong phú.”
Ðó là đoạn kết bài viết về thi sĩ Hà Thượng Nhân của nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa trong tập “Thơ Hà Thượng Nhân” vừa được thân hữu văn thi giới của Hà Thượng Nhân in ấn và phát hành với lời giới thiệu về tác giả:

“Năm 1939, ông bắt đầu sinh hoạt báo chí và từ 1945 có mặt trong hàng ngũ kháng chiến. Năm 1952, thấy rõ cộng sản chỉ lợi dụng danh nghĩa kháng chiến, ông quyết định về Hà Nội, đổi tên là Phạm Xuân Ninh, sống với nghề dạy học. Năm 1954, ông di cư vào Nam, gia nhập quân đội Quốc Gia với cấp bậc đại úy đồng hóa, phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, rồi trở thành giám đốc đài Tiếng Nói Quốc Gia, rồi chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến... Từ năm 1954 tới 1975, ông cộng tác với nhiều tờ báo tại Saigon và là thành viên của Trung Tâm Văn Bút VN từng đại diện trung tâm tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Âu Châu. Ông rời quân ngũ với cấp bậc Trung Tá trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 nhưng vẫn bị buộc vào trại tù cải tạo cho tới năm 1983.
Năm 1990, ông cùng gia đình qua Mỹ theo diện H.O. và từ đó định cư tại San Jose, Bắc California. Tới Mỹ đã ở tuổi ngoài 70, ông vẫn tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là không bao giờ rời xa văn nghệ, kể cả cho tới hiện nay khi đã qua tuổi cửu tuần.”

Có thể nói hầu hết văn thi giới trước năm 1975, không ai là không biết đến ông và được mọi người tôn xưng thân yêu là “Hà Chưởng Môn.” Từ đâu mà thi sĩ Hà Thượng Nhân lại giành được cảm tình đặc biệt của hầu hết anh chị em trong làng văn trận bút trước năm 1975 và cả sau này ở hải ngoại như thế?

Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa: “Sự nghiêm túc của nhà Nho còn đọng lại ở nơi ông, chúng ta có thể chứng kiến ở vài ba điều. Ðó là thái độ cư xử rất chính nhân độ lượng của ông với rất đông bằng hữu, từ lúc ở quê nhà cho tới khi mọi người tủa tán ra khắp năm châu. Ðó là sự ân cần của ông với nàng Thơ và những người yêu thơ. Và là vẻ dửng dưng lãnh đạm với mọi chuyện danh lợi phù phiếm. Những điểm son ấy của nhân cách Hà Thượng Nhân có thể sẽ mai một dần, nhưng ông bất cần.”

Nhà văn Giao Chỉ (tức cựu Ðại Tá Vũ Văn Lộc): “Một người xứng đáng làm chủ tịch Văn Bút VN hải ngoại lại là người không có tác phẩm.”

Ký giả Lô Răng (tức cựu Trung Tá Phan Lạc Phúc): “Khoảng giữa năm 2010, một số anh em làm văn làm báo ở Hoa Kỳ có ý định thực hiện một tuyển tập thơ Phạm Xuân Ninh, bút danh Hà Thượng Nhân, tước danh Hà Chưởng Môn khi nhà thơ đại thụ này vừa bước qua ngưỡng cửa Cửu Tuần. Sức khỏe nhà thơ đã suy giảm, phải vào nằm bệnh viện nên anh em gấp gáp, sợ làm không kịp. Có một điều ‘tréo cẳng ngỗng’ là lão thi sĩ từng sáng tác không phải hàng ngàn mà hàng vạn bài thơ, hàng ngàn bài văn mà đến nay không có tác phẩm nào chính thức dưới tay.”

Nhà biên khảo lịch sử Minh Võ: “Sống gần anh 5 năm (trước 1975), tôi biết con người anh rất trung hậu, không xu nịnh. Còn nhớ có lần Ngô Tổng Thống gọi anh vào dinh để hỏi ý kiến chuyên môn về một chương trình của Công Giáo có nên đưa từ hệ thống C lên hệ thống A không, anh đã nói thẳng là không nên, vì làm vậy 4 tôn giáo lớn khác sẽ so bì...”

Nhà văn Văn Quang: “Hiền lành, dịu dàng, dễ thân và gần gũi với tất cả mọi người từ quan đến lính... ai cũng kính trọng anh, sự quí mến thật tình, không giả tạo.”

Nhà văn Bình Nguyên Lộc kể một câu chuyện trong một bữa tiệc vui của anh em báo chí, Hà Thượng Nhân đã xuất khẩu thành thơ một cách khá kinh ngạc trước những thách thức của anh em trong làng báo Nam Bắc.

Và còn rất nhiều các nhà văn nhà thơ, nhà báo viết về Hà Thượng Nhân trong tập “Thơ Hà Thượng Nhân” này. Tất cả đều viết rất chân tình, vừa mến mộ kính phục cái khí tiết của kẻ sĩ, vừa thán phục cái tình cảm chân chất của con người không vong thân giữa những hoàn cảnh trái ngang phức tạp.

Tập “Thơ Hà Thượng Nhân” dầy trên 300 trang khổ sách lớn, có bìa cứng. Trong 300 trang đó 187 trang là những bài thơ của Hà Thượng Nhân và thân hữu cùng sao lục lại được. Gần 200 trang thơ ấy chia làm năm mục. Thứ nhất là “Thư của Chúng Mình” gồm 8 lá thư viết cho người bạn đời bằng các thể Tứ Tuyệt Trường Thiên hay Lục Bát hay Song Thất Lục Bát. Phần thứ hai là “Hương Xưa” gồm phần lớn là thơ Ðường Luật. Phần thứ ba là “Bên Trời Lận Ðận,” nhà thơ viết cho tâm sự của mình, viết cho những người “cùng một lứa bên trời lận đận.” Phần thứ tư là những bài thơ “Viết cho Bạn.” Trong phần này nhiều bài quá xúc động như bài viết cho Võ Ðức Diên: “Ta vừa gặp nhau, buổi chiều Thứ Bẩy, đông đủ anh em, đùa vui biết mấy! Sáng Thứ Ba ngồi trong bàn giấy, được tin anh đã mất rồi...” Bài viết cho Vũ Hoàng Chương: “Gác nhỏ chập chờn lửa Túy Vương, Nhìn trăng quạnh nhớ Vũ Hoàng Chương, Mười Tư Tháng Tám, ờ hay nhỉ, Thơ hẳn vì ai cũng đoạn trường (nhại hứng bài thơ Say của Vũ Hoàng Chương) v.v...” Phần thứ năm là “Những bài thơ viết trong mục Ðàn Ngang Cung” của nhật báo Tự Do rất nổi tiếng trong suốt 10 năm trời nhà thơ giữ mục này. Mười năm trời với những vần thơ diễu thời ngạo thế, cay chua, đau đớn nhưng không thâm độc để mọi người còn nhìn thấy được nhau trong nỗi “chín bỏ làm mười.” Nói về chế độ cộng sản, nhà thơ viết: “Thứ chủ nghĩa nay rình mai rập, thứ tự do, độc lập lừa dân, Người ta giẫm dưới bàn chân,Việt Nam lại cứ ngu đần trung kiên”... Tâm sự với người cùng thế hệ, nhà thơ nhắn nhủ: “Bỗng gặp lại bạn tù thuở trước, 'Quên nước non, non nước không quên', Bốn phương thiên hạ đứng lên, Vẫn cần có mặt những tên lính già, Thế mà định sa đà ngày tháng, Ông tai tinh, mắt sáng mà ông! Thất phu hữu trách nhớ không? Tuy già nỡ để cho lòng già ư?”

Vào thời mới hồi cư ở Hà Nội (khoảng năm 1949) trên báo “Tia Sáng” nhà thơ có một bài châm biếm tật bói toán của người dân về thành đã mất niềm tự tin sau một thời gian tham gia kháng chiến. Bài thơ lục bát thật vui mà nhiều người vẫn còn nhớ đến nay. Rất tiếc không thấy đăng trong tập thơ này. Bài thơ mở đầu là: “Số cô có mẹ có cha, Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông, Số cô có vợ có chồng, đẻ con đầu lòng không gái thì trai, Số cô năm kia chạy dài (kháng chiến chống Pháp)...”

Bạn bè với nhà thơ không chỉ là những đồng tuế mà thuộc nhiều lớp tuổi. Cùng thời thì như Lam Giang, Tạ Tỵ, Hữu Loan. Dưới tuổi thì như Hoàng Song Liêm, Trần Phong Vũ, Hà Thúc Sinh... Có người là cấp trên, đồng sự, có người là thuộc cấp nhưng với Hà Thượng Nhân trong mối thâm giao thì ai cũng như ai cả để cho cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa.
Ðộc giả đứng tuổi hay nhìn về quá khứ để ngẫm nghĩ về cuộc đời thì tập “Thơ Hà Thượng Nhân” quả là nơi cho chúng ta thả mình vào những tháng ngày đã trôi qua. Ðể rồi tự hỏi xem ta còn có thể làm gì trong những ngày sắp tới.

Quí độc giả muốn có sách, sách đề “Không Bán,” có thể liên lạc với Minh Phi 2746 Agua Vista Dr, San Jose, CA 95132. Ðiện thoại (408)-506-2307 hay email: minhphipham@sbcglobal.net.
.
.
.

No comments: