Saturday, December 11, 2010

BÁO CÁO CỦA MỘT NGƯỜI VỢ LÍNH (Nguyễn Tố Thuận)

GIAO CHỈ SJ-ViệtTribune
December 03, 2010

Giao Chỉ viết theo lời cô Nguyễn Tố Thuận, Sacramento, qua điện thoại đêm 27/11/2010

Thưa cấp chỉ huy,

Em tên là Nguyễn Tố Thuận, quê An Dương, quận Phú An, thuộc tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế. Quê của gia đình em chỉ cách cửa Thuận An chừng 2 cây số.
Cuộc đời của em lần lượt làm vợ 2 ông lính, duyên nợ với nhà binh được 3 đứa con. Em vượt biển mồ côi sau chuyến di tản tháng 3 đúng vào thời gian và không gian mà anh trung úy thủy quân lục chiến Cao Xuân Huy gọi là Tháng Ba Gãy Súng ”.
Em và các con sống được ngày nay tại Hoa Kỳ là nhờ phúc đức tổ tiên, nên gia đình ngày nay cố làm chuyện từ thiện cho đời sau.

Trong một bản tin của anh Huy Phương viết cho các báo và loan trên đài TV SBTN lấy từ cuốn phim quay chuyện bốc mộ chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Dân làng em đã góp phần vớt xác lính Miền Nam hy sinh trên bãi biển gẫy súng ở cửa Thuận An. Chuyện vớt xác chôn ở bờ biển vào tháng 3-1975. Chuyện tảo mộ, chôn lại trong đất liền, xây mộ làm bia đã thực hiện xong năm 2010. Bây giờ em xin báo cáo để cấp chỉ huy biết rõ đời vợ lính di tản ra sao và trở lại tảo mộ như thế nào.

Hình lăng mộ 132 tử sĩ cải táng hoàn tất.IRCC

Năm 1974 em mới học lớp 10 thì bỏ ra đi buôn bán ở chợ Cồn, Đà Nẵng. Quê nghèo Miền Trung, gia đình không có tiền cho em đi học nhiều, chắc các cấp chỉ huy đều biết cả. Em gặp anh quân cảnh cấp bậc Trung sĩ I tên là Lê Văn Hội. Chỉ huy biết mà, em bán hàng ngoài chợ, gặp xếp quân cảnh là yên tâm rồi. Chúng em lấy nhau, sanh được cháu gái 4 tháng, bắt đầu chạy giặc. Vào tháng 3 oan nghiệt đó gia đình gồm có 2 vợ chồng, thêm đứa con gái 4 tháng, 2 cô em chồng và bà mẹ chồng xuống được xà lan trên bãi biển Đà Nẵng. Xà lan đông cả ngàn người, lính tráng đủ mọi thứ cùng với vợ con, lại có cả dân chúng. Nằm bẹp dưới sàn, tàu kéo cắt dây bỏ xà lan trôi giữa biển gần Sơn Trà. Em nói chồng đi kiếm miếng nước cho con nhỏ. Nhà em đi không rồi lại về không. Sau đó có tàu hải quân xáp lại nói là đón lính lên bờ công tác. Có lẽ thấy nhà em quân cảnh nên họ yêu cầu đi theo. Thấy chồng ngần ngại, em lại nói nhà em cứ đi với hải quân. Chắc an toàn hơn. Còn phần em với gia đình thế nào cũng được tàu Mỹ vớt. Nếu không thì cũng chẳng sao. Chỉ lo cho anh thôi. Chúng em chia tay lần đó. Đâu biết là sẽ không bao giờ gặp lại trung sĩ I quân cảnh Lê Văn Hội nữa.

Bia đá do dân làng thiết lập.IRCC

11 thẻ bài thu được.IRCC

Sau hai ngày trôi nổi trên biển, tàu hàng của Mỹ có thủy quân lục chiến Hoa Kỳ canh gác đã bốc tất cả mọi người từ xà lan lên tầu để đưa vào Cam Ranh.
Từ Cam Ranh lại qua tàu khác chở đi Vũng Tàu, đến Vũng Tàu lại có lệnh bắt đi Phú Quốc. Gần đến Phú Quốc lại có lệnh trở về Vũng Tàu. Gia đình 5 người. Bây giờ em là chủ gia đình, chỉ mới có 20 tuổi, mẹ già chồng, 2 đứa em gái chồng và đứa con gái 4 tháng. Được đưa vào trại tỵ nạn Chí Linh, Vũng Tàu cho đến khi mất Saigon. Cộng sản đuổi ra đường. Cả trại đi ăn xin. Gia đình em cũng đi ăn mày, bán nữ trang trên đường về Saigon. Về đến Saigon lại ngủ ngoài đường, tiếp tục đi ăn xin để tìm đường về Đà Nẵng. Cuối tháng 5-1975, trở về được Đà Nẵng. Bế con ra bãi biển tìm chồng không thấy. Người ta chỉ chỗ nầy có chôn xác lính Cộng Hòa, chỗ kia có mộ tập thể, nhưng không thể nào tìm cho ra vết tích anh Lê Văn Hội.

Sau này gia đình đưa nhau về Huế. Em bắt đầu tìm đường buôn bán tại Huế. Gửi con nhỏ về nội nuôi tại quê chồng. Em tìm đường sống lấy tiền gửi về nuôi mẹ chồng, nuôi em chồng và để bà nuôi cháu. Vợ lính thay chồng mất tích bươn trải nuôi cả gia đình. Thời gian sau 75 ở Huế, em cũng về thăm quê mẹ ở An Dương và được các anh em bà con chỉ chỗ lính bên ta đã chết cả trăm người trên bãi Thuận An, nơi Cao Xuân Huy gẫy súng. Cũng chính nơi đây dân làng An Dương vào tháng 3-1975 đã vớt xác quân ta và chôn chung ngay tại bãi biển.

Em nghĩ rằng, chắc chồng em, anh Lê Văn Hội cũng đã nằm yên đâu đó phía bãi biển Đà nẵng, bên kia đèo Hải Vân.

Sau 5 năm làm ăn buôn bán tại Huế, em góp được chút vốn bèn mua luôn con tàu vượt biên chở 28 người khởi hành tại Đông Hà. Em chính là chủ tàu, nhưng còn ngu dại đâu có biết tàu này chỉ là con đò ở trọ, làm sao vượt biên. Khi ra khơi, cả hai vợ chồng lái đò cũng không biết lái đường biển. Từ Đông Hà ghe quay về Thuận An để tìm cách thuê tài công. Mấy người đi biển từ chối nói rằng thuyền không bảo đảm lại sắp có giông bão. Nhưng quay lại thì chỉ có con đường vào tù. Gia đình lúc đó ra đi có đứa em gái và con gái sanh cuối năm 74 đã 5 tuổi thêm mấy đứa cháu trai từ 11 đến 20 tuổi.
Trong đó có một cháu 16 tuổi giỏi nhất, trở thành thằng lái tàu. Ngày đêm hì hục, em lái chị tát nước. Giông bão không thể tưởng tượng được. Theo người đi trước chỉ, cứ thẳng hướng Bắc sang Tàu. Vậy mà như phép lạ, con tàu nhỏ như đò sông Hương đã đưa mọi người đến đảo Hải Nam. Vào được đất liền, đổi trang sức đem theo lấy thực phẩm, dầu xăng và được dân chài sửa chữa ghe hư hỏng. Sau đó họ chỉ đường vào Hồng Kông.
Đó là năm 1980. Gia đình ở trại tỵ nạn Hồng Kông 22 tháng. Rồi được Mỹ nhận sau khi đã bị từ chối nhiều lần.

Vào Mỹ lưu lạc nhiều nơi cũng chẳng có tin tức gì về ông chồng cũ nên em lập gia đình với anh Phạm Thụy, nguyên biệt kích Việt Nam Cộng Hòa. Chúng em hiện đã có thêm 2 cháu, một trai, một gái. Con gái lớn của em cũng có tiệm nail, còn em cũng có một tiệm nail. Mẹ con sơn chân sơn tay cho thiên hạ để lập nghiệp tại Hoa Kỳ.

Cho đến một ngày.Em nhận được điện từ quê nhà ở thôn An Dương. Bà con nói là những phần mộ chôn lính Miền Nam ngày xưa ngoài bãi biển bây giờ bị bão tố vùi dập cần cấp cứu. Nếu không bốc mộ và chôn cất vào phía trong thì chẳng mấy chốc tiêu ma hết.Bà con An Dương, quận Phú An vượt biên khắp bốn phương từ Mỹ đến Canada em vẫn còn liên lạc. Quê nhà cầu cứu tài chánh để xây mộ cho lính Cộng Hòa.

Em bèn thắp 3 nén nhang khấn Trời Phật. Em theo Phật giáo, chồng em biệt kích lại theo Công giáo.
Nhưng đạo nào em cũng cầu. Em cầu ông chồng lính bây giờ yểm trợ. Em cũng cầu ông lính quân cảnh đã hy sinh phù hộ. Thắp 3 nén nhang xong là em điện thoại. Điện qua Canada. Điện lên Seattle. Mấy bà con ngày xưa đã từng vớt xác chôn lính ngoài bãi biển. Bây giờ vượt biên vẫn còn đem theo hình ảnh đau thương ngày quân ta gẫy súng trên bãi Thuận An.

Em kêu gọi bà con cứ gửi thẳng tiền về cho ban công tác tại quê nhà. Tính ra việc tảo mộ, chôn trở lại rồi xây mộ, làm bia hết $8,000 đồng. Em bay về quê thăm gia đình và xem nơi sẽ xây cất. Họp với ban tổ chức. Chẳng có chính trị chính em gì cả. Xây cất mồ mả cho thân nhân còn được. Đây toàn là lính Cộng Hòa. Coi như tất cả là anh em. Ai cũng có thân xác như anh Lê Văn Hội. Bây giờ xương cốt anh em sắp trôi ra biển. Gom được vào nằm trong đất quê hương ấm áp hơn nhiều.

Làng thôn nói rằng, chị Tố Thuận hô hào quyên góp toàn người làng gửi về được 7 ngàn. Nhu cầu công tác tính kỹ phải ít nhất 8 ngàn. Còn thiếu làm sao khởi công.
Em thưa với ban rằng, em về quê tiêu đã hết tiền rồi, các bác cứ xây đi, em về Mỹ xuất tiền bao nốt một ngàn. Dân làm nail kỳ này đang kinh tế ế ẩm. Ngồi dài gần cả ngày chưa được một bộ mấy chục bạc.

Nhưng em xin thưa với các cấp chỉ huy. Gia đình vượt biên bằng con đò sông Hương mà qua được nước Tàu rồi vào nước Mỹ. Phúc đức như thế mà lo không xong ngôi mộ lính Miền Nam chết tức tưởi ở cửa Thuận An thì đâu có xứng đáng làm vợ lính Saigon. Em nói vậy, cấp chỉ huy nghĩ coi có đúng không?

Em là Nguyễn Tố Thuận, tên thật từ khai sinh, gái Huế 2 đời chồng lính Miền Nam. Ngay khi em có được những tấm hình và 1 DVD quay phim xây mộ bèn được anh Huy Phương, cũng là người Huế cho lên đài. Có sao em nói vậy.

Nhờ anh Huy Phương phổ biến cho bà con biết để nhớ đến công của người dân thôn An Dương. Mong rằng ở nơi nào đó có thôn xóm Việt Nam cũng đã chôn cất cho anh Lê Văn Hội, mối tình đầu của cô gái Huế, chỉ học có lớp mười, bây giờ vẫn còn làm nail ở Sacramento.

Thứ Bảy này em đóng cửa tiệm nail một ngày để xuống San Jose báo cáo công tác cho bác Giao Chỉ, ở bộ Tổng Tham Mưu. Số hài cốt tìm được cải táng là 132, thẻ bài thu được là 13. Trong số này 8 thẻ bài rõ tên họ. Tuổi từ 20 đến 22, danh sách như sau.
NGUYỄN VĂN VÂN Sinh năm 1954
TIẾC DỤC Sinh năm 1955
TRẦN NGỌC ANH Sinh năm 1954
LÊ VĂN PHƯƠNG Sinh năm 1953
TRẦN VĂN ĐƯỢC Sinh năm 1954
ĐINH VĂN KIÊM Sinh năm 1943
NGÔ ĐẮC HÙNG Sinh năm 1955
NGUYỄN VĂN DỤC Sinh năm 1937
Riêng anh HỒ THÀNH BẢY có lý lịch như sau. Sinh ngày 20/1/1931 tại Phong Dinh
Cha:Hồ Văn Miên, Mẹ:Nguyễn Thị Chon. Địa chỉ:Xã Tân Bình,huyện Thủ Đức,tỉnh Gia Định.
Sau khi tin tức phổ biến, thân nhân của tử sĩ Đinh văn Khiêm đã nhận được tin và hết sức xúc động. Đã 35 năm qua anh mất tích, bây giờ em mới biết tin.

Tố Thuận, vợ lính Miền Nam ở Phú An xin báo cáo cấp chỉ huy rõ.[GC-SJ]
.
.
.
Saturday, November 27, 2010 6:11:48 PM

Hy sinh trong ngày tàn cuộc chiến
132 bộ hài cốt, 7 thẻ bài, 1 căn cước

HUẾ (NV) - Vào cuối tháng 3 năm 1975, trong khi quân đội VNCH rút khỏi Vùng I Chiến Thuật, chúng ta đã để lại trên chiến trường, nhất là ở các bãi biển Thuận An, thuộc tỉnh Thừa Thiên hàng nghìn chiến sĩ, tuy thiện chiến, nhưng cuối cùng đành phải buông súng và chết trong tức tưởi.

Lăng trong khu nghĩa trang mới, nơi cải táng 132 hài cốt tử sĩ VNCH thiệt mạng trong những ngày cuối cùng cuộc chiến, tháng 3, 1975, ở Thừa Thiên.

Tại thôn An Dương, thuộc quận Phú Vang Huế, một địa điểm chỉ cách với bờ biển Thuận An 2km về phía Nam, cuối tháng 3 năm 1975, dân chúng sau cuộc chiến đã chôn cất rất nhiều chiến sĩ của chúng ta ngay trên bãi biển. Với sự mong mỏi của đồng bào làng An Dương, nhất là những người đã tự tay chôn cất những người tử nạn, từ bao nhiêu năm nay, là làm sao để cải táng và di dời những hài cốt xiêu lạc này vào một khu đất khô ráo xa bờ biển, vì sau hơn 35 năm, nước biển đã lấn chiếm đất liền và nhất là trận bão lụt năm 1999 đã cuốn một số hài cốt ra khơi.

Cho mãi đến tháng 7 năm nay (2010), với sự trợ giúp tài chánh của đồng bào hải ngoại, Hoa Kỳ và Canada, và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đồng bào thôn An Dương đã có phương tiện di dời hài cốt của các tử sĩ từ ngoài bờ biển vào đất liền với mộ phần khang trang, có bia mộ và nhà lăng.
Trong dịp này đồng bào thôn An Dương chỉ sưu tầm được 132 bộ hài cốt gói trong poncho. Tiếc thay, trong số này chỉ có 7 thẻ bài và một căn cước của những người đã hy sinh. Căn cứ vào số quân, hầu hết các từ sĩ chết ở tuổi 20, 22 vào tháng 3 năm 1975.

Số 132 bộ hài cốt này được cải táng, mỗi hài cốt được đặt vào một quan tài riêng, loại quan tài nhỏ gọi là cách tiểu hay cái quách. Mỗi mộ phần có đánh dấu nhưng chỉ có hài cốt có thẻ bài là có tên.

Trong khu đất mới, 132 mộ phần này được chia làm 4 khu, ở giữa là lăng và bia thờ.

Hiện nay việc cải táng và xây lăng mộ đã hoàn tất tốt đẹp, đồng bào thôn An Dương có ước nguyện là tổ chức một lễ trai đàn chẩn tế cho chư vị âm linh, cô hồn trong cuộc chiến vừa qua, nhất là những tử sĩ đã bỏ mình tại bãi biển An Dương.

Người đã có tấm lòng nhân ái, vận động từ bà con, thân hữu tại hải ngoại để có đủ số tiền $8,000.00 để cải táng và xây lăng mộ là chị Tố Thuận là người sinh sống từ nhỏ tại làng An Dương, nơi có phần mộ tử sĩ và đã chứng kiến qua các biến cố tang tóc vào cuối tháng 3 năm 1075 tại Thuận An.

Chị Thuận hiện nay cư ngụ tại Sacramento, là một quả phụ VNCH. Chồng chị là anh Lê Văn Hội, một hạ sĩ quan Quân Cảnh thuộc TTHL Ðống Ða, Huế đã mất tích vào những ngày cuối cuộc chiến (tháng 3 năm 1975) tại bãi biển Ðà Nẵng.

Bia thờ trong khu nghĩa trang nơi vừa cải táng 132 tử sĩ VNCH

Chúng tôi xin gởi đến đồng bào hải ngoại danh sách 8 tử sĩ đã bỏ mình tại bãi biển Thuận An thuộc thôn An Dương, Huế vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 với hy vọng rằng có gia đình tìm được con, em, chồng hay bạn bè qua những tấm thẻ bài này.

Danh sách các quân nhân VNCH tử trận tại bãi biển Thuận An - Huế vào tháng 3-1975 (đã tìm thấy thẻ bài).

Căn cứ vào số quân trên thẻ bài, chúng tôi xin ghi lại năm sinh của các tử sĩ để gia đình dễ nhận ra thân nhân của mình.
1. Nguyễn Văn Vân sinh năm 1954 SQ:74/144-016 Loại máu O.
2. Tiếc Dục sinh năm 1955. SQ:75/145-256 Loại máu: A.
3. Trần Ngọc Anh sinh năm 1954 SQ: 74/108- 532 Loại máu: O.
4. Lê Văn Phương sinh năm 1953 SQ: 73/156-263 Loại máu : O.
5. Trần Văn Ðược sinh năm 1954 SQ: 74/164- 292 Loại máu; A+B.
6. Ðinh Văn Kiêm sinh năm 1943 SQ: 63/212-486 Loại máu: O.
7. Ngô Ðắc Hùng sinh năm 1955 SQ: 75/ 206-046 Loại máu O.
8. Nguyễn Văn Dục sinh năm 1937 SQ: 57/000-706 Loại máu: O.
9. Hồ Thành Bảy sinh ngày 20/1/1931 tại Phong Dinh.
Cha: Hồ Văn Miên; Mẹ: Nguyễn Thị Chon.
Ðịa chỉ: Xã Tân Bình, huyện Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh.

Hiện nay vì sự an toàn của quý ân nhân hiện nay đang còn ở tại quê nhà, mọi sự liên lạc, xin gọi cho chị Tố Thuận ở số (916) 273-2989 để được hướng dẫn bốc mộ nếu có thân nhân trong số có thẻ bài, cũng như để rõ thêm chi tiết, hay gọi cho Huy Phương (949) 241-0488 là người đang giữ các thẻ bài của quý vị tử sĩ.

Nếu cần biết thêm chi tiết của cuộc cải táng (có chiếu đoạn phim bốc mộ), xin theo dõi buổi buổi nói chuyện của chúng tôi với chị Tố Thuận trong chương trình Huynh Ðệ Chi Binh của đài truyền hình SBTN, vào ngày Thứ Năm 2 tháng 12 vào lúc 1:00PM và Thứ Bảy 4 tháng 12 vào lúc 10:00PM (giờ California).
.
.
.

No comments: